Thế nào là trưởng thành? Đó là giữa thị phi bão tố vẫn bảo trì được tâm thái trầm tĩnh, an nhiên...
Trong cuộc sống, rất nhiều người có thói quen chỉ trích người thân, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, hay thậm chí là chỉ trích những người xa lạ. Chúng ta cũng không ít lần đối diện với những lời phê bình, ví dụ như: Trang phục sao mà cũ kỹ, đãi ngộ hậu hĩnh sao lại chuyển việc, vì sao muốn kết hôn với anh nọ, chị kia,... Bất cứ chuyện gì cũng có thể vấp phải búa rìu phê phán. Khi đưa ra một lời nhận xét không hay về ai đó, liệu chúng ta có đặt mình vào đối phương để hiểu được cảm giác của họ hay không? Và nếu ở trong hoàn cảnh của họ, chúng ta sẽ cảm thấy thế nào?
Người hòa ái độ lượng sẽ không tùy tiện phê bình hay chỉ trích. Đứng từ một góc độ mà xét, khi mở miệng phàn nàn về ai đó thì chính chúng ta cũng đang tồn tại những vấn đề ấy, chỉ có điều bản thân không nhận ra mà thôi. Người thực sự trưởng thành là người làm chủ được cảm xúc của mình, nếu sự việc phát sinh họ sẽ biết trầm tĩnh suy nghĩ trước khi quyết định hành động.
Ngược lại, có những người chỉ vì áp lực trong công việc hay những xúc cảm dồn nén mà không thể giải tỏa, họ liền đem sự bực tức đó về nhà và trút lên thân nhân của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để trút giận lên người khác, nhưng trên bề mặt lại mượn cớ là vì muốn tốt cho mọi người. Dẫu là thân nhân trong gia đình như vợ chồng, cha mẹ, con cái,... thì việc chỉ trích sẽ chỉ khiến tình cảm rạn nứt và làm cho sự việc ngày một tồi tệ hơn.
Trong nhóm bạn của tôi có anh chàng rất thích phê bình người khác: nào là người này lái xe bất cẩn làm ảnh hưởng tới hành khách, nào là người kia con cái lười vận động nên cơ thể béo phì, nào là anh chàng kia sao mà ngốc nghếch, hết kết hôn rồi lại ly hôn, rồi thì chị kia sao mà lòe loẹt, lần nào ra phố cũng đỏm dáng quá chừng...
Từ chuyện phàn nàn về đồng nghiệp đến phàn nàn về cơ quan, cuối cùng, anh phê bình luôn cả thành phố nơi anh đang sống là có không ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Mỗi lần tâm trạng không tốt hay công việc gặp sự cố thì y như rằng tất cả bạn bè và người thân của anh đều bất đắc dĩ trở thành đối tượng cho những lời phê phán. Trên thực tế đây là tâm lý sợ hãi, vì không dám đối diện với bản thân nên mới hướng cặp mắt ra ngoài và nhìn vào khuyết điểm của người khác.
Các chuyên gia tâm lý học cho rằng, đa số những người có thói quen chỉ trích đều trải qua tuổi thơ trong môi trường thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm chăm sóc của gia đình. Chính yếu tố tâm lý ấy sẽ tạo ra khoảng trống trong tâm hồn, hình thành lên ý thức về một cái tôi mạnh mẽ, đề cao giá trị của bản thân. Bởi trước đây họ không được tôn trọng và yêu thương, nên cũng không biết trao gửi tình yêu thương tới mọi người. Khi gặp chuyện không hay, họ liền dùng những gì bản thân đã trải qua để đối đãi với mọi người, đặc biệt là những người thân cận, và họ cũng không biết yêu thương bản thân mình.
Phần lớn những người có thói quen phê bình và phán xét đều có tâm lý muốn khống chế, đặc biệt là với cha mẹ, anh em, và con cái họ. Tuy nhiên, chính hành vi ưa phán xét ấy lại khiến cho bầu không khí trong gia đình ngày càng xấu đi. Nguyên nhân chính là do bản thân họ yếu nhược, không dám đối diện với chính mình.
Là người thực sự có năng lực và trí tuệ, mỗi khi gặp vấn đề họ sẽ biết đối chiếu với bản thân để tìm nguyên nhân và hướng giải quyết từ chính mình chứ không phải là từ người khác. Họ cũng không tùy tiện phê bình hay phán xét, bởi họ hiểu rằng ai cũng có hoàn cảnh riêng, chỉ khi đứng từ góc độ của đối phương thì mới hiểu được nguyên nhân thật sự của vấn đề.
Ngược lại, những người thiếu năng lực và kinh nghiệm sống sẽ tìm lý do thoái thác trách nhiệm cho người khác thông qua hành vi chỉ trích hay phê bình.
Trong khi đó, những người có hàm dưỡng và trí tuệ sẽ không tuỳ tiện chỉ trích bất cứ ai, bởi họ hiểu rằng: Con đường đời rất hẹp, nếu muốn tiến lên phía trước thì đừng trách cứ chuyện đã qua.
Minh Vũ.