“Ý cha mẹ, lời bà mai” là những việc thuộc về quá trình trước khi đi đến hôn nhân, hoặc là nói nó chính là đang tuân theo “lễ” trong quá trình tác hợp và khởi tác dụng trung gian ở bên trong quá trình đó...
Đương nhiên không phải là nói hiện nay cần phải ủng hộ cho hôn nhân sắp đặt, mà kỳ thực trong xã hội truyền thống cũng có rất nhiều bậc cha mẹ suy nghĩ rộng mở. Họ cũng quan tâm đến cảm nhận và hạnh phúc của con cái. Họ cũng sẽ không cưỡng ép an bài con cái kết hôn cùng với đối tượng mà con cái của họ không thích. Ngày nay, người Trung Quốc nếu như đi hỏi ông bà, cha mẹ của mình, thậm chí ngay cả những người đã ngoài 80 – 90 tuổi mà hỏi ông bà của họ thì cũng chưa chắc đã biết. Chỉ những người già càng già hơn nữa mới có thể trả lời cho họ câu hỏi: hôn nhân của người xưa có phải hay không thực sự bất hạnh như vậy? Và bạn sẽ phát hiện ra rằng không phải như thế. Bởi vì những người đời sau quá cường điệu giải phóng cá tính nên mới phóng đại lên nỗi bất hạnh trong hôn nhân của các bậc trưởng bối.
Tuy nhiên, nếu như bạn thật sự có thể tìm được đương sự đã trải qua giai đoạn ấy để hỏi thì tôi tin rằng rất nhiều người đều sẽ không có ấn tượng giống như những gì mà người đời sau đã tưởng tượng ra. Ngoài ra, bất kể là ở cổ đại hay ở hiện đại, cận đại thì bạn đều có khả năng bị người mình thích cự tuyệt. Hoàn toàn không phải là cứ giải phóng cá tính thì bạn muốn theo đuổi ai liền có thể theo đuổi được người đó. Nếu như bạn gặp phải tình huống bị cự tuyệt, thì việc có một người mai mối ở trung gian tới truyền lại tin tức cho bạn sẽ khiến cho tổn thương mà bạn phải chịu không còn trực tiếp như khi bạn đích thân nghe lời từ chối từ đối phương nữa. Điều này đối với người ta mà nói chẳng phải là còn có chỗ tốt hay sao?
Người hiện đại nếu nhìn thấy những cặp tình nhân lúc nào cũng nửa bước không rời, mở miệng ra nói với nhau đều là những lời đường mật thì sẽ cảm thấy điều này rất phù hợp với nhân tính. Thế nhưng trong đó vẫn còn có cả những thống khổ do mất đi tình yêu đem đến. Người hiện đại thông thường đều phải trải qua mấy lần yêu đương rồi mới bước vào hôn nhân. Còn nói như chỉ mới qua một cuộc tình mà đã kết hôn thì phỏng chừng là chẳng có mấy người. Nói cách khác, rất nhiều người đều phải trải qua vài lần thất tình thống khổ rồi mới bước tới hôn nhân. Bởi vì tôi đã thấy có một số người trẻ tuổi do tình cảm còn chưa đủ chín chắn hoặc do kinh nghiệm cuộc sống còn nông cạn, mà họ có đánh giá không đầy đủ về điều kiện thực tế của mình, cuối cùng dẫn đến việc loại tình cảm yêu đương này của họ không thể tiếp tục kiên trì. Họ không thể cùng với người kia tiếp tục ở bên nhau được nữa và điều đó tạo thành thống khổ cho đối phương. Kỳ thực điều này cũng không khác gì “giết” đối phương một lần. Loại thống khổ đó thật sự vô cùng nghiêm trọng.
