Cuốn sách cổ 2000 năm bất hoại ghi lại cuộc chiến tận thế

Vào một ngày xuân đầy nắng cách đây 75 năm, ba cậu bé chăn cừu tiến vào cửa hàng nhỏ của Kando, Khalil Iskander Shahin, một thợ đóng giày ở Bethlehem. Bọn trẻ nói rằng chúng muốn bán cho ông vài cuộn da cừu. Kando thản nhiên nhận hàng như thường lệ, mở ra kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, điều ông không biết là, vào khoảnh khắc ông mở cuộn da cừu, cuộc đời của ông đã thay đổi triệt để. Ông ấy đã không còn là một thợ đóng giày ít người biết đến nữa.

Phát hiện mới của những người chăn cừu

Những tấm da cừu này được bọn trẻ tìm thấy trong một hang động ở Cao nguyên Qumran trên bờ biển phía tây của Biển Chết. Ngày hôm đó, vì đi tìm cừu, bọn trẻ vô tình đập vỡ một hũ đất trong hang, sau đó nhìn thấy bên trong là những cuộn da cừu. Kando không chỉ là một thợ đóng giày, ông ấy còn là tay buôn đồ cổ, nhìn thoáng qua có thể biết cuộn da cừu này có nguồn gốc nào đó, bởi vì trên đó dày đặc chữ cổ. Vì vậy, Kando đã hào phóng cho bọn trẻ 28 bảng Anh để mua những cuộn da. Bọn trẻ vui vẻ ra về, nhưng những gì chúng không biết là những gì chúng vừa bán là một kho báu vô giá.

Về điểm này, Kando bản thân cũng không rõ lắm. Nếu không, ông đã không lấy bốn cuộn trong đó mang cho Athanasius Yeshue Samuel, tổng giám mục của Giáo hội Chính thống giáo Syria ở Jerusalem. Nhưng những cuộn da cừu được viết bằng chữ cổ của người Do Thái, vị tổng giám mục không thể hiểu được, nên đã đi tứ xứ thỉnh giáo, và tin đồn về tấm da cổ của người Do Thái được tìm thấy ở Biển Chết đã lặng lẽ lan tỏa.

Chẳng bao lâu, nhà khảo cổ Do Thái Eliezer Sukenik của Đại học Do Thái đã tìm đến Kando. Hôm đó là ngày 28-11-1947. Ngày hôm sau, Sukenik trở lại Jerusalem với 3 cuộn da cừu còn lại trong tay Kando. Cùng ngày, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết cho phép người Do Thái thành lập nhà nước của riêng họ. Mọi người xuống đường ăn mừng. Sukenick cũng rất vui khi biết tin. Ngày phục quốc cuối cùng đã đến. Họ đã chờ đợi hai ngàn năm để có được ngày hôm nay.

Món quà phục quốc

Hai nghìn năm trước, dân tộc Do Thái đã treo Chúa Giê-su của họ lên thập tự giá, và từ đó họ bị trừng phạt, bắt đầu cuộc sống lang bạt. Trong 2.000 năm, như Kinh Thánh nói, họ đã “lăn lộn trong thiên hạ vạn quốc, hứng chịu đủ mọi tai họa”, họ liên tục phải chịu đựng “đao kiếm, đói kém và ôn dịch” (Giê-rê-mi 24). Nếu không có lời tiên tri trong “Kinh Thánh” rằng họ rồi sẽ có thể khôi phục lại đất nước, có lẽ họ đã không thể tồn tại đến bây giờ.

Những cuộn da cừu xuất hiện kịp thời này càng làm tăng thêm tín tâm của người Do Thái vào phục quốc. Tại sao? Bởi vì trong số ba cuộn sách da cừu, một trong số đó là “Sách Isaiah” quan trọng nhất trong các sách tiên tri của “Kinh Thánh”, ghi lại dự ngôn của nhà tiên tri Do Thái Isaiah vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên về sự ra đời và cái chết của Chúa Giê-su. Nó cũng tiên tri về sự phục quốc của dân tộc Do Thái. Tuy nhiên, việc bộ kinh sách da cừu này xuất hiện trở lại chưa được tính là thần kỳ, điều thần kỳ là những cuộn sách cổ này đều có từ 2000 năm trước, đó là thời điểm người Do Thái bắt đầu bị lưu ly thất tán. Cuốn Kinh thư bị phong tồn năm đó hôm nay được mở ra, những người bị trục xuất năm đó hôm nay được trở về, là sự trùng hợp hay là an bài xảo diệu của thiên thượng?

