Để cảm xúc tiêu cực bên ngoài cánh cửa

Gia đình hòa thuận là bến đỗ ấm áp của mỗi người, là nơi nuôi dưỡng sự sống và tình cảm trường tồn.

Trong bộ phim truyền hình Mỹ “Little Sheldon” có một phân cảnh như thế này:

Cậu bé Sheldon khi ở trường bị bắt nạt, rất tức giận nhưng không làm được gì. Về nhà người thân trêu ghẹo một chút thì lại nổi nóng với họ. Lúc này, ba của cậu bé tới gần, kể cho cậu nghe về một ngày đầy xui xẻo của mình.

Đầu tiên là ba bị hiệu trưởng phê bình, tiếp đó lại bị phụ huynh học sinh chửi rủa, khi can ngăn học sinh đánh nhau ở phòng thay đồ lại không may bị thương ở cổ. Cuối cùng, người cha tha thiết nói với Sheldon:

“Mỗi một người đều rất khổ, nhưng con hãy nhớ trách nhiệm cơ bản nhất là không được mất bình tĩnh với những người yêu thương con.”

Gia đình là nơi để bày tỏ yêu thương, chứ không phải là bãi rác cho ta mặc sức chà đạp. Bởi vậy, chúng ta không nên để những người thân yêu của mình phải chịu tổn thương do những cảm xúc tiêu cực từ chúng ta.

Đừng bao giờ trút giận lên người thân bằng những cảm xúc tồi tệ nhất

Trên mạng có một câu hỏi: “Tại sao chúng ta có thể lịch sự với người lạ nhưng lại nổi giận với những người thân yêu?”

Câu trả lời được nhiều người thích nhất là:

“Chúng ta không chút kiêng kị mà nổi giận với những người thân thiết, đó là vì trong nhận thức của chúng ta luôn chắc chắn rằng những người trong gia đình sẽ mãi yêu thương chúng ta. Vì nóng nảy với người nhà cũng không cần phải trả giá đắt nên chúng ta thường tùy tiện nổi nóng, trút giận lên chính những người thân yêu bên cạnh mình. Điều này vô tình đẩy khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ra ngày càng xa.”

Một câu chuyện trên mạng với tựa đề “Người duy nhất bạn dám đắc tội” ghi lại chi tiết:

Suốt nửa năm, nhân vật ‘tôi’ trong câu chuyện mỗi ngày tan sở đều có thể nghe thấy những lời chỉ trích, thậm chí là mắng chửi của nam chủ nhà hàng xóm lên những thành viên khác trong gia đình. Tuy rằng chúng chỉ là những chuyện nhỏ nhặt nhưng lại khiến anh ta nổi giận đùng đùng:  

“Tôi không mang theo chìa khóa, mau ra đây, làm gì mà cả nửa ngày mới mở cửa thế?”

“Đem cái điều khiển tivi qua đây, ngày nào cũng xem phim Hàn, phiền chết được.”

Cho đến một ngày, bên ngoài vang lên tiếng gõ cửa của nam chủ nhà hàng xóm như thường lệ, có người mở cửa, nhưng thay vì những tiếng chất vấn quen thuộc, ‘tôi’ lại nghe thấy anh ta kinh ngạc kêu lên: “Mẹ, sao mẹ lại tới đây?”

Người mẹ đi ra, ngăn con trai ở ngoài hành lang và hỏi: “Tại sao khi con ở bên ngoài là một người, về nhà lại như biến thành một người khác vậy?”

Anh ta gượng cười nói: “Ở bên ngoài là vì còn có công việc. Con mà mắng sếp, thì sếp đuổi việc, mắng khách hàng thì hỏng việc, bắt lỗi đồng nghiệp thì bị họ nói xấu. Không còn lựa chọn nào khác mới trở về trút giận lên người nhà.”

Trong cuộc sống, có rất nhiều người giống như người đàn ông này, đem bất bình, hờn dỗi bên ngoài toàn bộ trút lên người thân trong gia đình.

Nhưng làm như vậy không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm hao mòn tình cảm gia đình, để lại vết sẹo không thể xóa nhòa trong lòng đối phương. Những lời chửi bới, mắng nhiếc mặc dù chỉ là sự phẫn nộ nhất thời, nhưng không có nghĩa là sẽ không tạo thành thương tổn. Đợi đến khi mối quan hệ đổ vỡ, chúng ta có hối hận cũng đã muộn.

Một người bạn hành nghề y của tôi từng gặp một bệnh nhân đặc biệt. Đó là một chàng thanh niên khỏe mạnh không khác gì người bình thường nhưng mỗi khi lái xe, cơ thể anh thỉnh thoảng lại run rẩy lắc sang một bên.

