Cúng rằm tháng 7: Ngày nào hợp nhất? Lễ vật và Văn cúng

Người Việt có hai ngày cúng rằm quan trọng nhất trong năm là rằm tháng Giêng và rằm tháng 7. Nếu như lễ cúng rằm tháng Giêng được tiến hành với mong muốn cầu một năm mạnh khỏe, làm ăn phát tài phát lộc thì lễ cúng rằm tháng 7 lại là lễ cúng mang nhiều ý nghĩa tưởng nhớ người thân. Bởi rằm tháng 7 còn có tên gọi khác là Tết Trung Nguyên hay Lễ Vu lan báo hiếu mẹ cha. Tháng 7 âm cũng là tháng an yên của sự báo hiếu, hiếu với ông bà, bậc thân sinh phụ mẫu nơi trần thế và hiếu với gia tiên tiền tổ, các hương linh trong nhà đã khuất bóng nơi âm thế.

Việc cúng cô hồn vào rằm tháng 7 mang tính nhân văn cao trong văn hóa Việt Nam. Hành động này cũng như quan niệm ngày xá tội vong nhân là dù con người gây ra những tội ác gì cũng có 1 ngày xá tội để đỡ chịu đau đớn, khổ cực.

Cúng rằm tháng 7 vào ngày nào?

Có một điều đặc biệt là lễ cúng rằm tháng 7 lại không diễn ra vào đúng ngày 15/7 âm lịch. Thông thường dân gian sẽ cúng từ 1-14/7 âm lịch. Tục lệ này có lẽ xuất phát từ quan niệm rằng, vào ngày rằm tháng 7 sẽ có rất nhiều vong hồn được "thả" đi lang thang trên trần gian, các cụ có thể không nhận được gì của con cháu cúng tế. Lễ cúng rằm tháng 7 không nhất thiết phải chọn ngày đẹp, cứ trước ngày 15/7 âm lịch và lễ cúng tiến hành vào ngày có thời gian, thành tâm là được.

Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7

1. Mâm cúng Phật

Đối với những gia đình theo đạo Phật thì Rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn. Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người.

Ngày Rằm tháng 7 cũng là ngày lễ Vu Lan, xuất phát từ tích kể đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ. Vì vậy, vào ngày lễ Vu Lan, bạn chỉ cần sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà.

Lúc làm lễ cúng nên đọc một bài kinh Vu Lan để hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh và cũng là một cách giúp hiểu hơn về ngày lễ này.

2. Cúng thần linh và gia tiên

Mâm cúng gia tiên thường là mâm cỗ mặn, kèm theo tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép...

Các gia đình có thể làm một mâm cơm mặn với đủ các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho,… và đồ vàng mã theo nhu cầu sinh thời của người đã khuất.

Xôi đỗ

Gạo và đỗ ngâm trong vòng 4-5 tiếng (hoặc trước khi đi ngủ ngâm gạo đỗ, sáng hôm sau nấu), nếu không có thời gian thì ngâm 3 tiếng cũng được.

Gạo đỗ sau khi ngâm nở to hơn, đem vo nhẹ, xóc, để ráo nước. Cho muối, đường/mật ong vào xóc đều để gạo ngấm rồi đổ gạo vào chõ đồ chín. Khi xôi đã chín tới lần 1, bạn mở chõ ra để đảo đều nước cốt dừa vào xôi rồi hấp tiếp khoảng 15 phút nữa là chín.

Gà luộc

Đặt gà vào nồi rồi đổ nước lạnh xâm xấp con gà. Sau đó, cho 1 thìa muối hòa với nước. Đập dập gừng và cắt đôi hành tím ra rồi cho vào nồi nước, đun lửa to trong vòng 5 - 10 phút, đến khi nước sôi thì vặn lửa nhỏ để nước luộc sôi liu riu cho chín ở bên trong mình gà. Không nên để sôi sùng sục, tránh làm rách da gà. 

Cuối cùng là đập dập 1 củ nghệ. Cho mỡ gà vào chảo nhỏ rồi rán lên cho đến khi mỡ bắt đầu chảy ra. Cho nghệ vào mỡ gà rồi tiếp tục rán cho đến khi được hỗn hợp màu vàng đẹp mắt. Tiếp tục đun khoảng 15 phút rồi tắt bếp và ngâm gà trong nồi thêm 30 phút nữa.

Sau khi luộc chín, nhấc gà ra rồi nhúng ngay vào chậu nước sạch để nguội có đá lạnh. Bước này sẽ giúp da gà được căng giòn. Dùng hỗn hợp mỡ gà và nghệ bôi đều lên da gà để có màu vàng ươm đẹp mắt.

Miến nấu lòng gà

Miến dong đem ngâm với nước cho nở, rồi cắt ngắn. Các loại hành lá, mùi, rau răm bạn nhặt sạch, loại bỏ lá úa, héo rồi rửa sạch, thái nhỏ. Lòng mề gà rửa sạch, thái miếng vừa ăn, ướp với 1 chút gia vị cho ngấm.

Bắc nồi lên bếp, bạn đổ chút dầu ăn vào nồi rồi cho lòng mề gà đã ướp vào xào cùng với mộc nhĩ nấm hương cho chín. Cho nước dùng gà đun sôi, nêm nếm gia vị vừa miệng ăn, thả miến vào trần và vớt ra bát, thêm rau thơm, hành lá...

