Bí ẩn bùa chú cổ

Bùa chú vốn có một nguồn gốc y tế và những lớp phủ văn hóa thú vị và mang đặc trưng riêng của từng vùng.

Tuy nhiên, việc con người luôn muốn tìm một điều linh thiêng để bấu víu, nhằm giải thích cho tất cả bí ẩn trên đời nên đôi khi lại phủ lên bùa chú một tiếng xấu.

Kính trọng nhưng tránh xa

Các chiến binh Simba ở Châu Phi xưa kia nổi tiếng dũng cảm nhờ bùa chú. Bùa chú của họ là những vạch sơn có thoa nước bùa linh thiêng vẽ khắp người. Những chiến binh này tin họ được phù phép không sợ đau, không bị gươm giáo đâm nên chiến đấu rất dũng cảm. Trên thực tế, mỗi tiểu đội Simba đều có một "bác sĩ" riêng chuyên cho họ uống nước được chiết xuất từ các loại lá có tác dụng tạo sự hưng phấn. Đây chính là mấu chốt "sức mạnh bùa chú Simba" để họ chiến đấu lăn xả như những chú sư tử châu Phi không sợ chết.

Câu chuyện này có thể được dễ dàng vén màn bí mật nhưng còn vô số bùa chú khác còn đang nằm sâu trong bao nhiêu lớp bụi mờ vì sự bí hiểm của chính nó cũng như sự "kính nhi viễn chi" của người đời. Những thầy bùa thường tỏ ra vô cùng bí hiểm. Họ huơ chân múa tay, làm những động tác và hú những âm thanh khiến ai ai cũng nghĩ rằng họ đang giao tiếp với thần ma yêu quỷ. Một ai đó muốn đến xin bùa ư? Họ sẽ giữ thái độ rằng tốt nhất không nên tìm hiểu kĩ làm gì, hãy đạt được mục đích là lấy được chiếc bùa cần thiết!
 
Và với sức mạnh của một niềm tin không rõ ràng, người đến xin bùa thấy mình đã được một lực lượng cũng hoàn toàn không có gì minh bạch che chở. Mặc dù nhiều nhà khoa học, thậm chí các thầy bùa trực tiếp làm ra bùa khẳng định: Bản thân bùa chú không có sức mạnh siêu nhiên nào cả, sức mạnh thực sự của bùa chú chính là yếu tố tinh thần của người mang bùa và người bị bỏ bùa hay bị yểm bùa, tuy nhiên, còn một sự thật khác về bùa chú, một sự thật thú vị và khiến người ta phải công tâm hơn khi nghĩ về bùa chú.
 
Trong bùa có thuốc
 
Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem về mặt ngôn ngữ, bùa chú có nghĩa là gì. Bùa là một từ Việt rất cổ, người Việt thích thú từ "bùa" của cha ông hơn nên nơi này nơi kia, chỗ này chỗ nọ, họ dùng từ "bùa chú" thay vì "phù chú" (toàn âm Hán Việt). Khi đã giữ lại âm "bùa", qua thời gian sử dụng, người Việt thêm từ láy phụ âm đầu "bùa bèn", một đặc trưng tiếng Việt khiến nó ngân nga và thân thiết.
 
"Chú" là từ Hán Việt, có nghĩa là niệm, rót sức vào, những lời tốt đẹp, tha thiết nhất để đạt được một cái gì đó hoặc tống một cái gì đi. Những lời chú chứa đựng rất nhiều và rất mật, ngay cả những thầy bùa đôi khi cũng chỉ chú lại theo lời truyền đạt mà không hiểu hết được lời chú đó. Đã là chú thì phải gắn đến lời, dù cho lời đó để viết vào bùa hay là để chú bằng miệng đi chăng nữa và ngôn ngữ thường rất thuần tiếng mẹ đẻ, mang đặc trưng vùng rất cao.
 
Bùa và chú là hai từ độc lập, bùa đơn giản là những vật có thể cầm thấy, sờ thấy, tuy nhiên không dễ dàng để hiểu thấy; chú là lời, đặc biệt gắn đến âm thanh  nhằm tạo nhiều hiệu ứng của người làm bùa. Cả bùa và chú đều có một ý nghĩa y tế quan trọng đối với một khoảng thời gian trong quá khứ, nhất là trong thời kỳ giáo dục vẫn được truyền đạt theo phương thức bí truyền.
 
Do vẫn còn biết được chữ cổ nên có nhiều cơ hội tiếp xúc với các tài liệu của các cụ để lại, cũng như may mắn được trực tiếp gặp những thầy làm bùa ngay ngắn, tôi trân trọng văn hóa “bùa bèn” vì biết rằng bùa chú chính là một phương thuốc, một phương thuốc theo đúng nghĩa đen của nó.
 
