Con người từ khi sinh ra, ai ai cũng khó tránh khỏi những điều phiền muộn, bất an. Vậy làm thế nào để sống ung dung, để đạt được phúc báo trong cuộc đời? Điều này không liên quan đến ngoại hình xấu đẹp, không phụ thuộc vào học vị thấp hay cao, cũng không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình hay địa vị xã hội. Nhờ có vận khí tốt, cuộc đời của họ dù gặp tai ương vẫn dễ dàng hóa giải, gặp khó khăn rồi sẽ được quý nhân trợ giúp.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ phát hiện một số người luôn được người khác giúp đỡ; dù là tiền đồ hay địa vị của họ, đều tự nhiên có người thay họ sắp xếp. Cả đời sống an nhàn, không phải lao tâm khổ tứ. Một số khác không cố ý mưu cầu gì nhưng lại vô tình được quý nhân tương trợ, gặt hái thành công ngoài mong đợi. Điều này thực giống như câu thành ngữ: “Cố ý trồng hoa hoa chẳng nở, vô tâm cấy liễu liễu thành rừng.” Phải chăng những điều ấy chỉ là tình cờ phát sinh? Nhìn có vẻ trùng hợp nhưng thực ra nó không hề ngẫu nhiên!
Nếu nắm được quy luật của Bát tự, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy một hiện tượng, đó là trong mệnh của những người may mắn này có một ngôi sao gọi là Ấn Thụ tinh. Khi ngôi sao này đồng thời là Hỷ dụng thần của người đó thì sẽ khiến vận mệnh may mắn, thuận lợi. Hỷ dụng thần là hợp thành của Hỷ Thần và Dụng thần. Hỷ thần có thể hiểu là một ngũ hành bất kỳ; có tác dụng làm giảm đi thân vượng hay làm tăng lên thân nhược khiến căn số trời định đạt được trạng thái cân bằng, giúp tâm an trí vững. Dụng thần là yếu tố được sử dụng để số mệnh được tốt hơn. Yếu tố này thể hiện dưới dạng ngũ hành và can chi trong khoa tử bình.
Cuốn tử vi vận mệnh ‘Uyên Hải Tử Bình’ có câu: “Phu ấn thụ giả, sinh ngã chi vị dã. Ấn thụ chi nhân đa trí, nhi nhất sinh thiểu bệnh, năng ẩm thực phong hậu, hưởng hiện thành tài lộc”. Tạm dịch: Người có Ấn thụ tinh, là người thông minh, cả đời ít bệnh tật, có thể được ăn sung mặc sướng, tài lộc đầy nhà…
Ấn Thụ còn gọi là Văn Tinh, Khôi Tinh hoặc Văn Chương. “Ấn Thụ không gặp thương tổn, nhận được nhiều tình yêu thương từ cha mẹ, tài sản phong phú, an lạc phú quý.”
“Cận Hiền Từ Nhạc Ngô” nói: “Người sinh ra thân chủ là Ấn, do đó Ấn là chỉ cha mẹ. Trên thực tế, những người có đủ năng lực để che chở cho thân chủ đều được xếp vào loại này. Vậy nên trong mệnh, những người Dụng Ấn được coi là an nhàn nhất, được cha mẹ che chở, mọi thứ đều có cha mẹ chăm lo, không cần lao tâm khổ tứ. Đó là ý nghĩa của Dụng Ấn.”
Trên đây là những luận thuật về Ấn Thụ tinh trong các sách toán mệnh đại ý là: Ấn Thụ tinh là một ngôi sao quý nhân, sao Phúc tinh. Trong mệnh có sao Ấn Thụ là Hỷ Dụng, những người này thường được sự giúp đỡ của người khác, bình an hưởng phúc, không phải quá vất vả. Do đó trong các loại mệnh tạo, những người Dụng Ấn Thụ là an nhàn thoải mái nhất.
Dưới đây là vài ví dụ lịch sử. Một số người không có ý định làm quan, nhưng vô tình được quý nhân giúp đỡ nên có được quan vị.