Suốt hơn chục năm, anh tìm mọi cách chữa trị nhưng đều không có hiệu quả. Sau cùng, khi gặp bác sĩ tâm lý, chàng thanh niên mới biết nguyên nhân gây nên căn bệnh này của mình.

Hóa ra vào một ngày năm anh 7 tuổi, anh bị bắt nạt ở trường nên đã khóc lóc thảm thiết khi trở về nhà. Không may hôm đó bố của anh ở công ty cũng bị lãnh đạo la mắng, đương lúc chán nản lại thấy cảnh này nên ông bố tức giận ném chiếc cặp của mình lên ghế và hung dữ tiến tới chỗ anh, giơ chân định đạp xuống. Mặc dù ông cũng không thật sự đạp xuống nhưng hành động kia đã khiến anh rất sợ hãi và để lại bóng đen tâm lý trong lòng suốt đời.

Johannes Vilhelm Jensen trong cuốn “Harvard family instructions” (tạm dịch: gia huấn Harvard) từng viết một câu như sau:

“Đừng nghĩ rằng gia đình sẽ không để tâm đến việc bạn tổn thương họ. Gây tổn thương cho người khác cũng giống như đóng một chiếc đinh vào hàng rào. Dù chiếc đinh có được rút ra, nó vẫn sẽ để lại dấu vết.”

Ai trong đời cũng có những nỗi đau và thống khổ không thể bày tỏ, nhưng đó không phải là lý do để bạn dùng những lời lẽ sắc bén tùy tiện trút xả cảm xúc tiêu cực của mình lên người thân.

Gia đình hòa thuận là phong thủy tốt nhất

Chị Lệ, một người bạn của tôi, có một gia đình êm ấm hòa thuận: chồng chị hào phóng và tốt bụng, còn các con của chị đều rất ngoan ngoãn.

Khi tôi đến nhà chị chơi, tôi thấy một tấm bảng gỗ treo trên cửa ra vào ghi dòng chữ:

“Trước khi vào cửa hãy vứt bỏ ưu phiền, lúc về nhà hãy mỉm cười.”

Tôi tò mò hỏi: “Em cũng thỉnh thoảng nhắc nhở vợ mình không được đem oán giận về nhà nhưng cô ấy luôn phớt lờ, chị dùng bảng gỗ nhắc nhở thực sự hữu dụng sao?”

Chị Lệ cười giải thích: “Chị không hẳn là nhắc nhở họ, chỉ là có một lần chị nhìn thấy gương mặt mệt mỏi của mình trong gương thang máy, đôi lông mày cau lại và đôi mắt buồn bã, nó khiến chị giật mình”

Cổ nhân nói: Nhất nhân hướng ngung, cử tọa bất hoan (một người quay mặt vào xó nhà, mọi người đều chẳng thể vui vẻ), câu này ý chỉ cảm xúc tiêu cực của một người sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và bầu không khí của toàn bộ những người có mặt tại đó. 

Trên đời này không thiếu những gia đình hạnh phúc, nhưng ít ai có thể kiểm soát cảm xúc và điều chỉnh biểu hiện của mình trước khi bước qua cửa nhà.

Tôi đã từng đọc một câu chuyện rất cảm động. Chuyện kể rằng, một gia đình nghèo khó liên tục vấp phải những điều không may mắn. Đầu tiên là đứa con không đủ điểm, phải nộp phí tuyển sinh mới vào được trường cấp 3. Sau đó, người cha bị cho nghỉ việc và từ đó nguồn thu nhập chính trong gia đình cũng mất.

Hai mẹ con im lặng hồi lâu, cả nhà như bị mây đen bao phủ, chỉ có người cha là  vẫn bình thản trước những biến cố bất ngờ. Vì tuổi già sức yếu, cha nhiều lần gặp khó khăn trong khi tìm việc; nhưng mỗi lần người mẹ hỏi thăm người cha chỉ cười đáp: “Cũng gần được rồi”.

Sau đó, người cha mua một chiếc xe ba bánh để kéo hàng cho người ta, một lần xe vô tình bị lật, tủ lạnh của khách trên xe bị hỏng, người cha bất lực quỳ sụp xuống đất hết sức bi thương. Thế nhưng khi về tới nhà, đối mặt với sự quan tâm của người mẹ, ông chỉ cười nói: “Không sao đâu, không sao cả”.

Cuối cùng, gia đình họ nhờ chiếc xe ba bánh mà vượt qua giai đoạn khó khăn. Dưới ảnh hưởng của cha mình, đứa trẻ đã học hành chăm chỉ và thi đậu vào một trường đại học danh tiếng.

Chu Tiểu Bằng từng chia sẻ trong một chương trình:

“Một gia đình có hạnh phúc hay không, từ lúc một người bước vào cửa đã có thể biết được rồi, bởi vì tâm trạng của bạn khi về nhà sẽ quyết định cảm xúc của cả gia đình bạn.”

