Không ít người đã từng nghe về câu chuyện sư tử đá mắt đỏ, chuyện kể về những người dân trong một ngôi làng, vì đạo đức bại hoại mà bị ông trời trừng phạt. Bồ Tát ở trên trời có lòng từ bi thương xót, nhưng không thể nói rõ ràng trực tiếp cho con người, nên đã hóa thành người ăn mày để nói với một bà lão tốt bụng trong làng rằng: “Khi mắt của sư tử đá biến thành màu đỏ thì sẽ có lũ lụt, đến lúc đó hãy nhớ chạy lên núi mà tránh”. Bà lão có tấm lòng nhân hậu vội báo tin cho dân làng. Nhưng lúc này người dân trong làng sớm đã có ác nghiệp đầy thân, họ không tin vào quả báo hay thiên tai sẽ ập đến khi họ đang có cuộc sống tốt đẹp. Khi nghe bà lão nói mắt của sư tử đá biến thành đỏ, họ đều chế giễu bà lão ngu ngốc.
Đoạn kết của câu chuyện rất kịch tính, mắt của sư tử đá không hề tự nhiên biến thành màu đỏ, mà bị mấy người dân làng giở trò và bôi thuốc nhuộm đỏ lên. Nhưng ngay vào lúc đó, lũ lụt ập đến đúng như dự ngôn, trong nháy mắt cả ngôi làng bị nhấn chìm, người duy nhất sống sót chính là bà lão tin lời Bồ Tát mà chạy thẳng lên núi.
Trong sách “Thượng Thư Thái Giáp” có nói: Thiên tai có thể tránh khỏi, tội lỗi do mình gây ra thì không thể thoát khỏi. Trước khi trời giáng tai họa, các vị Thần, Phật sẽ luôn điểm ngộ cho thế nhân bằng những phương thức khác thường, hoặc mượn miệng của những người tốt để thức tỉnh và nhắc nhở, hoặc mượn miệng của người tu đạo để dự ngôn cảnh báo. Nhưng con người vẫn cứ tiếp tục chấp mê mà không tin, thì e rằng họ khó có thể sống sót, cuối cùng họ sẽ không cách nào thoát khỏi kiếp nạn do tự mình hành ác mà dẫn tới. Có rất nhiều câu chuyện tương tự được ghi chép lại trong các sách sử, câu chuyện được kể trong bài viết này xảy ra vào thời Ngũ Đại Thập Quốc.
Khi Hậu Thục chủ Mạnh Thị xưng vương, Lợi Châu có một vị dị sĩ tên là “Thiên Tự Tại”. Ban ngày anh ta mặc quần áo ngắn, đầu tóc bù xù, chân trần đi lang thang khắp phố, đến đêm thì ngủ ở trong miếu Thần. Khi nói chuyện với người khác, anh ta đều nói về những chuyện xảy ra ở trên thiên thượng. Nếu nhìn thấy giấy bút, thì anh ta lập tức vẩy mực vẽ tranh, có khi vẽ mây, rồng, phượng ngoài chín tầng mây, có khi vẽ đình đài lầu các hiếm thấy trong nhân gian, bên trong còn có người đang chơi nhạc khí.
Có một khu chợ ở phía Nam Lợi Châu, ban ngày người đến người đi rất náo nhiệt. Vào một đêm, khu chợ đột nhiên xảy ra hỏa hoạn, ngọn lửa hung dữ và mạnh mẽ, đến nỗi khói đen dày đặc bốc thẳng lên trời. Lúc này, “Thiên Tự Tại” ở trong miếu Thần đang tự nói với chính mình rằng: “Người ở nơi này làm nhiều điều ác đã lâu rồi, ông trời sẽ không buông tha bọn họ”.
Nói xong, anh ta đi đến cạnh cái chậu đá ngoài cửa miếu, sau đó anh ta nhúng tay vào nước trong chậu, rồi hất nước lên không trung. Trong phút chốc, một luồng khí thần kỳ từ cổng miếu bay ra, sau đó bay thẳng lên trời, tiếp theo đó thì mưa to như trút nước. Một lúc sau, đám cháy được dập tắt. Nhưng ngày hôm sau, người ta phát hiện toàn bộ khu chợ đã bị lửa thiêu rụi, không còn ai sống sót. Ngay tại đêm đó, người trông coi miếu Thần đã nhìn thấy “Thiên Tự Tại” dùng pháp thuật thần kỳ để dập lửa, thế là tin tức này nhanh chóng lan truyền ra bên ngoài. “Thiên Tự Tại” cảm thấy ở lại đây lâu không thuận tiện, nên rời khỏi miếu Thần và không ai biết anh ta đã đi đâu.
Bên ngoài cổng Nam Lợi Châu là nơi tụ tập giao dịch, buôn bán của thương nhân. Một hôm, có một đạo nhân quần áo rách rưới đem theo một số hạt giống bầu hồ lô đến nơi đông người nhất để rao bán. Anh ta không ngừng rao rằng: “Một, hai năm tới sẽ rất hữu dụng, mỗi hạt giống chỉ ra một quả, không cần dựng khung, dây leo có thể sinh trưởng trên mặt đất”. Anh ta vừa nói, vừa dùng đất sét trắng vẽ hình quả bầu hồ lô trên mặt đất. Nhìn thấy quả bầu anh ta vẽ đặc biệt lớn, những người qua đường đều chế giễu nói: “Không thể tin lời người điên nói”.
