Năm mới ai cũng mong phú quý, nhưng sự thật sau chữ ‘Phú’ sẽ khiến bạn bất ngờ

Năm hết Tết đến, người người chúc nhau một năm mới nhiều tài lộc, ăn nên làm ra, phú quý đến nhà. Nhưng rất ít người biết rằng, chữ “Phú” hóa ra lại là để nhắc nhở chúng ta rằng…

Chữ tượng hình là một di sản của văn hóa nhân loại, không chỉ mô tả trực diện sự vật hiện tượng mà còn chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn và bài học nhân văn sâu sắc. Ông ngoại tôi sinh ra trong một gia đình truyền thống Nho giáo, khi còn sống ông vẫn thường dạy tôi bài học làm người từ những con chữ tượng hình đã tồn tại hàng nghìn năm trước đó.

Ông tôi am hiểu cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao trong những năm chiến tranh gian khổ, ông vẫn có thời gian và điều kiện để đọc được nhiều đến như vậy. Khi còn nhỏ, có điều gì thắc mắc tôi sẽ rất an tâm khi đem hỏi ông, vì lời giảng giải của ông luôn khiến tâm hiếu kỳ của tôi được thỏa mãn.

Và tất nhiên, điều mà ông muốn truyền lại cho con cháu là những bài học làm người đúc kết từ chính cuộc đời mình. Cho đến tận bây giờ, bài học in đậm nhất trong tôi là đến từ những con chữ tượng hình mà ông từng kể. Bởi với tôi thời đó, mỗi bài học, mỗi câu chuyện đều như một bí ẩn đầy logic sau từng nét chữ. Nó sinh động và hấp dẫn hơn hẳn mọi lời giáo điều khô cứng.

Thế nên, đối với văn hóa truyền thống phương Đông và thứ di sản vô giá là chữ tượng hình, tôi vẫn luôn đối đãi bằng sự kính ngưỡng và trân trọng. Ngày nay, nhiều lần chứng kiến người ta dùng và hiểu chưa đúng về những điển tích văn hóa hay chữ nghĩa thời xưa, tôi lại có chút thương cảm trong tâm. Sợ rằng những bài học đạo đức mãi luôn còn cần cho con người sẽ bị mai một, thậm chí bị hiểu lệch lạc đi, thì đó sẽ là một mất mát lớn, cho con cháu tôi, cho nhân loại.

Chữ “Phú” và câu chuyện nhân văn trên từng nét chữ

 

Lại một năm mới sắp đến, cũng như mọi khi tôi sẽ được nghe rất nhiều lời chúc “an khang thịnh vượng”, “đại cát đại lợi”, “phú quý hanh thông”… Nói nôm na thì đều là để chúc cho gia chủ giàu có, phát tài. Ai mà không mong mình phú quý, thậm chí rộng lớn hơn là mong cả quốc gia phú quý. Xưa khi Khổng Tử đến nước Vệ có cảm thán: “Đông đúc thay”. Nhiễm Hữu nghe vậy hỏi: “Đã đông đúc rồi, phải thêm gì nữa?”. Khổng Tử đáp: “Làm cho giàu có”. Chẳng phải vua Lê Thánh Tông xưa cũng dặn các quan lại phải “làm cho của (của cải) dân được nhiều” hay sao?

Vậy chữ “Phú” chứa trong nó nội hàm gì, mà lại nói rằng là lời nhắc nhở của cổ nhân về đạo làm người?

Chữ Phú (富 – giàu có) trong chữ tượng hình chính thể bao gồm chữ Phúc (畐- đầy đủ) và chữ Miên (宀 – mái nhà), nghĩa là có một mái nhà để che thân, có những điều kiện đầy đủ để sống tốt thì đó là giàu có. Nhưng thế nào là đầy đủ? Chữ Phúc (畐- đầy đủ) lại gồm chữ Nhất (一 – một, mỗi từng, toàn), chữ Khẩu (口 – cái miệng) và chữ Điền (田 – ruộng vườn). Nghĩa là có ruộng vườn để làm ăn sinh sống (hay có công việc để kiếm miếng cơm manh áo), làm sao để mỗi nhân khẩu, miệng ăn, hay toàn bộ gia đình đều được ăn no, thì đó đã là đầy đủ rồi.

Thế nên, theo chữ Phú, hễ cứ có công ăn việc làm, để cơm ăn ba bữa, áo mặc ấm thân và một mái nhà để dung thân, như thế đã là giàu có rồi.

Liệu có phải vì điều kiện lao động, sinh hoạt của thời xưa nghèo nàn, thiếu thốn, nên khái niệm giàu có của họ cũng chỉ đến vậy? Thời nay, đời sống văn minh tiên tiến hơn, thì giàu có cũng phải khác xưa chăng? Của cải càng nhiều càng tốt, ăn không chỉ đủ no mà còn phải ngon, áo không chỉ đủ ấm mà còn phải đẹp, nhà không chỉ để che thân mà còn phải tiện nghi bề thế…

Vậy nhưng nhu cầu đi liền với dục vọng, nhu cầu càng cao thì dục vọng càng nhiều. Đúc rút qua bao nhiêu đời người, cổ nhân đã thấm thía rằng “lợi nhiều thì trí mờ ám, tiền dễ thì thêm mắc lỗi”. Thế nên cái gì cũng nên vừa đủ, biết điểm dừng, biết dùng chỗ dư thừa ra để làm lợi cho người, cho xã hội, như thế cái sự đầy đủ mới bền vững. Bởi họ đã nhận ra Thiên Địa vốn có đạo bất di bất dịch, hợp với đạo thì được mà ngược lại sẽ mất.