Trong “Đường quốc sử bổ” có ghi chép câu chuyện như sau: Vào thời Đường có một người tên Lý Thực, con cháu đời thứ tư của Đạo Vương Lý Nguyên Khanh; được phong làm Ty nông khanh, giám sát hoạt động trưng thu thuế. Ngày nọ, có một người dân thường tên Tiêu Hựu; vì gia đình có việc tang sự nên không thể nộp thuế đúng thời hạn. Lý Thực tức giận cho triệu tập Tiêu Hựu đến. Đúng lúc chiếc xe chở gạo nộp thuế của anh cũng vừa kịp thời đến nơi; nên không bị trị tội.
Lúc này, Lý Thực vừa được hoàng đế ban thưởng; tuy nhiên vị quan phụ trách soạn thảo văn bản lại có việc ra ngoài. Lý Thực vô cùng sốt ruột; tiện miệng hạ lệnh: “Hãy cho gọi người mặc đồ tang phục kia tới đây”. Tiêu Hựu bị gọi đến, và được yêu cầu viết thư cảm ơn cho Lý Thực. Chẳng ngờ anh vô cùng giỏi văn chương nên rất nhanh chóng có thể hoàn thành công việc. Lý Thực vô cùng vui mừng, trước điện Diên Anh đề cử Tiêu Hựu với vua Đường Đức Tông.
Khi vua Đường nghe tin Tiêu Hựu đang chịu tang; liền gia hạn thời gian chờ đợi một vài ngày. Đến ngày mãn tang, ông lại đề bạt Tiên Hựu làm Quan ngự sử. Tiêu Hựu tuy là người dân bình thường, nhưng lại giỏi thư pháp hội họa, ông còn thích những môn văn nhã như đánh đàn, v.v. Việc ông được bổ nhiệm làm quan hoàn toàn là chuyện tình cờ. Nhìn lại những việc đã xảy ra, thật đúng như chuyện tốt “từ trên trời rơi xuống”, nhưng thực chất là trong vận mệnh của người đó vốn dĩ đã có chức quan ấy rồi, chỉ chờ ngày nhận được mà thôi.
Trong “Tiên tiến di phong” có ghi chép.Văn Định Công Dương Phổ là người Thạch Thủ, Hồ Quảng; đại học sĩ thời đầu vua Minh Anh Tông, sau đảm nhiệm chức tể tướng. Khi đó con trai ông từ quê lên kinh thành thăm cha.
Dương Phổ hỏi con trai: “Trong các huyện mà con đi qua, quan huyện ở địa phương nào là người ‘tốt’ ?”
Người con trai nói: “Khi con đi qua Giang Lăng, huyện lệnh ở đó rất tệ”
Dương Phổ hỏi: “Tại sao?”
Người con trai nói: “Khi tiếp đãi con, ông ấy quá qua loa đại khái”
Qua tìm hiểu, Dương Công biết rằng quan huyện nơi đó là Phạm Lý, người Thiên Đài. Ông âm thầm ghi nhớ trong lòng. Không lâu sau ông tiến cử người này làm tri phủ Đức An. Quả nhiên Phạm Lý làm việc rất tốt, bách tính đều yêu quý, ca ngợi.
Sau đó Dương Phổ lại đề cử ông làm Tả bố chính sử Quý Châu. Có người khuyên Phạm Lý nên viết thư cảm ơn Dương Phổ. Phạm Lý nói: “Tể tướng vì triều đình mà bổ nhiệm người; không vì tình riêng mà làm việc bất minh, có gì mà phải cảm ơn”.
Trước sau Phạm Lý không viết lời cảm tạ Dương Phổ. Cho tới khi ông qua đời, Phạm Lý mới tới viếng bày tỏ lòng tri ân.
Cuốn “Ngọc Đường Tùng Ngữ” của Tiêu Hồng thời Minh ghi lại: Dương Vinh là đại học sĩ tại Cẩn Nhân điện, kiêm thượng thư bộ Công dưới triều Minh. Một lần tình cờ nghe được bài thơ tống hành, ông đã vô cùng xúc động nên đặc biệt lưu tâm đến tác giả. Hóa ra, đó là Khuất Phòng, xuất thân từ huyện Côn Sơn. Dương Vinh âm thầm ghi nhớ tên của người này.
