Cao nhân thần bí tiên tri chính xác về cuộc đời của Lưu Bị và Gia Cát Lượng

Cao nhân thần bí tiên tri chính xác về cuộc đời của Lưu Bị và Gia Cát Lượng

Người đời sau đánh giá rằng, nếu như năm xưa Thủy Kính tiên sinh xuống núi, lịch sử Tam Quốc chắc chắn sẽ phải viết lại từ đầu...

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” có một nhân vật vô cùng thần bí tên là Thủy Kính tiên sinh, ông có năng lực vị bốc tiên tri (tức là không cần chiêm bốc bói quẻ mà vẫn biết trước tương lai), nắm rõ chuyện thiên hạ trong lòng bàn tay. Ông tiên tri Lưu Bị sau này là “rồng ẩn trong bùn bay lên trời”, ông tiến cử kỳ tài Gia Cát Lượng cho Lưu Bị, một câu “tuy đắc kỳ chủ, bất đắc kỳ thời” liền nói trúng vận mệnh của Gia Cát Lượng, câu này muốn nói tuy rằng Gia Cát Lượng tìm được một vị minh chủ biết trọng dụng tài năng của mình, nhưng lại không gặp thời, bởi vì thời điểm Gia Cát Lượng đi theo Lưu Bị, thiên hạ đã ở trong tình trạng đại loạn, Tào Tháo nắm giữ thiên tử trong tay hiệu lệnh chư hầu, các mưu sĩ và tướng giỏi dưới trướng Tào Tháo nhiều vô số kể, sau khi Tào Tháo đánh thắng Viên Thiệu đã thống nhất phương Bắc, nắm giữ hơn một nửa giang sơn của Hán thất, vì vậy Thủy Kính tiên sinh mới nói Gia Cát Lượng “tuy có được minh chủ, nhưng không gặp thời”. Người đời sau đánh giá rằng, nếu như năm xưa Thủy Kính tiên sinh xuống núi, lịch sử Tam Quốc chắc chắn sẽ phải viết lại từ đầu.

Lưu Biểu mời Lưu Bị đến Tương Dương dự tiệc. Không ngờ Lưu Bị lại bị Thái Mạo đưa quân truy sát. Cũng may con ngựa quý Đích Lô không làm cản trở chủ nhân, nó chở Lưu Bị nhảy vút lên cao, bay qua khe suối Đàn Khê rộng lớn, bỏ lại truy binh ở bờ suối bên kia. Lưu Bị phi ngựa đi nhanh, trên đường đi gặp được một đồng tử đang cưỡi trâu thổi sáo. Mặc dù chỉ là bèo nước gặp nhau, nhưng cậu bé chăn trâu lại nói ra được tên của Lưu Bị, cậu bé hỏi Lưu Bị có phải là Lưu Huyền Đức đánh tan quân khăn vàng ngày xưa hay không.

Lưu Bị nghe xong vô cùng kinh ngạc, ông không ngờ ở một ngôi làng hẻo lánh như vậy mà lại có người quen biết mình.

Sau một hồi nói chuyện với cậu bé chăn trâu, Lưu Bị mới biết thì ra sư phụ của cậu là Tư Mã Huy, chính Tư Mã Huy đã nói cho cậu bé biết Lưu Bị sắp đến đây.

Tư Mã Huy (?- 208), là một nhân vật có thật trong lịch sĩ, ông là một nhân sĩ nổi tiếng vào cuối nhà Đông Hán, mọi người gọi ông là “Thủy Kính tiên sinh”. Người này tinh thông đạo học, kinh học, kỳ môn và binh pháp. Vì ông có học thức uyên bác, có năng lực biết nhìn người, cho nên được mọi người tôn kính.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Thủy Kính tiên sinh nói với cậu bé chăn trâu là vài ngày nữa Lưu Bị sẽ đến đây, còn miêu tả tướng mạo đại khái của Lưu Bị, gọi Lưu Bị là “anh hùng đương thời”. Vì vậy sau khi cậu bé chăn trâu nhìn thấy Lưu Bị, dựa theo miêu tả của sư phụ mà có thể ngay lập tức nhận ra ông ta. Dưới sự dẫn đường của cậu bé chăn trâu, Lưu Bị đi đến phía trước một ngôi nhà. Lưu Bị đi đến cổng chính giữa thì nghe thấy tiếng đàn cầm rất hay, vì vậy ông dừng bước chân để lắng nghe. Đột nhiên tiếng đàn dừng lại, sau đó có một người đang mỉm cười từ trong nhà bước ra, đó chính là Thủy Kính tiên sinh.

