Cổ nhân thường dạy: “Lời nói thì thầm, Trời nghe như sấm”, thế nên tuyệt đối đừng lấy lời thề ra làm trò đùa con trẻ bởi ‘trên đầu ba thước có Thần linh”, “người đang làm, Trời đang nhìn”, làm trái lời thề ắt phải gánh chịu hậu quả, chỉ là thời gian sớm muộn mà thôi!
Một ngày, tôi đang trên một chuyến xe buýt đông đúc. Mặc dù không khí ồn ào nhưng tôi vẫn có thể nghe thấy một giọng nói khá rõ ràng. Nhìn về phía đó, tôi thấy một thanh niên mặt đỏ tía tai, dường như anh ta đang giải thích điều gì đó với giám đốc của anh. Anh ta nói: “Giám đốc, thề với Trời đất, tôi tuyệt đối không làm như vậy. Tôi dám đảm bảo bằng mạng sống của mình”.
Nghe đến đây, trong tâm tôi không khỏi quan ngại. Chuyện gì lớn khiến anh ta phải đánh cược sinh mệnh của mình để thực hiện lời thề này. Không biết người thanh niên có hiểu lời thề có nghĩa là gì không?
Trong cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây đều rất xem trọng lời thề. Về văn hóa phương Tây, trong “Kinh Thánh – Tân Ước”, Đức Chúa Giê-su dạy các môn đồ của mình rằng: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Trong văn hóa truyền thống phương Đông, người ta tin rằng Thần đang dõi theo mọi lời nói và hành vi của chúng ta. Cổ nhân thường dạy: “Trên đầu ba thước có thần linh.” Vì vậy, bất cứ lời thề nào mà con người phát thệ, việc giữ hay phá bỏ chúng đều sẽ có báo ứng. Trong lịch sử những câu chuyện về lời thề ứng nghiệm như vậy quả thật nhiều vô kể, cho nên người xưa vô cùng coi trọng lời thề. Dưới đây xin dẫn một vài câu chuyện:
Vào thời Nam Tống, ở phủ Gia Hưng (nay là thành phố Gia Hưng tỉnh Chiết Giang) có người tên là Chu Đại Lang, kiếm sống bằng nghề bán nhang. Khách hàng mua nhang đều là để tỏ lòng thành kính Thần Phật, nhưng ông ta vì để kiếm được nhiều tiền hơn nên đã làm giả nguyên liệu.
Có lần khách hàng thấy chất lượng nhang không tốt, hỏi thẳng trực tiếp thì ông ấy phát lời thề độc: “Nếu nhang này không tốt, tôi thề rằng ra khỏi cửa sẽ bị ác Thần đập chết”. Người xưa đều rất tín Thần, khi thấy ông ấy phát ra lời thề [như vậy] thì cũng không truy vấn tiếp nữa.
Sau này vào một ngày nọ, lúc đang đi qua cầu phía sau phủ, ông ta bất ngờ ngã xuống mặt cầu trong khi phía trước không có vật cản nào hết, thật giống như bị người khác đẩy ngã vậy, khi mọi người đến đỡ dậy thì phát hiện rằng Chu Đại Lang đã tắt thở tử vong. Mọi người đều hiểu ra rằng: Lời thề độc mà ông ấy phát ra đã ứng nghiệm, đúng lúc đi ra khỏi cửa đã bị Thần lấy mạng, ngã xuống đường mà chết.
Người ghi lại sự việc này cảm thán rằng: Mọi người mua nhang đều là để cúng dường Thần linh, Thánh hiền, Chu Đại Lang lại dựa vào việc này để kiếm tiền bất chính, lại dùng lời thề độc mà che đậy việc xấu, kết quả lời thề độc đã ứng nghiệm, đó là một bài học cho hậu nhân. Thực ra khi con người phát ra lời thề, trong không gian khác thật sự có Thần đang nghe, giám sát lời thề và khiến cho nó được ứng nghiệm. Chu Đại Lang ứng lời thề mà chết là một minh chứng.
Đây là câu chuyện của tác giả Vũ Hoàn đăng trên trang web Chánh Kiến, nội dung như sau:
Mẹ chồng tôi từ nhỏ đã mồ côi mẹ, phải sống nhờ nhà bác gái. Sau khi đính hôn, vì bố chồng tôi tàn tật cần có người chăm sóc, mẹ chồng tôi mười mấy tuổi đã kết hôn với bố chồng tôi.
Lúc ấy, mẹ chồng tôi được gả vào một đại gia đình có thể nói là giàu có. Nhà có năm anh em trai, bố chồng tôi là thứ ba, dưới ông còn có hai người em trai, và ba người em gái đã lấy chồng đều sống gần đó. Trong cái gia đình có đến 20, 30 người này, do gia cảnh bần hàn nên mẹ chồng tôi là người phải làm việc nhiều nhất, và cũng là người bị bắt nạt nhiều nhất.
