Học Trần Thủ Độ tề gia trị quốc: ‘Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ chớ có lo gì’

Phàm là bậc nắm đại quyền của thiên hạ, hiếm ai có thể không bị mê mờ vì dục vọng đối với quyền lực, tiền tài và mỹ nữ. Điều này đã hủy bao nhiêu anh hùng thiên hạ, khiến cho công nghiệp cả đời không còn toàn vẹn. Chỉ có một tấm lòng rộng lớn, tâm trong sáng vì thiên hạ thì khi nắm quyền mới có thể trọn vẹn cho đến lúc mất. Trần Thủ Độ quả xứng là một bậc đại nhân số 1 của nước Nam vậy.

Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194), mất năm Giáp Tý (1264), thọ 71 tuổi, quê làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng, nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Trần Thủ Độ cùng với những người con ưu tú khác của họ Trần sớm tham gia lập các đội hương binh đi đánh dẹp các thế lực cát cứ khác, lúc đầu nhằm khôi phục cơ nghiệp cho nhà Lý. Năm 1224, ông được nhà Lý phong làm Điện tiền chỉ huy sứ, quản lý các đạo quân bảo vệ kinh thành. Sử chép: “Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn”.

Trần Thủ Độ là người có bản lĩnh và cá tính khác thường, một nhân vật lịch sử vô cùng đặc biệt. Ông xử lý mọi việc thẳng thắn và quyết đoán theo ý chí của mình, ít chịu để cho tình cảm sai khiến, cũng không quan tâm lời khen chê. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Thủ Độ gắn liền với nghiệp đế của họ Trần. Công nghiệp cả đời ông chính là đã đưa nước nhà qua khỏi cuộc suy vong cuối triều Lý, khởi dựng nên thời đại Đông A rực rỡ những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm và những thành tựu xây dựng đất nước.

Gắn với cuộc đời ông cũng có nhiều lời khen chê khác nhau. Tuy nhiên, gác qua các lời khen chê ấy, xưa có câu: “Thiên hạ thịnh danh vô hư sĩ”, nghĩa là người nổi danh thiên hạ tất không phải là kẻ tầm thường. Giai thoại lịch sử Việt Nam còn ghi lại một số câu chuyện thú vị liên quan đến ông, cũng đem lại nhiều giá trị khiến cho chúng ta suy nghĩ trong thời đại ngày nay.

Tiếp thu ý kiến trái chiều – Khen thưởng cho người hạch tội mình

Sử chép rằng:

“Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài trí hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tôn lấy được thiên hạ đều nhờ vào mưu sức của ông cả, vì thế, ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua.

Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông, khóc mà nói rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”.

Thái Tông lập tức ra lệnh cho xe ngựa đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và kể hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời rằng: “Quả có đúng như những lời hắn nói thật”. Xong, đem tiền lụa mà thưởng cho”.

Lời bàn:

Muốn “tề gia trị quốc” ắt phải tu thân. Việc khó nhất của tu thân chính là hướng nội nhìn vào bản thân mình khi xảy ra bất kể việc gì. Thân là Vương gia, Thái sư đương triều, quyền nghiêng cả xã tắc, thói thường người ta hay bị quyền lực làm mê muội mà đi vào hủy diệt. Nhưng Thủ Độ lại không thế, ông vẫn có thể khoan dung mà nhận ra chỗ không phải của mình từ người hạch tội. Điều đó chứng tỏ một trí tuệ và nhân cách lớn xứng với địa vị của ông. Triều Trần không nhờ ông làm cột trụ thì cũng không ai có thể xứng đáng hơn.

Thượng tôn pháp luật – Quốc Mẫu cũng không được coi thường quốc pháp

Sử chép rằng:

“Linh Từ Quốc Mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc kể với Thủ Độ rằng: “Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế ư?”. Thủ Độ tức giận liền sai người đi bắt người quân hiệu kia. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc là phải chết. Đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt Linh Từ, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực mà trả lời. Thủ Độ nói: “Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì được nữa”. Nói xong, đem vàng lụa thưởng cho”.

Lời bàn:

Xưa có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, nhưng khi đang ở đỉnh cao quyền lực thì mấy ai mà không trở nên mê muội. Thêm vào đó còn là cái tình riêng, tình vợ chồng thì càng khó qua hơn. Nên mới nói “Ôn nhu hương, anh hùng trủng” (hương ôn nhu là mồ chôn anh hùng). Nhưng sau giây phút nóng giận vì tình riêng, ông vẫn sáng suốt nghe hết những điều người quân hiệu kia trình bày và đưa ra quyết định đúng đắn. Những gian hùng lộng quyền, những anh hùng chết bởi mỹ nhân phải chăng nên xấu hổ khi nhắc đến Trần Thủ Độ?

