Người đời thường nói một câu như thế này: “Tiên định tử, hậu định sinh”, nghĩa là một người chết như thế nào và chết vào lúc nào đã được định sẵn ngay từ khi sinh ra rồi, không cần phải suy nghĩ nhiều, càng không cần phải quá lo lắng về nó. Nhưng có hai tình huống có thể cải biến thọ mệnh của một người: Một là người đó làm đủ mọi điều ác, hai là tích đức hành thiện.
Người đời thường nói một câu như thế này: “Tiên định tử, hậu định sinh”, nghĩa là một người chết như thế nào và chết vào lúc nào đã được định sẵn ngay từ khi sinh ra rồi, không cần phải suy nghĩ nhiều, càng không cần phải quá lo lắng về nó. Nhưng có hai tình huống có thể cải biến thọ mệnh của một người: Một là người đó làm đủ mọi điều ác, hai là tích đức hành thiện.
Người hành thiện đắc phúc báo, người hành ác nhận lấy tai họa. Từ xưa đến nay có vô số sự thật đã được kiểm chứng khiến con người phải nhìn nhận với một thái độ đúng đắn. Thuận theo thiên lý hướng thiện sẽ xếp đặt vận mệnh tốt cho bản thân; sửa đổi sai sót, thành tâm hướng thiện cũng sẽ khiến cho vận mệnh chuyển biến thành tốt. Ví như Bùi Độ thời Đường xem tướng khi còn trẻ nói rằng ông ta sẽ chết vì đói, chỉ bởi làm việc thiện mà về sau vào triều làm Tể tướng. Đậu Vũ Quân thời Tống trong mệnh vốn không có con cháu nối dõi, nhưng vì quyên tặng tiền bạc mà về sau có năm người con đề tên lên bảng vàng. Viên Liễu Phàm thời Minh vì tu thân hành thiện mà đã kéo dài thọ mệnh, đắc nhiều phúc báo. Dưới đây xin viết ra vài mẩu chuyện được sử sách ghi chép lại.
Trong “Thái thượng cảm ứng thiên cảm ứng tuyển lục” kể một câu chuyện như sau:
Thời xưa, có một người tên là Kì Thiên Tông ỷ mình có chút tài hoa mà cuồng vọng tự đại, hành vi không đoan chính, đặc biệt là không tin Thần Phật, thường phỉ báng một cách tùy tiện. Một hôm, Kì Thiên Tông đến chùa đọc sách, đúng lúc trời mưa nên củi bị ướt hết. Anh ta dám cả gan bảo thư đồng lấy tượng thần hộ pháp điêu khắc bằng gỗ làm củi nấu cơm.
Tối hôm đó, Kì Thiên Tông nằm mơ gặp một thần nhân có bộ râu màu đỏ, tay cầm roi trách mắng y: “Ngươi vì kiếp trước chăm chỉ, cực khổ dùi mài kinh sách nên kiếp này mới thông minh, có học vấn. Nếu lên kinh ứng thí có thể liên tiếp đỗ đạt, phúc lộc vạn thạch, hưởng thọ dài lâu. Giờ ngươi cuồng vọng tự đại, nhục mạ thần linh, âm ty đã ghi chép lại tội của ngươi. Phúc báo mà ngươi nên được hưởng đã bị cắt giảm một nửa. Sau này nếu không biết hối cải sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc hơn, không cần phiền ta tới quất ngươi”.
Sau khi tỉnh dậy, Kì Thiên Tông không những không hối cải mà ngược lại y còn khoác lác trước mặt mọi người rằng: “Đến cả quỷ thần cũng đều phải sợ tôi!”.
Mẫu thân của Kì Thiên Tông thờ phụng tượng Phật trong nhà. Một hôm, nhân lúc mẹ đang ngủ say, Kì Thiên Tông trộm lấy tượng Phật mang đi thiêu hủy. Sau khi nhìn thấy việc này, mẫu thân của y vừa khóc vừa nói: “Con làm việc ác không biết hối cải, ta không còn hi vọng gì vào con nữa, chỉ mong con có thể sinh con trai để nối dõi tông đường mà thôi”.
Kì Thiên Tông đã 40 tuổi nhưng nhiều lần dự thi khoa cử đều không đậu. Y cả ngày tâm trí mê muội, đắm chìm trong tửu sắc. Một hôm, y nằm mộng thấy mình bị dẫn đến âm phủ trị tội.