Ngày nọ, La Vĩnh Niên – tri huyện Côn Sơn – nhân có dịp vào kinh thành xử lý công vụ, đã tới bái kiến Dương Vinh. Dương Vinh bèn hỏi thăm: “Ở Côn Sơn có một người tên gọi Khuất Phòng. Đó là người như thế nào?”
La Vĩnh Niên không biết người kia nên lúng túng không thể trả lời.
Sau đó Dương Vinh lại hỏi: “Đó là một thư sinh, ông không biết à?”. La Vĩnh Niên càng xấu hổ hơn vội cáo từ ra về.
Sau khi trở lại Côn Sơn, tri huyện La Vĩnh Niên đặc biệt đến thăm thư sinh này và kết thân với anh ta. Không lâu sau, triều đình ra sắc lệnh tiến cử hiền tài liêm khiết đức hạnh trong địa phương; La Vĩnh Niên đã đề cử Khuất Phòng.
Trong “Hậu sơn đàm tùng” của Trần Sư Đạo có ghi chép. Thời kỳ Triệu Khuông Dận làm tiết độ sứ tại Thái Nguyên, ông ở trong nhà của một bà lão họ Lý. Bà lão đã chăm sóc ông rất tử tế.
Sau khi trở thành Tống Thái Tổ, ông phái người đến tìm bà lão họ Lý, nhưng bà đã qua đời. Tống Thái Tổ tìm thấy con trai của bà lão, liền đưa anh ta về làm đầu bếp trong cung.
Sau một thời gian dài mà không được thăng quan, người đầu bếp trẻ kia thấy bất mãn trong lòng nên đã xin thôi việc, Tống Thái Tổ nói với anh ta: “Chỉ xét về tài năng của ngươi, làm đầu bếp cho Hoàng đế cũng không xứng đáng. Tước vị và bổng lộc là dùng để chiêu nạp những người có đức hạnh, tài năng. Nhưng ta lại ban cho ngươi chức vị này vì một người quá cố, đây là điều không công bằng đối với những người được thăng tiến dựa vào tài năng của họ. Tại sao ngươi vẫn còn bất mãn?” Thực ra, con trai lão phụ vốn không có mệnh làm quan.
Một ví dụ khác về người trong mệnh không có quý nhân phù trợ, cơ hội đến rồi lại để trôi qua.
“Tống Sử – Cửu Dự truyện” có ghi chép lại. Cửu Dự (hoặc Tác Thư), là người Ích Đô, nhờ lập công nên được làm Tuyên Phủ Sử, Thái thú. Khi Cửu Dự được bổ nhiệm làm Thái thú quận Minh Châu, từng muốn tiến cử một phụ tá. Có lần, ông cho gọi người này tới và hỏi rằng: “Người chi tiêu một ngày bao nhiêu?” Phụ tá trả lời nhà anh ta “có mười miệng ăn, hàng ngày chi tiêu hai nghìn đồng.”
Cửu Dự vô cùng ngạc nhiên nói: “Thân là thái thú nhưng chi tiêu hàng ngày của ta cũng không đạt đến số này. Là cấp dưới, các khoản chi của anh đã gấp đôi ta. Như thế làm sao tránh nổi chuyện tham ô?” Thế rồi ông đã từ bỏ ý định tiến cử người phụ tá này.
Người xưa thường nói: “Phú quý tại thiên, Thánh hiền do kỷ”: Vinh hoa phú quý phần nhiều đều do ông trời quyết định, bản thân khó lòng thay đổi. Tuy nhiên, mỗi người đều có thể nỗ lực tu dưỡng để trở thành hiền nhân quân tử.
Trên thực tế, những người quân tử, hiền đức cũng được trời ban phước nhờ phẩm hạnh cao khiết, thanh bạch của mình.
Bích Liên.