Người có phúc khí hay không, nhìn vào một điểm này sẽ biết

Trong “Đại Vũ Mô – Thượng Thư” có viết: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, thì nãi Thiên đạo”. Ý nói là: tự mãn tất sẽ chiêu mời tổn hại cho bản thân, còn khiêm tốn thì nhất định sẽ khiến bản thân được hưởng lợi ích...

Câu này còn muốn nhắn nhủ với mọi người một đạo lý ‘kiêu ngạo tự mãn thì có hại và khiêm tốn cẩn thận sẽ có ích’. 

Hứa Thận thời Đông Hán có giải thích trong “Thuyết văn giải tự” như sau: “Khiêm, kính dã. Tòng ngôn kiêm thanh”. Ý ở trong lời, ngôn ngữ không tự mãn, có mà như không, đủ để thấy sự cung kính thật sự, lời nói phải khiêm tốn. “Kiêm” là ý nghĩa của sự hòa hợp lẫn nhau giữa hai người, vì tôn trọng người khác mà khiêm tốn nhường nhịn. Mọi người cùng kính trọng lẫn nhau thì thanh âm của “khiêm” mới có thể nhân đôi. 

Từ xưa đến nay, khiêm tốn và khiêm nhường luôn được coi là đức tính truyền thống tốt đẹp. Trong ‘Kinh dịch’ có một quẻ gọi là quẻ “khiêm”. Quẻ này chuyên giảng về đạo lý của “khiêm”, đại ý nói rằng: “Đạo của trời, phàm là kiêu ngạo tự mãn thì sẽ khiến cho người này luôn thua thiệt, còn ai biết khiêm tốn thì sẽ đạt được lợi ích. Đạo của đất, phàm là kiêu ngạo tự mãn cũng cần phải thay đổi, không để cho người có tính nết này đạt được thỏa mãn. Hơn nữa, người biết khiêm tốn lại càng được thoải mái, giống như đất ở chỗ thấp vậy, nước chảy qua sẽ lấp đầy chỗ thiếu hụt. Đạo lý của quỷ – Thần, hễ mà kiêu ngạo tự mãn thì sẽ khiến người này chịu thiệt hại, còn người khiêm tốn sẽ được hưởng phúc. Đạo lý của con người chính là chán ghét sự kiêu ngạo tự mãn mà yêu thích người biết khiêm tốn. Người có đủ mỹ đức khiêm tốn sẽ được tôn trọng, đạo đức càng sáng rõ, cho dù có địa vị thấp kém cũng không ai có thể xâm phạm. Người quân tử dựa vào “khiêm” mà đạt được kết quả tốt. 

Quẻ “Khiêm” còn nói: “Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục”, bậc quân tử biết hạ mình, khiêm cung để nuôi dưỡng đức. Bậc quân tử chấp nhận hạ mình, kiềm chế bản thân để nuôi dưỡng tính khiêm tốn, dùng “khiêm” để ước thúc chính mình. Trong ‘Sử Ký – Nhạc thư’ cũng viết: “Quân tử dĩ khiêm thối vi lễ”, bậc quân tử dùng khiêm làm lễ. Như vậy có thể thấy được bậc quân tử phải có đủ mỹ đức của “khiêm”. 

Một người có thể khiêm tốn chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ và tin tưởng rộng rãi từ công chúng. Người hiểu được khiêm tốn sẽ biết rõ đạo lý quan trọng của “Nhật tân hựu tân” (ngày mới thêm mới). Học hành không chỉ yêu cầu phải tiến bộ mà ở làm người và làm việc cũng vậy… Mọi thứ đều yêu cầu phải tiến bộ, không chỉ vậy mà còn phải tốt. Đạt được điều này là nhờ vào sự khiêm tốn, do đó mới gọi là đức của khiêm. 

Khiêm tốn xuất phát từ trong tâm hướng ra bên ngoài chứ không phải dựa vào hành động cố ý. Cũng không phải xuất phát từ lễ phép mà từ mỹ đức và nội tâm chân thật. Biết rõ thiếu sót của mình do vậy mới cam chịu hạ mình mà học tập những điều tốt từ người khác, nhờ vậy mà hoàn thiện bản thân.

Khổng Tử từng nói: “Ba người đi cùng nhau, trong đó nhất định có một người là thầy của ta. Ta lựa chọn mặt thiện của người này mà học tập, nhìn thấy điều không tốt ở người này mà so sánh với bản thân để sửa chữa khuyết điểm của mình”. 