Việc cố tình tỏ ra bí mật để giữ nghề và giữ sự linh thiêng của các thầy làm bùa là một trong những điều khiến bùa chú có vẻ ma mị. Quả thật, các thầy làm bùa đã làm rất tốt công việc gìn giữ bí mật đó và chỉ có rất ít tài liệu rò rỉ hoặc các nghiên cứu khoa học cho thấy họ đã dùng những vị thuốc nhất định để làm một bùa chú nào đó.
 
Việc uống nước rau ngót để tống thai lưu mà các sản phụ vẫn làm bây giờ, xưa kia được các thầy coi như một loại bùa. Nước rau ngót cùng với những lời chú miệng được cho là sẽ có hiệu quả về mặt âm thanh cũng như tinh thần tác động đến sản phụ, thai lưu sẽ nhanh chóng ra hết. Tuy nhiên sau này nó được biết đến như một phương thuốc dân gian hiệu quả mà không mang lại tác dụng phụ gì hết.
 
Một người cảm thấy trong lòng luôn lo lắng hồi hộp, tim đập mạnh, tìm đến thầy pháp sư, có thể sẽ nhận những túi bùa và lời dặn dò rằng phải giữ gìn cẩn thận, tuyệt nhiên không được cho ai động vào kẻo mất thiêng, thường có những thứ thuốc công hiệu ở bên trong, hoặc một loại nước, dạng bột nào đó được thầy bùa cho uống trực tiếp.
 
Khi thì thầy cho bùa uống, khi thì cho bùa đeo và dặn dò những chỗ đeo thậm chí có phần tế nhị khiến bùa chú càng trở nên bí hiểm, khi thì đeo bên hông, khi thì trên cổ, lúc dưới bẹn. Đó không phải là một thủ thuật của thầy bùa mà đơn giản là đeo ở chỗ đó, thuốc sẽ có tác dụng nhất, giống như một người hay bị cảm thì thầy bùa cho một chiếc bùa bằng bạc mà thôi.
 
Thầy bùa không bao giờ quên bước thứ hai trong công việc của mình, chú, những lời chú đầy màu sắc bí ẩn, được thốt lên một cách kì quái mà các nhà khoa học cho rằng có tần âm thanh có tác động đến não, giống như liệu pháp chữa bệnh bằng âm nhạc của các nhà khoa học hiện đại.
 
Tìm hiểu bùa sẽ hiểu được y tế một thời
 
Như đã nói ở trên, bùa chú mang đặc tính thuần địa phương, mang rất đậm bản sắc của một vùng miền, cả về mặt ngôn ngữ và văn hóa cũng như các phương thuốc dùng cho nó nên từ bùa chú có thể biết được rằng khi xưa, các thầy bùa đã dùng thuốc thế nào, bệnh gì khó chữa, bệnh nào chỉ là thuần do tâm lý gây nên, họ đã trải qua những thời kì khí hậu ra sao, văn hóa thay đổi thế nào theo lịch sử bùa chú. Từ mối quan tâm nhiều trân trọng này, chúng ta sẽ công tâm hơn khi phán xét những người được gọi là thầy bùa, những người đã từng rất được trọng vọng vào thời bùa chú còn thịnh vượng, những người cũng từng được biết đến như "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý".
 
Cụ Phí Công Hùng ở làng Hoài Đức, Hà Tây xưa kia, nếu còn sống giờ cũng đã trăm tuổi, nổi tiếng là một thầy bùa vừa có đạo vừa có đức. Ông giỏi cả thiên văn, tường về văn hóa, viết thư pháp vào hàng siêu đẳng và quan trọng là ông chủ chương không bao giờ làm bùa hại người. Nhìn cách ông nhận sự cảm ơn của người dân cũng đủ thấy trong ông là một thầy thuốc luôn lấy việc cứu người làm trọng. Ông là một mẫu thầy bùa hiếm có còn lại ngày nay tại các vùng đồng bằng, còn cho thấy rằng thầy bùa ngày xưa là cả một kho kiến thức của một vùng đất, là bậc cao nhân để có bất cứ việc lớn gì trong làng, họ cũng được hỏi ý kiến một cách trân trọng.
 
Dù sao thì các thầy bùa là những người giỏi nhất trong việc giữ gìn bí mật và cho đến tận bây giờ, nhiều nơi vẫn coi bùa chú là tà thuật. Khi nền y học cổ truyền phát triển hơn, bùa chú cũng bớt đi phần nào vai trò của mình trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng mọi bí ẩn của bùa chú đã được giải mã. Sức mạnh mang tính tôn giáo của nó vẫn còn tồn tại rất mạnh mẽ và nếu tìm hiểu bùa chú với tất cả sự ngay ngắn và tôn trọng, có thể tìm thấy bí ẩn y tế của một thời, những điều đến giờ vẫn có thể áp dụng và cả những lớp lang văn hóa mang đặc tính vùng nói riêng và đặc tính bùa chú nói chung.
 
TS. Cung Khắc Lược

Tin bài liên quan