Hé lộ bí ẩn về ngôi mộ của Gia Cát Lượng

Ngôi mộ thật sự của Gia Cát Lượng ở đâu? Tại sao hàng trăm năm qua vẫn chưa tìm được, đến nay vẫn là một bí ẩn? Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết khác nhau...

Kinh kịch “Yên Phấn Kế – Thất Tinh Đăng” là vở kịch ăn khách nhất mà Cao Khánh Khuê và đệ tử ông là Lý Hòa Tăng từng diễn xuất. Vở kịch này kể về câu chuyện Gia Cát Lượng mất mạng tại Ngũ Trượng Nguyên, lấy tài liệu từ “Tam Quốc diễn nghĩa” chương 103: Hang Thượng Phương, Tư Mã mắc nạn; Gò Ngũ thượng, Gia Cát dâng sao.

Nội dung chính của “Yên Phấn Kế” (Kế Son Phấn) là: Gia Cát Lượng sáu lần xuất binh Kỳ Sơn, liên tục lập nhiều chiến công, Ngụy tướng Tư Mã Ý nhiều lần thua trận nên không bước ra doanh trại ứng chiến. Gia Cát Lượng đặt địa lôi tại thung lũng Hồ Lô, chuẩn bị một lượng lớn rơm củi và pháo, ra lệnh cho đại tướng Ngụy Diên giả vờ thua trận để dụ địch, dụ cha con Tư Mã trúng kế đi vào thung lũng Hồ Lô. Sau khi Tư Mã Ý đưa quân vào thung lũng, quân Thục đốt lửa, lửa và pháo cùng cháy lớn. Trong lúc quân Ngụy hết đường để lui, đột nhiên trời đổ xuống một cơn mưa lớn, đám cháy bị nước mưa dập tắt, địa lôi vô hiệu. Tư Mã Ý và con trai may mắn thoát hiểm, sau khi quay trở về doanh trại thì không dám ra nữa.

Gia Cát Lượng lại bày thêm một kế, sai sứ giả mang một lá thư cùng với phấn son, trâm cài và váy đến Ngụy doanh, sỉ nhục Tư Mã Ý, muốn dụ Tư Mã Ý xuất chiến, nhưng bị Tư Mã Ý nhìn ra được ý đồ, vì thế Tư Mã Ý liền tương kế tựu kế, vui vẻ nhận lễ vật của Gia Cát Lượng, và còn bày tiệc tiếp đãi sứ giả của Thục Hán. Trong bữa tiệc chuốc say sứ giả, hỏi sứ giả về tình hình ăn uống ngủ nghỉ của Gia Cát Lượng, sứ giả thành thật nói ra hết, Tư Mã Ý biết được Gia Cát Lượng ăn ít làm nhiều. Tư Mã Ý cố tình mặc váy và cài trâm lên tóc, đi lại trước mặt các tướng sĩ để chọc tức Gia Cát Lượng, Gia Cát Lượng tức đến thổ huyết, Tư Mã Ý liền đoán được mạng sống của Gia Cát Khổng Minh không còn lâu nữa.