Vị Thủy Kính tiên sinh này đúng là một kỳ nhân, ông nói rằng trong tiếng đàn đột nhiên xuất hiện một âm điệu cao chót vót, liền biết chắc có một vị anh hùng đang ở bên ngoài nghe lén, vì vậy mới đứng lên để bước ra nghênh đón.

Khi Thủy Kính tiên sinh xuất hiện lần đầu tiên trong tiểu thuyết, tác giả La Quán Trung dùng tám chữ “tùng hình hạc cốt, khí vũ bất phàm” (dáng tùng vóc hạc, khí khái phi thường) để hình dung ông, đây hiển nhiên là một thế ngoại cao nhân có dáng vẻ Tiên phong Đạo cốt. Lưu Bị vừa nhìn thấy Thủy Kính, liền hoảng hốt mà cúi chào. Không ngờ Thủy Kính tiên sinh nói rằng: “Ông hôm nay may mắn thoát đại nạn!”, câu này muốn nói là hôm nay Lưu Bị gặp đại nạn, nhưng may mắn là chỉ bị kinh sợ chứ không có nguy hiểm, gặp dữ hóa lành.

Từ phần miêu tả trong hồi 35 cho thấy, Thủy Kính tiên sinh sở hữu tài năng vị bốc tiên tri, thậm chí còn có công năng đặc dị, có thể nhìn thấy trước tướng mạo của Lưu Bị cùng với kiếp nạn mà Lưu Bị gặp phải.

Lưu Bị vốn dĩ muốn che giấu chuyện mình chạy nạn, nhưng không ngờ bị Thủy Kính tiên sinh một lời liền nói trúng: “Ông không cần che giấu. Hôm nay ông chắc chắn là đang chạy nạn, chạy nạn đến nơi này”. Lưu Bị đành phải thành thật nói rằng mình bị người ta truy sát đến nơi này, than thở rằng số phận mình lắm chông gai, Thủy Kính tiên sinh an ủi Lưu Bị, nói rằng: “Không phải như vậy, chỉ là bên cạnh ông không có người giỏi mà thôi!” Nhưng Lưu Bị cho rằng bên cạnh mình có rất nhiều nhân tài, các võ tướng như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân và đám người Tôn Càn, Mi Trúc. Tuy nhiên Thủy Kính tiên sinh cho rằng bên cạnh Lưu Bị vẫn thiếu “nhân tài cai trị đất nước”.

* Diễn giải đồng dao “rồng ẩn trong bùn bay lên trời”

Trong buổi nói chuyện này, Thủy Kính tiên sinh tiến cử kỳ tài trong thiên hạ “Phục Long, Phụng Sồ” cho Lưu Bị, còn diễn giải một bài tiên tri cho Lưu Bị, nói rằng Lưu Bị sau này sẽ “Thiên mệnh đã an bài”, “rồng bay lên trời”. Lưu Bị nghe thấy, thất kinh mà bái tạ Thủy Kính tiên sinh ngay tại chỗ. Phải biết rằng, Lưu Bị lúc này đang rơi xuống đáy vực của cuộc đời, có thể nói là vô cùng tuyệt vọng.

Bài đồng dao mà Thủy Kính tiên sinh nhắc đến là bài đồng dao được lưu truyền trong quận huyện Kinh Châu vào đầu những năm Kiến An. Tuy rằng là đồng dao, nhưng lại không có một chút ngôn từ trẻ con nào cả.

“Những năm tám chín bắt đầu tàn
Đến năm mười ba không còn dư
Lúc đó Thiên mệnh đã an bài
Rồng ẩn trong bùn bay lên trời”.

“Những năm tám chín bắt đầu tàn”, câu này Thủy Kính tiên sinh muốn nói những năm Kiến An thứ 8 và thứ 9, sau khi người vợ cả của Lưu Biểu qua đời, người vợ thứ hai của Lưu Biểu là Thái phu nhân (thường dịch là Sái phu nhân) không đồng ý cho con trai của người vợ cả làm người thừa kế, vì vậy mà Lưu gia bắt đầu xảy ra nhiều hỗn loạn, đây chính là “bắt đầu tàn” được nói đến trong câu đầu. “Không còn dư” ở đây muốn nói là sau khi Lưu Biểu chết vào năm Kiến An thứ 13, các văn thần võ tướng đều điêu tàn và phân tán đi khắp nơi, không còn sót lại một người nào. Còn “thiên mệnh đã an bài” và “rồng bay lên trời” thì ứng với những gì diễn ra trên người của Lưu Bị.

