Mạn đàm về chữ ‘Lễ’ trong hôn nhân và văn hóa truyền thống P.1

Ngày nay, có những điều lý giải về nội hàm của “lễ” xác thực đã có một số sai lệch. Ví dụ như nói việc đi cửa sau và hối lộ là “tặng lễ”, nhưng thực chất chúng hoàn toàn chính là “phi lễ” và “vô lễ”. Vì sao lại nói như vậy?...

Hoa Hạ – “Vì có vẻ đẹp của trang phục và văn chương nên mới gọi là Hoa, vì mang cái rộng lớn của lễ nghĩa nên mới kêu là Hạ”. Đối với người Trung Quốc nói riêng và Á Đông nói chung, truyền thống “Lễ” đã có từ hằng xa xưa, và trong cuộc sống thường nhật, người ta cũng vẫn luôn giảng nói rằng: con người là có qua có lại.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta thường đem “lễ” lý giải thành “lễ tiết”, “lễ phép”. Trong mối quan hệ hữu hảo giữa mọi người với nhau cũng sẽ có việc tặng nhau lễ vật để gắn kết tình cảm. Mặc dù chữ “lễ” trong tặng lễ vật, lễ tiết, lễ phép cùng với chữ “lễ” trong văn hóa truyền thống đều được gọi chung là “lễ” nhưng nó cũng không phải là đồng dạng như nhau. Nói chúng cùng là “lễ” bởi vì “lễ” – theo cách lý giải của người hiện đại – chính là một loại vận dụng quan niệm về “lễ” của người cổ đại vào trong cuộc sống. Nó là một dạng biểu tượng mang theo rất nhiều nội dung bao hàm những thành phần phong tục tập quán xã hội.

 

Vào những thời đại khác nhau thì lễ nghi, lễ tiết cũng không giống nhau. Ví dụ như người hiện đại có thể bắt tay, có thể ôm khi gặp nhau để biểu thị tình cảm. Còn với người cổ đại, khi nam tử gặp mặt nhau mà muốn biểu đạt sự tôn kính thì sẽ ôm quyền trước ngực, phép tắc dành cho nữ tử thì là cúi người, cung tay làm lễ bên hông sau đó hơi chùng đầu gối xuống một chút. Tư thế hành lễ này gọi là vạn phúc và sẽ không có bất cứ tiếp xúc thân thể nào, còn người hiện đại khi bắt tay hay ôm thì có thể có một chút tiếp xúc thân thể. Người cổ đại đối với sư trưởng, phụ mẫu có lễ cúi lạy nhưng hiện tại thì hoàn toàn không có. Hơn nữa, lễ nghi của những địa khu khác nhau thì chi tiết yêu cầu cũng không giống nhau. Tuy nhiên, những thứ này đều chỉ là biểu hiện cụ thể bên ngoài, gần như không đáng kể.

Những giải thích sai lầm của người hiện đại về “lễ”; thế nào là “phi lễ”, “vô lễ”

Ngày nay, có những điều lý giải về nội hàm của “lễ” xác thực đã có một số sai lệch. Ví dụ như nói việc đi cửa sau và hối lộ là “tặng lễ”, nhưng thực chất chúng hoàn toàn chính là “phi lễ” và “vô lễ”. Lý do là bởi: mặc dù “lễ” là một loại biểu hiện bên ngoài nhưng nó cần phải mang nội hàm thể hiện đạo đức. Loại nội hàm đạo đức này cũng giống như Mạnh Tử đã từng nói vậy: con người cần phải có bốn chủng tâm cơ bản, hay chính là nói con người cần có lòng trắc ẩn, tính nhường nhịn, tâm nhận biết phải trái đúng sai và tâm biết hổ thẹn. “Lễ” mà chúng ta vừa nói đến là phải thông qua sự nỗ lực tu sửa cải biến nội tâm mới có thể biểu đạt ra những điều tương đối chính diện và trong sáng trong nhân tính. Nếu như đem việc đi cửa sau và hối lộ cũng gọi thành “tặng lễ” thì quả thực người ta đã hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa nguyên bản của “lễ” rồi.