Câu này đã thể hiện được tinh thần khiêm tốn và hiếu học của Khổng Tử. Trong câu bao hàm hai phương diện, một là chọn người thiện mà theo, nhìn vào mặt tốt mà học hỏi, là tinh thần khiêm tốn hiếu học. Hai là nhìn người không tốt mà sửa mình, gặp người bất thiện mà lấy đó làm gương, cảnh tỉnh chính mình. Như vậy, cho dù người đồng hành là thiện lương hoặc bất thiện, họ đều có thể làm thầy. 

Vào thời nhà Minh, ông Viên Liễu Phàm có ghi lại trong ‘Liễu Phàm Tứ Huấn’ mấy câu chuyện chứng minh cho lợi ích của khiêm tốn như sau.  

“Năm Tân Mùi, ta đến kinh thành cùng các đồng hương thiện lương để tham dự khoa cử. Ước khoảng 10 người. Trong đó chỉ có Đinh Kính Vũ là người trẻ tuổi nhất, hơn nữa lại vô cùng khiêm tốn. Ta nói với bạn cùng tham dự khoa thi là Phí Cẩm Pha rằng: “Vị huynh đệ Đinh Kính Vũ năm nay nhất định thi đậu”. Phí Cẩm Pha hỏi tôi: “Làm thế nào mà anh nhìn ra vậy?” 

Ta nói: “Chỉ những người khiêm tốn mới có thể nhận được phúc báo. Huynh xem, trong chúng ta có 10 người, liệu có ai thành thật và phúc hậu trong hết thảy các sự tình, không tỏ vẻ trước mặt người khác như Kính Vũ không? Có ai cung kính, hết thảy đều lắng nghe, quan sát và khiêm tốn, giống như Kính Vũ không? Có ai mà khi bị người sỉ nhục không phản kháng, nghe người phỉ báng mà không tranh luận như Kính Vũ không? Một người có thể làm được vậy thì Thiên, Địa, Quỷ, Thần cũng đều muốn giúp đỡ người này, chẳng lẽ lại không phát đạt trên con đường công danh? Đến khi niêm yết bảng vàng, Đinh Kính Vũ quả nhiên đã thi đậu”. 

Vào năm Đinh Sửu, tại kinh thành có một người tên là Hòa Phùng Khai, mọi người nhìn thấy anh thể hiện ra vô cùng khiêm tốn, điều này khác rất nhiều tính nết của anh hồi còn nhỏ. Bởi vì anh có một người bạn chính trực thẳng thắn tên là Quý Tễ Nham. Người bạn này thường xuyên góp ý trực diện về những lỗi lầm của Hòa Phùng Khai. Tuy vậy, anh luôn bình tĩnh lắng nghe mà chưa từng phản bác một câu. Tôi nói cho anh ta: “Một người có phúc nhất định là có mầm rễ phúc đức; nếu có họa đến thì cũng nhất định sẽ được báo trước. Chỉ cần một người có lòng khiêm tốn, Thượng Thiên nhất định sẽ giúp đỡ, huynh đệ năm nay nhất định đậu khoa cử có thứ hạng rồi. Sau này, quả nhiên Phùng Khai đã thi đỗ đạt cao. 

Triệu Dụ Phong, tên chữ là Quang Viễn, quê ở huyện Quan Huyền, tỉnh Sơn Đông. Năm 20 tuổi, Dụ Phong là người bất mãn. Trong hội thi cử nhân, sau đó đến thi hội, nhiều lần dự thi mà không đỗ đạt gì. Cha của Dụ Phong là thư ký cho quan phụ trách huyện Gia Thiện, Dụ Phong cũng tới giúp đỡ. Dụ Phong vô cùng hâm mộ học vấn của danh sĩ Tiễn Minh Ngô, huyện lệnh huyện Gia Thiện. Thế là Dụ Phong liền mang bài văn của mình đến gặp, không ngờ bài văn của cậu đều bị Tiễn Minh Ngô dùng bút xóa sạch. Dụ Phong chẳng những không nổi giận, hơn nữa còn tâm phục khẩu phục, vội lấy bài văn đem sửa lại những chỗ thiếu sót. Người trẻ tuổi dụng tâm khiêm tốn, thật sự chẳng có mấy người, đến năm sau tham gia khoa cử, Dụ Phong đã thi đậu”. 

Nên mới nói, Đạo của Trời là chiếu cố cho người khiêm tốn thiện lương; Đạo của đất sẽ không dung thứ cho người ngạo mạn, ngang ngược vậy.

San San biên dịch.

Tin bài liên quan