Vậy nên, trong khi người ta cảm thấy giải phóng cá tính là chuyện tốt thì trái lại, người viết cảm thấy rất nhiều người sẽ vì nó mà tăng thêm không ít khổ. Tất nhiên, “ý cha mẹ, lời bà mai” sẽ làm giảm đi cơ hội gặp gỡ trực tiếp giữa hai người trước khi bước vào hôn nhân, nhưng nếu như tình cảm không thành thì sẽ bởi vì không có nhiều tiếp xúc thân mật mà cũng sẽ không dẫn đến thống khổ cùng phiền não quá lớn. Đây là một phương diện. Đồng thời, điều này cũng giúp cho bạn có thể tiếp nhận kinh nghiệm từ những người khác. Bởi vì kinh nghiệm sống của các bậc cha mẹ là khá phong phú, còn những người làm mai mối thì lại càng từng trải vô số. Người nào cùng với người nào là phù hợp với nhau thì trong lòng bà mối đều sáng tỏ như ban ngày. Do đó điều này cũng làm tăng thêm tính khả thi của việc kết hôn thành công.
“Ý cha mẹ, lời bà mai” là những việc thuộc về quá trình trước khi đi đến hôn nhân, hoặc là nói nó chính là đang tuân theo “lễ” trong quá trình tác hợp và khởi tác dụng trung gian ở bên trong quá trình đó. Hơn nữa khi xưa, nếu chân chính kết hôn còn phải trải qua 7 khâu thủ tục lễ nghi. Sau khi kết hôn, vợ chồng cũng cần phải duy trì lấy “lễ” mà đối đãi với nhau, ‘tương kính như tân’ thì hôn nhân mới có thể bền lâu. Còn đối với người hiện đại, ý nghĩa của “Ý cha mẹ, lời bà mai” có một điểm rất quan trọng, là có thể cung cấp cho người trẻ tuổi rất nhiều kinh nghiệm có giá trị. Con người ngày nay nên nhận thức được lễ nghi, nên tôn trọng ý kiến của cha mẹ. Điều này thực ra đối với cuộc sống bản thân cũng là có chỗ tốt.
Sự tồn tại của loại “lễ” này đối với cả tâm lý và tính cách của con người đều sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ, trong điển tịch văn học truyền thống “Kinh Thi” có một phần gọi là “Quan thư”. Tất cả mọi người đều biết: “Quan quan thư cưu, tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”. Trước tiên xin được đính chính lại một chút, bởi vì rất nhiều người đem chữ “hảo” trong “quân tử hảo cầu” đọc thành “hảo” trong “ái hảo” (yêu thích), nhưng kỳ thực nó mang ý nghĩa “hảo cầu”. Ý nghĩa của từ “hảo” này là thiện. Người con gái ấy cử chỉ thanh cao, dung mạo mỹ lệ. Người thục nữ ấy thực sự là bạn nữ xứng đôi cùng quân tử, chữ “hảo” chính là có ý nghĩa này. Người ta lại đem “hảo” lý giải thành “hảo” trong “ái hảo” liền khiến cho “quân tử hảo cầu” trở thành ý nghĩa: quân tử dường như rất thích theo đuổi truy cầu thục nữ. Ý nghĩa đã hoàn toàn sai khác.
Ở phần sau bài thơ còn có hai câu: “Cầu chi bất đắc, ngụ mị tư phục. Du tai du tai, triển chuyển phản trắc”. Chính là nói: cô nương xinh đẹp thiện lương trong mộng của thi nhân khiến người thi sĩ khi tỉnh lại liền muốn cùng nàng kết thành cây liền cành, muốn lấy nàng làm vợ nhưng lại không cưới được nàng. Vậy nên thi nhân mới trằn trọc trăn trở, khó lòng tiến vào giấc ngủ. Trong bài thơ biểu đạt nỗi khổ tương tư của nhân vật chính. Cảm xúc này của con người từ xưa đến nay, dù là cổ đại hay hiện đại thì cũng đều giống nhau. Thế nhưng đằng sau đó vẫn còn có hai câu nữa: “Yểu điệu thục nữ, cầm sắt hữu chi. Yểu điệu thục nữ, chung cổ lạc chi”. Bạn làm thế nào để cho người trong lòng biết được tâm ý của mình? Chính là “cầm sắt hữu chi”, thông qua tiếng đàn để tiếp cận nàng, đem tâm ý của bạn đặt vào trong âm thanh của đàn để lấy lòng nàng, đả động nàng. Chính là nói, nhân vật chính trong bài thơ mượn tiếng đàn làm trung gian để thổ lộ tâm tình chứ không giống dạng biểu đạt thẳng thắn như bây giờ: người ta chỉ gửi một cái tin nhắn, gọi điện thoại hoặc hẹn ra gặp mặt là xong.
