Những câu chuyện lịch sử diễn đạt nội hàm của chữ 'Nhẫn'

Người Á Đông rất coi trọng chữ “Nhẫn”, bởi vậy mà nhẫn nhịn và khiêm nhường đã trở thành một mỹ đức truyền thống từ xưa đến nay...

Nội thánh của Nho gia, thủ nhu của Đạo gia, từ bi của Phật gia đều mang theo nội hàm của chữ “Nhẫn” này. Hứa Danh Khuê và Ngô Lượng đời nhà Nguyên có viết một bộ sách gọi là “Kinh nhẫn”. Trong đó viết: “Bậc Đế Vương thực hiện theo nhẫn mà được thiên hạ, tướng lĩnh thực hiện nhẫn mà được lâu dài, thương nhân thực hiện nhẫn mà được giàu sang phú quý, người bình thường thực hiện nhẫn mà có được tri kỷ”. Nhìn lại lịch sử Trung Hoa, có nhiều câu chuyện diễn đạt nội hàm ý nghĩa của chữ “Nhẫn” vô cùng thâm sâu.

* Nhẫn là khoan dung, tha thứ

Trong sách “Thượng thư” có ghi chép, Chu Thành Vương khuyên bảo quân như sau: “Tất hữu nhẫn, kỳ nãi hữu tể; hữu dung, đức nãi đại”. Ý tứ là: Nhất định phải nhẫn mới có thể thành công, có tha thứ thì đức mới lớn mạnh.

Khổng Tử nói: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu”, tạm dịch: Việc nhỏ không nhịn được thì mưu tính việc lớn chắc chắn sẽ loạn. “Quân tử vô sở tranh”, người quân tử không ở chỗ tranh giành.

Lão Tử giảng: “Thiên đạo bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện ứng”, tạm dịch: Thiên đạo không tranh giành mà thiện thắng, không nói mà thiện ứng”.

Phật giáo giảng: “Lục độ vạn hạnh, nhẫn vi đệ nhất”, tạm dịch: “Sáu độ vạn hạnh, lấy nhẫn làm đầu”… đều giảng về cái đạo của ‘Nhẫn’. Nếu chúng ta chăm chỉ thực hành ‘nhẫn’ thì có thể thanh lọc nhân tâm và hóa giải các xung đột. Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, việc rộng lượng tha thứ cho người khác cũng là một loại biểu hiện của ‘nhẫn’. Người có thể nhẫn chịu được thì mới có thể giảm bớt mâu thuẫn, có thể thành tựu đại sự, mới có thể trở nên kiên cường và hóa giải được thù hận.  

Trong sử ký “Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện” có ghi lại câu chuyện “Chịu đòn nhận tội”. Lạn Tương Như bởi vì có công “đem ngọc trả lại vua Triệu “mà được phong làm Thượng Khanh. Địa vị của Lạn Tương Như đột nhiên cao hơn của Liêm Pha (một vị tướng giỏi của nhà Triệu). Liêm Pha không phục liền tuyên bố rằng, chỉ cần gặp mặt Tương Như thì sẽ nhục mạ ông. Sau khi Lạn Tương Như biết được, ông đã cố gắng né tránh để không phát sinh xung đột với Liêm Pha. Mỗi lần đến lúc phải vào triều, Lạn Tương Như thường cáo ốm vì không muốn tranh giành chức vị hơn kém. Không lâu sau, ở thành Hàm Đan, đoàn xe của Tương Như trông thấy đoàn xe của Liêm Pha liền nhường đường, quay xe đi vào ngõ hẻm để tránh hai bên xảy ra xung đột. 

Thấy vậy, môn khách đi cùng liền nói thẳng với Lạn Tương Như: “Chúng tôi rời bỏ người thân gia đình đến để theo hầu ngài là vì ngưỡng mộ tiết nghĩa cao thượng của ngài. Hiện tại chức vị của ngài cũng tương đương với của Liêm Pha tướng quân. Tướng quân Liêm Pha mở miệng ra là nói lời ác, vậy mà ngài lại lảng tránh gặp mặt ông ấy. Nỗi sợ ông ta của ngài hơi quá rồi. Người bình thường gặp phải còn cảm thấy hổ thẹn, huống hồ thân là tướng quân như ngài. Chúng tôi, những người không có tiền đồ, xin ngài cho chúng tôi được cáo từ!”.