Người đàn ông rao bán một hồi lâu, nhưng vẫn không có ai đến mua hạt giống, thế là anh ta lấy tay bịt tai chạy đi chạy lại, vừa chạy vừa nói: “Tại sao tiếng gió, tiếng nước lại lớn đến thế!” Những đứa trẻ trên đường nhìn thấy, đều chạy theo sau chế giễu anh ta, còn đặt cho anh ta biệt danh, gọi là “đạo sĩ bịt tai”.
Ngày tháng trôi qua, đến mùa thu năm sau, vào giữa đêm nước sông Gia Lăng ở gần đó đột nhiên dâng cao, nước sông tràn lên thành lũ, rất nhanh nhấn chìm hàng trăm nhà dân cạnh sông. Nhìn quanh, khu chợ trước kia đã thành một đại dương bao la. Lúc này, có người từ xa nhìn thấy đạo nhân nọ đang nổi bồng bềnh trên mặt nước. Anh ta đang ngồi trong một cái bầu hồ lô có thể chứa được người, và giống như thường lệ, anh ta đang bịt tai và hét lên: “Tại sao tiếng gió, tiếng nước lại lớn đến thế!” Về sau, bầu hồ lô càng ngày trôi càng xa, không ai biết đạo nhân đó đã đi đâu.
Hoàng Vạn Hữu (hay được gọi là “Hỗ”) đã tu đạo ở vùng núi phía Nam Quý Châu trong nhiều năm. Cứ hai, ba mươi năm một lần ông ta lại đến chợ Thành Đô bán thuốc, mỗi lần ông dự đoán phúc họa hung cát cho người khác đều trở thành sự thật. Vương Kiến, vua của Tiền Thục nghe nói trong chợ có cao nhân như vậy, liền mời vào cung, và dùng nghi lễ cao tiếp đãi ông ta.
Vương Kiến hỏi ông ta, làm sao có thể sống lâu được như vậy, phải chăng có dùng đan dược gì? Lúc đầu ông ta giữ bí mật mà không trả lời, sau đó nói: “Tôi không phải Thần Tiên, cũng chưa dùng qua linh đan diệu dược gì, chỉ bất quá là thanh tâm quả dục, chú trọng bảo trì chính khí, làm nhiều việc nhân đức, ít làm việc trái đạo nghĩa mà thôi”. Vương Kiến lại hỏi ông bao nhiêu tuổi, ông ta trả lời: “Tôi chỉ nhớ những năm Dịch Lang Hầu còn là vua nước Thục, Tàm Tùng Thị (người đầu tiên làm vua nước Thục) lập đô ở huyện Bì, thỉnh thoảng tôi được mời xuống núi. Sau này, chỉ nhìn thấy nhật nguyệt luân chuyển, hoa nở hoa tàn, cũng không còn nhớ đã bao nhiêu năm rồi”.
Một ngày nọ, Hoàng Vạn Hữu được Vương Kiến mời vào cung, ông ta liếc nhìn về phía Gia Châu, rồi nói với Vương Kiến rằng: “Đất Kiền Vi nóng như lửa đốt, xin hãy phái người đến đó”. Gia Châu từng được đổi tên thành “quận Kiền Vi”, “nóng như thiêu đốt” tức là chỉ hỏa hoạn. Vương Kiến nghe xong liền phái người đi kiểm tra, nhưng sau khi đến nơi, thì phát hiện nơi đó đã bị thiêu rụi thành đống đổ nát.
Vài ngày sau, Hoàng Vạn Hữu dự tính từ biệt Vương Kiến để quay về trong núi. Vương Kiến rơm rớm nước mắt giữ ông ta ở lại, nhưng ông đã từ chối, Vương Kiến hỏi dò thêm về sự việc tương lai sau này, nhưng ông cũng không nói lời nào. Sau khi Hoàng Vạn Hữu rời khỏi Thục cung, có người nhìn thấy trên tường phòng của ông ta có hai câu thơ: “Mạc giao khiên động Thanh Trư túc, động tức viêm viêm bất khả phốc. Chí thú bất dục lưỡng đầu hoàng, hoàng tức kỳ niên thiên hạ khốc”. (Tạm dịch: Đừng chạm vào Thanh Trư túc, động vào lửa bùng không thể dập tắt. Thú dữ không thích hai đầu vàng, màu vàng năm ấy thiên hạ khóc).
Những người có học vấn nhất lúc bấy giờ cũng không hiểu được ý nghĩa sâu xa khi đọc nó. Sau này đến năm Ất Hợi, Vương Kiến khởi binh chinh phạt về phía Đông, thế như chẻ tre, trực tiếp lấy được Tần Châu và Phong Châu. Giữa lúc tin thắng trận liên hồi báo về, một trận hỏa hoạn bất ngờ bùng phát trong cung điện nơi Vương Kiến ở, những bảo vật trong cung bị đốt thành tro chỉ trong một đêm.
Lúc này mới có người phát hiện, Ất Hợi năm ấy chính là năm Thanh Trư (Theo văn hóa truyền thống Trung Quốc, năm Hợi có can khác nhau tương ứng với cách gọi khác nhau, ngoài Thanh Trư còn có Bạch Trư, Xích Trư, Hoàng Trư, Hắc Trư), ứng nghiệm câu thơ năm đó của Hoàng Vạn Hữu: “Đừng chạm vào Thanh Trư túc, động vào lửa bùng không thể dập tắt”. Mà trong câu thơ “Thú dữ không thích hai đầu vàng, màu vàng năm ấy thiên hạ khóc”, “thú dữ” tức là Dần (chi thứ ba trong hàng chi), “thiên hạ khóc” là báo trước cái chết của thiên tử. Ba năm sau, tức năm Mậu Dần (can Mậu thuộc hành thổ, thổ cũng có nghĩa là vàng), vua của nước Thục, Vương Kiến băng hà.
T/H.