Trí tuệ nhân sinh: Nhường người một bước là cao, bỏ qua cho người cũng chính là bỏ qua cho mình

Trí tuệ nhân sinh: Nhường người một bước là cao, bỏ qua cho người cũng chính là bỏ qua cho mình

Trong “Thái Căn Đàm” có câu: “Đối nhân xử thế, nhường người một bước là cao minh; đối đãi với người, thêm phần khoan dung là phúc khí”. Chung sống với người, việc gì cũng tranh tranh đấu đấu, không biết nhường nhịn, như thế sẽ chỉ đánh mất đức hạnh, tổn thương lòng người, từ đó lưỡng bại câu thương, ngọc đá cùng vỡ.

Trên thực tế, bỏ qua cho người cũng là bỏ qua cho bản thân mình. Trong đối nhân xử thế khuyên bạn hãy lùi một bước, khoan dung với người, bởi suy cho cùng, thành tựu người khác cũng là thành tựu bản thân mình.

1. Bỏ qua cho người là một loại trí huệ

Cổ nhân có câu: “Thà đắc tội quân tử còn hơn đắc tội tiểu nhân”. Kết thân với quân tử cần phải nhường nhịn một phần, qua lại với tiểu nhân lại càng phải nhường nhịn nhiều hơn.

Quách Tử Nghi, một vị đại tướng khai quốc của nhà Đường, đã lập vô số chiến công và được phong là Phần Dương Vương. Vì chuyện này, rất nhiều người ganh ghét, đố kỵ ông, thậm chí còn cố ý tung tin đồn nhảm nhằm mưu hại ông.

Có lần, Quách Tử Nghi dẫn quân đi chinh chiến, hoạn quan Ngư Triều Ân sai người đào bới mộ phần tổ tiên họ Quách. Sau khi thuộc hạ của Quách Tử Nghi biết chuyện đã rất tức giận, muốn đến kinh thành trút giận thay ông, nhưng đã bị ông ngăn lại.

Không ngờ, sau khi Quách Tử Nghi trở về kinh thành, thay vì trả đũa Ngư Triều Ân, ông lại nhận hết trách nhiệm về mình, điềm nhiên nói: “Ta quanh năm dẫn quân ra ngoài chinh chiến, quản giáo không nghiêm, thuộc hạ của ta không biết đã hủy hoại bao nhiêu mồ mả của người ta, giờ mồ mả nhà ta bị phá, cũng không thể trách ai được, đây đều là quả báo”.

Quách Tử Nghi nổi tiếng với sự khoan hồng, độ lượng.

Những lời này rất mau chóng truyền đến tai Ngư Triều Ân. Ngư Triều Ân cảm thấy rất xấu hổ, đã chủ động xin lỗi Quách Tử Nghi, ân oán giữa hai người đã được giải quyết.

Rất nhiều người ôm cứng quan niệm “người không phạm ta, ta không phạm người; người nếu phạm ta, ta ắt trả đũa” mà tranh cường hiếu thắng trong mọi việc, nhưng cuối cùng lại tự làm hại mình.

Thật ra, trong cuộc sống có rất nhiều khe rãnh mấp mô, không cần phải cá chết lưới rách (hai bên đấu tranh cuối cùng đều bị tận diệt), càng không nói đến việc đấu đá lung tung. Lãng phí sức lực vào việc đấu đá hơn thua, sẽ chỉ khiến bạn rơi vào tình thế khó khăn, nhượng bộ phù hợp ngược lại sẽ giúp bạn có được hy vọng.

Chính như “Đạo Đức Kinh” có nói: “Bậc chí thiện giống như nước, nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành”. Không tranh cãi với kẻ ngu si, không tranh lợi với phường gian ác, đó là một loại khoan dung rộng lớn.

Không ghi nhớ thù hận, biết tiến lùi, biết nhường nhịn, chính là tự bảo vệ mình, và đây càng là sự lựa chọn sáng suốt.

2. Nhường người phần hơn, giúp đôi bên cùng có lợi

Trong cuốn “Truyện Tập Lục” của Vương Dương Minh có nói: “Kết giao với bạn bè, hai bên khiêm tốn và nhường nhịn nhau, sẽ khiến hai bên thọ ích vô cùng; còn như tranh chấp với nhau thì thiệt thòi vô kể”.

Vào những năm Khang Hy thời nhà Thanh, trong dân gian có nhiều loại mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, nhiều tiểu thương nhờ vậy đã trở nên giàu có. Có một tiểu thương tên là Tả Văn Thăng, làm một số mua bán nhỏ để nuôi sống gia đình. Trong một lần tình cờ, ông kết giao được một người bạn từ nơi khác đến tên là Chu Kế Tiên, hai người rất hợp nhau, cùng nhau chung vốn làm ăn.

Một lần, Chu Kế Tiên có việc phải ra ngoài, liền trao 30 xâu tiền cho Tả Văn Thăng mua hàng hóa, và thỏa thuận nhận 3 phần tiền lãi theo giá thị trường khi đó. Không ngờ một thời gian sau, thị trường thiếu hụt tiền tệ, khiến giá tiền tăng mạnh, 30 xâu tiền đó đã tăng giá trị lên gấp mấy lần.