Nội dung của vở “Thất Tinh Đăng” (Bảy Ngọn Đèn) tiếp theo là nói về Gia Cát Lượng tại Ngũ Trượng Đài, tự biết rằng mình không còn sống được bao lâu nữa. Khương Duy khuyên ông nên sử dụng phương pháp cầu thọ để kéo dài thọ mạng. Gia Cát Lượng lập bàn tế và sắp xếp thất tinh đăng (bảy ngọn đèn cúng sao), đến ngày cuối khi Gia Cát Khổng Minh đang tiến hành nghi thức ‘Bộ Cương Đạp Đẩu’ để cầu nguyện. Tư Mã Ý ngước đầu lên trời quan sát tinh tượng, biết rằng Gia Cát Lượng sắp chết, nhưng lại không dám tin tưởng hoàn toàn, ông ra lệnh cho Hạ Hầu Bá đi do thám tin tức. Ngụy Diên tưởng rằng là quân Ngụy đến cướp trại, vội vàng chạy đi thông báo, nhưng khi bước vào trong trướng, y lại đi quá nhanh, làm dập tắt “ngọn đèn bản mệnh” của Gia Cát Lượng. Khương Duy rút kiếm định chém chết Ngụy Diên, nhưng bị Gia Cát Lượng ngăn lại kịp thời. Gia Cát Lượng nói rằng Tư Mã Ý không phải muốn cướp trại, chỉ là đến dò thám xem ông chết hay chưa mà thôi. Gia Cát Lượng biết rằng sống chết có số, không thể tránh khỏi, ông gọi tất cả tướng lĩnh ở bên cạnh mình đến căn dặn chuyện hậu sự của bản thân tỉ mỉ từng chút một. Sau đó Gia Cát Lượng chết tại Ngũ Trượng Nguyên, bên trong doanh trại. Tư Mã Ý nghe tin Gia Cát Lượng chết, quân Thục rút lui, liền đưa binh đuổi theo, Khương Duy kêu người đẩy bức tượng gỗ Gia Cát Lượng ra ngoài, dọa cho Tư Mã Ý rút lui.

Lý Hòa Tăng là truyền nhân Kinh kịch Cao Phái mà tôi thích nhất vào thời trung học (Cao Phái là một trường phái nghệ thuật Kinh kịch do Cao Khánh Khuê sáng lập). Lý Hòa Tăng đóng vai Gia Cát Lượng trong vở “Yên Phấn Kế” (Kế Son Phấn), có tướng mạo đoan trang, giọng hát trong sáng, đọc nói, nhả chữ rõ ràng. Tiếng hồ cầm do Trương Trường Lâm diễn tấu có âm luật hài hòa và nghe rất hay. Viên Thế Hải đóng vai Tư Mã Ý diễn cùng với Lý Hòa Tăng trong vở “Yên Phấn Kế”, hai người họ đều là diễn viên nổi tiếng vào thời kỳ đầu của thập niên 50.

Ngũ Trượng Nguyên ngày nay chính là thị trấn Ngũ Trượng Nguyên cạnh huyện thành Kỳ Sơn, thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây về phía nam. Khi tôi đi công tác tại thành phố Bảo Kê vào thập niên 70, sẵn tiện đi tham quan Ngũ Trượng Nguyên. Đây là một cao nguyên hoàng thổ có địa hình vô cùng hiểm trở. Các sườn đồi cao cách mặt đất khoảng 120 mét, trải dài từ đông sang tây và rộng từ bắc xuống nam. Phía nam giáp dãy núi Tần Lĩnh, phía bắc giáp sông Vị, hai bên đông tây cũng có sông, vì vậy địa thế vô cùng hiểm trở. Năm xưa Gia Cát Lượng là thừa tướng của Thục Hán, vào năm Kiến Hưng thứ 12 của Lưu Thiện (năm 234 SCN), Gia Cát Lượng dẫn quân Thục tiến hành lần Bắc phạt thứ 5, xuất phát từ Hán Trung, chọn con đường Tà Cốc, đi xuyên qua Tần Lĩnh, giao chiến vài lần với quân Ngụy do Tư Mã Ý thống lĩnh tại bờ sông Vị, hai bên đối đầu hơn ba tháng, quân Thục đóng quân tại nơi này. Cho đến ngày 23 tháng 8 năm 234 SCN Gia Cát Lượng qua đời, quân Thục Hán mới rút lui về đất Thục.

Trong di thư Gia Cát Lượng để lại cho Lưu Thiện, từng căn dặn bí mật là không phát tang, đưa thi thể về Hán Trung, an táng dưới núi Định Quân, không an táng long trọng. Nhưng ngôi mộ thật sự của Gia Cát Lượng ở đâu, đến nay vẫn là một bí ẩn.

