Chữ Nho trong các thư tịch cổ của cha ông ta là loại chữ có nội hàm tinh tế, thâm sâu. Hiểu chữ Nho, chúng ta không chỉ đọc hiểu ghi chép của người xưa mà còn hiểu được đạo lý nhân sinh trong mỗi từng câu chữ.
Chữ “Đạo” (道) bắt đầu bằng hai nét phết (丷) tượng trưng cho Âm – Dương, cùng với chữ “Nhất” (一) tạo thành ‘Âm Dương hợp nhất’.
Bên dưới là chữ “Tự” (自), trên dưới kết hợp lại tạo thành chữ “Thủ” (首) là khởi thủy, ban đầu, đứng đầu. Vũ trụ cũng bắt nguồn từ một thứ nguyên thủy nhất rồi mới sinh ra vạn sự vạn vật. Kinh Dịch viết: “Dịch có Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh Ngũ Hành”, từ ngũ hành ấy mà vạn vật mới xuất sinh.
Bên trái chữ Đạo là bộ “Sước” (辶) nghĩa là chạy, bước đi, biểu thị sự vận chuyển không ngừng. Như vậy, bên trong Đạo đã bao hàm cả Âm và Dương, tĩnh và động, động thì không ngừng sinh hóa, tĩnh thì thanh tịnh vô vi.
Chữ Dương bên trái có bộ “Phụ” (阝) tức là núi đất, bên phải có chữ “Nhật” (日) đứng trên chữ “Nhất” (一), tạo thành hình ảnh mặt trời mọc. Bên dưới là chữ “Vật” (勿) mang ý nghĩa vạn sự vạn vật được mặt trời chiếu sáng.
Chữ “Dương” (陽) thường đi liền với chữ “Âm” (陰) tạo thành hai mặt đối lập. Bởi có Dương và Âm, nên mới có sáng và tối, ngày và đêm, nóng và lạnh, thiện và ác, tốt và xấu, trong và đục… Từ Thái Cực mà sinh ra hai khí Âm Dương, Dương phát tán còn Âm thì tụ hội, cho nên Âm Dương bổ sung và tương trợ cho nhau, đặc tính trái ngược nhau nhưng không tương hại, tương khắc mà tương hòa, tương sinh mà tương diệt.
Chữ “Chính” (正) nghĩa là ngay chính, bao gồm chữ “Nhất” (一 – một, duy nhất) và chữ “Chỉ” (止 – dừng lại).
Chữ “Nhất” biểu thị rằng bề ngoài và nội tâm cần phải thống nhất với nhau. Chữ “Chỉ” cho thấy làm việc phải thích hợp và biết dừng lại đúng lúc. Phải có đầy đủ cả hai yếu tố trên thì mới thành bậc chính nhân quân tử, là người ngay thẳng, chính thường mà không thiên lệch. Có câu nói rằng: “Bất thiên tả, bất thiên hữu, bất bạo động”, cho nên “Chính” nghĩa là không nghiêng phải, không nghiêng trái, không bị lay động.
Trong chữ Chính có một chữ “Nhất” ở trên và một chữ “Nhất” ở dưới, ở giữa là nét thẳng đứng. Điều đó cho thấy con người hành xử cần có trên có dưới, nghiêm chỉnh ngay thẳng, không thiên lệch lên trên cũng không thiên lệch xuống dưới, trên dưới hợp nhau, hài hòa, ngay thẳng, không cúi đầu khom lưng, không a dua xu nịnh. Người như thế sao có thể nói là không Chính đây?
Chữ “Quý” (愧) nghĩa là hổ thẹn, bao gồm bộ “Tâm” (忄) là tim, và chữ “Quỷ” (鬼) nghĩa là ma quỷ. Con người ai cũng có hai mặt thiện và ác, có Phật tính và ma tính, có thiện tâm và ma tâm. Nếu thiện tâm làm chủ thì đó là người tốt, còn nếu ma tâm làm chủ thì chẳng phải đó sẽ là người xấu sao?
Có câu cổ ngữ rằng: “Không làm việc hổ thẹn với lòng mình thì không sợ ma quỷ gọi cửa”. Người làm những việc xấu xa, lừa người hại người, thì cũng chính là trong tâm sinh ma quỷ, không cần ma quỷ gọi cửa thì anh ta cũng không thể sống thoải mái thanh thản được.
Người xưa nói: “Ngẩng mặt không hổ thẹn với Trời, cúi đầu không tủi thẹn với Đất”. Như vậy, làm người thì tâm chí cần phải quang minh lỗi lạc, không nên làm điều gì hổ thẹn với lương tâm mà để lại nỗi ân hận suốt đời.
Chữ nghĩa của người xưa luôn hàm súc, phong phú và sâu sắc. Thông qua chữ “Quý”, cổ nhân muốn nhắn nhủ chúng ta rằng làm người phải thẳng thắn chân thật không lừa dối thì trong tâm mới không có ma quỷ.
Chữ “Thính” (聽) nghĩa là lắng nghe, bao gồm bộ “Nhĩ” (耳 – tai), bộ “Vương” (王 – vua), chữ “Thập” (十 – mười), chữ “Mục” (目 – mắt), chữ “Nhất” (一) và chữ “Tâm” (心).