Trên đại điện, sau khi Diêm Vương lần giở sổ sách đã nói với y rằng: “Vốn dĩ ngươi sẽ thi đỗ khoa cử năm 29 tuổi, vào năm 30 tuổi ngươi sẽ làm tiến sĩ, làm quan đến nhị phẩm, thọ mệnh 78 tuổi. Tuy nhiên, thời trẻ ngươi phóng đãng cuồng vọng nên bị cắt giảm thọ mệnh còn 54 năm, làm quan đến ngũ phẩm. Sau 40 tuổi, ngươi vẫn tiếp tục làm quá nhiều việc xấu ác khiến Trời phẫn nộ nên phúc lộc và thọ mệnh của ngươi toàn bộ đều bị cắt giảm hết và bị đánh hạ xuống địa ngục, vạn kiếp không được siêu thoát”.
Sau khi tỉnh giấc, Kì Thiên Tông đem những điều mình thấy được trong mơ kể cho người nhà nghe, bản thân vô cùng cảm thán rằng: “Dẫu ta hối hận cũng đã muộn rồi!”.
Ngay sau đó, y thổ huyết mà chết. Hai người con trai y để lại tướng mạo như ma quỷ, đứa thì miệng méo mắt lệch, đứa thì chân tay què quặt. Vài năm sau gia đình họ Kì cũng lụn bại.
Trong “Thái Bình quảng ký” có chép lại một câu chuyện nhờ bảo hộ Phật đường mà được kéo dài thọ mệnh, đáng để người đời suy ngẫm.
Vào năm Khai Nguyên thứ 15 thời nhà Đường, Hoàng đế hạ lệnh Phật đường trong tất cả các thôn, nhỏ thì nhất loạt bị tháo dỡ và lớn thì đóng cửa toàn bộ. Nhiều người không tín Phật đều y lệnh mà hành động. Nhiều ngôi chùa lớn và tượng Phật đều theo đó mà bị phá hủy.
Huyện lệnh huyện Tân Tức ở Tạ Châu là Lý Hư – thường ngày là một người ngang bướng, tính khí nóng nảy, hành sự thường đi ngược với đạo nghĩa, lại thích uống rượu. Một hôm, đúng lúc ông ta uống say túy lúy thì quan văn của Châu phủ đến yêu cầu ông ta phải phá hủy chùa miếu trong huyện nội trong ba ngày.
Lý Hư thấy vậy nổi trận lôi đình, lệnh cho quan viên thuộc hạ rằng: “Trong vùng ta cai quản, nếu ai dám cả gan phá hủy Phật đường đều phạm tội chết!”. Nhờ vậy, Phật đường ở huyện Tân Tức được bảo toàn. Sau sự việc này ông ta cũng không để tâm gì lắm.
Một năm sau, Lý Hư mất vì đau ốm. Người nhà đặt ông vào trong quan tài và chuẩn bị đem đi mai táng vào ngày hôm sau. Tối đến, người nhà vây quanh quan tài gào khóc, tới nửa đêm thì nghe thấy có tiếng gõ bên trong quan tài. Người nhà mở nắp quan ra xem, hoá ra Lý Hư đã sống lại! Về sau, Lý Hư kể lại cho người nhà nghe về sự tình mà mình đã trải qua nơi địa phủ.
Lý Hư kể lúc đến điện Diêm Vương, Diêm Vương lệnh cho quan sai lấy sổ thiện ác của Lý Hư tới, liếc mắt thì thấy trong cuốn sổ tội nghiệp, tội lỗi chồng chất, phải dùng hình.
Lý Hư vô cùng sợ hãi, vội vã nói: “Năm ngoái, lúc Hoàng đế hạ chỉ yêu cầu các nơi tháo dỡ Phật đường, phá hủy tượng Phật thì chỉ có địa khu mà tôi cai quản là không phá hủy Phật đường. Không biết là công đức này có thể làm giảm tội nghiệp của tôi không?”.
