Lễ hội đền Bạch Mã một tứ trấn của Thăng Long

Hỏi về chùa ở Thăng Long - Hà Nội, rằngngôi chùa nào cổ nhất, thì câu trả lời là:chùa Trấn Quốc (ở hồ Tây) với tên gọi lúc ban đầu (thời Lý Nam Đế, thế kỷ thứ VI) là Khai Quốc, và tên gọi thứ hai (ở thế kỷ thứ XV,thời vua Lê Thái Tông) là An Quốc.

Còn hỏi về đền ở Thăng Long - Hà Nội, rằng ngôi đền nào cổ nhất, thì câu trả lời là:Đền Bạch Mã (ở phố Hàng Buồm), đền Ngựa Trắng (Bạch Mã).

Đền Bạch Mã trấn giữ phía đông thành Thăng Long, thờ thần Long Đỗ, người đã có công giúp Vua Lý Thái Tổ xây thành Đại La. Theo truyền thuyết và thần phả, vào năm 1010, Vua Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long và muốn mở rộng thành Đại La. Vua cho đắp thành nhưng hễ đắp lên lại bị sụp đổ, liền cho người đi hỏi dân chúng trong vùng mới biết ở đất này có hiển linh từ trước. Vua bèn sai biện lễ cầu đảo.

Đêm ấy, vua nằm mộng gặp thần Long Đỗ tới chúc mừng và dặn nhà vua rằng cứ theo dấu vó ngựa mà đắp thành, tất sẽ thành công. Sau đó, vua nhìn thấy một con ngựa trắng phi thẳng vào đền rồi biến mất. Sáng hôm sau, nhà vua thấy có dấu chân ngựa in trên mặt đất thành đường vòng tròn, bèn sai người cứ theo đó mà xây thành, đắp lũy. Thành sau khi  xây xong rất chắc chắn, vững chãi. Biết ơn thần, nhà vua cho tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần là “Thăng Long Thành hoàng Đại vương”.

Lễ hội đền Bạch Mã  diễn ra trong hai ngày, từ ngày 12 đến 13 tháng Hai âm lịch hàng năm để tưởng nhớ đến công ơn của thần Long Đỗ.

Ngày 12/02: (Chính hội)

Từ sáng sớm, đội rước kiệu khởi hành từ đền Mã Mây đi qua các tuyến phố lớn để về đền Bạch Mã. Đi đầu là đội múa rồng, sư tử; tiếp đến là đội cờ, trống chiêng, sinh tiền, đánh bồng, bát âm; đội kiệu lễ vật và đội kiệu bát cống đền Bạch Mã với đầy đủ tàn, tán, lọng; đội tế nam quan; dâng hương nữ. Trong đoàn rước còn có mục đồng và mô hình trâu với kích thước bằng trâu thật để làm lễ tiến Xuân Ngưu.

 Lễ hội được khai mạc bằng lễ cáo thỉnh do cụ Từ (người trông đền) thực hiện. Tiếp theo, đội tế nam đền Bạch Mã làm lễ tế Thánh. Sau lễ tế, mô hình trâu sẽ được rước từ đền đến bờ sông Hồng để làm lễ “hóa” tiến Xuân Ngưu, một nghi thức quan trọng của hội đền Bạch Mã. Đến chiều, đội tế nữ của đền Bạch Mã dâng hương lễ Thánh. Sau đó, nhân dân cùng du khách thập phương vào lễ Thánh.

Ngày 13/02:

Buổi sáng, các cụ ông trong trang phục truyền thống của đội tế nam đền Bạch mã làm lễ tế Thánh. Buổi chiều, các đội tế nam và dâng hương nữ của các làng lân cận vào lễ Thánh. Kết thúc là lễ tế giã hội của đội tế nam đền Bạch Mã.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các chương trình vui chơi, giải trí; biểu diễn nghệ thuật dân tộc như: chầu văn, ca trù, chèo, quan họ; trình diễn võ thuật phục vụ nhân dân tại sân khấu ngoài trời và trong phương đình đền Bạch Mã.

Đặc biệt đến đây các bạn được nghe cụ Từ của đền kể về sự huyền diệu, báo mộng khi tìm thấy giếng ngọc của đền vào năm 2011.

 

Chuyện kể rằng: Cao Biền xây thành Đại La vào năm 886, Thành này có chu vi - lấy con số tròn - 6km, gồm vòng tường kèm một con đê, chạy bao quanh tâm điểm - cao điểm -thiêng điểm, là ngọn núi Long Đỗ (núi Rốn Rồng, tức núi Nùng).

Một hôm, Cao Biền từ trong thành đi ra phía ngoài cửa Đông, trông sông Tô Lịch mà ngắmsóng. Bất chợt một vòng mây ngũ sắc hiện ra.Một lão trượng quắc thước, ẩn hiện trong mây, trừng mắt nhìn viên quan đô hộ ngoại bang.

Vốn là một kẻ cai trị cáo già, Cao Biền biết ngay đó là thần sông, và có tên cũ là Tô Lịch.Đồng thời biết cả một tên nữa của thần Long Đỗ. Vì trước khi thành thần hóa thánh, đây vốn là một người già làng, đứng đầu hương Long Đỗ - ngôi làng đầu tiên của đất Thăng Long - Hà Nội, do chọn ngọn Long Đỗ làm chỗ dựa của làng, nên tên núi cũng thành tên làng, rồi tên làng cũng thành tên thánh luôn.

Cuộc đấu sức giữa thần Long Đỗ - Tô Lịch với kẻ thống trị ngoại bang Cao Biền diễn ra ngay sau đấy. Vốn là tướng khát máu, quan cai trị cáo già, kiêm thầy phù thủy cao tay, CaoBiền dùng ngay món võ quen thuộc là lấy các thứ kim loại đồng, sắt, làm bùa phép để yểm trừ Long Đỗ - Tô Lịch! Nhưng vị thần linh của đất Thăng Long - Hà Nội, có vượng khí non sông phương Nam và dân chúng nước Việt ủng hộ, còn cao tay hơn cả tên kinh lược sứ phươngBắc. Ngay trong đêm, sấm sét đã ầm ầm nổi lên, đánh cho các bùa yểm của Cao Biền vụn ra như cám!.

Sáng ngày ra, Cao Biền thấy các phép của mình thất bại, chỉ còn cách than thở: "Đất này có thần linh, ta không thắng nổi nó, ắt có ngày cuốn gói ra đi thôi"!

Quả nhiên ứng nghiệm! Năm 905, đế chế nhà Đường bên chính quốc rệu rã, suy vong. Các kinh lược sứ của nhà Đường ở đất Việt bị triệu hồi, thất tán. Hào trưởng Hồng Châu (Hải Dương) là Khúc Thừa Dụ, nhân cơ hội, đưa lực lượng lên chiếm giữ thành Đại La, làm chủ nước Việt kết thúc hơn nghìn năm đại họa Bắc thuộc, mở ra giai đoạn trăm năm chuyển hóa từ Đại La thành sang Thăng Long thành.

Trở lại chuyện Cao Biền thua ở trận chiến tâm linh với thần Long Đỗ, nhưng vẫn "fair play" (chơi đẹp) viên kinh lược sứ Bắc phương trước khi cuốn gói ra đi, còn kịp "chào thua" bằng cách cho xây ngay một ngôi đền, tôn vinh thờ phụng người chiến thắng, ở chính nơi đã diễn ra trận chiến huyền kỳ ở mé ngoài cửa Đông thành Đại La, trông ra sông Tô Lịch.

Tin bài liên quan