Bàn về “Hồng nhan” và hai chữ “bạc mệnh”

Hồng nhan là người đàn bà trời ban sắc đẹp diễm lệ, đi đôi với tâm hồn tinh tế, tài hoa khiến cho nam giới không ngớt lời ca ngợi, nhưng vì sao hồng nhan thường hay bạc mệnh…?

Mở đầu tập Chinh phụ ngâm Đặng Trần Côn viết:

Thiên địa phong trần

Hồng nhan đa truân

Du du bỉ thương hề thuỳ tạo nhân

 

Đoàn Thị Điểm dịch:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

Xanh kia thăm thẳm từng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.

 

Hồng nhan bạc mệnh đã thành thiên cổ tục ngữ.  Hồng nhan đa truân là lẽ thường tình trong vấn đề nhân sinh. Bạc mệnh là chết sớm, chết non, phận mỏng, lao đao. Đa truân nghĩa là phiêu bồng, lãng đãng.  Hồng nhan là những người đàn bà trời ban cho một sắc đẹp cực kỳ diễm lệ. Hồng nhan cũng là những người đàn bà trời ban cho một tâm hồn mẫn tiệp tài hoa thu hút nam phái.

 Sách tướng nói:  

"Tất cả những gì thái quá cũng không tốt! Sắc đẹp quá hay xấu quá đều thuộc tướng sát phu nếu chính bản thân người đó không yểu! Có thể nói khác đi cái đẹp là nguyên nhân của đa truân, còn ai đa truân bằng những danh kỹ và nếu không đẹp thì làm sao trở thành danh kỹ?

Bạc mệnh không chỉ đơn thuần là non yểu như người ta vẫn quan niệm đã thành thói quen từ lâu nay.

Người đàn bà cần có vẻ đẹp đoan trang, quý phái và rất kỵ vẻ đẹp yêu mị tiện cách. Nếu đẹp yêu mị tiện cách thì đó chính là đẹp hồng nhan bạc mệnh.  Nói đa truân, nói bạc mệnh không phải chỉ ở địa vị tầm thường như ca kỹ hay bần gia nữ mới phải gánh chịu. Một khi đã phạm tướng hồng nhan bạc mệnh rồi thì dù ở địa vị tột đỉnh cũng chẳng tài nào tránh khỏi!

Tướng do tâm sinh, tướng do tâm cải.

Tâm tướng ảnh hưởng rất nhiều đến hình tướng.”

 

 

Một cách đặt vấn đề: thuyết “Thiên mệnh” và thuyết “Tài mệnh tương đối”, thuyết “Hồng nhan bạc mệnh” cũng là một triết thuyết đã tồn tại hàng nghìn năm lịch sử và có ảnh hưởng lớn đến nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.

Cụm từ “hồng nhan bạc mệnh?”,  “Nhan” như “nhan sắc”, “dung nhan” …  là dáng mặt. “Mệnh” hay “phận” có nghĩa là số mệnh, số phận. Trong “hồng nhan bạc mệnh” người ta muốn nói lên một mâu thuẫn không thể dung hòa được giữa nhan sắc và số phận của người con gái. “Hồng” (đỏ) có nghĩa là tốt, đẹp; “bạc” (trắng), có nghĩa là xấu. “Hồng nhan” là người con gái có sắc đẹp; “bạc mệnh”, hay “bạc phận” nghĩa là có số mệnh, số phận xấu.

Hồng nhan bạc mệnh là một thực tế không chỉ xảy ra trong quá khứ mà cả trong thế giới hiện đại nữa. Đó là một thực tế thường xảy ra, chứ không phải là một quy luật. Bởi vì, quy luật là mối liên hệ bản chất, tất yếu, mà hồng nhan thì không tất yếu dẫn đến bạc phận. Có rất nhiều người đẹp nhưng không bạc phận. Do đó, việc nghiên cứu nguyên nhân của hiện tượng này giúp các bạn gái “hồng nhan” mà không phải bạc phận.

Thời nay, người phụ nữ dần dần được bình đẳng với nam giới về lao động. Họ có quyền tham gia lao động xã hội, có địa vị và có thu nhập riêng, không phụ thuộc vào người chồng. Tuy nhiên để có được khả năng này, người phụ nữ cần phải học tập để đạt một trình độ văn hóa và chuyên môn nhất định giống như nam giới. Rất nhiều cô gái biết mình không có ưu thế về mặt hình thức nên đã cố gắng học hành để bù đắp lại, hơn nữa những cô gái này cũng ít bị chi phối bởi ngoại cảnh nên có thể tập trung tâm trí vào việc học. Nhiều cô gái đẹp thường ỉ lại vào ưu thế ngoại hình của mình, đồng thời cũng bị chi phối bởi tác động bên ngoài nhiều hơn nên khó tập trung vào việc học. Vốn có sắc đẹp, nên thường phát huy hết khả năng vốn có đó để phô bày hình thức của mình. Bên cạnh đó, những người con trai cũng luôn luôn không để các cô gái đẹp được yên. Cũng muôn vàn nguyên nhân và lý do khác nhau như: thiếu khả năng làm chủ bản thân, hoàn cảnh của gia đình,…. là những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến.

Hồng nhan bạc mệnh” là một hiện tượng xã hội tuy có chứng thực trong lịch sử nhưng không phải là một quy luật, vì nó chỉ là một mối liên hệ bên ngoài, không có tính tất yếu. Do đó, các bạn gái dù có hay không có “hồng nhan” đều không có gì phải lo lắng cả. Yếu tố quyết định đối với số phận của con người là nhân cách của mỗi cá nhân chứ không phải là hình thức bên ngoài và câu: “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa” là 3 điều lợi cho sự trưởng thành, cho sự nghiệp của mỗi cá nhân.

Tin bài liên quan