Ghi nhớ 8 lời dạy này của ông cha để lại, thọ dụng cả một đời!

Mỗi ngày, hãy đọc những câu nói kinh điển của ông cha để lại, thọ dụng cả một đời.

1. Bạn đối tốt với cha mẹ 2 lạng, con cháu sẽ trả lại bạn 1 cân

Bạn đối đãi với cha mẹ thế nào, tương lai con cháu cũng sẽ đối xử lại với bạn như vậy. Người ta thường ví 3 thế hệ trong gia đình giống như một cây đại thụ, ông bà là gốc và thân, cha mẹ là cành lá, con cái là quả. Chỉ có chăm bón gốc thì cành lá mới phát triển tốt, quả trên cây mới có thể có đầy đủ dinh dưỡng.

Khi một người hiếu thuận với cha mẹ của mình, họ sẽ trở thành tấm gương để con cái noi theo. Hằng ngày, con cái của họ sẽ thấy cha mẹ của mình tôn kính và đối xử tử tế với đấng sinh thành, mưa dầm thấm lâu, con trẻ sẽ thông qua hành vi của cha mẹ mà sẽ hiểu được hai chữ “hiếu thuận”, sau này chúng cũng sẽ hiếu thuận và chăm sóc cha mẹ của chúng một cách tận tình.

2. Vàng ở khắp mọi nơi, một phần năng lực một phần tiền

Thay vì oán trời trách người, chi bằng hãy ra roi thúc ngựa. Trên thế giới này đâu đâu cũng đều là cơ hội, quan trọng là xem bạn có năng lực hay không. Nếu bạn có một phần năng lực, bạn sẽ có một phần cơm, ông trời rất công bằng.

Nếu có ba phần năng lực lại muốn ăn mười phần cơm, nhất định phải dùng đến thủ đoạn mới đạt được, nhưng làm vậy dù có thật sự giàu có thì trong lòng cũng không được an yên. 

Cơ hội ở khắp mọi nơi, không cần phải đầu cơ trục lợi; chỉ cần bạn có năng lực, thì không sợ không có đất dụng võ. Hơn nữa, chỉ có kiếm tiền dựa trên năng lực,  chúng ta mới có thể làm người mà không thẹn với lương tâm.

3. Đấu gạo nuôi ân, gánh gạo nuôi hận

Lòng tốt cũng cần có giới hạn và mức độ, lòng tốt không có quy tắc sẽ thành ra nhu nhược.

Một người khi đang đói rét túng quẫn, nếu bạn cho anh ta một đấu gạo, thì sẽ giải quyết được vấn đề lớn của anh ta, anh ta sẽ rất biết ơn bạn. Nhưng nếu bạn tiếp tục cho gạo anh ta, lâu dần anh ta sẽ coi đó là điều hiển nhiên. Một đấu gạo không đủ, hai đấu cũng không đủ, dần dần, một gánh gạo cũng cảm thấy như giọt nước trong biển cả, có cho bao nhiêu cũng cảm thấy không thỏa mãn.

Trong cuộc sống thường có những chuyện như vậy, khi bạn giúp đỡ ai đó lần đầu tiên, anh ta sẽ rất biết ơn bạn, nhưng đến lần thứ hai, sự cảm kích trong anh ta sẽ phai nhạt dần, sau vô số lần như vậy, anh ta sẽ ngang nhiên cho rằng đó là điều bạn nên làm cho anh ta, thậm chí đến một ngày nếu bạn không giúp đỡ anh ta nữa, anh ta sẽ quay ra oán trách bạn.

Vậy nên, lòng tốt của bạn nhất định phải có chừng mực! Khi một người không muốn tiến bộ và một mực cầu xin sự giúp đỡ, xin hãy khéo léo thu lại lòng tốt của bạn đúng lúc!

4. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề

Tục ngữ nói rất hay, một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Sức người là có hạn, muốn đạt được thành công trong một ngành nào đó thì phải không ngừng trau dồi trong ngành này, nếu cái gì cũng muốn học thì kết quả cuối cùng chính là không học được gì cả.

Tinh thần thợ thủ công lành nghề đang được cổ vũ hiện nay cũng chính là đạo lý này, cần đạt đến trình độ cao trên một lĩnh vực, đó chính là trở thành thợ thủ công lành nghề, cũng chính là có thể cho ra những sản phẩm chất lượng nhất.

Làm việc gì cũng nhất định phải kiên trì đến cùng, kiên trì chính là thắng lợi.