* Thủy Kính tiên sinh nói “Ngọa Long tuy đắc kỳ chủ, bất đắc kỳ thời”

Thủy Kính tiên sinh nói: “Phục Long, Phượng Sồ, có được một trong hai người này, là có thể an định thiên hạ”. Trong các câu chuyện của Tam Quốc, Gia Cát Lượng được miêu tả là văn thao võ lược, đa mưu túc trí, thần cơ diệu toán. Gia Cát Lượng trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, trên người ông hội tụ đầy đủ trí tuệ, lòng trung thành và mưu lược, có thể nói là trí tuệ hơn người. Luận về tài cán của Gia Cát Lượng, bất luận là về mặt quân sự hay chính trị thì ông đều là nhân tài kiệt xuất. Vị kỳ tài này gần như soi sáng cả một thời đại Tam Quốc.

Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, mọi người đều gọi ông là “Ngọa Long tiên sinh”, sau này khi biết được “Phục Long” mà Thủy Kính tiên sinh nói đến chính là ám chỉ Gia Cát Khổng Minh, Lưu Bị đã chuẩn bị lễ vật đi đến chỗ của Khổng Minh để chào hỏi. Trùng hợp khi đó Thủy Kính tiên sinh đi đến Tân Dã để thăm một người bạn của ông là Từ Thứ, nghe nói Từ Thứ đã qua đời, sau đó ông liền khuyên Lưu Bị đi tìm Gia Cát Khổng Minh. Thủy Kính tiên sinh nói, Gia Cát Lượng từng ví bản thân giống như Quản Trọng, Nhạc Nghị, nhưng bản thân Thủy Kính tiên sinh lại cho rằng Gia Cát Lượng có thể sánh ngang với Khương Tử Nha của nhà Chu, Trương Lương của nhà Hán. Lưu Bị, Quan Vũ và mọi người nghe thấy vậy đều cảm thấy vô cùng kinh ngạc.

Trước khi Thủy Kính từ biệt Lưu Bị, ông ngước mặt lên trời mà cười lớn, nói một câu: “Ngọa Long tuy đắc kỳ chủ, bất đắc kỳ thời, tiếc thay!”, ông cảm thấy vô cùng đáng tiếc cho Gia Cát Lượng có tài nhưng không gặp thời.

Lưu Bị ba lần đến lều tranh, cuối cùng đạt được mong ước, mời được Gia Cát Lượng xuống núi phò tá mình. Trong lúc Lưu Bị gian nan vất vả tạo dựng đại nghiệp, Gia Cát Lượng dốc sức trợ giúp, điều này không khác gì như gấm thêm hoa, giúp ích cho Lưu Bị rất nhiều. Sau khi Gia Cát Lượng xuống núi, trợ giúp Lưu Bị chiếm được Kinh Châu, Ích Châu, Hán Trung. Có lẽ vì vậy mà Thủy Kính tiên sinh nói Gia Cát Lượng gặp được Lưu Bị là “đắc kỳ chủ”, tìm được một minh công đáng để phò tá. Vậy thì, tại sao lại nói Gia Cát Lượng “bất đắc kỳ thời”?

* Gia Cát Lượng bất đắc kỳ thời

Từ thời cuộc khi đó cho thấy, Tào Tháo xưng bá phương Bắc, tình thế đã định. Sau trận chiến Quan Độ, đại quân Tào Ngụy thừa thắng xông lên, khí thế như chẻ tre. Tào Tháo càn quét quần hùng phương Bắc, văn thần võ tướng đều phụng sự dưới trướng của Tào Tháo, như Tư Mã Ý, Tuân Úc, Quách Gia, Hạ Hầu Đôn, Hứa Chử, Trương Liêu v..v… các văn thần võ tướng dưới trướng Tào Tháo đều là những ngôi sao sáng rực rỡ trong thời kỳ đó.

Từ năm Kiến An thứ 2 đến 16 (năm 197 – năm 211), Tào Tháo lần lượt đưa quân xuất chinh, đánh bại các cường hào như Lữ Bố, Viên Thuật, Viên Thiệu, thống nhất phương Bắc. Năm Kiến An thứ 21, Tào Tháo được phong làm Ngụy Vương. Sau khi Tào Phi lên xưng đế, truy phong Tào Tháo làm Ngụy Võ Đế.

