Quan niệm “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”

Rằm tháng Giêng, ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, tục xưa gọi là Tết Nguyên Tiêu. Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười). Tết Nguyên Tiêu là dịp lễ tết quan trọng nên ông bà ta có câu: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng. Vào dịp rằm tháng giêng, bà con nông dân khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, nên tối ngày 15/1 âm lịch là thời điểm ra đồng ruộng tập trung cỏ khô, lá khô, châm lửa tiêu hủy sâu bọ. Một số ý kiến khác cho rằng Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Bởi vậy, những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đến đức Phật.

Rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng Nguyên và Tết Nguyên Đán trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Thành ngữ "Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt và những dân tộc Á Đông nói chung.

Hầu hết các chùa, trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước. Vì thế, ngày này, có đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội rằm tháng Giêng là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần "Đạo pháp và Dân tộc". Khi chùa chiền được sinh hoạt tín ngưỡng, được sửa chữa trùng tu nhất là ý thức tìm về những giá trị truyền thống của tổ tiên thông qua các lễ hội văn hóa được đánh thức, thì việc tham dự đông đảo các lễ hội như hội rằm tháng Giêng là điều bình thường. Vấn đề kinh tế tác động lên tâm lý của người dân khiến họ quan tâm đến cầu nguyện chỉ là một trong những nguyên nhân thứ yếu. Nguyên nhân chính yếu vẫn là xuất phát từ nhu cầu tìm về những giá trị tâm linh đạo đức truyền thống và mong cầu sự phát triển bền vững trên nền tảng đạo đức và tuệ giác Phật giáo của người dân.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón ngày rằm của người dân cũng ít nhiều thay đổi. Bên cạnh việc đi lễ chùa, các gia đình sắm sửa lễ cúng Rằm tháng Giêng tại gia đình. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài... Tuy nhiên, trong ngày Rằm tháng Giêng nhà nào cũng phải có lễ cúng gia tiên để bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.

 

Chuẩn bị đồ lễ cúng rằm tháng Giêng

Ngày rằm tháng Giêng, người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà. Các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên vào giờ Ngọ. Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau. Nhưng tựu chung là đều thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, Phật thánh và cầu mong một năm an lành, may mắn. Có hai dạng lễ cúng là lễ cúng chay (cho ban thờ Phật) và lễ cúng mặn (cho ban thờ gia tiên).

Mâm cỗ cúng Phật gồm:

Hoa quả. Chè xôi.

- Các món đậu.

- Canh xào không thêm nhiều hương liệu.

- Bánh trôi nước.

Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Mâm cỗ cúng gia tiên:

Mâm cỗ mặn thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món.

- 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc.

- 6 đĩa gồm thịt gà (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem thính (đĩa xào), dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng) và nước chấm.

Đồ lễ khác gồm:

- Hương

- Hoa tươi

- Vàng mã

- Đèn nến

- Trầu cau

- Rượu, thuốc lá

 

Văn khấn Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng) tại nhà:

Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật,Chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội nội ngoại họ…..

Tín chủ (chúng) con là:............................................

Ngụ tại:...................................................................

Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm... gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngày Bản cảnh THành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ................... nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời Ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.

Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy).

(NXB Văn hóa Thông tin)

Tin bài liên quan