Vì sao có câu ‘Kéo cày trả nợ’?

Trong dân gian có câu ‘Kéo cày trả nợ’, nhiều người cho rằng câu này có ý nói một người làm việc “như trâu như ngựa” để trả món nợ mà mình đã vay. Thực ra câu tục ngữ này bắt nguồn từ một tích xưa, kể về người nông dân chất phác, dù chết cũng không quên món nợ cũ, đã đầu thai làm trâu để trả nợ.

Nguồn gốc câu tục ngữ “Kéo cày trả nợ”

Xưa, có một người tên Chu Văn Địch làm ăn vất vả, đói kém, nhưng là người hiền lành, ăn ở thật thà. Trong hạt, có một nhà giàu thường cho Văn Địch vay nợ, năm nào cũng vậy, vay vay, trả trả đã nhiều. Có một năm mất mùa, Văn Địch không trả được nợ, mà chủ nợ cũng không đến hỏi. Mấy năm sau Văn Địch chết đi mà nợ vẫn còn. Lúc hấp hối, ông trối lại với con rằng:

Nợ nần chưa trả được ai,
Hồn này thác xuống tuyền đài chưa yên.

Một đêm, ông nhà giàu kia nằm mơ, nghe có tiếng người nói bên tai rằng:

Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai

Sáng hôm sau, ông thấy con trâu trong nhà đẻ ra nghé con, trên lưng có hai chữ “Văn Địch”. Con nghé mỗi ngày một lớn, khôn ngoan, dễ bảo, cầy bừa rất khỏe.

Vài năm sau, hai người con của Văn Địch khôn lớn lên, làm ăn nhờ trời cũng khá. Một hôm chúng đang cày ngoài đồng, nghe thấy ở thửa ruộng gần đấy có người bảo con trâu rằng: “Văn Địch! Văn Địch! Nhanh chân, mau bước, kẻo đã trưa rồi”.

Hai đứa con nghe thấy tên bố, ngạc nhiên chạy sang ruộng hỏi, thì người kia nói rằng: “Con trâu này từ lúc sinh ra, trên lưng có hai chữ Văn Địch, mà gọi đúng tên nó như thế thì nó mới chịu làm”.

Lúc về, hai đứa con sang nhà phú ông, tỏ ý muốn mua lại con trâu. Ông nói có lẽ con trâu này chính là Văn Địch hóa kiếp để trả nghĩa. Mấy năm nay, nó chịu khó cày bừa nên nhà ông cũng thịnh vượng. Ông bằng lòng cho hai đứa con chuộc về, trả lại văn khế cũ.

Khi hai đứa con chuộc được con trâu về, vừa đem bức văn khế ra hóa, thì nó lăn ra nó chết. Thế là nó đã trả sạch được nợ kiếp trước rồi.

Sau hai người con của Văn Địch làm ăn mỗi ngày một khấm khá và trở nên giàu sang, ai cũng yêu quý. Thấy truyện này, người ta mới đặt câu “Kéo cày trả nợ” thành câu tục ngữ, còn phụ thêm một câu hát rằng:

Ở cho có nghĩa, có nhân,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Đời cha nhân đức, đời con sang giàu.

Mua gian bán lận, sau khi chết chuyển sinh làm trâu để trả nợ

Kỳ thực trong các câu chuyện dân gian phương Đông có lưu truyền rất nhiều ghi chép về việc đầu thai làm trâu ngựa hoặc động vật để trả nợ. “Minh Báo Ký”, một cuốn sách ghi chép các chuyện báo ứng nhân quả, kể lại một câu chuyện có thật như sau.

Dưới triều nhà Đường, tại huyện Vạn Niên, vùng Ung Châu, Trung Quốc có một người đàn bà họ Tạ. Con gái của bà là Lai thị, lấy chồng ở thôn Hồi Long gần đó. Về sau, bà Tạ qua đời vào cuối năm Vĩnh Huy thời vua Đường Cao Tông.

Một đêm tháng 8, bà Tạ báo mộng cho con gái mình, nói rằng: “Trước kia khi còn theo nghề bán rượu, mẹ đã dùng cái cân rượu nhỏ để bán. Rượu đong thì ít mà lừa lấy nhiều tiền của người ta. Vì mẹ phạm phải tội lỗi như vậy nên bây giờ phải chuyển sinh làm trâu trong một gia đình dưới chân núi Bắc Sơn. Gần đây mẹ lại bị bán cho vị sư phụ họ Hạ Hầu của chùa Pháp Giới. Ông ấy sắp đưa mẹ đến Thành Nam cày ruộng trồng trọt, thật khổ sở vô cùng”.

Lai thị giật mình thức giấc, khóc lóc thảm thiết kể chuyện này với chồng.

Vào tháng một năm sau đó, có một ni sư trong chùa Pháp Giới đến thôn Hồi Long. Lai thị bèn hỏi thăm ni sư và được xác nhận chùa Pháp Giới quả thật có vị sư phụ họ Hạ Hầu.

Sau đó, Lai thị đến chùa tìm gặp sư phụ Hạ Hầu. Ông nói: “Gần đây tôi có mua một con trâu ở chân núi phía Bắc, hiện đang cày ruộng ở Thành Nam”. 

Lai thị khóc lóc cầu khẩn được đi xem thử, ni sư trong chùa liền cử người dẫn cô ra đồng ruộng ở Thành Nam. Con trâu này ngày thường chỉ thuần phục duy nhất một người, còn hễ gặp người khác thì nó sẽ xông lên phản kháng, nhảy loạn cả lên. Nhưng khi nhìn thấy Lại thị đến rồi, con trâu lại vô cùng ngoan ngoãn, còn rơi nước mắt.

Lai thị bèn tìm đến Hạ Hầu sư phụ kể rõ đầu đuôi, và bỏ tiền mua lại con trâu đó. Con trâu liền theo cô trở về nhà.

Câu chuyện “Kéo cầy trả nợ” trích từ cuốn “Truyện cổ nước Nam” của nhà văn Nguyễn Văn Ngọc.

Ngọc Mai.

Tin bài liên quan