Đông Ngô chiếm hết lợi thế địa hình của một vùng, ngồi vững tại Trường Giang có địa thế hiểm trở, là nơi dễ thủ không công trong vị trí chiến lược. Trải qua sự thống trị của mấy đời từ Tôn Kiên, Tôn Sách đến Tôn Quyền, Đông Ngô tề tụ đông đảo nhân tài. Dưới sự phò tá của Chu Du, Lục Tốn, Lỗ Túc, Trương Chiêu, Cố Ung, Tôn Quyền ở Đông Ngô độc chiếm lợi thế hàng đầu.

Nhìn chung các quần hùng, lãnh thổ của Lưu Bị lúc này chẳng qua chỉ có Tân Dã, võ tướng chỉ có Quan, Trương, Triệu, các văn thần mưu sĩ cũng chỉ có vài người mà thôi. Lưu Bị thấy thiên hạ đại loạn, có lòng muốn khôi phục Hán thất, an định thiên hạ. Lưu Bị đi đến Long Trung mời Gia Cát Lượng xuống núi, lần đầu không gặp được, nửa đường gặp được người bạn thân thiết của Gia Cát Lượng là Thôi Châu Bình.

* Từ trị vào loạn, thiên thời không thể làm trái

Lưu Bị và Thôi Châu Bình bàn luận về thời cục của thiên hạ lúc bấy giờ, Thôi Châu Bình cho rằng, từ xưa đến nay “trị loạn vô thường” (thiên hạ bình ổn và thiên hạ đại loạn vốn dĩ là điều vô thường, thay đổi không ngừng). Từ khi Lưu Bang chém rắn khởi nghĩa, chém giết vô đạo, là từ trị vào loạn. Hán Quang Vũ Đế chấn hưng đất nước, khôi phục cơ nghiệp Hán thất, là từ loạn vào trị. Người dân sống yên ổn suốt hai trăm năm, khi đó thiên hạ lại xuất hiện chiến tranh lần nữa, đó chính là từ trị vào loạn. Vì vậy Thôi Châu Bình cho rằng Lưu Bị mời Gia Cát Lượng xuất thế trong thời loạn thế để hòa giải thiên địa, chắp vá vũ trụ, sợ là không phải chuyện đơn giản, Thôi Châu Bình cho rằng việc làm này chắc chắn là uổng phí công sức. Thiên thời đã như vậy, số phận đã như vậy, người đời cuối cùng vẫn khó mà cưỡng cầu.

Lưu Bị một lòng muốn chấn hưng Hán thất, không muốn chịu thua số phận và định mệnh, vẫn thành khẩn đi thỉnh cầu Gia Cát Lượng. Thời cục khi đó, Tào Tháo đã chiếm được hơn một nửa thiên hạ, Đông Ngô Tôn Quyền đã chiếm một nửa Giang Nam. Bất luận là đất đai, nhân tài, hay là hộ dân, cũng đều nhiều hơn Lưu Bị. Nước Thục có thể nói là tồn tại trong những khe nứt. Lưu Bị chính thức xưng đế vào năm 221. Vì để báo thù cho hai người em kết nghĩa là Quan Vũ và Trương Phi, Lưu Bị thống lĩnh đại quân tấn công Đông Ngô, bị tướng lĩnh Lục Tốn của Đông Ngô đánh bại. Sau đó không lâu, Lưu Bị bệnh chết tại thành Bạch Đế, lúc chết vẫn chưa thể thống nhất thiên hạ.

Ba chính quyền chủ chốt của Tam Quốc chinh phạt lẫn nhau, không ngày nào được yên ổn. Đúng là ứng với thiên thời “từ trị vào loạn” mà Thôi Châu Bình đã nói. Có lẽ chính vì vậy mà Thủy Kính tiên sinh mới nói rằng Gia Cát Lượng “bất đắc kỳ thời” (không gặp thời). Cho dù là như vậy, sống trong thời loạn thế, Gia Cát Lượng vì muốn báo đáp ơn tri ngộ của Lưu Bị, vì phục hưng Hán thất mà dốc hết sức mình, cúc cung tận tụy, thể hiện được huyền thoại về lòng trung thành trong thời loạn thế.

Chú thích: Từ trị vào loạn nghĩa là thiên hạ đi từ trạng thái bình ổn bước sang trạng thái hỗn loạn. Từ loạn vào trị nghĩa là thiên hạ từ trong trạng thái hỗn loạn bước vào trạng thái bình ổn.

Châu Yến biên dịch.

Tin bài liên quan