Sự tích ngày lễ Vu Lan báo hiếu và nghi thức 'Bông hồng cài áo'

Sự tích ngày lễ Vu Lan báo hiếu và nghi thức 'Bông hồng cài áo'

Tháng 7 âm lịch hàng năm là mùa Vu Lan báo hiếu. Thường vào thời điểm này trong năm những người con thảo cháu hiền không ai bảo ai, tự nhiên cảm thấy lòng mình lâng lâng nỗi niềm bâng khuâng tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ. Dưới đây là sự tích về lễ Vu Lan báo hiếu và nghi thức "Bông hồng cài áo", mời bạn đọc tham khảo.

Sự tích Vu Lan báo hiếu

Vu Lan phiên âm từ tiếng Phạn là Ullambana, dịch theo tiếng Hán là giải - đảo - huyền, có nghĩa là giải cứu tội nhân đọa trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh bị nghiệp lực hành hạ khổ đau.

Vu Lan nói cho đủ là Vu Lan Bồn. Bồn là dụng cụ đựng đồ như cái thau mà ngày xưa người ta thường dùng để đựng các vật phẩm dâng cúng chư Tăng trong lễ Trai Tăng để cầu nguyện cho ông bài cha mẹ quá cố, nhờ công đức của tổ tiên mà được giải thoát khỏi khổ đau trong nhân gian hoặc cầu phước - lộc - thọ cho cha mẹ.

Sự tích của ngày này bắt nguồn từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của ông Mục Liên. Về sau Mục Liên đã quy y cửa Phật và trở thành một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông và được liệt vào một trong những đệ tử thần thông đệ nhất của Phật.

su tich ngay le vu lan bao hieu va nghi thuc bong hong cai ao
 

Sau khi thành chính quả, Mục Liên nhớ về mẹ mình nên đã dùng huệ nhãn tìm kiếm. Thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm quỷ đói nơi đại ngục, bị đói khát và hành hạ khổ sở, thân hình tiều tụy, bụng ỏng đầu to. Quá thương cảm xót xa, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do xung quanh toàn quỷ đói lâu ngày nên khi ăn, mẹ của Mục Liên đã dùng một tay che bát cơm, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì vậy thức ăn khi đưa lên miệng hóa thành than đỏ rực, không sao nuốt nổi.

Mục Liên quay về tìm Đức Phật, xin được chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật dạy rằng: Vì nghiệp chướng từ nhiều kiếp mà mẹ ông phải đầu thai làm loài quỷ đói, dù Mục Liên có thần thông quảng đại hay tận hiếu đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ mà phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo cùng cầu xin cứu rỗi mới được. Phật dạy Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về. Nhờ công đức cầu nguyện của các vị này mà vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo. Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng nên hãy sắm lễ vào ngày đó.

Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy, quả nhiên vong mẫu của ông được thoát kiếp quỷ đói, về với cảnh giới lành. Cách thức cúng cầu siêu đó được gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn bội và bộ kinh ghi chép sự tích trên đây gọi là Vu Lan bồn kinh.

Vì tích truyện này mà hàng năm cứ đến rằm tháng 7, bên cạnh lễ Vu Lan thì người Việt Nam cũng làm lễ cúng chúng sinh, cô hồn, xá tội vong nhân đều với mục đích báo hiếu và làm phúc.

Đến nay, ngoài phiên bản nêu trên thì sự tích ngày lễ Vu Lan báo hiếu còn được nhiều tác giả chuyển thể thành thơ để phù hợp với nhiều lứa tuổi nhằm lan rộng ý nghĩa và tính giáo dục của ngày lễ này đến tất cả mọi người.

su tich ngay le vu lan bao hieu va nghi thuc bong hong cai ao

Nghi thức "Bông hồng cài áo"

Nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7 Âm lịch) là một nghi thức đặc biệt của Phật Giáo Việt Nam. Càng đặc biệt hơn, nghi thức này do giới Phật tử trẻ tuổi tại miền Nam đưa vào Phật Giáo từ hơn 40 năm về trước. Sau đó không lâu, nó đã trở thành một nghi thức có tính truyền thống trong lễ Vu Lan.

Ý nghĩa của việc cài bông hoa hồng, đã được Hòa thượng Thích Nhất Hạnh giải thích ngay trong ấn phẩm Bồng Hồng Cài Áo: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ."

"Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ dù đã khuất. Người được cài hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa”

su tich ngay le vu lan bao hieu va nghi thuc bong hong cai ao
 

Cùng thời điểm đó, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác nhạc phẩm “Bồng Hồng Cài Áo”. Đến nay bài hát đó được coi như “bài hát chính trong các dịp lễ Bông hồng cái áo ở các chùa vào mùa Vu Lan báo hiếu”.

Cũng từ đó nghi thức cài bông hồng trong ngày Vu Lan được phổ thông hóa và trở thành ngày lễ trong Phật giáo. Cho nên hằng năm, cứ đến mùa Vu Lan Báo Hiếu, hầu hết người Việt Nam là Phật tử, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng đều đến chùa tham dự lễ “Bông Hồng Cài Áo”, để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của các đấng song thân, dù còn hiện tiền hay không còn trên cõi đời này.

Tin bài liên quan