Vậy “lễ” đã được sáng tạo ra thì đương nhiên sẽ có ý nghĩa của nó. Một trong số đó là thông qua việc điều chỉnh và ước thúc hành vi mà tác động đến tâm lý của con người. Sau khi đã quy phạm được hành vi của con người thì nó sẽ có tác dụng ngược lại tới tính cách của người ta. Bởi vậy nên “lễ” khiến cho tâm lý của con người trở nên nhu hòa hơn và giúp con người hiểu được cách tự ước thúc bản thân mình. Nhờ đó, người ta có thể cùng với những người khác chung sống hòa thuận trong một xã hội và cũng sẽ không tự khiến cho bản thân hay những người khác phải chịu tổn thương.

Một phương diện ý nghĩa khác của “lễ” là sử dụng lễ nghi để hình thành nên một loại quy phạm trong một quần thể người, từ đó tạo thành một loại lực lượng ước thúc ngoại tại rộng khắp trong toàn xã hội. Nếu như có người mang lời nói và hành động không thích đáng, thì người đó không thể có được sự thừa nhận của xã hội và sẽ bị cô lập. Như vậy sẽ có một chủng lực lượng bên ngoài tới điều chỉnh hành vi của con người. Điều này cũng giống như việc tất cả mọi người đều xếp hàng nhưng bạn lại chen ngang vào hàng, hay tất cả mọi người trên phương tiện giao thông công cộng đều nhường chỗ ngồi cho người già nhưng lại chỉ có mình bạn không nhường. Khi đó, bạn sẽ bị cho là một người không văn minh lịch sự.

Mặc dù vậy, những biểu hiện của “lễ” cũng cần phải dựa vào một số nguyên tắc đạo đức. Giả sử nếu coi việc đi đút lót là “tặng lễ” và tất cả mọi người đều làm như vậy thì vô hình chung nó cũng sẽ hình thành một quy tắc ngầm trong xã hội. Tất cả mọi người đều tặng lại chỉ có mình bạn không tặng, vậy thì bạn cũng sẽ bị cô lập, cũng phải chịu nhận sự bài xích do việc hành xử khác người tạo thành. Thế nhưng, bất cứ việc gì cũng đều có cái gọi là phi tiêu chuẩn. Không phải nói rằng tất cả mọi người đều phạm phải một sai lầm thì sai lầm đó liền không phải là sai lầm nữa. Không thể vì người phạm sai lầm đó có rất nhiều mà tiêu chuẩn tốt cũng phải bỏ đi theo, không phải là như vậy. Cứ cho là người ta coi tặng lễ thành một quy tắc ngầm thì việc đó cũng không phải là “lễ”. Mà nói theo cách của cổ nhân, nó gọi là “phi lễ”, “vô lễ”.

Về bản chất, “lễ” không có tác dụng ước thúc mà nó khởi một loại tác dụng bảo hộ

Trong xã hội hiện đại ngày nay, thế hệ trẻ luôn hô hào tự do cá tính, kêu gọi đạt được tiêu chuẩn phổ thông lợi hại nhất. Tuy nhiên, khi họ đã trải qua cọ sát trong xã hội một thời gian lâu rồi, đặc biệt là sau khi đã trở thành cha mẹ thì họ mới nhận thức được ý nghĩa của các loại lễ tiết. Vì vậy lúc đó họ lại hy vọng rằng có thể ước chế được con cháu của mình. Còn con cháu của họ lại vì cảm thấy bản thân phải chịu đựng sự kiểm soát, không muốn bị quản chế mà quay lại kêu gọi giải phóng tự do. Cứ như thế lặp đi lặp lại một vòng tuần hoàn. Tuy nhiên, càng về sau thì những người hậu thế lại phát hiện ra rằng: lực lượng luân lý của toàn thể xã hội ngày càng suy yếu.

Bởi vì mỗi đợt đấu tranh phản kháng của một thế hệ con người đều sẽ khiến cho lực lượng quy phạm bên ngoài của toàn bộ xã hội trở nên suy yếu đi một chút. Hơn nữa, thông thường khi một thế hệ người trưởng thành, họ sẽ mang theo trong tư tưởng của họ, các loại kinh nghiệm có được trong quá trình phản kháng của chính bản thân khi còn trẻ. Vì lý do đó, họ cũng sẽ đạt thành một số thỏa hiệp nhất định với những phản kháng của con cháu họ. Từ đó, tùy theo thời gian, loại lực lượng của đạo đức và luân lý xã hội này sẽ ngày càng trượt dốc.