Tại Ngũ Trượng Nguyên có một ngôi đền thờ Gia Cát Lượng, xây vào năm Chí Nguyên thứ nhất của nhà Nguyên (năm 1246). Ngôi đền này ở hướng nam nhìn về hướng bắc, đối diện sông Vị, trên biển ngạch ở cổng đền viết là “Ngũ Trượng Nguyên Gia Cát Lượng miếu”, bên chánh điện phía nam có ngôi mộ tưởng niệm Gia Cát Lượng. Nghe kể rằng năm xưa, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, các tướng sĩ của Thục Hán đã đem quần áo của ông chôn cất tại ngôi mộ tưởng niệm này. Người đời sau đã xây hàng rào đá xung quanh ngôi mộ này và dựng lên 28 cột trụ, ngụ ý rằng Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị 28 năm. Ngôi đền này vẫn còn có một Vẫn Thạch Đình, nghe kể rằng trước khi Gia Cát Lượng qua đời, tại phía nam Ngũ Trượng Nguyên có vẫn thạch từ trên trời rơi xuống, vẫn thạch trong ngôi đình này được người đời sau tìm thấy trong khu vực Ngũ Trượng Nguyên.

Trước đây tôi từng sống ở Bao Thành, Hán Trung, đã từng đi thăm mộ Gia Cát Lượng ở chân núi Định Quân. Ngôi mộ này nằm ở chân núi Định Quân, huyện Miễn thuộc phía tây bắc của thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Núi Định Quân này nhấp nhô gập ghềnh, xung quanh là núi và sông, đúng thật là một mảnh đất tốt. Theo như “Tam Quốc Chí” và “Thủy Kinh Chú” của nhà địa lý học Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy ghi chép, Gia Cát Lượng thật sự được chôn ở núi Định Quân. Lịch Đạo Nguyên còn ghi chép rằng “chôn ở núi này, bởi vì địa thế, không xây mộ”. Những ngôi mộ Vũ Hầu mà ngày nay mọi người nhìn thấy ở khắp nơi, kiến trúc của những ngôi mộ và đền thờ này đều được xây dựng vào thời kỳ của hai nhà Minh Thanh. Mộ Vũ Hầu được xếp vào di tích văn hóa trọng điểm của quốc gia ngày nay chính là một ngôi đền lớn có ba khuôn viên, sân và tường hàng rào bao quanh.

Ở lối đi vào có hàng tùng bách cổ, bên trong điện có thờ quạt lông vũ, khăn đội đầu, áo choàng của Gia Cát Lượng, có bức tượng Gia Cát Lượng thần thái đoan trang trong tư thế ngồi. Hai bên trái phải có tượng của hai thị giả Quan Hưng, Trương Bào. Phía sau đại điện là một ngôi mộ lớn xây bằng gạch hướng nam bắc, cao khoảng 6 mét. Trên bia đá nằm trong mộ đình ở phía trước mộ có khắc dòng chữ “Hán Gia Cát Trung Vũ Hầu chi mộ”.

Phía sau mộ có hai cây quế, nghe kể rằng là Hán Quế. Đi tiếp về phía sau là ba căn “tẩm cung”. Theo như khảo cổ, hai bia mộ phía sau mộ, một bia được lập và khắc vào năm Vạn Lịch thứ 22 của nhà Minh (năm 1594), một bia được lập và khắc vào năm Ung Chính thứ 13 của nhà Thanh (năm 1735). Điều thú vị là ở sườn núi phía sau ngôi mộ lớn này còn có một ngôi mộ khác của Gia Cát Lượng, bia mộ được lập vào năm Gia Định thứ 4 của nhà Thanh (năm 1799). Điều này chứng tỏ rằng mộ của Gia Cát Lượng là ở núi Định Quân, nhưng ngôi mộ thật sự nằm ở đâu thì vẫn là một bí ẩn.