Tháng 08 năm 1945, người em út của chồng lúc bấy giờ vẫn còn chưa lập gia đình, đang học ở Bắc Kinh. Vào dịp chú út về nghỉ hè, bà nội dặn mẹ chồng tôi làm một đôi giày lót bông cho chú út, để khi mùa đông đến chú có giày đi. Một hôm, đúng dịp cô em chồng thứ ba về nhà mẹ chơi, cô liền hỏi ai khâu giày cho em trai, bà cố nói: “Là chị ba của con làm đấy, chị ba của con là người giỏi việc khâu vá nhất”.
Mẹ chồng tôi và cô ba vốn ngang tuổi nhau, cô ba trước nay vẫn hay khinh rẻ và bắt nạt mẹ. Cô lén giấu một cây kim lớn vào trong lớp lót giày bằng bông, sau đó tố cáo với bà cố rằng: “Chị ba giấu một cây kim lớn ở trong lớp lót giày bằng bông, định ám hại em con đó mẹ”.
Bà cố nghe xong kiểm tra thử, quả nhiên tìm thấy cây kim, liền đánh đập chửi mắng mẹ chồng tôi, cô ba cũng nhân cơ hội mà hùa theo đánh chửi mẹ chồng tôi, mẹ chồng tôi giải thích rằng cô ba đã dựng chuyện vu oan cho bà. Em dâu, chị chồng tranh cãi mãi không thôi, cô ba vun một ụ đất nhỏ trên mặt đất, cắm lên đó ba que củi làm như thắp hương vậy, rồi quỳ xuống đất ngửa mặt lên trời mà thề: “Nếu tôi hãm hại chị dâu thì sau này tôi sẽ tuyệt tử tuyệt tôn, người mất nhà tan”, rồi dập đầu bái lạy.
Đợi cô ba thề xong, mẹ chồng tôi cũng muốn thề, nhưng vừa mở miệng đã bị chị dâu cả bịt miệng lại, ra sức kéo vào trong phòng.
Khi đó là thời gian quân Nhật đầu hàng, trời mưa to liên tục, nước lũ dâng cao, ôn dịch hoành hành, người chết khắp nơi, dịch cúm gà, cúm heo cũng bùng phát. Hai cô em chồng và hai đứa con của cô ba đều bị nhiễm bệnh chết, một nhà tám người mà đã chết mất một nửa. Hơn một năm sau, chồng cô ba và hai cụ già cũng lần lượt qua đời, chỉ còn lại cô ba lẻ loi một mình, quả đúng ứng nghiệm lời thề “người mất nhà tan, tuyệt tử tuyệt tôn”.
Sau này, cô ba lại tái giá vào hai gia đình khác, trước khi bà cố qua đời, cô cũng từng có lần về thăm hỏi mẹ mình. Về sau, nghe nói cô đã chuyển đến vùng Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang. Nếu giờ cô vẫn còn sống thì cũng phải gần trăm tuổi rồi, đây là câu chuyện có thật xảy ra ở nhà mẹ chồng tôi.
Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trụ tại thành Vương Xá, một hôm có một người lái buôn tên gọi là Phất Ca Sa muốn đi mua hàng hóa, nên sáng sớm đi đến thành La Việt, nhưng vừa tới cổng thành thì đã bị một con trâu húc chết.
Chủ con trâu thấy thế, sợ nếu giữ con trâu hung ác này lại thì về sau thế nào cũng sẽ xảy ra chuyện không lành, nên bèn đem con trâu đi bán với một giá rẻ mạt. Người chủ mới mua trâu xong bèn dắt trâu về nhà. Ði được nửa đường gặp một con sông, ông muốn cho trâu uống nước. Không ngờ không những trâu không uống nước, mà bản tính hung bạo dữ dằn của nó thình lình nổi dậy, nó dùng sừng húc người này chết tươi.
Người nhà của nạn nhân thấy thế mới nổi giận đem con trâu ra giết, rồi đem thịt ra chợ bán. Có một người nông phu tham giá rẻ, mua đầu trâu về, lấy dây cột sừng trâu lại rồi xách về nhà.
Ấn Ðộ là một nước nhiệt đới, vô cùng nóng bức. Người nông phu đi được một đoạn đường thì vừa nóng vừa khát, bèn treo đầu con trâu lên một cành cây rồi ngồi dưới gốc cây này nghỉ ngơi. Quái lạ thay, sợi dây cột đầu con trâu mắc lên cành cây bỗng dưng vô cớ đứt đoạn, khiến đầu con trâu rơi xuống, trúng ngay đầu người nông phu khiến ông này bị trọng thương mà chết ngay tại chỗ. Chỉ trong vòng một ngày mà con trâu này đã hại chết ba mạng người.
