Cao Biền và địa linh dân tộc

Truyền thuyết kể lại: Cao Biền là phủ thủy cao tay của Trung Quốc. Mỗi lần trời nổi giông gió, sấm chớp là Cao Biền lại cưỡi kỳ lân bay sang nước ta và các vùng đất bên ngoài nước Trung Hoa. Theo các đạo sĩ, khi có gió bão lớn “rồng đất” sẽ thức dậy lộ ra. Linh khí của đất hiện lên để ứng hợp với sức mạnh của trời. Cao Biền bay lượn trên cao nhìn xuống phát hiện ra vùng đất nào có “long mạch” để yểm bùa xuống.

Trong chính sử của người Việt viết về Cao Biền (Đại Việt Sử ký toàn thư, Tập 1, NXBKHXH năm 1993):

Cao Biền tự là Thiên Lý, cháu của Nam Bình Quận vương Cao Sùng Văn dưới thời vua Đường. Thuở nhỏ, Cao Biền học giỏi, chăm chú luyện kiếm bắn cung. Cao Biền có tài bắn cung xuyên đôi ngỗng đang bay trên trời, được người đời coi là bậc kỳ tài.

Cao Biền được cử làm Tiết Độ sứ Giao Châu (tên gọi của nước ta lúc bấy giờ) thay cho Trương Nhân bị mất chức vì không dẹp được trộm cướp ở khu vực này. Sau khi đã bình định xong Giao Châu, Cao Biền cho xây thành Đại La để tập trung quyền lực về một mối.

Theo Việt sử lược: Thành Đại La được xây dựng vào Thể kỷ thứ 7 có tên là Tống Bình. Vua Mục Tông nhà Đường dùng Nguyên Hỷ làm quan đô hộ. Nguyên Hỷ thấy cửa thành có dòng nước ngược sợ dân ở thành có ý đồ phản nghịch liền sai thầy bói gieo một quẻ. Thầy bói nói rằng: Sức ông không đủ bồi đắp thành lớn. 50 năm sau sẽ có một người họ Cao đóng đô tại đây và xây dựng Vương phủ.

Quả đúng thế, tới vua Đường Y Tôn (841-873), Cao Biền được cử sang đất Việt làm Tiết độ sứ. Cao Biền vốn là một ngừơi rất giỏi, đa hiệu: vừa là Tướng, vừa là Đạo sĩ, vừa là Phủ thủy, lại vừa là nhà Phong thủy có tài. La Thành được Cao Biền sửa chữa, chỉnh đốn vào những năm 866, 867, 868.

Một số tài liệu khác lại cho hay, Cao Biền là người nghiêm khắc, lạm dụng hình phạt, lạm sát cả người vô tội. Năm 879, quân đội của Hoàng Sào từ bờ nam sông Hoàng Hà tiến về phía tây, triều đình nhà Đường điều Cao Biền đến làm Hải Quân tiết độ sứ (ở Trấn Giang, Giang Tô ngày nay). Quân Hoàng Sào ngày càng hung hãn khiến Cao Biền khiếp sợ. Khi Quân Hoàng Sào tiến vào Trường An, Đường Hi Tông khẩn cấp điều Cao Biền đem quân cứu giá, nhưng Cao Biền không tuân lệnh của vua Đường, dù đang có binh lực trên 100.000 mà lại cát cứ một phương. Năm Trung Hòa thứ hai (882), nhà Đường bãi miễn Cao Biền.

Về già, Cao Biền tin vào phép thuật thần tiên, trọng dụng thuật sĩ hòng làm lòng người ly tán, tướng cai quản Hoài – Nam là Tất Sư Đạc rất lo sợ. Năm Trung Hòa thứ năm (885), Cao Biền tạo phản. Năm Quang Khải thứ ba (887), Cao Biền bị bắt làm tù nhân và bị giết.

Nếu như Cao Biền thật sự có sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn đối với vùng đất Giao Châu, thì có lẽ nhà sử học Lê Văn Hưu (sử gia biên sọan Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ Đế (207-136 tr,CN) đến Lý Chiêu Hoàng (1224-1225) trong phần ngoại kỷ của Bộ sử Đại Việt Sử ký toàn thư sẽ dành cho Cao Biền nhiều trang viết hơn thế. Cao Biền trong sử sách ghi lại một cách chính thống chỉ là một viên tướng có tài thao lược, và có công trong xây dựng La Thành (Thành Đại La hiện nay). Ngoài ra, không một dòng nào nói về ma thuật của Cao Biền.