Diêm Vương vô cùng kinh ngạc, lệnh cho cai ngục mau chóng mang sổ ghi việc thiện đến kiểm tra. Cai ngục mang sổ ghi chép việc thiện tới, việc thiện được ghi lại vô cùng hiếm hoi, duy chỉ có một trang giấy, cai ngục đọc: “Năm ngoái có thánh chỉ hạ lệnh phá hủy Phật đường, duy chỉ có Phật đường ở huyện Tân Tức được bảo toàn. Tội nghiệp một đời nên được miễn, tuổi thọ kéo dài thêm 30 năm, đời sau lại chuyển sinh làm người”.
Cai ngục vừa dứt lời thì cuốn sổ ghi tội nghiệp dày cộp bị đốt sạch sành sanh. Diêm Vương bèn thả Lý Hư trở về, vậy nên ông ta mới sống lại.
Tài tử đời nhà Thanh là Viên Mai trong cuốn “Tục Tử Bất Ngữ” có ghi chép câu chuyện về quan huyện thừa là Tiền mỗ nhờ một việc thiện mà được thăng quan tiến chức, kéo dài thọ mệnh 12 năm.
Tiền Mỗ, huyện thừa huyện Tuy Ninh (nay là thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô), phụ trách quản lý các vụ việc trong quận. Theo thông lệ trước đây của vùng này, nếu có người chết ở ven đường mà có người báo quan đến khám nghiệm tử thi, thì chủ đất (tức là chủ khu đất nơi có người ngã chết) sẽ đưa cho quan viên 8.000 tiền thì có thể kết thúc vụ việc này.
Một ngày nọ, có người ở làng nọ đến báo rằng: “Có một người đã gieo mình xuống sông chết”. Viên tiểu lại liền báo cáo thông lệ trước đây cho Tiền huyện thừa, Tiền huyện thừa dẫn người đến hiện trường khám nghiệm tử thi, không có bất kỳ vết thương nào, liền hạ lệnh chôn cất ngay.
Sau khi trở về công đường, viên tiểu lại đưa lên 8.000 tiền thu được từ việc kết thúc vụ án theo thông lệ, Tiền huyện thừa đang định nhận lấy thì thấy số tiền này được xuyên bằng sợi dây đỏ, hơn nữa màu sắc còn rất tươi mới, cảm thấy có chút kỳ lạ, bèn hỏi viên tiểu lại nguyên nhân. Viên tiểu lại đáp: “Nhà chủ đất nghèo, không có khả năng trả tiền theo thông lệ, không còn cách nào khác, đành bán con gái cho một người hàng xóm ở cùng làng làm tiểu thiếp, bán được 24.000 tiền. Vì là tiền mừng, nên dùng dây đỏ buộc lại”. Tiền huyện thừa nghĩ ngợi, số tiền này là người đương sự bị ép buộc phải nộp, nên không đành lòng tùy tiện nhận lấy.
Sau đó, Tiền huyện thừa liền cho gọi dân làng bán con gái đến truy hỏi, dân làng đã đau đớn kể lại sự tình. Tiền huyện thừa lại cho gọi dân làng đã bỏ tiền mua thê thiếp đến huyện nha, giảng rõ đạo lý, nói rằng: “Ta vì có được tiền của người khác mà bức ép người ta phải bán con gái, đó là bất nhân; riêng nhà người thừa lúc người khác nguy khốn mà mua con gái người ta, đó là bất nghĩa. Ta tuyệt đối sẽ không bao giờ chấp nhận phần tiền thông lệ này, và nhà người cũng nên trả con gái về cho gia đình người ta càng sớm càng tốt”. Dân làng này đành phải nhận lời.
Tiền huyện thừa lại hỏi dân làng bán con gái: “Tiền thừa vẫn còn chứ?”. Dân làng trả lời: “Số tiền còn lại đều đưa hết cho các quan sai xử lý vụ án cả rồi”. Tiền huyện thừa lại bảo các quan sai trả lại số tiền, nhưng số tiền đó đã bị nhóm người này ăn uống vui chơi tiêu xài hết cả. Cuối cùng, Tiền huyện thừa thản nhiên nói với dân làng mua thê thiếp rằng: “Ta sẽ trả lại tiền cho nhà ngươi”. Rồi hạ lệnh trả lại toàn bộ số tiền cho người mua, lại bảo dân làng bán con đưa con gái mình về nhà, vụ án này đến đây coi như kết thúc.
