Phan Kế Bính và thông điệp về quốc tuý phong tục Việt Nam

“Tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy” là thông điệp mà nhà nho duy tân Phan Kế Bính đã gửi gắm qua tác phẩm mang đậm tinh thần phản biện của mình.

Sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa theo phương pháp bạo động diễn ra vào cuối thế kỷ 19 mà nổi bật trong đó là hai phong trào Văn Thân của các nho sĩ phát động và phong trào Cần Vương hưởng ứng lời kêu gọi của Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi, một lớp nhà nho tiến bộ đã thực hiện các cuộc đấu tranh theo đường lối duy tân.

Những đại diện của đường lối này như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Lương Văn Can… quan niệm rằng công cuộc giành lại độc lập cho đất nước chỉ có thể được thực hiện với việc cải cách xã hội, nâng cao dân trí, dân quyền, bài trừ hủ tục cũng như thay đổi phương pháp giáo dục đã quá lỗi thời.

Sự thúc bách của thời đại

Là một người xuất thân từ nền giáo dục khoa cử Nho học nhưng không chọn quan trường làm con đường tiến thân, Phan Kế Bính lại sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ và đi theo con đường làm báo, dịch thuật, biên khảo,… Đồng thời, ông cũng là một người có quan điểm đổi mới mạnh mẽ và công khai hưởng ứng Cuộc vận động Duy Tân thời bấy giờ.

Được hoàn thành vào năm 1915, Việt Nam phong tục là trước tác mang đậm tinh thần duy tân của Phan Kế Bính đồng thời cũng là công trình nổi bật nhất trong toàn bộ sự nghiệp của ông.

Ngay trong lời mở đầu, Phan Kế Bính đã trình bày một cách rõ ràng quan điểm cũng như mục đích của mình khi thực hiện cuốn sách, đó là “kê cứu cho biết cái nguyên ủy những cái phong tục của mình, và xem những tục mới có điều gì nên theo, thì bàn tham bác vào để chờ có khi mà thay đổi được chăng.”

Và cũng từ quan điểm đó, xuyên suốt tác phẩm, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một sự phản biện mạnh mẽ, thẳng thắn và đôi lúc vô cùng cứng rắn của ông đối với những phong tục nhưng cũng là những điều “mắt trông thấy tai nghe tiếng” trong nội tại xã hội Việt Nam thời bấy giờ.

 

Câu chuyện của quá khứ

Toàn bộ tác phẩm được chia thành 3 thiên lớn tương ứng với 3 thiết chế đặc trưng cấu thành nên một xã hội truyền thống theo thứ tự từ thấp đến cao là: gia đình, hương đảng và xã hội.

Đây cũng chính là trật tự điển hình của một xã hội nông nghiệp Á Đông. Trong đó gia đình là thành tố nhỏ nhất mà từ đó những mối quan hệ, ràng buộc hay lề thói sẽ được phát triển dần lên thành thiết chế, đặc tính của một quốc gia.

Việc phân chia, sắp xếp này đồng thời cũng thể hiện sự khéo léo của Phan Kế Bính trong việc phác họa lại một phần mô hình xã hội Việt Nam đương thời với những nét biểu trưng cụ thể thuộc về cả đời sống vật chất và tinh thần. Trong đó có đầy đủ cái xấu lẫn cái tốt, cái hay lẫn cái dở, cái tiến bộ lẫn cái lỗi thời.

Và từ việc nhận thức rõ được những điều này, Phan Kế Bính đưa ra những lập luận, nhận định của cá nhân ông trong việc thẳng tay loại bỏ những hủ tục, tệ nạn đã tồn tại trong quá khứ, làm trì trệ sự phát triển của xã hội, xiển dương những cải cách về tục lệ trong chốn hương thôn. Đồng thời, tiếp thu những cái hay, cái mới từ văn minh Âu Tây được du nhập vào Việt Nam lúc bấy giờ.