Bốn quyển Kinh thư khác sau khi lưu chuyển khắp nơi cũng được tìm thấy trở lại vào năm 1954. Chúng được Yigael Yadin, con trai của Sukenik và sau này là một nhà khảo cổ học nổi tiếng, mua về từ nước Mỹ. Người ta đều nói rằng bảo vật này có linh tính, chúng tự biết cách tìm đến chủ nhân của chúng. Samuel mang kinh thư sang Mỹ, đem trưng bày khắp nơi, định bán với giá hời, nhưng không tìm được ai biết về nó, nên đành đăng quảng cáo trên tờ Wall Street Journal. Không rõ là tình cờ đang ở Mỹ hay là đã luôn truy tìm tung tích nó suốt thời gian đó, Yadin rất nhanh tìm đến trước cửa nhà Samuel. Sau một hồi đàm phán, cuốn Kinh Thánh đã đổi chủ với giá 25 vạn USD, tương đương với 2,75 triệu USD hiện nay, một mức giá trên trời vào thời điểm đó, nhưng người Israel đã sẵn sàng chi trả. Có thể thấy những cuộn sách cổ xưa này quan trọng như thế nào trong tâm họ.

Cuộn sách cổ Biển Chết

7 cuộn Kinh sách này, cùng với các cuộn da cổ khác sau này được phát hiện thêm ở Cao nguyên Qumran, được cộng đồng khảo cổ gọi chung là cuộn sách cổ Biển Chết. Trong những năm qua, người ta đã liên tiếp phát hiện ra 12 hang tàng kinh ở Cao nguyên Qumran, khai quật hàng nghìn mảnh da cừu và ghép lại với nhau thành khoảng 800 kinh sách. Trong đó bao hàm tất cả các kinh thư Cựu Ước của “Kinh Thánh” ngoại trừ “Esther”, và cũng có một số lượng lớn kinh thư không có trong “Kinh Thánh” hoặc được phân loại là phi chính điển, và có một số văn thư ghi lại sinh hoạt cộng đồng.

Kết quả giám định cho thấy, những Thánh thư này được sao chép trong khoảng thời gian từ năm 250 trước Công nguyên đến năm 68 sau Công nguyên. Những người ghi chép là các tu sĩ Essenes Do Thái sống gần hang vào thời điểm đó. Vào năm 68 sau Công nguyên, nơi ở của người Essenes bị quân đội La Mã phá hủy, họ vội vàng rời bỏ gia viên, và không bao giờ quay trở lại, chỉ lưu lại những cuốn Thánh thư trong những chiếc bình bằng đất này. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy các cuộn da được xử lý chống mục đặc biệt, tại sao chúng có thể được bảo tồn nguyên vẹn trong 2000 năm, không bị phong hóa, thậm chí ngay cả vết mực cũng không phai? Điều này cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Một số người nói rằng có thể là do khí hậu khô hạn ở khu vực đó, trong khi những người khác nói rằng, đây hẳn là một Thần tích.

Chính phủ Israel rất coi trọng những cuộn sách cổ này, tìm kiếm khắp nơi, trong cuộc chiến tranh năm 1967 họ thậm chí còn cướp cả Cao nguyên Qumran vốn thuộc về Jordan. Kể từ đó, họ trở thành những người bảo vệ các Cuộn sách Biển Chết. Cao nguyên Qumran sau này trở thành một công viên quốc gia ở Israel.

Cuộc chiến ngày tận thế

Hầu hết các cuộn sách cổ hiện được cất giữ trong Đền thờ Sách Thánh (Shrine of the Book) của Bảo tàng Israel ở Jerusalem, và kho báu của nó chính là bảy cuộn kinh thư đầu tiên được tìm thấy. Thiết kế của Đền thờ Sách Thánh rất độc đáo, được lấy cảm hứng từ một cuộn Kinh được tìm thấy đầu tiên: “Chiến quyển” (War Scroll).

“Chiến quyển” mô tả trận chiến ngày tận thế giữa những đứa con của Ánh Sáng và những đứa con của Bóng Tối. Nhưng cuốn kinh thư này không được tìm thấy trong Kinh Thánh. Về trận chiến tận thế, rất nhiều dự ngôn trong “Kinh Thánh” đã đề cập đến nó, nhưng về cơ bản không có nhiều ghi chép. Nếu quý vị quan tâm, quý vị có thể xem chương trình trước của chúng tôi “Đoái hiện dự ngôn về ngày tận thế?” Trong “Chiến quyển”, phần lớn ghi chép được sử dụng để mô tả chi tiết cuộc chiến giữa Ánh Sáng và Bóng Tối, với hơn 20 trang.

