Đoán mệnh: Phá giải những hiểu lầm phổ biến P1

Thực tế có không ít người hiểu lầm cũng như có cái nhìn phản đối về đoán mệnh. Có một vài nguyên nhân dẫn đến sự việc này, trong đó phổ biến nhất là, họ thường hỏi: “Trên thế giới này có rất nhiều người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, vậy tại sao mà vận mệnh của họ lại không giống nhau? Điều này đủ cho thấy đoán mệnh không đáng tin chăng?”...

* Phá giải những hiểu lầm về thuyết định mệnh

Hiểu lầm thứ nhất: Tại sao những người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm lại có số mệnh khác nhau?

Đầu tiên cần giải thích nhanh một chút, trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, phương pháp để tính vận mệnh có nhiều loại khác nhau, ví dụ như Bát tự tử bình, Chu dịch bát quái, Đại lục nhâm, Hoa mai dịch số, Thiết bản thần số, Tử vi đấu số, v.v, ngoài ra còn có xem diện tướng, tướng tay, số tử vi, xem bói, sủy cốt, đoán chữ, túc mệnh thông… Mỗi phương pháp khác nhau đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, ví như một phương pháp có thể tính toán ra được những sự việc rất nhỏ nhưng sự việc lớn chưa hẳn đã chuẩn xác. Nếu muốn xem rõ những việc rất nhỏ, không phương pháp nào có thể vượt qua được Túc mệnh thông.

Trong cuốn sách “Thanh bại loại sao” có ghi chép:  Vào năm Quang Tự đời nhà Thanh, một người nọ vô tình đắc được loại công năng Túc mệnh thông. Do đó, anh ta có thể nhìn thấy được những sự việc sẽ xảy tra trong tương lai và những chuyển động xa xôi, những thứ này hiển hiện ra ngay trước mắt, vô cùng rõ nét. Bản thân anh ta cũng nói: “Tôi sẽ chết khi chưa đến 30 tuổi”. Một lần, anh ta bất ngờ chứng kiến ​​cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa vào năm Canh Tý, tám nước liên minh quốc tế tấn công Bắc Kinh, Thái hậu đã dẫn Quang Tự chạy về phía Tây, nhân dân lâm vào thảm cảnh vô cùng thống khổ. Kể từ đó, anh ta không nói lời nào, mỗi ngày đều khóc lóc thảm thiết. Sau đó người nhà mới hỏi nguyên nhân, anh ta mới tường thuật lại cảnh tượng quốc nạn sắp xảy ra mà mình đã thấy.

Mấy ngày sau, người đàn ông này liền qua đời, lúc đó anh ta mới gần 28 tuổi. Trong lúc thu thập di vật của anh ta, người nhà mới phát hiện ra, dưới gối của anh có một cuốn sách, người nhà cũng không biết chữ, không biết nội dung trong sách là gì. Ba năm sau, khi cuộc nổi dậy của đội quân Nghĩa Hòa bùng lên, người nhà mới lấy cuốn sách di vật của anh ta ra và đưa cho người khác đọc. Nguyên lai, trên sách ghi Từ Hi Thái hậu lấy danh nghĩa của Hoàng đế Quang Tự để hạ “Tội Kỷ chiếu” (Tự trách tội mình). Khi đó, chỉ dụ của triều đình còn chưa chuyển đến các tỉnh. Một người nào đó đã lấy ra để kiểm tra, không chỉ nội dung không sai khác chút nào mà kiểu chữ viết cùng với số dòng và loại giấy cũng giống hệt nhau.

Ưu điểm của xem Bát tự là từ ngày tháng năm sinh của một người có thể tính ra được giàu sang nghèo hèn và tuổi thọ của một người. Nếu như chia vận mệnh của con người thành 3 cấp độ thì xem Bát tự sẽ biết rõ được một người thuộc cấp nào. Do đó, xem Bát tự có thể suy tính ra vận mệnh thăng trầm, khi nào có vận số tốt, khi nào vận xui mới được hóa giải? Điều này biểu hiện ra hết sức chân thực và không thể nghi ngờ. Chuyện tốt xấu trong hôn nhân, có người giúp đỡ hay không, đều này được rất nhiều người chứng nghiệm. Ví dụ muốn hỏi một chút chuyện nhỏ: Họ của vợ là gì? Bao nhiêu tuổi? Đây chính là sở trường của bói Bát tự rồi. 

Bây giờ chúng ta quay trở lại đàm luận về vấn đề những người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, tại sao vận mệnh của họ lại không giống nhau? Đầu tiên chúng ta cùng đọc một ví dụ thực tế được ghi chép trong cuốn ‘Thanh bại loại sao’. Có câu chuyện được ghi lại về việc hai vị quan triều đại nhà Thanh có cùng ngày tháng năm sinh như sau: “Vào triều đại nhà Thanh, Lễ bộ thượng thư Uông Đình Trân và Thành Thư người Thịnh Kinh (người Thẩm Dương) có cùng ngày tháng năm sinh. Khi Uông Đình Trân đậu Tiến sĩ thì Thành Thư thi đậu Cử nhân. Khi Uông Đình Trân được làm quan Lục phẩm thì Thành Thư làm quan Ngũ phẩm. Khi Uông Đình Trân làm quan Ngũ phẩm thì Thành Thư làm quan Tứ phẩm. Thành Thư làm quan Thị lang thì Uông Đình Trân làm quan Tam phẩm. Sau này Uông Đình Trân làm quan Thượng thư, Thành Thư vẫn là quan Thị lang. Tước vị của hai người luôn không chênh lệch là mấy, điều này thật sự kỳ lạ. Không chỉ vậy, khuôn mặt của hai người cũng rất giống nhau, hơn nữa tuổi thọ cũng gần như nhau”. Tác giả bài báo này tin rằng hai người họ sinh ra ở những nơi khác nhau, và do đó có sự khác biệt này, nhưng kinh nghiệm sống, danh tiếng và thành tích của họ đều rất giống nhau.