Khổng Tử đánh giá “Quan thư” là “lạc mà không dâm, ai mà không thương”. Bởi vì nội tâm của nhân vật chính là dựa vào lễ mà tự kiềm chế. Mặc dù anh ta (nhân vật chính) có nỗi khổ tương tư nhưng anh ta sẽ không phóng túng tình cảm của bản thân, sẽ không phóng túng hành vi của bản thân. Anh ta là mượn tiếng đàn để tiếp cận ý trung nhân của mình. Điều này đã phù hợp với yêu cầu của lễ, vậy nên yêu cầu của lễ cũng chỉ có như vậy thôi. Nó chính là bảo người ta tự giác hành xử như vậy, tự giác ước thúc hành vi của bản thân, điều tiết tình cảm trong nội tâm. Không phải nói tuân theo lễ giáo là phải cấm dục, dù có tình cảm cũng không được đi biểu đạt, nghẹn một bụng buồn bực rồi cuối cùng có thể khiến con người ta bị kìm nén đến không ổn nữa. Không phải như vậy.
Dùng ngôn ngữ hiện đại mà nói, một người có thể đặt “lễ” vào trong nội tâm thực sự là một người có EQ cao. Không chỉ có vậy, loại văn hóa “lễ” này còn có thể bồi dưỡng ra một chủng khí chất nghệ thuật vô cùng lãng mạn: “Yểu điệu thục nữ, cầm sắt hữu chi”. Loại khí chất nghệ thuật hàm súc này thực chất chính là tính cách của tổ tiên chúng ta. Bởi vì có rất nhiều lời mà họ cảm thấy ngượng ngùng nếu trực tiếp nói ra nên đã viết thành thơ hoặc chuyển thành ca từ để biểu đạt. Thơ ca liền trở thành một phương tiện trung gian để biểu đạt tình cảm của con người. Do đó trong thơ ca có mang theo nội hàm của “lễ” và đồng thời cũng là một chủng nghệ thuật.
Chẳng hạn như bài “Kinh thi – Đào yêu”: “Đào chi yêu yêu, kỳ hoa chước chước. Chi tử vu quy, nghi kỳ thất gia”, đằng sau đó còn có một đoạn là: “Đào chi yêu yêu, kỳ diệp trăn trăn. Chi tử vu quy, nghi kỳ gia nhân”. Bài thơ này thực ra là một bài ca được hát trong hôn lễ để tặng cho tân nương nghe. “Chi tử vu quy” là có ý chỉ việc xuất giá của tân nương. “Nghi kỳ gia nhân” và “Nghi kỳ thất gia” là nói người con gái này gả qua nhà chồng thì toàn bộ mọi người trong nhà chồng cùng nhà mẹ đẻ của nàng đều rất vui mừng. Nên cũng nói: tổ chức hôn lễ là chuyện vui mà tất cả mọi người đều cao hứng. Tại sao lại vui mừng đến như vậy?
