Đối mặt với sự bất công, câu nói của Hàn Tín khiến Lưu Bang không thốt nên lời

Hàn Tín (229 – 196 TCN) là đại tướng quân, khai quốc công thần, có công phò tá Hán Cao Tổ Lưu Bang đoạt thiên hạ, lập ra nhà Hán. Nhưng khi đại nghiệp đã thành, ông bị vu cáo làm phản và bị tru di tam tộc. Người đời sau đều ngậm ngùi tiếc thương cho số phận anh hùng của ông. Nỗi oan ấy hàng nghìn năm vẫn khiến hậu thế khó hiểu, bi thương không kể xiết.

* Hàn Tín đến Vân Mộng: Điểu tận cung tàng

Dưới sự tiến cử của Hàn Tín và các chư hầu khác, Lưu Bang lên ngôi hoàng đế nhà Hán, xưng danh là Hán Cao Tổ. Đúng như Vũ Thiệp và Khoái Triệt đã tiên đoán, Hàn Tín sẽ gặp phải kiếp nạn sau khi chiến thắng quân Sở.

Sau trận Cai Hạ, quân Hán quay về phía bắc đến Định Đảo, Lưu Bang bất ngờ xông vào trại của Hàn Tín để lấy binh quyền, sau đó đổi thái ấp của Hàn Tín. Ngay sau đó, Hàn Tín phải rời xa vùng đất màu mỡ nước Tề, Triệu, Yên do một tay mình đánh chiếm được để đến nước Sở, từ Tề vương trở thành Sở vương. Hàn Tín lòng dạ thoáng đãng, không hề phàn nàn đối việc Lưu Bang tuyệt tình phụ nghĩa, lặng lẽ trở về cố hương nước Sở của mình.

Về tới cố hương, điều đầu tiên Hàn Tín làm là đi gặp ân nhân Phiêu mẫu – bà lão năm xưa từng cho ông ăn cơm – và tặng nghìn lượng vàng để hậu tạ. Sau đó ông lại tìm đến nhà đình trưởng Nam Xương, trao một trăm tiền cho ông ta gọi là trả tiền cơm năm xưa. Hàn Tín cũng có đôi lời nói với đình trưởng: “Nhà ngươi làm việc tốt nhưng lại có thủy mà không có chung, chỉ có thể xem là một kẻ tiểu nhân không thấu hiểu nhân tình đại nghĩa.” (Đình trưởng Nam Xương là một viên quan nhỏ năm xưa Hàn Tín từng quen biết. Thuở thiếu thời, Hàn Tín nghèo khó, thường vào xin ăn nhà của ông này, được một tháng thì người vợ thấy phiền phức nên đã thổi cơm ăn trước nửa canh giờ. Khi Hàn Tín đến nhà thì bữa cơm đã xong, ông hiểu ra và sau đó không tới nữa).

Người cuối cùng Hàn Tín tìm đến là con trai của kẻ bán thịt đã từng bắt ông chịu nhục chui háng. Người thanh niên này sau khi nghe nói người bị ông ta làm nhục năm xưa chính là tân Sở Vương thì nơm nớp lo sợ, cho rằng bản thân sắp chết. Thế nhưng Hàn Tín lại không hề làm khó anh ta, lại còn khen đây là kẻ tráng sĩ và phong cho chứng trung úy, phụ trách trông coi trị án của Hoài Âm thành.

Sau khi giải quyết xong việc riêng, Hàn Tín bắt đầu cai quản lãnh địa của mình. Ông tuần tra tình hình nước Sở rồi xử lý vấn đề dân sinh cấp bách sau chiến tranh, thành lập một đội quân bảo vệ lãnh địa. Kế hoạch của ông là xây dựng một nước Sở phồn vinh và hùng mạnh.

Nhưng Lưu Bang không có ý định cho Hàn Tín giữ chức Vương. Hàn Tín là khai quốc công thần, để gạt bỏ Vương vị của ông, Lưu Bang gán cho Hàn Tín tội danh “mưu phản”.

