Những điều cần biết khi cải táng, bốc mộ hoặc sang cát

Vào dịp cuối năm, chúng ta thường tổ chức cải tang mộ phần, sửa sang lại mộ cũ, quy tập mồ mả đặt dải dác các nơi về một nghĩa trang gia đình dòng họ hoặc một nơi mới.

Một đời người khi từ trần để về với Ông Bà, mấy chục năm người ta sống trong căn nhà ...biệt thự.....so với thiên thu an nghỉ dưới phần Mộ thì chỉ là một khoảng thời gian quá ngắn ngủi. Người ta có thể có nhiều tài sản, nhà cửa, đất đai v.v nhưng khi mất đi chỉ có mấy mét vuông đất để nắm xương mà thôi, chẳng những thế mà nhà cửa, biệt thự đất cát là của phù du có thể sang nhượng, đổi chác, mua bán chứ phần Mồ, Mả, Lăng mộ của ông bà thì vĩnh viễn không thay đổi được. và người đang sống cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi mồ mả ông bà tổ tiên và người đã khuất.
Nơi an nghỉ cuối cùng là nơi tối quan trọng cho người đã khuất và người đang sống, chính vì như thế nên đã cải táng thì ta hết sức phải cân nhắc chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tại sao phải cải táng?

Xin trích một đoạn trong “Việt Nam Phong tục” của Phan Kế Bính: “… Cải táng có nhiều cớ. Một là vì nhà nghèo, khi cha mẹ mất, không tiền lo liệu, mua tạm một cỗ ván xấu, đợi xong ba năm thì cải táng, kẻo sợ ván hư nát thì hại đến di hài. Hai là vì chỗ đất mối kiến, nước lụt thì cải táng. Ba là vì, các nhà địa lý, thấy chỗ mả vô cớ mà sụt đất hoặc cây cối ở trên mả tự nhiên khô héo, hoặc trong nhà có kẻ dâm loạn điên cuồng, hoặc trong nhà đau ốm lửng củng, hoặc trong nhà có kẻ nghịch ngợm, sinh ra kiện tụng lôi thôi, thì cho là tại đất mà cải táng. Bốn là, những người muốn cầu công danh phú quý, nhờ thầy địa lý tìm chỗ cát địa mà cải táng. Lại có người thấy nhà khác phát đạt, đem mả nhà mình táng gần vào chỗ mả nhà kia, để cầu được hưởng dư huệ…”

Phong tục cải táng khởi nguồn từ thời Bắc thuộc khi quan lại và thương lái Trung Quốc chết tại Nam mà gia đình có nhu cầu đưa xương cốt về chính quốc. Về sau thành lệ và thành phong tục, cũng do yếu tố địa lý Đồng bằng Bắc Bộ phần nhiều là đất pha cát phù xa , khi chôn người chết xuống phần nhiều là tiêu hết thịt (thậm chí có chỗ đất còn hao cả xương nếu không cải táng thì chỉ còn đất) mà cát phù xa thì bẩn nên phải tắm rửa thay áo. Trong khi đó gỗ áo quan chôn trên đất tại Đồng Bằng Bắc Bộ nhanh hỏng và hay xập ván thiên bởi mùa lũ thì đầy nước, mà mùa cạn thì khô, mối lại hay tụ lại trên chỗ đất cao (mồ mả hay cao hơn ruộng) nên hay xông vào áo quan.

Nhưng nói chung lại, cải táng, sang cát, bốc mộ là một phong tục lâu đời, là thể hiện cái tâm của người sống với người thân đã khuất, an tâm với niềm tin… họ không bỏ người thân thối rữa trong đất ẩm, mà tặng họ một ngôi nhà mới đẹp đẽ, chắc chắn hơn. Bằng cách bốc mộ giải phóng linh hồn người thân khỏi mộ, người chết có thể biến đổi thành tổ tiên linh thiêng, linh hồn có thể phù hộ cho gia đình được an lành.

Khi nào thì cải táng?