Công tư phân minh – Có chức do quan hệ thì phải chặt ngón chân

Sử chép rằng:

“Có lần Thủ Độ đi duyệt định hộ khẩu, bà Quốc Mẫu xin riêng cho một người được làm chức Câu đương, Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên nọ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến. Thủ Độ bảo hắn: “Ngươi vì có Công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác!”. Người đó van xin mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm Thủ Độ vì việc riêng nữa”. 

Lời bàn: 

Người viết xem qua nhiều chuyện sử cổ kim, đến chuyện này cũng phải vỗ bàn mà khen tuyệt dẫu rằng nó chỉ là một việc nhỏ thôi. Có nhỏ mới thành lớn, tề gia rồi mới trị quốc. Nhà không yên thì quốc gia sao an định được, có khi chỉ vì lỗ nhỏ mà đắm thuyền. Giải quyết việc riêng nhỏ bằng cái tâm chính trực như mặt trời của bậc quân tử nắm đại quyền, không vì tình riêng mà đưa ra quyết định cong lệch. Người trên chính trực, kẻ dưới tuân phục. Đại Việt nhỏ vậy mà bẻ gãy vó ngựa Nguyên Mông cũng là từ những chuyện nhỏ này chăng?

Chính trực vì quốc gia – Anh em không thể cùng nắm đại quyền

Sử chép rằng:

“Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm Tể tướng, Thủ Độ tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, còn nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao?”. Vua bèn thôi”. 

Lời bàn: 

Hoàng tộc cũng chỉ là một gia đình lớn, nên nhiều khi nhà vua sẽ vì tình riêng mà có quyết định sai về quyền lực, ảnh hưởng đến quốc gia. Thân là trụ cột triều đình, còn là hoàng thân quốc thích, nhưng Thủ Độ đã đặt quốc gia lên trên quyền lợi bản thân cũng như thể diện của anh mình mà làm điều phải làm. Than ôi, nếu những bậc nắm đại quyền cổ kim lúc cần quyết định mà đặt lợi ích quốc gia trên quyền lợi bản thân và gia tộc, thì dân chúng đâu có lầm than. 

Uy vũ không thể khuất phục – “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ chớ có lo gì”

Sử chép rằng:

“Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Mông Cổ, Trần Thủ Độ có vai trò hết sức quan trọng. Tháng 12 năm Đinh Tỵ (tức tháng 1-1258), quân Mông Cổ, sau khi tiêu diệt nước Đại Lý (Vân Nam), đã tiến vào lưu vực sông Hồng. Thế giặc rất mạnh. Quân Đại Việt bị đánh lui, vua Thái Tông phải bỏ Thăng Long rút xuống phía nam. Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền em ruột là Thái úy Trần Nhật Hạo hỏi kế. Nhật Hạo lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ ‘Nhập Tống’ ở mạn thuyền, ý khuyên vua nên chạy sang nhờ vả nước Tống. Vua bèn rời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Thủ Độ trả lời:

– Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ chớ có lo gì!”.

Ngày 24 tháng 12 năm đó, Trần Thái Tông tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đánh bại quân Mông Cổ, khiến họ phải triệt thoái về Bắc.

Lời bàn:

Người xưa có câu: “Gió lớn mới biết cỏ cứng, nguy nan mới biết trung thần”. Vì sao Thủ Độ lại có dũng khí lớn đến như vậy dù cả quốc gia đang trong cơn nguy nan nhất? Bởi vì ông là một người chính trực, quyền lực ông có cũng chỉ là vì quốc gia mà gánh vác, tâm trong sáng của ông lẽ nào lại có thể bị động cho dù đó là vó ngựa Nguyên Mông. Người Mông Cổ tham tàn vì tài vì lợi mà đến, sao chống nổi một triều đình chính trực từ trên xuống dưới với những cột trụ vững chắc như ông.

Tạm kết

“Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại.

Bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”.

(Biển nhận trăm sông, vì bao dung mà to lớn.

Núi cao nghìn trượng, do không có dục vọng nên cứng cỏi).

Phàm là bậc nắm đại quyền của thiên hạ, hiếm ai có thể không bị mê mờ vì dục vọng đối với quyền lực, tiền tài và mỹ nữ. Điều này đã hủy bao nhiêu anh hùng thiên hạ, khiến cho công nghiệp cả đời không còn toàn vẹn.

Chỉ có một tấm lòng rộng lớn, tâm trong sáng vì thiên hạ thì khi nắm quyền mới có thể trọn vẹn cho đến lúc mất. Thủ Độ quả xứng là một bậc đại nhân số 1 của nước Nam vậy.

“Công đáo vu kim, bất đán Trần gia nhị bách tải.

Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu”.

(Công đức đến ngày nay, không chỉ trong hai trăm năm nhà Trần.

Nghìn năm luận định, ngài đáng là bậc thứ nhất dưới trời Nam).

Tĩnh Thuỷ

Tin bài liên quan