Câu đối Tết trong phong tục truyền thống Á Đông

Trong dân gian còn lưu hành câu thơ về Tết truyền thống người Việt:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Vậy nên cứ mỗi độ Tết về, nhà nhà đều tìm đến các ông đồ Nho hay chữ, có đức độ, tiết tháo, được mọi người kính trọng để xin câu đối Tết. Câu đối Tết được trang hoàng nhà cửa, cũng nói nên nguyện vọng và mong muốn một năm mới hạnh phúc bình an, làm ăn thuận lợi, sự nghiệp hanh thông:

Xuân an khang đức tài như ý
Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên.

Câu đối Tết cũng thể hiện tiễn đưa năm cũ, tống táng vận xấu cũ đi, đón vận mới tốt lành đến với gia đình:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa

Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Nguồn gốc câu đối Tết

Câu đối tết có khởi nguồn từ đào phù, tức là tấm bùa bằng gỗ cây đào. Đào phù bắt đầu từ thời nhà Chu, là hai tấm gỗ đào hình chữ nhật treo hai bên cửa. Theo “Hậu Hán thư – Lễ nghi chí” thì: “Đào phù dài 6 tấc (khoảng 20 phân), rộng 3 tấc (khoảng 10 phân), trên đào phù viết tên hai vị Thần chế phục ác ma là Thần Đồ và Uất Lũy. Ngày mồng 1 Tết, treo đào phù ở cửa, có thể khiến trăm loài quỷ đều sợ hãi tránh xa”. Đào phù có thể xua đuổi ma quỷ, trấn áp ma tà, tiêu tai giải họa, đón lành tránh hung.

Thú chơi câu đối và câu đối Tết cũng dần dần lan ra khắp các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay chưa rõ thú chơi câu đối và câu đối Tết vào nước ta từ thời nào, nhưng đến thời Trần thì đã xuất hiện thú chơi câu đối phổ biến, nó còn thể hiện của tài năng trí tuệ. Tương truyền năm 1308, Mạc Đĩnh Chi được vua Trần Anh Tông cử đi sứ nhà Nguyên. Do mưa to gió lớn nên sứ bộ nước ta qua cửa ải trễ ngày giờ hẹn định. Viên quan giữ cửa ải đóng chặt cửa không cho sứ bộ đi qua. Sau đó họ vứt xuống một vế đối hết sức hiểm hóc, bảo đối được thì cho qua. Vế đối như sau:

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan!
(Qua cửa trễ, cửa quan đóng, mời khách qua qua cửa!)

Vế ra có 3 chữ quá, 4 chữ quan lặp lại, ý lại thách thức sứ bộ Đại Việt tìm cách mà qua cửa ải. Mạc Đĩnh Chi thấy đối chuẩn về từ không phải dễ nên linh hoạt chọn cách đối ý rằng:

Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối!
(Ra đối dễ, đáp đối khó, mời tiên sinh đối trước!)

Viên quan giữ cửa ải phục quá, hô binh lính thắp đuốc, mở cửa quan cho sứ bộ Đại Việt đi qua.

Đến thời Hậu Lê, tức là cùng với thời nhà Minh bên Trung Quốc, thì phong tục chơi câu đối Tết cũng đã phổ biến trong dân gian rồi. Một năm vào dịp Tết đến, vua Lê Thánh Tông cải trang vi hành để xem xét tình hình bách tính. Thấy xã tắc thái bình, bách tính an cư lạc nghiệp, nhà nhà đều treo đèn kết hoa, treo câu đối đỏ, nhà vua trong lòng vui mừng lắm. Vua đi qua một nhà nọ, thấy không đèn, không hoa, không câu đối, không khí ảm đạm trầm trầm, vua bèn vào hỏi han. Chủ nhà nói, do làm cái nghề hèn hạ là hót phân người nên không dám phô ra, không đèn hoa câu đối gì hết.

Nhà vua cười rồi nói: “Nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng là vẻ vang bậc nhất. Câu đối của bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất, việc gì mà lại kêu là hèn”. Nói rồi vua liền lấy giấy bút viết tặng 2 câu đối:

Ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự
Ðề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.

Tạm dịch:

Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ
Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian.

Khách qua lại, nhìn thấy câu đối ai cũng dừng lại ngắm nghía thưởng thức, từ ý nghĩa, vế đối, đến cảnh giới tâm hồn đều rất cao siêu, nét chữ rắn rỏi lại mềm mại bay lượn, bút lực mạnh mẽ, phóng khoáng khiến ai nấy đều trầm trồ thích thú.

Sau này câu đối mở rộng từ chữ Hán sang chữ Nôm, rồi mấy chục năm gần đây đã chuyển sang dùng cả chữ quốc ngữ (chữ Latin). Câu đối cũng như câu đối Tết là đặc sản của các nước Á Đông vì đặc điểm mỗi chữ một âm tiết, lại có các âm điệu, thanh điệu trầm bổng, bằng trắc khác nhau, nên khi đọc, ngoài ý nghĩa chữ nghĩa ngôn từ cô đọng đặc sắc ra, còn nghe rất vui tai.

Câu đối tết 2019

Xuân an khang đức tài như ý
Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên.

Nam Phương

Tin bài liên quan