Vua Tần Bà Sa La nghe tin này rất lấy làm lạ, biết rằng bên trong phải có nguyên do gì đây. Ông bèn dẫn một số đại thần, đem hoa quả hương đèn tới núi Linh Thứu lễ Phật rồi thỉnh Ngài thuyết giải cho nghe.
Ðức Phật kể cho vua Tần Bà Sa La nghe rằng: “Hồi xưa có ba người lái buôn đi qua nước láng giềng làm ăn mua bán. Họ muốn để dành tiền nên chiều hôm ấy, thay vì đi tìm khách sạn, thì lại ghé đến nhà một bà lão xin mướn một căn phòng. Hai bên thỏa thuận giá cả xong, họ ở lại nhà bà lão ngủ qua đêm ấy. Sáng hôm sau, bà lão có việc phải đi ra ngoài, ba người thừa cơ hội bà vắng mặt lẻn trốn đi mất.
Về tới nhà thấy thế, bà lão tức giận vô cùng, đuổi theo họ đòi tiền. Ba người phải gánh vác hành lý nặng nề nên đi chưa được xa đã bị bà lão bắt kịp. Họ thấy bà lão già cả, dễ ức hiếp, nên nặng lời nhục mạ chửi mắng bà.
Bà lão không làm gì được họ, phẫn uất mà thề độc rằng: “Mấy người chỉ là một phường vô lại, thấy tôi già cả nên mới ức hiếp nhục mạ tôi. Nhưng hành động này của mấy người thế nào cũng có ngày trả báo. Kiếp này tôi không làm gì mấy người được. Kiếp sau, dầu tôi có sinh ra làm người hay dầu có mất thân người đi nữa, tôi cũng quyết sẽ báo thù. Tôi sẽ giết hết cả ba người, có thế mới hả được nỗi hận này’”.
Ðức Phật thuyết câu chuyện nhân duyên ấy quả báo xong, Ngài nói tiếp: “Con trâu hung ác chỉ nội trong một ngày mà giết hại chết ba mạng người chính là bà lão tái sinh. Ba người lái buôn đã khinh miệt bà lão trong kiếp xưa, kiếp này đã lần lượt bị trâu húc chết trong vòng một ngày”.
Hoàng đế Càn Long của triều đại nhà Thanh trị vì trong 60 năm, và cũng là vị hoàng đế lâu đời nhất của triều đại nhà Thanh. Hoàng đế Càn Long 6 lần vi hành Giang Nam. Tương truyền rằng khi Càn Long đang du ngoạn ở Nam Kinh, ông đã gặp một thầy tướng số. Thầy tướng số nói rằng ông biết quá khứ, tương lai và vận mệnh của Càn Long; nói rằng Càn Long chỉ có thể sống “3 tháng” nữa. Càn Long cho rằng thầy tướng số nói nhảm, chỉ cười cười rời đi.
Đi chưa được bao xa, Càn Long e rằng thầy tướng số có thể gây bất lợi cho mình; nên sai người đi lấy mạng của ông ta. Nhưng thầy toán mệnh đã sớm rời đi, trên bàn quẻ còn để lại câu: “Ta là tinh tú trên Thiên thượng hạ phàm, sau khi ông đăng cơ, đã từng nói sẽ không tại vị quá 60 năm; Thiên tử nhất ngôn cửu đỉnh. Nay vừa đúng 60 năm, nếu ông không nhường ngôi thì sẽ vượt qua ông nội của ông; Thiên tử mà thất ngôn ắt sẽ bị Trời trừng phạt. Mong ông hãy tự trọng”.
Thì ra trước đó Càn Long đã từng thề trước các vị triều thần rằng, thời gian tại vị của ông sẽ không vượt quá ông nội của ông là Hoàng đế Khang Hy; Khang Hy tại vị 61 năm. Năm đó vừa đúng Càn Long tại vị 60 năm. Sau khi Càn Long trở về triều, liền truyền ngôi lại cho Hoàng tử thứ 15 là Ngung Diễm; tức Hoàng đế Gia Khánh, làm hoàng đế mới của Đại Thanh.
Rất nhiều câu chuyện có thật đều nói rõ với mọi người một đạo lý: Lời thề nguyền nhất định phải được thực hiện. Vì vậy, trước khi tuyên thệ, cần hiểu ý nghĩa thực sự của lời thề nguyền mà mình nói ra; tuyệt đối không đánh cược tính mạng trong khi ngay cả bản thân cũng không tin. Đến khi sự đã rồi thì chỉ e rằng có hối cũng đã muộn.
Mong bạn hãy nhớ rằng, lời thề dù là xuất phát từ trong tâm hay bị ép buộc thì cũng cần cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra lời thề.
Vũ Dương tổng hợp.