Không lâu sau, trên lưng Tiền huyện thừa mọc một khối u, cơn đau khiến ông bất tỉnh trên giường. Trong lúc hôn mê, ông nhìn thấy một người mặc áo xanh đưa ông đến một đại điện nguy nga tráng lệ, phía trên cung điện có một người tướng mạo vương giả đang ngồi trên đó, nói với ông rằng: “Tuổi thọ nhà ngươi đã tận, nhưng may thay ngày trước nhà ngươi đã từng làm một việc thiện, đủ để đền bù cho, nhà ngươi có biết không?”.
Tiền mỗ ngơ ngác không hiểu. Vương giả lệnh cho phán quan thẩm tra sổ sinh tử, thì ra là việc giúp dân làng tránh được chuyện đau lòng bán con gái năm xưa. Phán quan tâu với vương giả rằng: “Việc thiện này công đức rất lớn, theo lệ nên kéo dài tuổi thọ thêm 12 năm, chức quan đạt đến hàng ngũ phẩm”. Vương giả gật đầu đồng ý, bèn lệnh cho người áo xanh đưa Tiền mỗ hoàn hồn. Tiền huyện thừa giật mình tỉnh dậy, vết loét trên lưng rất mau đã lành lại.
Tiền huyện thừa kể từ đó một lòng hành thiện, phàm là những việc cứu đói, chôn cất, ông đều quyên tiền, gắng sức mà làm, quả nhiên được thăng lên đồng tri (hàng quan ngũ phẩm, chức phó của quan tri phủ).
Thời hạn 12 năm đã hết, vết lở trên lưng của Tiền mỗ lại tái phát, người nhà muốn chuẩn bị hậu sự, nhưng lại có chút lưỡng lự, họ an ủi ông rằng: “Trước đây, ông đã làm một việc thiện, nhờ đó mà được kéo dài tuổi thọ, mấy năm nay ông đã làm nhiều việc thiện như vậy, nói không chừng âm gian sẽ không kéo dài tuổi thọ cho ông thì sao”.
Tiền mỗ cười nói rằng: “Không hẳn thế đâu. Việc tốt ngày trước ta làm không phải vì để đạt được quả thiện mà làm, vậy nên âm gian họ xem trọng cái thiện tâm chân thành đó của ta; còn những việc tốt hiện giờ chỉ là vì ta mong có được kết quả tốt mà làm, tâm thái này của ta e rằng âm gian sẽ không xem trọng. Lần này đến số, nhất định không tránh khỏi cái chết. Mà có lẽ người có tâm hành thiện rốt cuộc cũng có chỗ khác với kẻ có tâm hành ác, không chừng sẽ có quả lành vào đời sau chăng?”. Mấy ngày sau, Tiền đồng tri lưng bị lở loét, và đã qua đời.
Ba nhân vật chính trong ba câu chuyện trên nguyên phúc phận và tuổi thọ của sinh mệnh đã được thiên thượng an bài đâu cả vào đấy, nhưng cũng bởi hành vi thiện ác của bản thân mà phát sinh cải biến. Kì Thiên Tông rất có tài hoa, trong mệnh vốn an bài được hưởng vinh hoa phú quý, đỗ đạt công danh, nhưng chính vì sự cuồng vọng của bản thân, khinh nhờn Thần Phật mà bị phúc thọ hao tổn, thọ mệnh bị cắt giảm hơn 30 năm, phúc phận tiêu tán, sau khi chết còn bị trừng phạt nghiêm khắc dưới địa ngục, thật đáng buồn thay.
Ngược lại, Lý Hư vốn là một người xấu tệ, nhưng nhờ bảo vệ Phật đường không chỉ xóa bỏ những việc xấu ông ta đã làm trước đây, mà còn giúp ông kéo dài tuổi thọ thêm 30 năm, riêng Tiền huyện thừa nhờ động thiện niệm cứu giúp người yếu thế trong cảnh nguy khốn, tích được đại thiện, nhờ thế mà rạng rỡ công danh, kéo dài thọ mệnh. Thật đúng như câu “người hành thiện, phúc tuy chưa tới, nhưng họa đã tránh xa”, ngôn hành khác nhau, kết quả đắc được cũng sẽ khác nhau. Tương lai lành dữ của một người có thể quyết định bởi một niệm thiện ác của mình ngay trong hiện tại, vậy nên không thể không xem trọng được.
Vũ Dương biên dịch.