Thời Đức Phật tại thế, có một vị Quốc vương tên là Ða Vị Tả. Bỗng một ngày quốc vương phát thiện tâm muốn bố thí rất nhiều, bao nhiêu của báu chất đầy như núi, rao rằng hễ ai đến xin đều cho bốc đi một nắm...
Người người đến xin đã dài ngày mà núi châu báu vẫn chưa suy suyển. Ðức Phật biết Quốc vương có nhiều phước duyên về trước, có thể hóa độ, Ngài bèn dùng phép thần thông hóa thân thành một vị Phạm Chí đến thăm. Vua rất mừng rỡ, làm lễ xong hỏi rằng:
– Ngài muốn cần dùng gì xin cho tôi biết? Tôi vui lòng cúng dường.
Vị Phạm Chí đáp:
– Tôi từ xa đến đây, cốt xin nhà vua ngọc báu để đổi lấy vật liệu làm nhà ở.
Vua đáp:
– Tôi rất vui lòng xin Ngài bốc lấy một nắm.
Vị Phạm Chí bốc một nắm, đi bảy bước, trở lại trả chỗ cũ.
Vua hỏi:
– Cớ sao Ngài không lấy?
– Với số báu ấy thật đủ làm nhà, nhưng khốn cho tôi về sau còn phải cưới vợ nữa, thì không đủ dùng, nên tôi không lấy.
– Thôi, Ngài lấy thêm ba nắm.
Vị Phạm Chí bốc ba nắm, đi bảy bước trở lại trả về chỗ cũ.
– Sao Ngài lại thế?
– Với số báu vật ấy thật đủ cả cưới vợ, nhưng lấy gì sắm ruộng đất, đầy tớ, trâu ngựa, tôi tính không đủ, nên thôi là hơn.
– Thôi, Ngài lấy thêm bảy nắm.
Vị Phạm Chí lấy xong, đi bảy bước lại trở lại trả chỗ cũ.
– Cớ gì Ngài vẫn chưa vừa ý?
– Nếu tôi có con cái phải lo cưới gả, sắm sửa, lại còn việc nhà đám kỵ, giao tiếp thân bằng, tôi tính vẫn cứ thiếu, nên không lấy.
– Tôi vui lòng cúng tất cả, Ngài lấy về dùng cho đủ!
Vị Phạm Chí bước lên núi báu rồi trở xuống không nhận.
Nhà vua thấy rất quái lạ, thưa rằng:
– Ý Ngài thế nào, tôi thật không hiểu.
– Bản ý tôi đến xin Ngài để mưu cầu sự sống. Song tôi xét lại mạng con người sống chẳng bao lâu, muôn vật cũng không thường hằng, sáng còn tối mất, khó giữ lâu bền. Dầu tôi được cả núi báu, vị tất đã lợi ích hoàn toàn cho bản thân. Lo toan tham muốn bao nhiêu, luống công nhọc nhằn bấy nhiêu, chẳng bằng dứt bỏ dục vọng, cầu đạo giải thoát, rèn luyện các đức tính tốt cho mình, cho gia đình, cho xã hội… đều hướng về mục đích từ bi, trí tuệ là hơn, nên tôi không lấy.
Nghe tới đó nhà vua bừng tỉnh ngộ, tâm ý sáng suốt cầu được nghe pháp.
Thuyết pháp xong, Đức Phật hiện Phật thân phóng hào quang sáng rực rỡ, vua và quần thần vui mừng hớn hở xin thọ ngũ giới, chứng quả Tu Ðà Hoàn.
***
Có câu rằng: “Người ta thường sống như thể mình không bao giờ chết, và cuối cùng thì chết đi như thể mình chưa từng sống”. Bao đời nay, dẫu triều đại đổi thay, ở Đông hay Tây, thì một đời người vẫn không ngoài mấy việc: thành gia lập nghiệp, sinh con đẻ cái, tích cóp làm giàu… Người ta thường nhọc nhằn chạy theo những ham muốn này, mà ít ai tự hỏi: Ý nghĩa cuộc đời mình rốt cuộc là gì?
Một người tu Đạo xưa từng có thơ rằng:
“Cầu danh tham lợi khắp thế gian
Chẳng như lão nạp Đạo nhân gian
Gà được cho ăn nồi đã sủi
Nhạn đồng không thóc vẫn an nhàn
Phú quý trăm năm đâu giữ nổi
Lẽ Đạo luân hồi vẫn tuần hoàn
Khuyên người sớm kiếm đường tu luyện
Đánh mất thân người vạn kiếp nan”.
Nhà cửa, công danh, thân bằng quyến thuộc… chỉ là nhân duyên trong một đời, thảy đều không thể theo bạn mãi mãi trong dòng sông vĩnh hằng của sinh mệnh. Các chính giáo trong lịch sử đều thuyết pháp rằng sinh mệnh của con người có thể đạt được thăng hoa cảnh giới nhờ tu luyện, từ đó tìm lại thiện tính ban đầu, trở về thiên quốc. Tu luyện không nhất thiết phải “bế quan diện bích”, vào chùa, vào núi tu; mà ngay trong cuộc sống đời thường với hết thảy mâu thuẫn xung đột lợi ích này, ta có thể dần coi nhẹ được – mất, chân thành lương thiện, biết nghĩ cho người khác hơn, thì đã là đang bước trên con đường trở về gia viên thực sự.
Thanh Ngọc.