Từ bản chất mà nói, chúng ta không cho rằng “lễ” sẽ khởi tác dụng ước thúc mà nó khởi một loại tác dụng bảo hộ. Tất nhiên, bản thân việc ước thúc cũng có thể là một loại bảo hộ. Ví như nói, quy định giao thông là để bảo hộ an toàn cho tất cả những người tham gia điều khiển xe cộ và người đi đường. Tác dụng trực tiếp của lễ nghi trong cuộc sống thực chất là thiết lập ra một trung gian – tương tự như thanh chắn bảo hiểm ở phía trước xe ô tô. Nếu khi xảy ra va đập bất thường, thanh chắn bảo hiểm sẽ khởi tác dụng giảm xóc ngay khi phát sinh ngoại lực tác động vào xe. Còn “lễ” cũng có tác dụng trung gian, điều hòa lại trạng thái của con người khi xảy ra ma sát trong tâm lý của người đó.

Lấy ví dụ thế này, con người ngày nay khi ở trong mối quan hệ tình yêu sẽ rất thẳng thắn mà biểu đạt lòng ái mộ của mình một cách không hề câu nệ, hoặc sẽ cùng đối phương hẹn hò. Nhưng cổ nhân thì sẽ không làm như vậy, họ nhất định phải thông qua một người trung gian – đó chính là người mai mối hay bà mai mà chúng ta nói đến trong câu “ý cha mẹ, lời bà mai”. Nam nữ sẽ không thể gặp mặt trực tiếp hoặc số lần gặp mặt trước khi kết hôn của họ sẽ là tương đối ít. Cho dù là có thể gặp mặt nhau thì cơ hội để có thể đơn độc ở cùng một chỗ cũng là vô cùng ít. Ngay cả trong thời đại sau này khi bầu không khí đã tương đối cởi mở hơn thì việc biểu đạt tâm ý ái mộ giữa nam và nữ cũng là thông qua trao truyền tín vật, trao đổi thơ văn để thổ lộ lòng mình chứ rất hiếm khi bộc lộ tình ý một cách trực tiếp. 

Kỳ thực việc an bài vai trò trung gian của một bà mai chủ yếu là để đảm bảo mối quan hệ tình cảm hài hòa, tuân thủ chuẩn mực đạo đức. Bởi vì tình cảm của con người có một đặc điểm đó chính là nó rất không ổn định. Khi con người chịu sự chi phối của tình cảm thì sẽ không còn lý trí nữa mà rất dễ mang đến tổn thương cho bản thân và những người khác. Nói cách khác, mặc dù có thể đối mặt để thổ lộ tình ý của bản thân nhằm giải nỗi khổ tương tư sẽ cảm thấy rất tốt, nó cho thấy bạn hy vọng có thể ngay lập tức có được sự tiếp nhận của ý trung nhân, nhưng bạn có từng thấy rằng: có rất nhiều người bởi vì cầu mà không có được nên đau khổ suy sụp, vì giấc mộng tiêu tan nên khiến bản thân tiều tụy. Đó chính là cái gọi là vì tình mà nhận tổn thương.

Còn có người vì yêu mà sinh oán, thậm chí là vì yêu mà sinh hận. Tình cảm vốn dĩ là dễ thay đổi, nó là một loại ‘phản ứng hóa học’ chứ không hề tuân theo bất cứ quy tắc lý tính nào. Vậy nên Khổng Tử từng nói một câu như thế này: “Lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương” (vui mà không phóng đãng, bi mà không thương). Phóng đãng là mang ý nghĩa quá phận, cao hứng không nên thái quá và bi thương cũng không nên thái quá. Khi nam nữ kết giao, “lễ” chính là phát huy tác dụng trung gian như vậy, khiến cho việc giao lưu tình cảm không quá bộc bạch. Có như thế con người mới không dễ dàng bị những thay đổi trong tình cảm dẫn vào thị phi, cũng sẽ khiến cho những tổn thương mà bản thân và những người khác phải chịu ít đi đôi chút.

Còn nữa...

Trường Lạc biên dịch.

Tin bài liên quan