5. Đưa đò đưa đến bờ kia sông, xây tháp phải xây đến đỉnh

Làm việc gì cũng nhất định phải kiên trì đến cùng, kiên trì chính là thắng lợi. Trên đời này sở dĩ nhiều người gặp thất bại, không phải vì họ thiếu tài năng hay kém may mắn, mà là vì họ không kiên trì đến cùng.

Có một quy luật nổi tiếng gọi là “Quy luật hoa sen”, ngày đầu tiên chỉ nở một phần nhỏ, sang ngày thứ hai sẽ nở nhanh gấp đôi ngày trước. Đến ngày thứ 30, cả ao nở đầy hoa. Bạn có biết khi nào hoa sen nở một nửa không, từ ngày 29 đến ngày 30, chúng sẽ nở đầy. Ngày cuối cùng có tốc độ nở nhanh nhất, bằng tổng của 29 ngày trước đó. 

Tuy nhiên, đại đa số mọi người trên thế giới đều dừng lại ở ngày thứ 29. Thành công tưởng chừng như còn rất xa, nhưng kỳ thực, họ chỉ cách thành công một bước chân nữa thôi.

6. Xuống đến đáy biển mới biết biển sâu, có nuôi con mới thấu tỏ lòng cha mẹ

Không xuống đến đáy biển thì không biết biển sâu bao nhiêu, không làm cha mẹ không biết hành trình nuôi con gian nan thế nào. 

Chỉ khi việc đến tay mới có thể có được sự đồng cảm thật sự.

Vậy nên, Vương Dương Minh mới nói “tri hành hợp nhất”, nghĩa là “hiểu biết và thực hành phải đi đôi với nhau, hiểu biết thật sự đều là có được thông qua hành động.

Một người không phải là cha mẹ sẽ không bao giờ biết được cha mẹ đã phải hy sinh cho mình bao nhiêu, sau khi đã trải qua những vất vả nuôi con mới hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, mới có thể sự biết ơn và biết hiếu thảo với cha mẹ.

7. Biết ơn đời, đời sẽ thương ta

Người sống ở đời quan trọng là có một trái tim cảm ân, nhận ân huệ của người, cần phải nhớ mãi trong tâm.

Một người hiểu được cảm ân, nhất định là một người lương thiện. Một người biết báo ân cũng chính là có tấm lòng rộng mở, tâm hồn trong sáng. Họ sẽ nhận phúc báo, được sống thanh thản, yên bình giữa bão táp, phong ba.

Mỗi người từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay đều không thể tách khỏi những mối quan hệ quần thể. Ngày nhỏ thì có mẹ cha chăm bẵm, lớn lên đi học thì được thầy cô coi sóc, bạn bè chơi cùng. Sau này trưởng thành, ra đời lập nghiệp lại có đồng nghiệp, đối tác, bạn bè giúp đỡ.

Như thế mỗi chút tiến bộ, mỗi điều thu hoạch được của đời người đều không tách khỏi sự giúp đỡ của một ai đó.

Mãi mãi ghi nhớ lòng tốt của người khác, mới có thể mỗi ngày được ngắm ánh sáng mặt trời. Mỗi ngày đều có bạn bè bầu bạn, đến cuối đời sẽ có hạnh phúc đi theo.

Trái lại, nếu lòng chỉ luôn ghi nhớ thiếu sót, lỗi lầm của người khác, bạn sẽ chỉ tự làm khổ chính mình mà thôi.

8. Chăm khêu đèn thì đèn luôn sáng, siêng mài dao thì dao mới sắc được 

Chỉ cần bạn siêng năng thì trên đời không có việc gì khó, chăm khêu đèn thì đèn sẽ luôn sáng, siêng mài dao thì dao mới sắc bén được.

Tăng Quốc Phiên luôn cho rằng: Dù là ở nhà, ở quan trường hay trong quân đội, đều cần phải lấy chữ “cần” (siêng năng) làm nền tảng. Đạo trời báo đáp người chăm chỉ, một người dù tư chất của anh ta có như thế nào, miễn là anh ta siêng năng và kiên trì không ngừng, tài trí của anh ta tự nhiên sẽ được tích lũy từng chút một.

Những người thành tựu sự nghiệp to lớn không cần phải có trí thông minh hơn người, nhưng ắt phải có sự chăm chỉ hơn người. Người xưa nói: “Cần cù bù thông minh, thêm một phần gieo trồng thì thêm một phần thu hoạch”.

Không ai có thể dựa vào tài năng bẩm sinh để thành công, chỉ có chăm chỉ mới có thể biến tài năng bẩm sinh thành thiên tài. Thành công to lớn là có tỷ lệ thuận với sự lao động chăm chỉ, thêm một phút lao động thì có thêm phần thu hoạch xứng đáng.

Vũ Dương.

Tin bài liên quan