Tháng 12 năm 201 TCN, Lưu Bang đột nhiên nói với các tướng lĩnh: “Có người tố cáo Hàn Tín mưu phản, các khanh cảm thấy nên xử lý thế nào?” Những tướng lĩnh này đều là hữu dũng vô mưu, la hét nói: “Lập tức xuất binh tiêu diệt tên tiểu tử này”. Lưu Bang tự biết là xuất binh vô cớ, suy nghĩ thật lâu, cuối cùng tìm Trần Bình hỏi mưu lược.

Trần Bình giỏi dùng mưu, nhưng có tài không đức. Ông ta biết Hàn Tín thực ra không mưu phản nhưng vẫn trợ giúp Lưu Bang. Trần Bình nói với Lưu Bang: “Quân của bệ hạ không tinh nhuệ bằng quân Hàn Tín, tướng cũng không giỏi bằng người của Hàn Tín, phát binh tấn công sẽ dồn ép Hàn Tín quyết chiến, đối với bệ hạ là chuyện nguy hiểm”.

Trần Bình sắp đặt cho Lưu Bang giả vờ đến Vân Mộng, Hồ Bắc đi săn, lệnh cho các chư hầu đến Trần Địa gặp mặt. Trần Địa thuộc biên giới nước Sở, Hàn Tín đến đây thì có thể dễ dàng bị bắt.

Lưu Bang lập tức nghe theo kế sách của Trần Bình, sai sứ giả thông báo cho Hàn Tín đến Trần Địa gặp mặt. Hàn Tín cũng không nghi ngờ, thân thiết nghênh đón. Vừa gặp mặt, Lưu Bang lập tức ra lệnh binh sĩ bắt lấy Hàn Tín. Hàn Tín kinh ngạc, bó tay chịu trói.

Sau khi đạt được mục đích, Lưu Bang không đi săn ở Vân Mộng mà lập tức quay trở về phủ. Lúc này, Hàn Tín mới hiểu được mưu đồ của Lưu Bang. Ông rất phẫn nộ, hét lên: “Đúng thay câu ‘thỏ chết thì chó săn bị mổ, chim hết thì bẻ cung, phá xong địch thì mưu thần chết’, thiên hạ đã định, ta tất bị phanh thây”.

Lưu Bang nghe xong đỏ mặt tía tai, nửa ngày không nói lên lời, im lặng thật lâu mới nói: “Có người tố cáo ngươi mưu phản”. Lưu Bang biết không có chứng cớ đã bắt khai quốc công thần, tất nhiên không thể khiến dân phục, cho nên vừa về tới Lạc Dương liền đại xá thiên hạ để lấy lý do thả Hàn Tín. Nhưng ông không cho Hàn Tín về nước Sở, mà giáng xuống làm Hoài Âm hầu ở đô thành, không thể quay về đất phong, cũng không có quân đội, trên thực tế là giam lỏng Hàn Tín.

* Cái chết của tướng quân

Sau khi Hạng Vũ bỏ mạng, Sở vương đem giấu Chung Ly Muội để tránh tai họa. Bởi vì Lưu Bang mấy lần bại dưới tay thủ hạ của Chung Ly Muội nên ghi hận trong lòng, ra lệnh truy nã. Còn Hàn Tín từng đầu quân cho Hạng Vũ nên quen biết và coi Chung Ly Muội như huynh đệ.

Trong “Sử ký“, Tư Mã Thiên, phần “Hoài Âm Hầu liệt truyện” có ghi chép: Trong lúc Chung Ly Muội liên hệ và đến với Hàn Tín, Lưu Bang ra lệnh cho Hàn Tín bắt Chung Ly Muội nhưng Hàn Tín kháng chỉ không tuân theo.

Khi Lưu Bang đi săn ở Vân Mộng, vì bảo vệ mình nên Hàn Tín đã ép Chung Ly Muội tự sát. Trong ghi chép của con cháu họ Chung – “Chung thị gia phả” cũng lựa chọn giả thuyết này, càng làm cho người đời hiểu nhầm sâu sắc. Tuy nhiên, khảo sát cẩn thận, phát hiện sự thật không phải như vậy.

“Sử ký“, “Tần Sở chi tế nguyệt biểu” xác minh ghi lại: “Tháng 9, năm 202 TCN, vua chém tướng quân Chung Ly Muội của Hạng Vũ“. Điều này chứng tỏ Chung Ly Muội bị Hán Cao Tổ bắt vào tháng 9 năm 202 TCN.