Nộm gà xé phay giòn mát

Bắp cải thái sợi thật nhỏ. Hành tây thái mỏng cho vào chén có pha 2 muỗng canh dấm + 1 muỗng canh đường + 1/2 muỗng cà phê muối. Trộn đều, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh. Khi nào trộn gỏi thì mới lấy ra. Nếu sợ thái hành tây bị cay mắt, bạn có thể nhai kẹo cao su trong lúc thái hoặc để hành tây vào tủ lạnh khoảng 30 phút rồi lấy ra thái sẽ hết cay mắt nhé!

Pha hỗn hợp trộn gỏi gà xé phay như sau: 3 muỗng nước mắm + 2 muỗng nước cốt chanh + 2.5 muỗng đường cho vào chén hoà tan, sau đó cho ớt sừng + ớt băm + tỏi băm vào trộn đều. Cách pha hỗn hợp trộn gỏi này sẽ có hương vị chua chua ngọt ngọt, rất dễ ăn cho món gà xé phay. Xé thịt gà thành những miếng nhỏ theo thớ.

Sau đó bạn cho gà đã xé phay cho âu cùng bắp cải, hành tây trộn đều. Cuối cùng bạn rưới hỗn hợp nước mắm pha trộn đều. Sau đó mới cho rau răm + lạc trộn lần nữa là xong. 

3. Mâm cúng chúng sinh

Trái với mâm cúng Phật và gia tiên. Lễ cúng cô hồn được thực hiện vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7. Bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Mọi việc cúng phải được hoàn tất vào ngày 15/7.

Trên mâm cúng chúng sinh lễ vật gồm có:

Muối gạo (1 đĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hoa quả (5 loại 5 mầu),12 cục đường thẻ.

Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...).  Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo, tiền vàng (tiền thật các loại mệnh giá và tiền vàng mã)

Nước: 3 chun (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ.....

Một lưu ý quan trọng của lễ cúng cô hồn là không cúng xôi, gà, heo. Chỉ cúng cô hồn bằng các món ăn chay, không cúng đồ mặn vì sẽ khơi dậy tham, sân, si.

Món cháo loãng không thể thiếu trong lễ cúng cô hồn, bởi vì người ta tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.

Bày lễ và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Gia chủ có thể đọc các bài văn cúng hoặc khấn nôm theo tâm nguyện. Kết thúc lễ cô hồn, gạo, muối được vãi ra sân, đường, sau đó là đốt vàng mã.

 

Văn khấn thần linh theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin)

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy…….

Tín chủ chúng con là…..

Ngụ tại…….

Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mời ngài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, xét soi chứng giám.

Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội. Chúng con đội ơn Tam Bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng che chở, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền báo.

Do vậy kính dâng lễ bạc, giãi tỏ lòng thành, nguyện mong nạp thụ. Phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình luôn mạnh khỏe, già trẻ bình an, một lòng hướng về chính đạo, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long.

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám!

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

 

Văn khấn tổ tiên Rằm tháng Bảy

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.

Con kính lạy tổ tiên nội ngoại và chư vị Hương linh.

Tín chủ chúng con là….

Ngụ tại….

Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy năm…. Nhân gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung Nguyên, chúng con nhớ đến tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh thành ra chúng con gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức.

Chúng con cảm nghĩ ơn đức cù lao khôn báo, cảm công trời biển khó đền nên tín chủ con sửa sang lễ vật, hương hoa, trà quả, kim ngân vàng bạc, thắp nén tâm hương, thành kính lên các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao tằng Tổ Tỷ, Bá Thúc Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội và tất cả các hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ….

Cúi xin các vị thương xót cháu con, linh thiêng hiện về, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh bình an, lộc tài vượng tiến, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long, hướng về chính giáo.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật ( 3 lần).

Văn khấn chúng sinh (cúng cô hồn) theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin)

*Lưu ý: Khấn ngoài trời

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con lạy Đức Phật Di Đà

Con lạy Bồ Tát Quan Âm.

Con lạy Táo Phủ Thần Quân Chinh thần.

Tiết tháng 7 sắp thu phân

Ngày rằm xá tội vong nhân hải hà

Âm cung mở cửa ngục ra

Vong linh không cửa không nhà

Đại Thánh Khảo giáo - A Nan Đà Tôn giả

Tiếp chúng sinh không mả, không mồ bốn phương

Gốc cây xó chợ đầu đường

Không nơi nương tựa đêm ngày lang thang

Quanh năm đói rét cơ hàn

Không manh áo mỏng - che làn heo may

Cô hồn nam, bắc, đông, tây

Trẻ già trai gái về đây hợp đoàn

Nay nghe tín chủ thỉnh mời

Lai lâm nhận hưởng mọi lời trước sau

Cơm canh cháo nẻ trầu cau

Tiền vàng quần áo đủ màu đỏ xanh

Gạo muối quả thực hoa đăng

Mang theo một chút để dành ngày mai

Phù hộ tín chủ lộc tài

An khang thịnh vượng hòa hài gia trung

Nhớ ngày xá tội vong nhân

Lại về tín chủ thành tâm thỉnh mời

Bây giờ nhận hưởng xong rồi

Dắt nhau già trẻ về nơi âm phần

Tín chủ thiêu hóa kim ngân

Cùng với quần áo đã được phân chia

Kính cáo Tôn thần

Chứng minh công đức

Cho tín chủ con

Tên là:………………………………

Vợ/Chồng:…………………………

Con trai:……………………………

Con gái:…………………………….

Ngụ tại:……………………………..

Tin bài liên quan