Trong các bài viết của “thực vật mạn đàm”, tôi từng nhắc đến nơi này có cây tùng bách cổ cao chót vót, dùng đồng vị của Carbon để kiểm tra, phát hiện cây tùng bách này đã trên 1700 năm tuổi. Cũng có nghĩa là những cây tùng bách, cây quế ở nơi này đều được trồng vào cuối thời Đông Hán. Trên mộ Vũ Hầu có một cây Hoàng Cát, truyền thuyết nói rằng đây là hóa thân của Hoàng Nguyệt Anh, vợ của Gia Cát Lượng, ở đây để bảo vệ mộ. Cây Hoàng Cát là một loại cây cao lớn thuộc họ dâu tằm, thường gọi là cây sung.

Ngôi mộ thật sự của Gia Cát Lượng ở đâu? Tại sao hàng trăm năm qua vẫn chưa tìm được, đến nay vẫn là một bí ẩn? Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết khác nhau, có một truyền thuyết nói rằng trong lá thư Gia Cát Lượng để lại cho Lưu Thiện trước khi chết, yêu cầu mật táng không truyền ra ngoài. Lưu Thiện sai người khiêng thi thể của Gia Cát Lượng đi dạo quanh núi Định Quân, khi nào dây thừng buộc quan tài bị đứt, quan tài rơi xuống chỗ nào thì lấy chỗ đó làm vị trí mộ huyệt. Những binh lính phụ trách khiêng quan tài thấy đã khiêng đi rất lâu mà dây thừng vẫn không chút tổn hại, vì vậy họ lén tìm một nơi yên tĩnh, đào huyệt rồi chôn quan tài gỗ của Gia Cát Lượng xuống đó. Khi họ quay về bẩm báo, Lưu Thiện nghĩ, không đúng, sao lại quay về nhanh như vậy chứ, bên trong chắc chắn có gian trá, vì thế đã nghiêm hình tra khảo sự tình, những binh lính đó không chịu nổi cực hình đành phải khai ra. Lưu Thiện xử tử bọn họ vì tội khi quân, vì vậy người ngoài không biết thi thể của Gia Cát Lượng được chôn ở nơi nào.

Có một truyền thuyết khác nói rằng Lưu Thiện chuẩn bị một cái hộp tiền thưởng, niêm phong, ra lệnh cho 8 binh lính khiêng thi thể của Gia Cát Lượng đi chôn cất bí mật, có một đầu bếp đi theo để nấu cơm cho bọn họ ăn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, sẽ mở hộp tiền thưởng ngay tại chỗ. Đầu bếp nhân lúc các binh lính đang đào huyệt chôn quan tài, lén lút mở chiếc hộp tiền thưởng ra, nhìn thấy bên trong có tám nén vàng, trong lòng nghĩ thầm, 8 nén vàng chia cho 9 người thì chia như thế nào? Vì vậy đã nổi lòng tham, muốn một mình chiếm đoạt hết. Thế là ông lén bỏ thuốc độc vào trong đồ ăn. Đợi khi binh lính quay lại, mọi người mở chiếc hộp ra xem, cũng biết là rất khó chia đều tiền thưởng, thế là các binh lính âm thầm bàn bạc với nhau, có một người nói rằng giết chết đầu bếp, chẳng phải là mỗi người được một phần hay sao? Những người còn lại đều tán thành. Sau khi bọn họ giết chết đầu bếp rồi, nhìn thấy đầu bếp đã chuẩn bị sẵn đồ ăn ngon, vậy tại sao không ăn no mới đi, không ngờ rằng sau khi 8 binh lính này ăn xong cũng bị chết vì độc, vì vậy mộ huyệt của Gia Cát Lượng ở đâu, không ai biết. Thật ra những truyền thuyết này đều có kẽ hở không thuyết phục. Kẽ hở rõ ràng nhất chính là hoàng đế Thục Hán Lưu Thiện ra lệnh cho người khác đi hoàn thành nhiệm vụ quan trọng như vậy, thì làm sao Lưu Thiện không biết Thừa tướng được chôn ở đâu chứ? Có một khả năng rất lớn là Lưu Thiện làm theo lời dặn của Gia Cát Lượng, phải đem thi thể ông đi mật táng, tránh để người đời sau khai quật mộ, vì vậy cố tình xem đó là một bí mật ngàn năm không tiết lộ.

