Âm đức như thế nào? Và làm gì để tích được “âm đức”?

Từ xưa đến nay, trong các tác phẩm văn học hay ngoài cuộc sống đời thường, chúng ta thường nghe nói đến những từ như: “âm phúc”, “âm đức”, “âm công”. Nhưng trong văn hóa truyền thống, những từ ngữ này được hiểu chính xác là gì?

Kỳ thực, nhiều người chưa hiểu rõ ý nghĩa của những từ ấy, đặc biệt là từ “âm”. Từ “âm” ở đây không có nghĩa là âm phủ, số âm hay âm dương. Từ “âm” trong “âm công, âm đức, âm phúc” mang ý nghĩa là ám, tức là thầm lặng, ngầm, âm thầm, kín đáo, không hiển lộ ra bên ngoài. Điều này có nghĩa rằng, người làm việc thiện phải làm được ở trong thầm lặng, trong kín đáo, trong lặng lẽ, không phô trương.

Cổ ngữ có câu: “Người có âm đức, tất sẽ có âm báo”. Ý nghĩa rằng, người nào âm thầm làm việc thiện tích đức thì Thượng Thiên cũng sẽ âm thầm ban phúc báo cho họ. Người âm thầm làm việc tốt sẽ tích được “âm đức” và việc làm nhân đức đó của họ sẽ được Thượng Thiên ghi công lại, gọi là “âm công” và ban phúc cho họ gọi là “âm phúc”.

Văn hóa truyền thống luôn cho rằng, hết thảy danh tiếng, tài vận, phúc lộc của một người ở đời này đều là do đời trước đã tích được đức mà sinh ra. Người nào có được loại “âm đức” này, Thượng Thiên sẽ ban thưởng xứng đáng cho người ấy.

“Âm đức” là tinh hoa của văn hóa truyền thống, là thể hiện tâm tín Phật hướng thiện, kính sợ Thần linh, tin vào “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.

Từ “Âm đức” xuất hiện đầu tiên trong cuốn “Thượng thư”. Trong đó viết rằng: “Duy thiên âm chất hạ dân”, ý tứ là: Ở trong sâu thẳm, Trời đang bảo hộ che chở cho con người. Đây là tư tưởng mộc mạc, thẳng thắn và chân thành nhất của con người cổ đại đối với Thiên mệnh. Thời cổ đại, các giá trị đạo đức của con người luôn được đề cao và coi trọng, vì thế họ tin rằng, mệnh của một người là do Thượng Thiên an bài và Thượng Thiên sẽ luôn ở trong âm thầm mà che chở, phù hộ cho họ.

Trong cuốn “Âm đức văn”, “âm đức” còn mang ý nghĩa Thiên nhân cảm ứng. Yêu cầu mọi người tự mình tích nhiều âm đức, âm công, hành thiện, làm việc tốt nhưng đừng khoa trương ở khắp mọi nơi, chỉ cần lặng lẽ, âm thầm đi làm là được bởi vì Thượng Thiên là “cảm ứng” được lòng người. Cho dù một người làm việc thiện mà không ai biết thì Văn Xương Đế Quân (Vị Thần chủ quản công danh phúc lộc) cũng sẽ âm thầm phù hộ và ban phúc lộc cho người ấy.

Vậy làm việc thiện mà thể hiện ra cho mọi người cùng biết thì có phải là “âm đức” không?

Làm việc thiện dù âm thầm hay thể hiện ra ngoài, muốn biết có tốt hay không cần phải xét xem cái tâm của người ấy, nhưng về cơ bản đều là những hành vi tốt đẹp, đáng được ca ngợi.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp lại chưa hẳn đã là làm việc thiện chân chính.Ví như, một số người làm việc thiện nhưng lại mong muốn để người khác biết đến nhiều hơn, để người khác tôn kính mình hơn, coi trọng mình hơn, để xã hội tán dương mình hơn từ đó mà báo đáp mình. Như vậy, chẳng phải việc thiện ấy đã tự nhiên chuyển hóa thành phương tiện để người đó truy cầu cái “danh” và cái “lợi” cho bản thân mình rồi sao?

“Âm đức” là thiêng liêng, cho nên nếu làm việc thiện mà cố ý khoa trương bản thân để được “danh” và “lợi” thì hiệu lực của “âm đức” sẽ tự nhiên mất đi và cũng không tích được “âm công”, cũng liền khởi không được tác dụng chân chính của hành thiện.

Từ lý luận này, xem ra chỉ có không màng “danh lợi”, lặng lẽ làm việc thiện thì mới thực sự là hành thiện tích đức chân chính.

Mai Trà

Tin bài liên quan