Trong trận chiến, những đứa con của Ánh sáng do Tổng lãnh Thiên sứ Michael chỉ huy, và các linh mục mặc áo choàng bằng vải lanh trắng hỗ trợ trận tiền, họ thổi tù và để chỉ huy quân đội, và đội quân Kittim, những đứa con của Bóng Tối do Belial cầm đầu. Cuộc chiến kéo dài khoảng 40 năm, và có tổng cộng 7 trận đánh lớn đã diễn ra. Trong sáu trận đầu tiên, Ánh Sáng và Bóng Tối mỗi bên thắng 3 trận, có thể nói là thế lực ngang ngửa. Trong trận đánh thứ bảy, cú đấm quyền năng của Thần đã hạ gục Belial và quân đội của hắn, và phe Ánh Sáng đã giành được thắng lợi cuối cùng. Cuối cùng, tất cả Bóng Tối đều bị tiêu diệt, và những đứa con của Ánh Sáng sẽ vĩnh viễn sống trong hòa bình. Bởi vì Đấng Cứu Thế được đề cập nhiều lần trong Thánh thư, cuộc chiến này còn được gọi là Cuộc chiến của Đấng Cứu Thế.

Vậy thiết kế của Đền thờ Sách Thánh đã hỗ ứng cuộc đại chiến này như thế nào? Toàn bộ kiến trúc có dạng hình trụ, một nửa được chôn trong lòng đất, tượng trưng cho những chiếc bình đất chứa Kinh sách, mái vòm hình vòng cung trên mặt đất là nắp của chiếc bình đất. Mái vòm được sơn màu trắng tinh khôi, tượng trưng cho những đứa con của Ánh Sáng. Đối diện với mái vòm là bức tường làm bằng đá bazan đen, tượng trưng cho những đứa con của Bóng Tối. Đền thờ Sách Thánh sau này đã trở thành một công trình mang tính bước ngoặt ở Israel, vào năm 2013, Israel cũng đã phát hành một đồng tiền vàng để kỷ niệm việc hoàn thành Đền thờ Sách Thánh.

Sách Enoch

Nhưng giá trị của các Cuộn sách Biển Chết không chỉ là kho báu quốc gia của Israel. Những Thánh thư này cũng có ý nghĩa to lớn đối với thế giới khảo cổ học và Thần học. Một trong những lý do lớn là người ta có thể sửa một số lỗi và thiếu sót trong “Kinh Thánh” hiện đại bằng cách tham khảo các cuộn sách cổ. Bởi vì “Kinh Thánh” đã được truyền lại từ hàng ngàn năm trước cho đến nay, từ tiếng Do Thái cổ nguyên bản đến tiếng Aramaic, tiếng Hy Lạp, tiếng Latinh, tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác sau này, trong quá trình dịch thuật và sao chép, chúng tôi không biết có bao nhiêu văn bản đã bị hữu ý vô ý thay đổi.

Kết quả là có nhiều điểm mâu thuẫn hoặc không thống nhất trong “Kinh Thánh” hiện hành. Đây là chuyện ai cũng biết. Ví dụ, trong chương đầu tiên của “Genesis”, vị Thần Sáng Thế được gọi là “Elohim”. Chương thứ hai là Đức Giê-hô-va mà mọi người quen thuộc. Người ta suy đoán rằng hai chương này có thể đã được sao chép từ các nguyên bản khác nhau. Nhưng tình hình thực tế ra sao thì không ai biết.

Những người vô thần thường lợi dụng điều này để công kích, cho rằng những câu chuyện kể trong “Kinh Thánh” là không chân thực, nên bản thân “Kinh Thánh” cũng không đáng tin cậy. Mọi người đều không biết chỗ nào sao chép sai, cũng không dám tùy ý sửa đổi. Sự xuất hiện của các Cuộn sách Biển Chết đã cung cấp cho mọi người một nguồn tài nguyên rất tốt để truy tìm nguồn gốc của chính bản và cải chính Kinh văn. Bởi vì Kinh sách được sao chép bằng tiếng Do Thái cổ cách đây 2000 năm phi thường tiếp cận với bản gốc. Cơ hội như vậy có thể nói là có một không hai. Vì vậy, một số người nói rằng các Cuộn sách Biển Chết là phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi.

Không chỉ vậy, một phần lớn các cuộn sách cổ còn là Kinh sách phi chính điển mà ngày nay được gọi là “thứ Kinh” hoặc “ngụy Kinh”, cũng chính là những kinh thư không được giáo hội khuyến nghị. Đặc biệt, “ngụy Kinh” bị coi là khó phân biệt nội dung thật giả, hoặc diễn giải ly kỳ, hoặc không phù hợp với giáo nghĩa, nên bị loại trừ. Tuy nhiên, số lượng lớn chúng xuất hiện trong các Cuộn sách Biển Chết đã khơi dậy suy nghĩ sâu hơn của mọi người. Nếu năm đó những Kinh thư này không được đưa vào chính điển, liệu các tu sĩ có sao chép chúng với số lượng lớn như vậy không? Nếu là thuộc về chính điển, thì nội dung sách này nên là phù hợp, tại sao sau này lại bị bỏ ra ngoài? Lẽ nào giáo hội cũng phải bắt kịp thời đại, thay đổi giáo lý của mình? Người ta nói rằng những lời Thần nói ra là hằng cổ bất biến, vậy lẽ nào các đại lý nhân của Thần trên trái đất có thể thay đổi giáo nghĩa bất cứ lúc nào tùy theo nhu cầu ư?