Viết đến đây làm tôi lại nhớ đến một truyền thuyết, là một câu chuyện liên quan đến Lưu Bá Ôn phò tá Chu Nguyên Chương xưng đế. Lưu Bá Ôn thông minh tài tình, suy nghĩ sâu xa, liệu sự như thần. Lưu Bá Ôn nghe người ta nói, Gia Cát Lượng biết được sau khi ông chết sẽ có những ai đến cúng viếng ông. Lưu Bá Ôn không tin, ông quyết định sẽ đi bái tế Gia Cát Lượng, đích thân nghiệm chứng lời tiên tri của Gia Cát Lượng. Lưu Bá Ôn nói rằng, nếu như Gia Cát Lượng không dự đoán được ông sẽ đến, như vậy nghĩa là Gia Cát Lượng không bằng ông, còn nếu Gia Cát Lượng có thể dự đoán được ông sẽ đến cúng bái, thì ông sẽ quỳ xuống dập đầu một ngàn cái. Khi Lưu Bá Ôn đi quét mộ cho Gia Cát Lượng, ông nhổ những cây cỏ dại ở phía trước bia mộ, không ngờ trên bia mộ lại hiển thị năm chữ “chỉ có Bá Ôn đến”, Lưu Bá Ôn hoảng hốt, vội vàng quỳ xuống dập đầu đền tội. Từ đó về sau trong lòng Lưu Bá Ôn vô cùng bội phục Gia Cát Lượng, sự việc này cũng giúp ông biết được thiếu sót của mình.

Mọi người đều biết, Gia Cát Lượng họ Gia Cát, tên Lượng, tự là Khổng Minh, Đạo hiệu Ngọa Long. Ông là một chính trị gia trong thời kỳ Tam Quốc. Ông sinh vào năm 181 sau Công Nguyên tại quận Lang Da (nay thuộc Nghi Nam, Sơn Đông), thời còn trẻ vừa làm ruộng vừa học tại quận Nam Dương (Tương Dương, Hồ Bắc). Được Từ Thứ giới thiệu, Lưu Bị ba lần đến thăm nhà tranh mời ông ra làm mưu sĩ của mình. Gia Cát Lượng bày mưu hiến kế cho Lưu Bị, phò tá Lưu Bị xây dựng chính quyền Thục Hán, đảm nhận chức vụ thừa tướng, được phong làm Vũ Hương Hầu. Sau khi Lưu Bị qua đời, ông tiếp tục phò tá cho Lưu Thiện, nắm giữ quyền lực chính trị và quân sự của Thục Hán. Qua đời vào ngày 23 tháng 8 năm 234 SCN tại Ngũ Trượng Nguyên, hưởng thọ 54 tuổi.

Thất tinh được nhắc đến trong vở Kinh kịch “Thất Tinh Đăng” nói trên chính là bảy ngôi sao Bắc Đẩu. Trong vở kịch “Tả Đông Phong” (mượn gió đông) có một đoạn diễn về Gia Cát Lượng lập pháp đàn, sử dụng cờ thất tinh làm phép, cùng với đạo hiệu Ngọa Long của Gia Cát Lượng nói trên. Từ những điều này chúng ta có thể biết được Gia Cát Lượng là một người tu Đạo, ông đã có đủ công năng túc mệnh thông, vì vậy ông có thể đoán trước tương lai, có thể quan sát thiên tượng, có thể liệu sự như Thần.

Châu Yến.

Tin bài liên quan