Nếu ghép các bộ này vào nhau chúng ta sẽ hiểu được hàm ý mà người xưa muốn gửi gắm: Khi lắng nghe một ai đó, chúng ta phải khiến người ấy cảm thấy mình quan trọng như một vị vua (chữ Vương), và lắng nghe bằng đôi tai của mình (bộ Nhĩ). Đồng thời chúng ta còn phải dồn mọi ánh nhìn và sự chú ý tới họ (chữ Thập, chữ Mục). Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, điều quan trọng nhất là phải dành trọn trái tim để cảm nhận những điều họ nói (chữ Nhất, Tâm). Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể lắng nghe trọn vẹn những thông điệp mà họ muốn truyền tải, mới biết cách thấu hiểu và trân trọng người khác.
Chữ “Như” (如) và chữ “Tâm” (心) hợp lại thành chữ “Thứ” (恕), nghĩa là tha thứ, bao dung. Chữ “Như” ghép với chữ “Tâm” mang ý nghĩa là để cho trái tim gần với trái tim, để tâm mình gần với tâm người, tâm người cũng như tâm mình.
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử đã hai lần nhắc đến chữ Thứ.
Một lần là Khổng Tử nói với Tăng Sâm: “Này Sâm, đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt hết tất cả”. Tăng Sâm thưa “Vâng”. Khi Khổng Tử ra rồi, các môn sinh khác hỏi Tăng Sâm: “Thầy muốn nói gì vậy?”. Tăng Sâm đáp: “Đạo của thầy chỉ có một lẽ Trung Thứ mà thôi”.
Một lần khác là khi Tử Cống hỏi: “Thưa thầy, có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời không?”. Khổng Tử đáp: “Có lẽ là chữ Thứ chăng? Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.
Người có lòng nhân, luôn khoan dung, tha thứ cho kẻ khác thì sẽ chẳng bao giờ làm những điều ích kỷ lợi thân mà tổn hại cho người. Con người sống trên cõi đời chật chội, những chuyện va vấp là điều thường tình, ai chẳng có lúc phạm lỗi, mắc sai lầm? Cho nên trong quan hệ giữa người với người, cần suy xét thận trọng, để lòng mình gần gũi với lòng người, đặt mình vào địa vị đối phương mà suy nghĩ thì tự nhiên sẽ khoan thứ.
Chữ “Dung” (容) gồm bộ “Miên” (宀) nghĩa là mái nhà, chữ “Bát” (八) nghĩa là số 8, chữ “Nhân” (人) nghĩa là người, và chữ “Khẩu” (口) nghĩa là miệng. Kết hợp lại, chữ Dung giống như một căn nhà tuy chật chội nhưng vẫn chứa được “8 người”. Đây cũng chính là nói đến tấm lòng: chỉ cần luôn bao dung rộng mở thì có thể đón nhận được muôn người.
Ở một khía cạnh khác, “bát nhân” cũng là tám kiểu người mà chúng ta cần phải bao dung: “Thân nhân” (người thân), “Hữu nhân” (người bạn), “Lộ nhân” (người qua đường), “Ái nhân” (người vợ, chồng), “Lân nhân” (người hàng xóm), “Ác nhân” (người xấu), “Cừu nhân” (người thù địch) và “Ngu nhân” (người ngu ngốc).
Chữ “Tín” (信) gồm chữ “Nhân” (亻) là người và chữ “Ngôn” (言) là lời nói. Con người cần phải có trách nhiệm với lời nói của mình, lời đã nói ra mà không thực hiện thì sao có thể giữ được chữ “Tín” đây?
Nho giáo cho rằng, Tín là một trong Ngũ Đức: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Trong Luận Ngữ có câu: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô khẩu, tiểu xa vô ngột, kì hà dĩ hành chi tai?“, đại ý là nếu con người không giữ chữ Tín, cũng giống như một cỗ xe lớn không có đoạn gỗ chốt nối giữa càng xe và ách xe, xe sẽ không thể chạy được.
Vào thời Xuân Thu, có một người nước Ngô tên Quý Chát lần đầu tiên đi sứ sang nước Tần, đi ngang qua phía bắc của Từ quốc. Vua của nước Từ rất thích bảo kiếm của Quý Chát, nhưng không nói ra. Trong lòng Quý Chát biết điều đó nhưng vì vẫn phải đi sứ sang nước khác nên chưa thể tặng cho vua nước Từ được. Sau đó khi ông đi sứ xong và quay trở lại Từ quốc thì quốc vương nước Từ đã băng hà. Thế là ông liền cởi bỏ bảo kiếm xuống và treo trên cái cây trước mộ của đức vua. Tùy tùng của ông hỏi: “Thưa tướng quân, vua Từ quốc đã băng hà rồi, thì thanh bảo kiếm này còn phải tặng ai nữa?”. Quý Chát trả lời: “Không phải như ngươi nghĩ là xong đâu, ban đầu trong lòng ta đã quyết định tặng bảo kiếm cho ông ấy, sao mà có thể vì việc ông ấy đã mất rồi mà đi ngược lại với lời hứa của mình chứ!”.
Trong Sử ký – Quý Bố, Loan Bố liệt truyện có câu: “Đắc thiên lượng hoàng kim, bất như đắc quý bố nhất nặc” (Được trăm lạng vàng cũng không bằng một lời hứa của Quý Bố). Thời Hán Sở phân tranh, Quý Bố là tùy tướng của Hạng Võ, là một người rất coi trọng chữ Tín. Mỗi khi ông đã hứa hẹn với ai điều gì thì không bao giờ thất hứa. Cho nên người đời xem lời hứa của Quý Bố rất có giá trị, ví là quý hơn cả trăm nén vàng vậy. Người đời sau nói: “Lời hứa đáng giá ngàn vàng“, đều có ý chỉ lời hứa có giá trị vô cùng to lớn.
Nam Phương – Tâm Minh