Đến đây chúng ta có thể khẳng định: Cao Biền là nhân vật có thật, được ghi chép trong lịch sử như một vị tướng có tài, nhưng không có dòng nào chép về khả năng pháp thuật của Cao Biền.

Vậy thì tại sao một nhân vật không mấy tên tuổi trong lịch sử Trung Hoa như Cao Biền, lại có thể “ghi danh” ở Giao Châu như một viên phù thủy có khả năng “trấn yểm” long mạch của cả vùng đất này? Phải chăng những truyền thuyết về Cao Biền trong dân gian chỉ đơn thuần là tấm gương phản ánh một cách mơ hồ những câu chuyện về Đạo giáo bắt đầu xuất hiện ở nước ta thời bấy giờ? Mà có lẽ, nguyên do của những câu chuyện đó lại là khẳng định sự linh nghiệm của vùng đất địa linh nhân kiệt hơn là khẳng định khả năng phù thủy của ông ta.

Cho dù thời kỳ Giao Châu cách chúng ta hàng nghìn năm mông muội với phép thuật, khả năng bùa chú, thì tinh thần quật cường và lòng tự hào về dân tộc của một đất nước bị chiếm đóng vẫn được thể hiện qua các truyền thuyết. Cao Biền là thầy phù thủy giỏi, nhưng vẫn không thể trấn yểm được linh khí nước Nam. Cao Biền xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ IX, nghĩa là chỉ mấy chục năm sau là thời điểm Ngô Quyền xuất hiện, giành lại nước Nam.

Khi ấy, dù người Việt đã bị đồng hóa đến tận máu tủy trong nhiều đời với người phương Bắc, nhưng linh khí nước Nam chảy dưới mạch đất, nước vẫn ngày đêm tích tụ chờ ngày phát lộ.

Đó chính là điều mà Cao Biền hoảng sợ. Biền dồn mọi công sức trấn yểm nước Nam nhằm phá vỡ những long mạch trên.

Trong bảo tàng tỉnh Hà Tây còn lưu lại một tấm bản đồ cổ được cho rằng đó là tấm bản đồ đánh dấu những vùng đất trên tỉnh Hà Tây bị Cao Biền yểm mạch. Nhưng đây là tấm bản đồ không có nguồn gốc rõ ràng và sự xuất hiện của nó chỉ là cái cớ cho các nho sĩ vùng Sơn Tây “tôn vinh” khí thiêng của mảnh đất nơi mình sinh ra. ..

Những truyền thuyết về Cao Biền yểm bùa vào long mạch, khiến cho xứ Giao Châu không còn có thể sinh ra những kiệt nhân dựng cờ làm vua chống lại triều đình nhà Đường là một câu chuyện phức tạp hơn ý nghĩa “ma quái” của nó. Có hai lý do cơ bản khiến Cao Biền tổ chức những cuộc tế lễ mà người dân Giao Châu coi đó là “lễ yểm bùa long mạch”.

Lý do thứ nhất khá đơn giản. Người Á Đông nói chung và dân tộc Trung Hoa nói riêng rất coi trọng phong thủy khi xây nhà. Thuật phong thủy có thể giải thích được bằng khoa học vì đó là cách tìm hiểu sự xuất hiện của hướng gió, mạch nước ngầm, hay mỏ kim loại ở mảnh đất định xây cất… Khi xây một tòa thành lớn ảnh hưởng sự sống còn của cả một đô thị, những cuộc tế lễ để xây thành là điều tất yếu xảy ra.

Hơn nữa, Giao Châu đối với Cao Biền là một vùng đất xa lạ, có nhiều địa khí linh thiêng chưa thể trấn áp được. Cao Biền và các quân sĩ phải làm tế lễ những vị thần bảo hộ mình, đồng thời tỏ ý “giương oai nhiễu võ” với các vị thần phương Nam để có thể sống yên ổn. Chúng ta chưa thể có những chứng cứ xác thực nhằm chứng minh đồ tế lễ phát hiện dưới lòng sông Tô Lịch là của Cao Biền, nhưng đây là giả thuyết gần nhất với những kết quả có được.

Nên nhớ, vào thời điểm ngàn năm phương Bắc đô hộ, dân ta chẳng khác gì một bộ tộc “man di”. Trình độ xã hội thấp, điều kiện sống khổ sở cùng với sự ám ảnh kinh hoàng trước những thuật sĩ từ Trung Hoa sang khiến cho sự thật và sự dối trá bị che phủ bởi một màn sương dầy đặc. Trong bối cảnh đó, Cao Biền đã nhanh chóng nắm lấy tâm lý lệ thuộc này.