Nói đến đây, tôi xin giới thiệu với các bạn một “ngụy Kinh” còn sót lại trong các Cuộn sách Biển Chết – “Sách Enoch”. Chúng ta hãy xem xem cuốn sách này có đáng để tiến cử không. Trên thực tế, “Sách Enoch” vẫn được giáo hội đánh giá cao trước thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, và nó được đưa vào chính điển, nhiều Thánh thư trong Tân Ước đã trích dẫn nội dung của “Sách Enoch”. Nhưng sau đó, không rõ vì lý do gì, cuốn sách này đã bị giáo hội phong tỏa.

Enoch là một nhà tiên tri Do Thái, cháu bảy đời của Adam, người sống trước trận Đại Hồng Thủy. Noah, người đóng con tàu trong trận Đại Hồng Thủy là chắt của ông. Enoch đã sống rất trường thọ, sống được ba trăm sáu mươi lăm năm trước khi được Thượng Đế mang đi. Sách Enoch ghi lại những khải tượng mà Enoch nhìn thấy trong suốt 300 năm đồng hành cùng Thượng Đế trước trận Đại Hồng Thủy.

Trận Đại Hồng Thủy lần thứ nhất diễn ra như thế nào? Trong sách nói, một đám thiên sứ thủ vọng trên thiên thượng đọa lạc xuống hạ giới, truyền đạt tri thức và kỹ năng cho nhân loại, đồng thời cũng kết hợp với nữ nhân tại nhân gian sinh ra người khổng lồ. Những người khổng lồ rất háu ăn, nhanh chóng ngốn hết thức ăn của nhân loại, sau đó bắt đầu hủy hoại tài nguyên đại địa, tàn sát khắp nơi, động thực vật trong thế giới tự nhiên đều gặp nạn. Đức Giê-hô-va phải giáng một trận hồng thủy và hủy diệt tất cả. Các thiên sứ đọa lạc bị giam cầm trong một nơi tối tăm, chờ đợi thẩm phán của ngày tận thế.

Enoch đến gặp đức Giê-hô-va để thỉnh cầu, nhưng không được chấp thuận. Nhưng ông được phép đóng vai trò người trung gian giữa Thần và các thiên sứ đọa lạc, và được phép du hành giữa thiên đường và trái đất. Ông bay cùng các thiên sứ, ngắm núi sông, thấy bảy ngôi sao buộc vào nhau ở tận cùng thiên đường và đại địa, giống như một ngọn núi lớn đang cháy phừng phường. Thiên sứ nói, đây là nhà tù của các vì sao.

Ông nhìn thấy bảy ngọn núi nữa. Ba ngọn núi hướng đông và ba hướng tây, ngọn núi thứ bảy nằm giữa chúng. Gần đó có một thung lũng sâu, mọc đầy cây thơm, ở giữa có một cây không ngừng tỏa ra hương thơm, mùi thơm khiến nhân tâm sảng khoái. Thiên sứ nói rằng khi đại thẩm phán vĩnh viễn kết thúc vào lúc tối hậu, trái cây này sẽ được trao cho người chính trực và khiêm nhường.

Tuy nhiên, phần nổi tiếng nhất của cuốn sách là mô tả về thời mạt thế. Cuốn sách mô tả chi tiết về đại thẩm phán của ngày mạt thế, tội nhân sẽ vĩnh viễn bị trừng phạt tại âm gian, còn nghĩa nhân sẽ sống lại và vĩnh sinh. Trong những ngày sau rốt, Đấng Cứu Thế Mê-si sẽ trở lại, và vương quốc của Ngài cũng như Giê-ru-sa-lem mới sẽ được kiến lập.

Bắt đầu với Enoch, “tương lai” sẽ được phân thành mười tuần với các ngày khác nhau. Tuần thứ hai là thời đại Nô-ê, tiếp theo là Áp-ra-ham, Môi-se, v.v. Chính nghĩa sẽ ngự trị. Tân thiên tân địa sẽ xuất hiện vào tuần thứ mười.

Vâng, đó là tất cả cho câu chuyện ngày hôm nay. Quý vị nghĩ gì về Sách Enoch?

Hương Thảo biên dịch.

Tin bài liên quan