Theo phong tục, người mất sau 3 năm thì cải táng, cũng là lúc con cháu mãn tang, tức là hoàn toàn hết để tang vong linh. Vì thế, việc cải táng thường được tiến hành sau 3 năm chôn hung táng. Tuy nhiên, hiện nay thực tế môi trường địa lý và khí hậu có nhiều thay đổi, các hóa chất được sử dụng nhiều trong đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng sau 3 năm xác người chết chưa phân hủy diễn ra khá phổ biến, nên nhiều gia đình lựa chọn giải pháp là để thời gian cải táng lâu hơn, từ 4 đến 5, có thể đến 7 năm để tránh hiện tượng trên. Năm để tiến hành cải táng phải lựa chọn theo tuổi của vong, tránh những năm xung sát. Ngoài ra còn phải căn cứ theo tuổi của trưởng nam trong nhà, vì khi vong đã mất thì mọi sự may rủi đều gánh trên vai của người trưởng nam.

Thời gian tốt nhất trong năm để tiến hành cải táng là từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm. Phải nhờ thầy phong thủy xem tuổi của vong và tuổi trưởng nam để tìm ngày tốt. Sau khi chọn được ngày bốc mộ, cũng phải chọn xem giờ bốc mộ, nhưng phải làm vào ban đêm hoặc sáng sớm, khi không có ánh sáng mặt trời, tránh cho xương cốt gặp ánh sáng mặt trời sẽ bị đen, bị hỏng.

Khi nào thì không nên cải táng?

“Trong khi cải táng, tục lại có ba điều là tường thụy (tức là mả phát tốt đẹp) mà không cải táng. Một là, khi đào đất thấy có con rắn vàng thì cho là Long xà khí vật. Hai là, khi mở quan tài ra thấy có dây tơ hồng quấn quýt thì cho là đất kết. Ba là, hơi đất chỗ đó ấm áp, trong huyệt khô ráo không có nước hay là nước đóng giọt lại như sữa đều là tốt. Khi nào gặp như thế thì phải lập tức lấp lại ngay.”

Vậy trước khi tiến hành cải táng phải kiểm tra mộ phần, xem đã đủ thời gian cải táng chưa, mộ đó có kết hay phạm trùng không? Mộ kết là mộ đã thụ được Linh Khí của Long mạch, tụ khí lại trong mộ và làm cho con cháu trong dòng họ đó làm ăn thuận lợi, gia đình, dòng họ thuận hòa và mạnh khỏe. Nhưng nếu bốc phải mộ kết thì dòng họ lụn bại, chết độc đinh, chết cháu đích tôn.

Có nhiều cách để kiểm tra mộ kết như bằng các phương pháp Cảm xạ, ngoại cảm, cảm nhận trường khí… Cũng có thể quan sát bằng mắt thường sẽ thấy ngôi mộ đó càng ngày càng nở ra do được tích tụ Linh khí của Long mạch, giống như những cái gò thường nổi lên do hiện tượng dư khí của Long mạch trên cánh đồng. Trên các ngôi mộ kết thường cỏ mọc rất nhanh và xanh tốt. Người xưa dùng cách cắm những cành cây khô vào những cuộc đất nghi có mộ kết, nếu những cành khô đó nẩy mầm xanh tốt thì gần như chắc chắn rằng nơi đó có Huyệt kết. Một quan sát khác nữa là nhìn những viên đá, bia mộ tại Huyệt, nếu mộ kết tức là làm cho những viên đá, bia mộ đó bóng loáng lên như được lau chùi bằng dầu bóng.

Khi gặp trường hợp mộ kết thì tốt nhất là để nguyên không được dịch chuyển vì sẽ gây ra vô vàn rắc rối trong cuộc sống của cả dòng họ. Nếu bắt buộc phải di dời vì lý do nào đó phải có những phương thức của Huyền môn và Phong thủy rất phức tạp mới có thể di dời. Khi mộ kết, thông thường kết từ chân lên tới đầu, cũng có vài ngôi mộ do kết cấu của Long mạch và của mộ sẽ kết theo chiều ngược lại. Có các dạng kết như kết mạng nhện, kết tơ hồng, kết bang, kết chu sa… Có các màu từ xám đến trắng, hồng, đỏ như chu sa là loại mạnh nhất.

Một loại khác người ta thường hay nhầm với mộ kết là mộ bị phạm trùng. Có nhiều loại trùng nhưng biểu hiện rõ nhất tại mộ là xác chôn qua nhiều năm không tan. Có những khu vực có hàng loại mộ chôn tới hàng chục năm xác cũng còn gần như nguyên vẹn. Gặp trường hợp này phải dùng bột của loại Ngải Hổ rắc xuống và đọc chú thì thịt mới tan ra.

