Lễ cúng táo quân và tỉa chân hương cho bát nhang

1. Phong tục cúng Táo Quân:

Người Việt Nam quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này là do văn hóa và lệ từ xa xưa truyền lại.

Lễ cúng tiễn đưa Ông Táo chầu Trời được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm hoặc sáng sớm ngày 23 tháng chạp, vì đầu ngày 23 tháng Chạp Ông Táo đã chầu Trời, nếu để sang ngày 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa Ông Táo về Trời, e rằng Ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ. Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.

2. Nguồn gốc:

Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người việt chuyển hóa sự tích hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi chuyện tốt xấu của mọi người, nên để cho vua bếp phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp được nhiều điều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng.

3. Ý Nghĩa:

Ông táo (Táo quân hay Thổ Công) là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc. Ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao...thả. Bởi ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công. 4. Lễ cúng ông Táo: Mũ ông công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấỵ. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông công thay đổi hàng năm theo ngũ hành:

+ Năm hành kim thì dùng màu vàng

+ Năm hành mộc thì dùng màu trắng

+ Năm hành thủy thì dùng màu xanh

+ Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ (năm 2017 hành hoả)

+ Năm hành thổ thì dùng màu đen

Sau khi làm xong lễ cúng, thì người ta thường đốt "vàng mã" cùng với bài vị cũ và lập bài vị mới cho Táo Quân. Riêng đối với gia đình có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ.

Theo quan niệm người Việt, để Táo quân có phương tiện về trời, miền Bắc còn cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước với ngụ ý “cá hóa long” nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông táo về trời. Con cá chép này sau đó sẽ được “phóng sinh” (thả ra ao, hồ hay sông).


 

Tỉa chân hương là lau dọn bát hương

Bát nhang là một vật linh thiêng dùng thờ cúng trong gia đình, là biểu hiện Tâm linh trên ban thờ. Đó là nơi mỗi khi thắp hương tưởng niệm, cầu cúng hướng tới tổ tiên, các vị thần linh hay gửi lòng thành kính vào cõi vô hình rồi chủ nhân cắm nén hương vừa đốt vào.

Thông thường, có 3 loại bát hương.

Thờ Phật: Cầu mong sự bình an thanh thản đến với gia đình, giải thoát tai ương.

Thờ Thần: Thờ thổ công, long mạch, thần tài, tiền chủ những vị cai quản mảnh đất mình cư ngụ, cầu giúp gia đình ăn ở yên ổn.

Thờ gia tiên: Thờ những người đã khuất trong gia đình hoặc dòng họ.

Sau một thời gian thắp nhang, bát hương thường đầy. Một số người cho rằng, bát hương càng đầy thì càng linh. Tuy nhiên, quan niệm này cũng chỉ là suy đoán, bởi bát hương đầy thì nguy cơ gây hỏa hoạn là có thể xảy ra. Do đó, mỗi năm ít nhất 1 lần, các gia đình thường phải rút tỉa chân nhang.

Thông thường, việc tỉa rút chân hương (nhang) được các gia đình thực hiện sau lễ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp. Đây là thời điểm dân gian thường quét dọn bàn thờ, lau chùi đồ thờ cúng để ban thờ được sạch sẽ, gọn gàng và nghiêm trang đón năm mới.

Theo các chuyên gia, lau dọn bát hương thì cố gắng không làm xê dịch, không xoay hoặc sai vị trí của bát hương. Nếu vì lý do bất khả kháng thì sau khi lau dọn xong phải thành tâm sám hối và đặt lại đúng như trước.

Thông thường, sẽ để lại 3, 5, 7 hoặc 9 chân hương trong bát hương. Số còn lại sẽ được mang đi hóa thành tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây. Cần lưu ý, tuyệt đối không được vứt chân hương hoặc các đồ thờ cúng khác vào thùng rác hoặc các nơi ô uế.

Khấn xong thì có thể tiến hành lau dọn ngay, khi lau dọn phải chọn khăn mới, chổi mới (hoặc khăn lau, chổi quét chuyên dùng), lau dọn bằng nước sạch, khăn sạch, chổi sạch…

Gia chủ phải đặt bát hương nơi bàn thờ sạch sẽ, không nên để uế tạp. Mỗi khi sắp xếp lại ban thờ (thường vào 23 và 30 tháng Chạp) phải khấn vái, xin phép và chỉ được di chuyển bình hoa, chén nước, đỉnh đồng, đèn,… còn bát nhang, bài vị đã định vị thì không được xê dịch.

Khi lau dọn bát nhang, bài vị, ban thờ… phải lấy tay giữ không cho xoay rồi lấy khăn sạch, ẩm, phun rượu cho pha gừng giã nhỏ, nước hoa lau cho sạch. Quan điểm không để động bát hương chỉ phù hợp với từng nơi, có nhiều nơi vẫn bê bát hương xuống lau chùi bình thường.

Tin bài liên quan