Tô Thức từng nói: “Thất phu bị nhục, rút kiếm ra tranh, động thân mà đấu thì chưa đủ dũng cảm. Thiên hạ có người vô cùng dũng cảm, khi đối diện với nguy nan mà không sợ hãi, vô cớ chịu nhục mà không oán giận, so với người chuyên đi ức hiếp người khác thì ý chí của họ quả là cách biệt rất xa”...
Người mới gặp một chút mạo phạm đã đỏ mặt tía tai, đụng tay đụng chân đánh trả thì đó chưa phải là người dũng cảm. Người dũng cảm thật sự chính là không sợ hãi khi gặp nguy nan, cho dù bị nhục mạ cũng vẫn kiềm chế được cảm xúc của bản thân, nở nụ cười nhẹ bỏ qua. Làm được vậy là bởi vì người dũng cảm thực sự sẽ có ý chí rộng mở, tu dưỡng nội tâm vững chắc và có hoài bão lớn lao.
Người xưa có câu: “Ngao cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”. Cò và ngao thi nhau cắn đối phương, không ai chịu nhượng bộ ai, tranh chấp mãi không ngưng, cuối cùng bị ngư ông bắt hết cả hai.
Người không hiểu nhượng bộ sẽ làm hại bản thân, nếu cứ giằng co mãi thì sẽ làm tổn thương lẫn nhau và dẫn đến kết cục chẳng được gì.
Khi đối diện với hoàn cảnh khó khăn, không cần phải đấu lý tới mức một mất một còn. Đôi khi lùi một bước lại chiếm được 3 phần lợi, hiểu được nhường bước cũng chính là tự bảo vệ mình.
Nhượng bộ không phải là hèn nhát, mà là một loại trí tuệ. Học được nhường nhịn, biết cách nhượng bộ, lúc xả bỏ chính lại là thời điểm nhận được nhiều hơn…
Một câu chuyện về việc nhận tội chịu đòn rất nổi tiếng như sau. Lạn Tương Như bởi vì có công đem ngọc trả lại vua Triệu mà được phong làm Thượng Khanh, địa vị của ông đột nhiên cao hơn Tướng quân Liêm Pha một bậc. Trong lòng Liêm Pha không phục liền tuyên bố rằng, chỉ cần gặp mặt sẽ sỉ nhục Lạn Tương Như một trận.
Sau khi Lạn Tương Như biết được, ông đã cố gắng né tránh để không phát sinh xung đột với Liêm Pha. Mỗi lần đến lúc vào triều, Lạn Tương Như thường cáo ốm không đi. Không lâu sau, lúc Tương Như ở thành Hàm Đan, từ xa ông đã nhìn thấy đoàn xe của Liêm Pha nên liền ra lệnh cho xe của mình rẽ vào một con hẻm nhường cho Liêm Pha đi trước, tránh cho hai bên xảy ra xung đột.
Thấy môn khách của mình tỏ ra khó hiểu, Lạn Tương Như liền nói: “Nước Tần không dám khởi binh đánh nước Triệu là vì có ta và Tướng quân Liêm Pha. Nếu như giữa hai chúng ta xảy ra xung đột, chính là tạo cơ hội cho nước Tần tiến đánh nước Triệu”.
Liêm Pha nghe được điều Lạn Tương Như nói thì cảm thấy xấu hổ. Ông liền cởi bỏ quan phục, cầm roi đến nhà Lạn Tương Như rồi nói: “Ta đúng là một kẻ hèn mọn, không biết được Thừa tướng là người khoan dung độ lượng như vậy. Cho nên ta đến để tạ tội”.
Trong sự việc này, ban đầu Liêm Pha chỉ nhìn thấy được mất và vinh nhục cá nhân. Còn Lạn Tương Như lại nhìn vào được mất và hưng suy của quốc gia. Khi tầm nhìn của Lạn Tương Như càng rộng lớn, ông sẽ nhìn được càng cao và xa. Đối mặt với sự khiêu khích cá nhân, ông sẵn sàng nhượng bộ và thỏa hiệp.
Hiểu được nhượng bộ cũng là một loại cảnh giới tư tưởng con người. Nếu đặt mình đứng trên tầng lầu thì chỉ nhìn thấy rác rưởi bên dưới. Thế nhưng nếu biết đặt mình ở trên đỉnh núi thì sẽ nhìn thấy vạn dặm đường sông. Ở các vị trí khác nhau sẽ nhìn được khung cảnh khác nhau, cách đối nhân xử thế cũng không giống nhau.
Dương Giáng từng nói: “Tôi không cùng ai đó tranh giành và không bận tâm về họ”.
Mỉm cười nhường bước không phải là hèn nhát sợ sệt. Cảnh giới tư tưởng của một người càng cao thì càng hiểu được nhượng bộ. Những người này luôn tỏ ra cung kính khiêm nhường, không so đo với người khác, không tranh không đoạt, bước trên con đường hướng đến nơi cao hơn.
Sau khi Tô Thức bị giáng chức đến Hoàng Châu, ông liền khai khẩn một mảnh đất ở phía đông sườn núi, tự hào với danh hiệu Đông Pha cư sĩ. Ban ngày ông cày ruộng trồng lúa, buổi tối đi dạo quanh thành Hoàng Châu.
Một ngày nọ, khi ông đang dạo trong thành phố, một gã say rượu đụng phải khiến ông ngã. Người này đầy mùi rượu, hùng hổ chửi bới rồi bỏ đi. Tô Thức chẳng động tâm, ngược lại còn nói: “Niềm vui của tự mình dần dần khiến người khó hiểu được”.
Hoàn cảnh nung luyện trong thành Hoàng Châu giúp Tô Thức thay đổi rất nhiều. Ông không còn bị danh vọng ám ảnh, không còn cần những thứ bề ngoài để chứng tỏ bản thân. Ông cũng không quan tâm đến ánh mắt của người khác và vinh nhục cá nhân. Những đánh giá của thế giới bên ngoài đối với ông không còn ý nghĩa. Nội tâm ông mạnh mẽ thong dong, cho nên có thể nở nụ cười nhẹ nhàng trước tranh chấp.
Người xưa nói: “Ai giỏi tranh giành thì Trời cao sẽ tới lấy. Người biết khiêm nhường, Trời sẽ bù cho”. Tiến thêm một bước chưa hẳn vui, đôi khi lùi một bước lại có thể sống thong dong tự tại. Hiểu được nhượng bộ không phải là nhu nhược, mà là biểu hiện của bậc đại trí, là một mỹ đức và là một loại cảnh giới.
San San.