Sẽ là không chính xác nếu nói Việt Nam phong tục là một tác phẩm hoàn hảo trong lĩnh vực nghiên cứu và phản biện về văn hóa, xã hội và phong tục Việt Nam. Vẫn có những sai sót nhất định trong việc cung cấp thông tin và ở một số vấn đề, bản thân tác giả cũng không tránh khỏi sự phiến diện và cực đoan trong phê phán.

Lấy ví dụ đơn cử trong thiên thứ ba nói về phong tục xã hội, khi bàn về các tôn giáo, ông đặc biệt đả kích Phật giáo một cách nặng nề và cho rằng một số giáo lý trong tôn giáo này “làm cho lòng người mê tín, mà không ích cho sự thật”. Bên cạnh đó, Phan Kế Bính cũng mắc phải một số sai sót nhất định trong việc cung cấp thông tin cơ bản về lịch sử của Phật giáo.

Hay ở một số mục khác, ông bày tỏ sự tán dương của mình đối với những sự “văn minh” mà nhà nước bảo hộ đem lại. Đứng dưới lập trường quốc gia hay dân tộc, đây có thể được coi như một sự “phản bội” nặng nề.

Tuy nhiên, nếu xét trên quan điểm của thời đại, nhất là lập trường của một số nhà duy tân lúc bấy giờ muốn đi theo đường lối ôn hòa, sử dụng những tư tưởng tiến bộ của Pháp để cải cách xã hội trước khi giành lại độc lập dân tộc, chúng ta hoàn toàn có thể cảm thông với Phan Kế Bính.

Mặc dù vậy, với tất cả những gì mà Việt Nam phong tục đã tạo ra được trong địa hạt của mình, chúng ta có thể khẳng định một cách không ngần ngại rằng đây là một tác phẩm có giá trị to lớn đối với việc xây dựng một cái nhìn chân xác về xã hội Việt Nam trong quá khứ.

Hình ảnh ông đồ cho chữ ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh: tư liệu.

Đi tìm quốc túy trong hiện tại

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó, chúng ta đã bỏ qua một vai trò khác của tác phẩm đối với đời sống xã hội và văn hóa hiện nay.

Bất cứ một xã hội nào cũng đều có những thuộc tính, những biểu trưng riêng biệt mà theo thời gian, cùng với những biến động của thời cuộc và quy luật đào thải khắc nghiệt sẽ trở thành giá trị vĩnh cửu. Khi đặt bút viết nên Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính đồng thời cũng mang trong mình mong muốn đưa ra những gợi ý cụ thể cho việc lựa chọn đào thải hay bảo lưu lại những phong tục, tập quán của dân tộc.

Việc lựa chọn ấy chắc chắn phải dựa trên sự phát triển của đời sống xã hội cũng như cấu trúc của nền kinh tế. Một khi xã hội phát triển theo hướng hiện đại và tiến bộ hơn, những gì đã trở nên không còn phù hợp sẽ tự động bị đào thải. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi việc sai lệch trong nhận thức về văn hóa cha ông của các thế hệ sau dẫn đến sự chối bỏ cả những giá trị cao đẹp cần được gìn giữ và phát triển.

Chính vì vậy, việc cân nhắc loại bỏ hay bảo lưu những giá trị cũ để làm nền tảng cho văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển là một việc cần thiết hơn bao giờ hết. Thậm chí, ngay cả việc thay đổi những lề thói đã lỗi thời cũng cần đến một quá trình lâu dài.

Ngay từ đầu thế kỷ trước, Phan Kế Bính cũng đã ý thức được rất rõ điều này: “…cái tục cũ đã truyền nhiễm lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần, trước hết phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho các tục dở.” Và ông cũng không quên lưu ý rằng “tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy”.

Vậy đâu là quốc túy của chúng ta? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta không thể làm gì khác hơn là phải dụng công tìm tòi, suy ngẫm lại trong suốt sự phát triển và biến đổi trong đời sống dân tộc theo dòng chảy của lịch sử với địa vị của một công dân. Công dân của một quốc gia và công dân toàn cầu.

Cường Nguyễn

Tin bài liên quan