Tiều đàm về chữ Thiện và câu chuyện về hành thiện

Sức mạnh của “Thiện” là vô tận, thậm chí có thể thay đổi vận mệnh cả đời của một người.

Thiện thông thường chỉ những sự việc tốt đẹp, hành động không hại tới mọi người. Nội hàm thể hiện ở sự chân thành, khoan dung, nghĩ cho người khác. 

Có người nói: “Thiện ác chỉ khác nhau ở một niệm”. Nếu chúng ta có thể nhạy bén nắm bắt được giây phút huy hoàng của sự thiện lương trong nhân tính con người, từ đó không ngừng mở rộng trong quá trình trưởng thành của sinh mệnh, sẽ đạt được sự thăng hoa về tâm linh, từ đó cải thiện số mệnh bản thân. 

Người xưa tin rằng, số mệnh của con người là do Trời định, an bài theo những lựa chọn khác nhau tại những thời khắc mấu chốt trong cuộc đời người đó. Bởi vậy con người làm bất cứ việc gì thì đều là làm cho sinh mệnh của chính mình, thiện ác có báo là thiên lý. Khi một người làm một việc thiện, giúp đỡ người khác, thì thuận theo vòng xoay nhân quả, người đó cũng sẽ được phúc báo, hoặc khi họa nạn đến thì “hữu kinh vô hiểm”. Ngược lại, khi một người làm việc ác hại người, dẫu nhỏ thì người ấy cuối cùng cũng nhận phải ác báo.

Hàm nghĩa của chữ “Thiện”

Chữ Thiện theo kiểu chữ Giáp cốt văn , bên trên là bộ Dương 羊, phía dưới là con mắt. Vì đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, từ ánh mắt có thể nhìn thấy nội tâm, cũng là dùng ánh mắt của dê để nhấn mạnh sự thiện lương của loài dê. Sau đó, đôi mắt đổi thành hai chữ Ngôn “言” chính là chữ Thiện viết theo kiểu chữ Kim văn , hai chữ ngôn biểu thị lời nói hiền lành, thân thiết, chính là muốn nói, bạn một lời, tôi nói một câu, mọi người khi nói chuyện với nhau đều thiện lương, hiền lành, đôn hậu, ôn hòa. 

Đến kiểu chữ Tiểu Triện, Chữ Thiện vẫn được tạo hình như vậy, bộ Ngôn của chữ Thiện theo kiểu chữ Tiểu Triện nhiều hơn một điểm, điểm này biểu thị trọng điểm của lời nói là ở đầu lưỡi không phải ở trên miệng.

Tại sao lại dùng bộ Dương (nghĩa là con dê) để biểu hiện sự thiện lương? Nguyên nhân vì bản tính của dê vốn là thiện lương, từ nhỏ dê đã biết “quỵ nhũ tri ân” nghĩa là: Từ nhỏ dê đã biết quỳ xuống bú để tri ân, sống thành bầy không tranh đấu. Sừng dê mặc dù cứng rắn tuy nhiên không bao giờ dùng để ức hiếp kẻ yếu hơn. Vì vậy dê có nhiều mỹ đức của sự thiện lương. Từ xưa tới nay, dê là biểu tượng cho sự cát tường, tốt đẹp.

Văn học gia Hứa Thận thời Đông Hán từng nói, Mỹ và Thiện là đồng nghĩa. Chữ Mỹ 美 viết theo kiểu chữ Giáp Cốt Văn, trên là bộ Dương, dưới giống như một người đang dang rộng tay chân. Biểu thị một người đội đầu dê mang mặt nạ nhảy múa. Trong các buổi lễ cúng tế, mọi người đội đầu dê mang mặt nạ, nhảy múa với tấm lòng thiện lương và thành kính để cảm ơn thần linh, đây chính là nguồn gốc và ý nghĩa của chữ Mỹ 美 bằng tiếng Hán. Trong nghệ thuật từ thời Trung Quốc cổ đại, từ Mỹ và Thiện là giống nhau, có thể dẫn dắt lòng người hướng tới thiện lương, và đây mới thật sự là mỹ diệu, tươi đẹp.

Câu chuyện động thiện niệm mà thay đổi vận mệnh

Trong “Tiểu song u ký” của tác giả Trần Kế Nho triều nhà Minh có câu: “Nhất niệm chi thiện, cát thần tùy chi; nhất niệm chi ác, lệ quỷ tùy chi”, ý nghĩa là: Một niệm thiện sẽ mang tới những điều may mắn và được Thần bảo hộ, một niệm ác sẽ chiêu mời kích động ma quỷ.

Vào triều Nguyên có một vị thư sinh bị bạn bè hãm hại tới vô cùng thê thảm. Một đêm nọ, cậu quyết tâm muốn giết đối phương. Trên đường đi, cậu đi qua một ngôi miếu. Trước cổng có một vị cao tăng đang đứng đợi. Bằng thiên nhãn của mình, vị cao tăng nhìn thấy đằng sau chàng thư sinh có ma quỷ đi theo. 

Đến cửa nhà bạn, chàng thư sinh đột nhiên đổi ý: Mặc dù anh ta đang từ bạn mình trở thành kẻ thù, nhưng cha mẹ và vợ anh ta đâu có làm hại gì mình. Nếu giờ mình làm cậu ta chết, sau này cuộc sống của vợ và mẹ cậu ấy dựa vào ai?

Sau một hồi tranh đấu nội tâm, chàng quyết định khoan dung với đối phương, từ bỏ ý định sát hại bạn và quay về nhà. 

Trên đường về nhà, chàng lại đi qua ngôi miếu nọ và vị cao tăng vẫn đang đứng ở cổng. Lúc này trong thiên nhãn thông của cao tăng xuất hiện một cảnh tượng khác: ác quỷ đằng sau chàng thư sinh đã biến mất, trên đầu chàng lại có thiên thần bảo hộ.

Vị cao tăng nhìn thấy tình hình liền nói với chàng thư sinh và hỏi chàng vừa xảy ra chuyện gì? Chàng kể lại toàn bộ sự tình. Vị cao tăng cảm thán thốt lên: “Đúng là một niệm có thể kinh động tới Thần Phật ma quỷ”.

Bảo Hân.

Tin bài liên quan