Hãy để lại những muộn phiền bên ngoài, dành sự dịu dàng cho gia đình, và cuộc sống sẽ tự nhiên trả lại cho bạn hạnh phúc.

Chúng ta thường tử tế với người ngoài nhưng lại nóng nảy với những người thân yêu nhất của chúng ta khiến gia đình bất hòa, như vậy thì sao gia đình có thể đầm ấm, hạnh phúc? Muốn gia đình hòa thuận, đầu tiên chúng ta phải đối xử tử tế với các thành viên trong gia đình, điều này cần sự rèn luyện và học hỏi cả đời.

Thái độ đối với người nhà mới là nhân phẩm chân thực nhất của một người

Bạn đã bao giờ trải qua tình huống tương tự như thế này chưa?

Khi bạn có bất đồng với bạn bè, bạn sẽ mỉm cười và gật đầu để duy trì mối quan hệ, nhưng một lời cằn nhằn của bố mẹ khi bạn về nhà cũng đủ khiến bạn tức giận;

Tại nơi làm việc khi gặp khách hàng khó tính, bạn sẽ bấm bụng chịu đựng; nhưng khi về nhà, những lời quan tâm của vợ lại cho bạn lý do trút giận;

Khi gặp mâu thuẫn, dù người khác thách thức ranh giới cuối cùng của bạn, bạn vẫn có thể duy trì sự tu dưỡng của bản thân, nhưng khi về đến nhà chỉ một tiếng khóc của đứa con cũng khiến bạn vô cùng khó chịu…

Chu Quốc Bình từng nói: “Xoi mói, bắt bẻ người nhà là bản năng, khắc phục bản năng mới là nhân cách đạo đức. Chúng ta phải cảnh giác với bản năng và bồi dưỡng nhân cách đạo đức”.

Một người thực sự có giáo dưỡng sẽ bỏ lại áp lực và ưu tư bên ngoài ngôi nhà.

MC Trung Quốc nổi tiếng – Lý Tịnh – từng kể câu chuyện khởi nghiệp của mình như sau:

Trong những ngày đầu kinh doanh, cô ấy bận rộn đến mức không có thời gian để uống nước. Hết tiếp đãi công ty quảng cáo, trở về công ty họp nội bộ, rồi lên chương trình, chạy dự án… Ngày nào cũng nhậu nhẹt, giao du, vào nhà vệ sinh nôn xong là phải phóng ngay đến hiện trường.

Thời kỳ đầu khởi nghiệp vô cùng khó khăn khổ cực, cô từng uống say, suy sụp khóc trong đau khổ. Nhưng mỗi khi về khuya, bao giờ cô cũng đứng dưới gốc cây ngô đồng nghỉ ngơi trước khi bước vào cửa nhà. Cô quay mặt về phía cây, tâm sự nỗi đau và những rắc rối trong ngày của mình. Cô luôn lau khô nước mắt, chỉnh đốn lại tâm trạng xong xuôi rồi mới bước vào trong nhà.

Vì theo cô, nhà là thiên đường nơi chứa đựng hạnh phúc và niềm vui, là nơi yên bình nhất chúng ta thuộc về. Một người trưởng thành nên biết cách giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong lòng thay vì trút giận lên người yêu thương mình nhất.

Vứt bỏ cảm xúc tiêu cực ở bên ngoài cánh cửa, dành cho người nhà những điều yên bình và tốt đẹp nhất.

Sử Thiết Sinh ghi lại câu chuyện của mình và mẹ trong “I and the Temple of Earth”: Anh kể rằng từ khi mắc bệnh, tính khí của anh trở nên thất thường và thường xuyên mất bình tĩnh với mẹ. Mãi đến sau khi mẹ mất, anh mới hối hận vì trước đây đã không kiềm chế được cảm xúc của mình.

Anh nói: “Sự bướng bỉnh này chỉ để lại trong tôi nỗi ân hận chứ không hề có chút tự hào nào. Tôi rất muốn cảnh báo những người con đã lớn rằng họ đừng nên ngang bướng như vậy với những người thân trong gia đình. Khi tôi hiểu được điều này thì đã quá muộn”.

Trong quá trình chúng ta trưởng thành khó tránh khỏi sẽ nhận phải tổn thương, nhưng chúng ta không thể lấy đó làm cớ để chỉ trích người nhà. Dù chuyện gì xảy ra, chúng ta cũng nên tu dưỡng bản thân, hồi đáp người nhà bằng thái độ hòa nhã và niềm nở nhất.

Đời người ngắn ngủi, hy vọng chúng ta luôn cư xử với người nhà của mình một cách hài hòa và ấm áp nhất có thể.

Bích Liên.

Tin bài liên quan