Cao Biền vừa phao tin vừa tổ chức làm những cuộc tế lễ lớn để “yểm bùa” vào long mạch? Có thể lắm chứ! Tất cả những buổi tế lễ đó cũng có thể đánh vào đòn tâm lý của nhân dân ta, rằng nếu có một anh hùng sinh ra trên mảnh đất Giao Châu thì người anh hùng đó sẽ mất hết ý chí đối địch với Trung Hoa. Thậm chí, ngay cả khi vị anh hùng đó vẫn giữ được ý chí của mình thì sẽ khó lòng thu được nhân tâm về một mối, bởi mối hoang mang của họ về sức mạnh ma thuật phương Bắc quá lớn. Đó là lý do thứ hai.

Còn một nguyên do nữa, sâu xa hơn mà cũng mơ hồ hơn, đó là Cao Biền trấn yểm các Long mạch, các huyệt phát Đế vương của đất Việt. Nhưng có thể do Cao Biền có sự sai lầm về tọa độ, hay khả năng phép thuật có hạn nên đã không thể trấn yểm được Giao Châu. Bằng chứng là chỉ thời gian ngắn sau này nước Việt đã giành lại được độc lập. Một dải Long mạch bị Cao Biền trấn yểm nhưng vẫn phát sinh những vùng đất Địa linh nhân kiệt như chùa Dâu, núi Yên Tử, đền Kiếp Bạc…

Chưa hết, con sông Tô Lịch vẫn tồn tại, dù ngày nay nó chỉ còn bóng dáng của một mương nhỏ ở Hà Nội. Trải qua hàng nghìn năm, con sông ngày càng nhỏ lại. Và hiện nay sông Tô Lịch chỉ chảy từ khu vực phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Một nguyên nhân nữa đã phá hoại sự linh thiêng của Long mạch là việc san lấp của người Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Người Pháp đã cho lấp mất sông Tô Lịch khi xây dựng thành phố Hà Nội, nơi đổ ra sông Hồng. Nay là các phố Hàng Buồm, Hàng Bạc, Cầu Gỗ… Trước kia nó chảy ra sông Hồng ở cửa Hà khẩu, nay bị chặn từ khúc Thụy Khuê. Và hiện nay sông Tô Lịch chỉ chảy từ khu vực phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Cũng ngay sau những cuộc yểm long mạch đó, từ xứ Đường Lâm, Sơn Tây – nơi được coi bị Cao Biển yểm bùa nhiều nhất đã xuất hiện một vị vua oai dũng hơn người. Đó chính là Ngô Quyền. Sau đó từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê… cho đến ngày nay, tinh anh nước Việt luôn tỏa ngời.

Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán

Rõ ràng, chúng ta là một dân tộc được ưu đãi về Địa linh về Sinh khí. Trải qua hàng nghìn năm phong kiến Trung Hoa, trăm năm giặc Ngoại xâm, Địa linh nước Việt vẫn không suy chuyển. Lớp người tài sau nối lớp người tài trước, tạo thành một sợi Sinh khí xuyên suốt và thống nhất hàng nghìn đời. Lẽ ra, vào thời điểm này, tức là lùi xa thời điểm Cao Biền xây dựng La Thành hơn nghìn năm, những cư dân của thế kỷ hiện đại, của công nghệ số và thế giới ảo phải tự hào nhiều hơn về chính bản thân mình, nơi trong mỗi dòng huyết quản chảy đều có tinh túy của Sinh khí anh hùng.

Câu chuyện “yểm bùa” của Cao Biền theo một nhận định khác cũng là tôn vinh vùng đất Địa linh nhân kiệt Thăng Long. Vùng mà vua Lý Thái Tổ tinh tường đã chọn làm kinh đô mới, đổi tên thành Đại La là Thăng Long, chọn thần Long Đỗ (vị thần khiến Cao Biền khiếp sợ) thành Thành Hoàng của Thăng Long. Và, tất cả truyền thuyết về sức mạnh của Cao Biền có lẽ cũng chỉ gói gọn trong thành ngữ của ông cha ta “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” dành cho những người nào sức yếu, tay chẩn run rẩy.

Xuân Nam

Tin bài liên quan