Các công việc tiến hành như sau:

1. Chọn ngày giờ thực hiện công việc

Theo lịch Âm, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày. Ta cần phải căn cứ vào 24 tiết khí và nên để ý là đầu tiết khí bao giờ cũng đi liền 2 trực giống nhau, một trực là ngày cuối tháng, một trực là ngày đầu tháng. 12 trực KIẾN - TRỪ - MÃN - BÌNH - ĐỊNH - CHẤP - PHÁ - NGUY - THÀNH - THÂU - KHAI - BẾ, mỗi ngày là một trực. Tuổi và ngày nên chọn theo Tam hợp, Lục hợp, Chi đức hợp, Tứ kiểm hợp. Tránh các ngày Lục xung, Lục hình, Lục hại. Về Ngũ hành nên chọn ngày tương sinh hay bình hòa, tránh chọn ngày tương khắc.

2. Chọn vị trí địa lý để đặt

Khi đã chọn lựa được thời điểm tiến hành thì người trong gia đình sẽ phải chọn lựa một huyệt đất mới để chuyển hài cốt sang. Tất nhiên không phải đất nào cũng an táng lập phần mộ vĩnh cửu được. Ngày xưa, điều kiện đất đai còn rộng lớn thì việc này tương đối dễ dàng. Ngày nay, đất chật người đông, diện tích đất dành cho người chết cũng rất hạn chế. Thường ở địa phương sẽ tiến hành bố trí cho gia đình một huyệt đất mới ở cùng nghĩa trang nơi hung táng.
Nếu các gia đình có điều kiện thuê thầy địa lý tầm long tróc huyệt để chọn lựa được một khu mộ huyệt thật ưng ý, hoặc lập thế tụ long tạo trạch đối với khu đất mà địa phương đã an bài để đặt phần mộ thì tôi không nói " bởi đôi khi cũng có những khu đất mà địa phương an bài không được tốt khi cải táng vào buộc phải dẫn long tụ khí, tạo thế tụ huyệt tạo trạch".

Đối với gia đình phải bắt buộc chôn khi địa phương an bài hoặc có sự chọn lựa trong khu vực đó thì làm như sau:


- Đất chọn huyệt mộ là nơi đất mới chưa từng bị chôn lấp, đào xới là tốt nhất. Khí đất của huyệt tươi tốt, đất rắn chắc tươi tắn. Nếu là vùng đồng bằng thì đất tươi mịn, có mùi thơm, đào lên phía dưới độ 6,70cm đất đặc quánh, có màu vàng nhạt hoặc màu nâu đậm hoặc nên cùng mầu với đất khu vực bản địa. Nếu là miền sơn cước thì đất mịn màng, tuy khô nhưng có màu vàng nhạt "nhưng không được quá khô".


- Kỵ nhất là huyệt đào là nơi đất tơi xốp khô quá, "không tốt cho xương" hoặc đào lên ở đáy huyệt nếu có mạch nước ngầm chảy xiết dưới huyệt "lâu dài rất dễ trôi mất tiểu mất mộ " trừ khi dòng nước đó được xác định là " tụ huyệt long thủy lộ" nếu đào có nước ít thì tốt nhưng không được chảy xiết và Màu sắc của nước trong, mùi thơm, tránh nước có mùi tanh nồng mùi hôi hoặc mùi khó ngửi. Những huyệt ở đồng bằng thì nên có ít nước ở dưới huyệt.hoặc kỵ chôn đè lên huyệt cũ của người khác "nếu phải chôn thì chỉ chôn bên cạnh"


- Ở các vùng nghĩa trang nơi quy tập nhiều mộ, thường bị tình trạng quá tải về diện tích, các mộ chen lấn nhau. Tránh huyệt bị các mộ xung quanh lấn chiếm trước mộ đè lên mộ, hoặc các góc mộ khác trọc vào ngay trước phần mộ, hoặc đâm xuyên vào 2 bên cạnh mộ. Nếu chọn được huyệt phía trước rộng thoáng, lại nhìn ra ao hồ hay sông suối là đắc cách. Trường hợp đất đai quá hiếm không chọn được huyệt có phía trước thoáng rộng thì tối thiểu cũng phải có một khoảng đất trống nằm ngay phía trước huyệt mộ.


