Đạo Mẫu và tục hầu đồng ở Việt Nam

Từ thuở lập quốc đến nay, dân tộc Việt vẫn coi mình là con rồng cháu tiên, với người mẹ có công sinh thành là Âu Cơ. Trải qua quá trình bồi đắp về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, người Việt và một số tộc người khác hình thành nên tục thờ Nữ thần, thờ Mẫu và Tam phủ - Tứ phủ (gọi là Đạo Mẫu). Đạo Mẫu, từ bao đời nay là tín ngưỡng riêng của người Việt, có vai trò, vị trí đặc biệt, đáp ứng nhu cầu, khát vọng trong đời sống thường nhật của một dân tộc sinh ra và phát triển trong nền văn minh lúa nước. Đạo Mẫu, về nghi lễ, thờ các vị Thánh và Thánh Mẫu, được sinh ra từ ước vọng của nhân dân, mong cho mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Về nghệ thuật dân gian, đây là hình thức diễn xướng trong văn hóa tâm linh.

Các Thánh và Thánh Mẫu, có thể là Thiên thần, cũng có khi là Nhân thần hình thành từ trí tưởng tượng của người dân. Nhân thần là người có thật trong lịch sử, có công đánh giặc giữ nước, hoặc dạy dân dệt vải, tằm tang, làm muối, nghề mộc, làm bánh, ca công... Hiếm thấy dân tộc nào mà vai trò, vị trí của các Mẫu (Mẹ) lại dày dặn, rõ ràng và quan trọng như ở dân tộc Việt. Trong vốn huyền thoại và truyền thuyết của dân tộc Việt, các vị nữ thần gắn với sự kiến tạo vũ trụ, các yếu tố bản thể của vũ trụ: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ đều thể hiện là các bà: bà Kim, bà Mộc, bà Thủy, bà Hỏa... Các Mẹ là những người sản sinh ra những giá trị văn hóa: Mẹ Lúa, Mẹ Mía, Mẹ Lửa và các Mẹ là Tổ sư của các nghề thủ công, mĩ nghệ... Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhiều phụ nữ cũng ra trận, trở thành anh hùng: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, nữ tướng Bùi Thị Xuân... Các vị này được nhân dân tôn làm Thần, Thánh, được triều đình sắc phong “Thượng đẳng thần”, được nhân dân tôn làm Thành hoàng của nhiều làng... Riêng Liễu Hạnh công chúa được tôn làm Thánh Mẫu, là Mẫu nghi thiên hạ, một trong “Tứ bất tử” của đất nước Việt Nam gồm: Tản Viên Sơn thần, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh công chúa (Mẫu Liễu). Như vậy, Đạo Mẫu là kết tinh của những giá trị văn hóa, xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất; đánh đuổi ngoại xâm của cả dân tộc, được bồi đắp qua suốt quá trình lịch sử.

Mẫu Tam phủ - Tứ phủ chứa đựng tư duy biểu kiến của người Việt về vũ trụ ở dạng nguyên sơ, thống nhất chia làm 4 miền, do 4 vị Thánh Mẫu cai quản: Mẫu Thượng Thiên cai quản miền Trời, Mẫu Thượng ngàn cai quản vùng đồi núi, Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu) cai quản miền đồng bằng, Mẫu Thoải cai quản miền sông nước. Tam tòa Thánh Mẫu gồm: Mẫu Đệ nhất Thượng Thiên, Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, Mẫu Đệ tam Thoải phủ. Bên cạnh các Mẫu là các quan: Tôn quân thần Triều, Thái sư nhất phẩm, quan Đệ nhất, quan Đệ nhị, quan Đệ tam, quan Đệ tứ, quan lớn Tuần Tranh, quan Hoàng triều. Các đức chúa có: chúa Ba, chúa Thác Bà, chúa Bắc Lệ, chúa Mười Đồng Mỏ... Rồi các đức ông: Hoàng Cả, Hoàng Ba, Hoàng Bẩy, Hoàng Mười. Bên dưới có các cô: cô Đệ nhất, cô Đôi Thượng, cô Đôi Thoải, cô Năm suối, cô Sáu lục cung, cô Tám đồi chè, cô Chín, cô Mười, cô Bé. Các cậu gồm: cậu Hoàng cả, cậu Hoàng đôi, cậu Hoàng ba, cậu Hoàng bé. Điều này có thể chứng minh rằng, tuy hình thành từ trí tưởng tượng và tâm linh của cư dân nông nghiệp, nhưng về cấu trúc tổ chức thì khá chặt chẽ, đòi hỏi những người theo Đạo Mẫu phải thành thạo, mang tính chuyên nghiệp cao.

Về diễn xướng, bất cứ ai nếu có căn đồng (theo quan niệm) đều có thể nhập đồng và biểu diễn các giá đồng, gồm 36 giá. Mỗi giá đồng thể hiện một nhân vật cụ thể, với tên tuổi và tính cách khác nhau. Ví dụ: giá bà chúa Bắc Lệ phải khác với Mười Đồng Mỏ; giá các đức ông thì phải oai phong, lẫm liệt, múa kiếm, bắn cung; giá các cô bé thì phải điệu đàng, duyên dáng; giá các cậu thì nhí nhảnh, nghịch ngợm... Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng múa các điệu theo tính cách của từng giá đồng, còn ở dưới cung văn tấu lên theo làn điệu chầu văn, lời ca mô tả nhân vật của giá đồng, tả quang cảnh nhân vật xuất hiện, kể sự tích và công đức của các Thánh. Nghi lễ hát lên đồng được chia ra các phần: Mời Thánh nhập; kể sự tích, công đức; xin Thánh phù hộ và đưa tiễn. Do đó, cuối mỗi giá đồng, cung văn đều tấu câu “Xe loan Thánh giá hồi cung”. Ban nhạc chầu văn thường có các nhạc cụ: đàn nguyệt, trống ban (trống con), nhị, sáo, phách, thanh la... Đặc biệt, giai điệu và tiếng hát chầu văn lảnh lót, mê đắm lòng người. Toàn bộ phần diễn xướng khiến người xem như lạc vào thế giới siêu nhiên của các vị Thánh.

Rõ ràng, lên đồng, hát văn là phần không thể thiếu của một tín ngưỡng tâm linh, thuộc về dân tộc Việt Nam, mà chan hòa trong đó là những giá trị văn hóa, đạo đức, tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày xuân, người người đi lễ chùa, thắp hương ở các đình, đền thường được thưởng ngoạn nét độc đáo của loại hình văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh này, ra về sẽ thấy lòng thư thái. Ở nhiều di tích lịch sử, văn hóa, hầu đồng là hoạt động không thể thiếu trong những ngày hội, ngày kị, như ở đền Mẫu Đồng Đăng; đền Sòng Thanh Hóa; hoặc phủ Tây hồ thường tổ chức lên đồng và hát văn vào rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu)... Xét về văn hóa, thì đây là di sản cần được bảo tồn, tôn vinh.

Tin bài liên quan