Còn việc buộc tội Hàn Tín “mưu phản” được ghi chép vào năm 201 TCN. Vì vậy, khi Lưu Bang dùng kế đi săn ở Vân Mộng, Chung Ly Muội đã chết hơn một năm rồi, không tồn tại khả năng Hàn Tín vì bảo vệ mình mà ép buộc Chung Ly Muội tự sát.

Như vậy, có khả năng Hàn Tín rước họa vào thân vì thu giữ Chung Ly Muội hay không? Câu trả lời là không. Tuy hai người từng cùng là thuộc hạ dưới trướng Hạng Vũ, nhưng một người là đại tướng quân chức cao vọng trọng, còn một người lại là lang trung cầm kích thấp kém. Rất khó tưởng tượng hai người này có thể cùng xuất hiện.

Cùng xem đoạn đối thoại Lưu Bang hỏi kế Trần Bình, bản thân họ biết rõ Hàn Tín không có bất kỳ hành vi hổ thẹn nào đối với Lưu Bang, đây cũng là điều kiện tiên quyết để kế đi săn Vân Mộng thành công. Kế Vân Mộng thoạt nhìn không chê vào đâu được, nhưng thực ra có sơ hở.

Vân Mộng ở hồ Động Đình, Hồ Nam, còn Hàn Tín ở nước Sở, tức vùng Giang Tô. Lưu Bang theo Quan Trung (lưu vực Sông Vị, ở tỉnh Thiểm Tây) đến Vân Mộng là xuôi nam, nếu đi nước Sở là hướng đông, hoàn toàn không có khả năng tiện đường. Nếu Hàn Tín thu giữ Chung Ly Muội, Lưu Bang đến đây đi săn, Hàn Tín không thể không đề phòng khi đến nghênh đón. Vì vậy, giả thuyết Hàn Tín giết Chung Ly Muội là không đúng.

* Biên soạn binh thư

Hàn Tín văn võ song toàn, thông minh, anh tuấn. Ông từng cùng Tiêu Hà chỉnh sửa quân luật, cũng cùng Trương Lương chỉnh lý Tiên Tần binh pháp. Trong sách “Hán thư“, phần “Cao đế ký“, Ban Cố có ghi chép: Hàn Tín cùng Trương Lương tự biên soạn binh pháp, vốn gồm 182 nhà, rút ngắn lại còn 35 nhà. Đây là lần sắp xếp và chỉnh lý binh thư cổ đại quy mô lớn lần đầu tiên trong lịch sử.

Hàn tín dựa theo “Tư Mã pháp” phân loại tư duy quân sự, chia binh pháp làm 4 loại: “Quyền mưu, hình thế, âm dương, kỹ xảo“. Sau đến Dương Bộc trong “Kỷ tấu binh lục” thời Vũ Đế, Nhiệm Hoành, Lưu Hướng và Lưu Hâm thời Thành Đế xét duyệt chỉnh lý binh thư đều không thoát khỏi các quy định do Hàn Tín thiết lập. Sự phân chia này được hậu thế tôn sùng là điển hình, trở thành chuẩn mực sáng tác binh thư và lý luận quân sự.

Hàn Tín cũng lợi dụng thời gian bị giam lỏng ở nhà viết sách. Tác phẩm “Tam thiên binh pháp Hàn Tín” tổng kết thành công binh pháp Tiền Tần rộng lớn, khiến cho binh thư trước nhà Hán có thể bảo tồn nguyên vẹn cho hậu thế. Quyển sách này một trong 13 nhà thuộc “Binh quyền mưu”.

Ban Cố giải thích “Binh quyền mưu” là: “Quyền mưu giả, dĩ chính thủ quốc, dĩ kỳ dụng binh, tiên kế nhi hậu chiến, kiêm hình thế, bao âm dương, dụng kỹ xảo giả dã”.

Tạm dịch: Người quyền mưu lấy giữ nước là chính, dùng binh tùy cơ ứng biến, mưu kế trước đánh trận sau, thông thạo địa lý, am hiểu âm dương, dùng người thành thạo. Đây chính là tinh hoa thực sự của binh pháp Trung Quốc.

Hoàn Nguyên biên dịch.

Tin bài liên quan