- Quan sát cẩn thận hệ thống đường đi xung quanh huyệt. Nếu huyệt có đường đi đâm thẳng vào giữa hoặc đâm xuyên sang hai bên thì chủ về phá bại không thể dùng. Đường đi sát ngay phía sau huyệt cũng tối kỵ. Tốt nhất chọn huyệt nơi yên tĩnh xa cách với đường đi lối lại quanh khu vực mộ.
- Ở vùng núi non thì cần thẩm định huyệt theo những tiêu chí của địa lý. Huyệt tìm được những nơi được bao bọc có long hổ hai bên ôm lấy huyệt, phía sau có cao sơn che chắn, phía trước có minh đường thuỷ tụ… thì quá tốt...său khi chọn được đất tiến hành xây cất chước khi xây cất ta cũng làm lễ và chọn ngày giờ cẩn thận.

3. Công việc chuẩn bị và thực hiện

Thông thường sau khi chọn được ngày bốc mộ , người Thày cũng cần phải xem giờ bốc mộ cho thân chủ. Tùy theo giờ tốt mà bốc, nhưng tất cả cùng phải chung một điều là bốc mộ phải làm vào ban đêm. Việc này nhằm tránh cho xương cốt gặp ánh sáng sẽ bị đen đi. Khi bốc mộ, người ta thường đào trước phần lớp đất ở phía trên trước, sau đó đúng giờ tốt mới bắt đầu mở tấm ván Thiên lên ( Tấm ván Thiên là tấm ván trên nóc quan tài ) . 


Trước khi tiến hành bốc mộ, người nhà phải có làm một cái lễ tại Gia tiên để trình báo Tổ tiên. Tại nơi bốc hài cốt ngoài nghĩa trang cũng phải có một cái lễ trình Quan Thần Linh sở tại. Thông thường là một bộ đồ Quan Thần Linh ( Áo, mũ, ủng ) ngựa và 1000 vàng hoa màu đỏ, giấy tiền vàng bạc, trầu cau, rượu, thuốc, đèn nến, gạo muối. Nhiều nhà còn cúng thên Tam sên ( trứng vịt luộc + Thịt lơn luộc và một nhúm tôm khô bóc vỏ ) xôi, gà trống luộc nguyên con ....


Vật dụng cần thiết cho quá trình bốc mộ là một cái tiểu sành, một cái quách đặt làm sẵn, một miếng vải đỏ, một tấm ni lông, vài chai rượu nặng và nước Vang ( Còn gọi là nước ngũ vị hương - Đừng nhầm với gói ngũ vị hương để nấu Ca ri - Gói Vang có bán sẵn ở tiệm thuốc Bắc), một vài cái xô, chậu nhựa để rửa xương. 

Phần lớn việc bốc mộ diễn ra vào lúc nửa đêm, tuy nhiên tốp thợ thường phải thức trọn đêm cùng gia chủ làm công việc chuẩn bị như cúng bái và chuyển hài cốt sang mộ mới. Trung bình để bốc xong một ngôi mộ, mỗi tốp thợ phải làm việc quần quật suốt hơn một tiếng đồng hồ. Trước khi đào, họ phải xác định vị trí huyệt thật chính xác, nhiều ngôi mộ do chôn thời gian lâu, quá trình tu sửa bị sai lệch vị trí so với ban đầu, nếu không biết cách sẽ phải đào rất vất vả, có khi đào nhầm sang mộ bên cạnh.

Công việc bốc mộ thường là do những người chuyên môn bốc mộ đảm nhiệm . Khi ván Thiên được cậy ra, người ta phải đổ vài chai rượu có nồng độ cao vào quan tài để tảy rửa âm Khí. Sau đó mới tiến hành lấy cốt. Nhiều khi gặp trường hợp hài cốt chưa phân hủy hết, người ta phải dùng xăng đổ vào mộ và đốt cháy thịt còn sót, sau đó phải dùng dao dóc những mảnh thịt còn lại và đem rửa bằng nước vang. Sau khi nhặt hết cốt, rửa sạch, người ta trải tấm ni lông ở dưới, tấm vải đỏ ở trên và lần lượt xếp xương theo thứ tự của người. Riêng cái sọ phải dùng trà hoặc vải kê để cho mặt hướng lên trên. Mọi thứ xương phải kiểm tra cho đủ, không được phép thiếu. Có một cách mà dân gian thường sử dụng để kiểm tra đó là: sau khi “đãi cốt” xong, người ta thường cắm một bó hương to giữa lòng đáy huyệt, nếu làn khói quyện lại, bay thẳng lên có nghĩa đã hết cốt, nếu làn khói tỏa xuống, lởn vởn trong lòng huyệt có nghĩa là xương cốt của người chết chưa hết, cần phải kiểm tra lại.

Tin bài liên quan