Đối với những người có quan điểm phản đối việc xem mệnh thì họ sẽ cho rằng hai người này một người làm quan Thượng thư, còn một người làm quan Thị lang, hai chức quan này rõ ràng không giống nhau, cho nên việc đoán mệnh không chính xác và vận mệnh là không tồn tại. Nhưng một số người có đầu óc linh hoạt sẽ thấy rằng mặc dù danh hiệu chức quan không giống nhau, nhưng nếu nhìn vào những kinh nghiệm sống cụ thể, đường đời của hai người lại vô cùng giống nhau. Xem Bát tự sử dụng mối quan hệ biện chứng của ngũ hành để tính toán ra đường sinh mệnh của một người, còn đường sinh mệnh này mở ra ở đâu thì sẽ bị ảnh hưởng bởi thời gian, địa điểm, nhân hòa của con người mà sinh ra sự khác biệt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến những người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm lại có sự khác nhau trong vận mệnh.

Cũng có một ví dụ khác được ghi lại trong ‘Duyệt vi thảo đường bút ký’, kể về hai vị phu nhân nọ sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, chồng của họ có cùng tước vị và bổng lộc. Tuy nhiên, đối với người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, khi xem Bát tự có thể thấy được, mặc dù họ trải qua những kinh nghiệm thực tế khác nhau nhưng kết quả cuối cùng lại rất tương tự. Những ví dụ cụ thể cũng đủ để làm cơ sở lý luận cho cả hình thức đoán mệnh Tứ trụ. Nếu như nói rằng, người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm phải có chức quan hoàn toàn giống nhau thì mới tin tưởng, vậy cũng là yêu cầu hơi quá đối với Bát tự đoán mệnh rồi. Liệu trên thế giới này có quốc gia nào khác chỉ cần nhìn tám chữ mà có thể biết được nhiều thông tin về cuộc đời của một con người như vậy không? Hoàn toàn không, chỉ trong nền văn hóa Thần truyền của Á Đông mới tồn tại những điều kỳ diệu như vậy.

Hiểu lầm thứ 2: Trong dân gian cũng có người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với hoàng đế, vì sao họ lại không được làm hoàng đế? 

Có người hỏi, trong dân chúng phải có người cùng Bát tự với hoàng đế, tại sao người đó lại không thể làm hoàng đế?

Mệnh của hoàng đế không chỉ do Bát tự quyết định mà còn do Trời định. Bát tự của hoàng đế cũng giống như những người khác, đó là ông phải trải qua sinh lão bệnh tử, cũng có phiền não. Tuy nhiên, mệnh của hoàng đế có điểm khác với người bình thường, bởi vì ông còn chịu sự sắp đặt của Trời cao, linh hồn của hoàng đế do Thượng Thiên sắp đặt, xuống nhân gian có mang theo sứ mệnh. Trong bài “Phú quý của một người đến từ đâu?” “Tống Chân Tông là Thiên Tôn chuyển thế” đã từng hé lộ điều này. Còn có một ví dụ khác, trong bài “Vận mệnh mặc dù do trời định, nhưng làm việc thiện tích đức có thể thay đổi” kể về tiền kiếp của Lương Vũ đế. Ở kiếp sống đó ông là một người tiều phu, nhờ khởi thiện niệm, lấy mũ rơm trên đỉnh đầu mình che mưa cho một bức tượng Phật cổ. Phật dùng thiên nhãn nhìn thấy nên đã sắp đặt cho ông đời sau được làm bậc quân vương.

Trong cuốn ‘Ngũ tạp trở’ của Tạ Triệu Chiết triều đại nhà Minh có ghi lại câu chuyện như sau. Tương truyền Cao hoàng đế Minh Thái Tổ (tức Chu Nguyên Chương) đã lập nên triều đại nhà Minh, ông từng tìm kiếm người có cùng Bát tự với mình, cuối cùng đã tìm thấy trong dân chúng có một người và người này được đưa đến hoàng cung. Chu Nguyên Chương muốn giết chết người này, tuy nhiên khi ông nhìn xuống thấy trước mặt mình chỉ là một người nông dân lam lũ, liền hỏi: “Ông sống bằng nghề gì?” Người kia trả lời: “Tôi sống nhờ vào việc nuôi 13 tổ ong, lấy tiền bán mật để mưu sinh”. Chu Nguyên Chương cười lớn nói: “Ta cai quản 13 tỉnh cũng giống lão nông này nuôi 13 tổ ong, chẳng phải vậy sao?” Vì vậy đã quyết định trọng thưởng cho lão nông này và để ông về nhà. Kỳ thực, rất khó để so sánh bậc đế vương với người dân bình thường.

Như vậy có thể thấy được, người dân bình thường cho dù có cùng bát tự với bậc đế vương nhưng nguyên thần hay linh hồn chuyển sinh trong đời được an bài chỉ là người bình thường, không mang theo sứ mệnh đặc thù thì đương nhiên không thể làm hoàng đế. Tuy vậy, kinh nghiệm sống tại thế gian cũng có những điểm tương tự, giống như Chu Nguyên Chương cai quản 13 tỉnh và lão nông nuôi ong quản lý 13 tổ ong vậy. Thời gian nào hoàng đế bị bệnh cảm thấy khó chịu thì người nông dân nuôi ong có cùng bát tự cũng cảm thấy thân thể không khỏe.

San San.

Tin bài liên quan