Tiền tệ thâm hụt, dẫn đến giá tiền tăng vọt.

Vào cuối năm khi tổng kết số tiền, Tả Văn Thăng đã kết toán tiền lãi theo giá thị trường tăng lên sau này. Chu Kế Tiên biết được liền nói: “Chúng ta trước đó đã giao ước 3 phần tiền lãi, dù giá cả thị trường về sau có thay đổi như thế nào, số tiền dư ra tôi cũng không được lấy”.

Nhưng Tả Văn Thăng kiên quyết trả thêm tiền, nói rằng: “Làm ăn cần phải theo đúng nguyên tắc thị trường. Tiền vốn là của ông, tiền phát sinh thêm cũng là của ông”.

Chu Kế Tiên cảm động trước phẩm đức đãi người chân thành, xử thế đôn hậu của Tả Văn Thăng. Chu Kế Tiên đã giới thiệu cho Tả Văn Thăng những mối quan hệ làm ăn mà ông đã tích lũy được khi đi chu du khắp nơi trước đây, và hai người họ cũng trở thành người bạn chí thân của nhau.

Phần “Trung Thuyết” trong Lễ Nhạc có nói: “Lấy lợi ích mà làm bạn với nhau, khi lợi ích không còn tình bạn cũng cạn; lấy quyền thế làm bạn với nhau, khi quyền thế không còn thì tình bạn cũng mất; duy chỉ có lấy tấm lòng mà kết giao, thì tình bạn mới được lâu bền”.

Việc duy trì mối quan hệ lâu dài giữa người với người phụ thuộc vào thật lòng thật ý, chứ không phải lợi ích có được. Nếu trọng lợi khinh nghĩa, con đường dưới chân bạn sẽ càng đi càng hẹp, thậm chí có thể dẫn đến vực thẳm, bị cô lập hoàn toàn.

Duy chỉ có không so đo thiệt hơn, nhường ba phần lợi, cùng tiến cùng lùi, chúng ta mới có thể có được lòng tin của đối phương, mới dễ dàng đạt được thành công trong cuộc sống.

Bạn bè thật sự thành tựu cho nhau, hoàn thiện lẫn nhau, đây mới là điều hiếm có nhất.

3. Bỏ qua cho người là một sự đồng cảm

“Giàu mà bất nghĩa lắm ưu phiền, gia đình hòa thuận nghèo lại vui”. Một gia đình dù giàu có đến đâu mà mọi người trong nhà cả ngày lời qua tiếng lại, tranh chấp không thôi, thì cuối cùng gia đình đó cũng tan nát; còn như một gia đình dù nghèo khó đến đâu, chỉ cần hòa hợp và bao dung, nhường nhịn lẫn nhau, thì cũng sẽ hạnh phúc mỹ mãn.

Hòa thuận là tiền đề của nhà cửa êm ấm; nhường nhịn là điều cốt lõi của hạnh phúc gia đình, chỉ khi cả nhà cùng nhau cố gắng thì gia đình mới hưng vượng phát đạt.

Chồng của nữ nhà văn Băng Tâm là một “mọt sách”, mặc dù ông rất nghiêm cẩn trong việc học, nhưng lại rất hồ đồ trong cuộc sống và thường làm ra những chuyện khiến Băng Tâm phải dở khóc dở cười.

Ông đến cửa hàng để mua bánh Sachima cho con, vì không nhớ tên nên ông nói với người bán hàng rằng ông muốn mua một con ngựa; ông đi mua một chiếc áo thun, nhưng khi đến nơi anh ta lại quên mất, liền chữa cháy nói rằng ông muốn mua một tấm khăn, cuối cùng chán chường trở về kể khổ với vợ. Những chuyện như vậy thường hay xảy ra, nhưng Băng Tâm không đưa ra bất kỳ lời chỉ trích nào, mà chỉ cười và nói đùa rằng: “Thật là ông chồng ngốc!”.

Đồng cảm, hòa thuận là tiền đề của nhà cửa êm ấm.

Muốn gia đình hòa thuận thì luôn phải có một người biết nhường nhịn, nếu vì chút chuyện vặt vãnh mà lời qua tiếng lại không thôi sẽ chỉ khiến tình cảm đôi bên phai nhạt dần.

Gia đình không phải là đấu trường, rất cần mỗi người phải đồng tâm hiệp lực; gia đình không phải là chiến trường, và mỗi thành viên cần phải bao dung và nhường nhịn lẫn nhau. Chỉ khi bao dung lẫn nhau, nhường nhịn lẫn nhau, không tranh cãi kẻ đúng người sai, đó mới là hình mẫu mà một gia đình hạnh phúc. Và, có được một gia đình hòa thuận, ấm êm, đó là thành tựu lớn nhất của đời người.

Tục ngữ có nói: “Người khôn giỏi hạ mình, kẻ ngốc thích ngẩng cao đầu”. Người thông minh thực sự luôn biết tiến và lùi, mỉm cười nhường bước. Chỉ có nhường nhịn trong mọi việc, chúng ta mới có thể tránh xa mâu thuẫn, không tranh không chấp, khiến tâm hồn rộng mở hơn, cuộc sống theo đó cũng thoải mái và dễ chịu hơn.

Vũ Dương biên dịch.

Tin bài liên quan