Quẻ Khiêm trong Chu Dịch có viết: “Đạo trời là rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiết hụt. Quy luật của đất đai là chỗ cao lồi thì bị xói mòn còn chỗ trũng thấp thì được đắp bồi. Luật quỷ thần thì trừng phạt kẻ ngạo mạn, ban phước cho người khiêm tốn. Đạo làm người thì tự mãn bị ghét còn khiêm hạ được thương”. Thế nên, gia sản, bạc vàng, nhiều quá mà không biết dùng cho đúng thì sẽ trở thành chỗ dư thừa, rồi sẽ đến lúc bị rút bớt đi.

Bản thân chữ “Phú” còn có một từ đồng âm có nghĩa là “ban cho”. Thế nên, người ta giải thích rằng sự giàu có cũng là được ban cho xứng với đức hạnh của bạn, hoặc vì sứ mệnh phải làm lợi cho xã hội mà bạn được ban cho. Người giàu thời nay thường hay quan niệm rằng phải tiêu thì mới được, thật ra phải là ngược lại, có được thì phải tiêu vào chỗ đem lại điều tốt đẹp cho người khác, cho cộng đồng.

Hơn nữa, giàu nghèo hơn nhau ở việc quan niệm thế nào là đủ. Cứ nghĩ đơn giản thôi, bớt lệ thuộc vào dục vọng chỉ có tăng mà không giảm, thì thấy cái mà thiên hạ cho là thiếu thốn cũng chẳng đến nỗi quá thê lương.

Người Việt xưa cũng chứng minh khái niệm phú hợp với đạo là như thế này

Nguyễn Công Trứ trong “Hàn vi phong vị phú” có viết rất dài về gia cảnh nghèo khó của mình, nhưng ông lại cảm thấy thế vẫn là đủ, thậm chí còn làm cho cuộc sống thái bình chẳng phải lo nghĩ.

“Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,
Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng từng làm thơ răn con rằng:

“Áo mặc miễn là cho cật ấm
Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon”

Đó đúng là cái phú đúng mực, hợp với đạo của người xưa, mọi thứ chỉ cần vừa đủ. Vì người quân tử đặt chí ở nơi cao xa, “ăn không cầu ngon, ở chẳng cầu an”. Say sưa với cơm ăn áo mặc thì tâm trí xao lãng, sa đà vào những thú vui phù phiếm, vô bổ, trí tuệ chẳng thể thanh tịnh mà nghĩ được việc lớn. Hơn nữa sung sướng quen thì dục vọng tăng lên, những gì quan tâm sẽ chỉ là lợi ích, thỏa mãn của bản thân, lúc đó sẽ chẳng còn khiêm hạ, là rơi vào cái thế sẽ bị rút bớt rồi, tiền bạc rồi sẽ tiêu tán cả.

Hơn nữa, làm người quân tử (thuận theo đạo, hay là một tiêu chuẩn người tử tế thời xưa), thì đối với phú quý, bần hàn cũng là cần biết đối đãi dựa trên đức nhân nghĩa. Học giả Phan Bội Châu có viết rằng:

“Hễ phú quý không lý do gì mà được thời quân tử bất xử; bần tiện không duyên cớ gì mà đến thời quân tử bất khử. Muốn phú quý mà ghét bần tiện, quân tử cũng thường tình như ai, nhưng phía nào lấy, phía nào bỏ, quân tử vẫn cân nhắc ở trên chữ “nhân”. Trái với nhân mà được phú quý thời quân tử phải từ chối cái phú quý ấy; đúng với nhân mà mắc lấy bần tiện thời quân tử đành chịu cái bần tiện ấy”.

Soạn giả Lý Minh Tuấn đã bình luận về luận điểm này như sau: “Ngày nay, sở dĩ xã hội rối loạn, thế giới khủng hoảng, con người bất an bởi vì đã có quá nhiều người đánh mất đức nhân, xa lánh cảnh nghèo hèn với bất cứ giá nào, tìm kiếm giàu sang bất kể đạo lý và lương tâm!”. Quả thật là đúng!

Giàu có ấy, là do cách chúng ta nghĩ và chấp nhận về thế nào là đầy đủ mà thôi. Thế nhưng chẳng nhẽ cứ nghĩ ngày một xa, muốn ngày một nhiều thì tiêu chuẩn về “Phú” cũng phải theo đó mà thay đổi theo?

Người xưa đã nhận thấy rằng dục vọng thì sẽ không bao giờ giảm đi, nên đã đặt ra một định nghĩa cho chữ Phú để giới hạn lòng tham của con người. Cũng chính là để giúp duy trì đạo đức và sự cân bằng, hòa hợp giữa lợi ích của các cá nhân trong xã hội. Giàu có ấy, cũng chỉ là sự đầy đủ tối thiểu để giúp bạn sống trên cõi đời này thôi. Bởi mục đích cuộc đời mỗi chúng ta không chỉ tầm thường ở nơi miếng ăn, tấm áo.

Nghi Ân

Tin bài liên quan