Chính là ở câu trước đó đã giải thích rồi: “đào chi yêu yêu, kỳ hoa chước chước” và “đào chi yêu yêu, kỳ diệp trăn trăn”. Đây là một phép so sánh, đào trong hai câu trên là ý chỉ cây đào, hoa đào. “Đào chi yêu yêu” là chỉ hoa đào khai nở rực rỡ, theo ngôn ngữ hiện đại thì mấy câu này chính là muốn nói: bạn xem hoa đào kia nở mới rực rỡ mỹ lệ làm sao, trái đào trên cây cũng thật mỹ hảo, cành lá cũng vô cùng sum suê xanh tốt. Những điều này có ý nghĩa gì? Chính là khai hoa kết quả, đâm chồi nảy lộc. Ý nghĩa là hy vọng tân nương sớm sinh nhiều hài tử. Tuy nhiên nếu trực tiếp nói như vậy, rằng: chúc tân nương sớm sinh hài tử, nhanh sinh hài tử thì tân nương khi đó có thể sẽ xấu hổ đỏ mặt đến không dám nhúc nhích nữa. Cho nên người ta bèn dùng phép so sánh này để biểu đạt một cách uyển chuyển: dùng hình ảnh cây đào với trái đào mỹ hảo cùng cành lá xanh tốt để so sánh. Như thế, người con gái vừa nghe là đã hiểu được nó mang ý nghĩa gì và cô ấy cũng sẽ không cảm thấy lúng túng. Nhờ đó mà mọi người đều có thể hòa thuận vui vẻ, hôn lễ cũng sẽ càng thêm náo nhiệt.
Vậy mới nói, toàn bộ tính cách của tổ tiên chúng ta đều là như thế. Còn bây giờ bạn mà hát đào ca cho người khác thì người đó cũng sẽ không hiểu nổi bạn là có ý tứ gì. Tuy nhiên trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, tất cả mọi người đều như vậy. Thế nên bạn vừa nói thì tân nương liền hiểu được rồi. Kỳ thực, tại nông thôn Trung Quốc mười mấy năm về trước, thời điểm kết hôn đều sẽ hát ba bài “Đào yêu”, còn hiện nay truyền thống này đã bị đoạn dứt rồi.
Lại lấy thêm một ví dụ nữa, trong “Kinh thi” còn có một bài gọi là “Kiêm gia” đã quen thuộc với rất nhiều người: “Kiêm gia thương thương, bạch lộ vi sương. Sở vị y nhân, tại thuỷ nhất phương”. Kiêm gia ở đây là cỏ lau. Vào thời điểm cuối thu đầu đông, cỏ lau sẽ biến thành màu xám nên khi phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy một mảng mênh mông vô tận. “Kiêm gia thương thương, bạch lộ vi sương” – một vùng cỏ lau mênh mông với những hạt sương ngưng kết trắng xóa là một bức họa cảnh tượng thê lương. Thi nhân đem tình cảm của mình chất chứa bên trong những miêu tả về cảnh vật. Vì cổ nhân sẽ không trực tiếp bộc lộ tình tự của mình giống người hiện đại như là: “Ôi! Cảm xúc của tôi hôm nay thật bi thương!” Hay “Ôi! Tâm tình của tôi mới tang thương làm sao!”. Cổ nhân sẽ không nói như vậy mà họ sẽ nói rằng: “Kiêm gia thương thương, bạch lộ vi sương”. Như thế, họ đã đem tư tưởng tình cảm của mình đưa vào bên trong cảnh vật. Người Trung Hoa xưa chính là mang một kiểu tính cách rất hướng nội, rất hàm súc như thế. Đương nhiên, loại tính cách này cũng rất đẹp và có khí chất nghệ thuật.
Hóa ra “Đào chi yêu yêu” là từ trong “Kinh thi” mà có, là mang ý nghĩa mỹ hảo đến vậy. Đáng tiếc là sau này đã bị người ta ác ý sửa đổi, đem chữ “đào” trong cây đào đổi thành “đào” trong đào bão (tháo chạy, bỏ trốn) khiến cho nó mất đi vẻ đẹp vốn có và cũng khiến cho người đời sau bị dẫn dắt theo cách hiểu sai lệch vậy.
Trường Lạc biên dịch.