Lúc đó, Lạn Tương Như đã kiên quyết giữ họ lại và nói: “Các vị thử nghĩ xem, Liêm tướng quân và Tần Vương ai lợi hại hơn?” Mọi người trả lời: “Liêm Tướng Quân không bằng được Tần Vương”. Tương Như lại nói: “Với uy thế của Tần Vương, mà ta còn dám nói lý, quát mắng ông ta ở ngay trước triều thần nước Tần. Ta, Lạn Tương Như tuy tài hèn sức mọn, nhưng lẽ nào lại sợ Liêm Pha? Nhưng mà, điều ta nghĩ đến chính là, nước Tần lớn mạnh sở dĩ không dám tấn công thành Hàm Đan của nước Triệu chúng ta, là bởi vì nước Triệu có ta và Liêm tướng quân! Hôm nay nếu hai hổ đấu nhau, lẽ dĩ nhiên là không thể cùng tồn tại được. Cho nên, ta nhường nhịn Liêm tướng quân như vậy, là vì nghĩ đến sự an nguy của quốc gia trước mà đem ân oán cá nhân đặt ở phía sau”. 

Sau đó, những lời này của Lạn Tương Như được truyền đến tai Tướng quân Liêm Pha, ông mới bình tâm suy nghĩ lại và cảm thấy bản thân vì tranh giành địa vị cá nhân mà không nghĩ đến an nguy quốc gia đại sự, thật không nên như vậy. Thế là, ông liền cởi chiến bào, lưng đeo cành mận gai đi đến phủ Lạn Tương Như thỉnh tội. Lạn Tương Như thấy Tướng quân Liêm Pha đến phủ xin chịu tội, liền vội ra nghênh đón. Từ đó về sau, hai người trở thành bạn tốt, đồng tâm hiệp lực bảo vệ nước Triệu.

* Tâm đại nhẫn

Nhẫn không chỉ dừng lại ở việc nhượng bộ mà ngay cả khi chịu khuất nhục vẫn dũng cảm chấp nhận mà không động tâm. Chữ ‘nhẫn’ (忍) trong tiếng Hán cũng biểu đạt được đầy đủ tinh thần này. Bên trên của Nhẫn (忍) là chữ đao (刀) và thêm một nét chấm để biểu thị sự sắc bén của lưỡi đao, bên dưới của Nhẫn (忍) là chữ Tâm (心). Ý tứ ở đây chỉ việc dùng một thanh đao sắc bén đâm vào trái tim, vết đâm này thực vô cùng đau đớn. Người bình thường gặp phải sự việc này thì sẽ cảm thấy đau đớn đến mức lăn lộn trên mặt đất, nỗi đau đó thật khó có thể chịu đựng nổi. Nhưng ở nửa dưới chữ Nhẫn là chữ Tâm kia vẫn lặng yên đứng vững, không động thay đổi hình dáng chút nào. Loại không động tâm khi bị thanh đao đâm vào chính là hình ảnh lột tả được nội hàm của Nhẫn.

Chuyện kể rằng, cách đây đã lâu, dưới chân núi Cửu Hoa có một vị hòa thượng tên là Đại Hưng. Ông một lòng hướng Phật, mỗi ngày đều ở trong nhà tụng niệm kinh sách. Một ngày nọ, lúc hòa thượng Đại Hưng đang ngồi trong chùa tụng kinh, đột nhiên có một đoàn người kéo đến, không phân tốt xấu, nhục mạ ông hồi lâu. Nguyên lai của sự việc là, trong thôn trang dưới núi có một thiên kim tiểu thư của vị viên ngoại sinh con trong khi chưa lập gia đình. Điều này khiến vị viên ngoại vô cùng tức giận, ép hỏi con gái cha của đứa bé là ai? Trong lúc bất đắc dĩ, cô gái đã nói ra tên hòa thượng Đại Hưng. Vì vậy, vị viên ngoại mới dẫn người đến chùa để tính sổ, hơn nữa còn đem theo đứa bé trả cho hòa thượng Đại Hưng.

Rất nhanh sau đó, câu chuyện này được nhiều người biết đến. Người trước đây từng kính trọng hòa thượng Đại Hưng, giờ liền quay sang nhục mạ nói hòa thượng phá giới. Vì phải nuôi dưỡng bé trai, mỗi ngày hòa thượng Đại Hưng phải chịu đựng bao nhiêu lời cười nhạo cùng nhục mạ khi vào làng hóa duyên. Cứ như vậy, ngày qua ngày, hòa thượng Đại Hưng đã nhẫn chịu đủ loại khuất nhục, nuôi bé trai lớn lên. 

Vài năm sau, một ngày hòa thượng Đại Hưng đem bé trai ngồi cùng một chỗ để niệm kinh sách. Lúc đó, trong chùa lại có một đoàn người kéo đến, chính là vị viên ngoại năm đó. Vị viên ngoại này dẫn theo đám người, vừa thấy hòa thượng Đại Hưng liền quỳ xuống, hơn nữa còn lớn tiếng khóc: “Đại sư, là chúng tôi trách oan ngài, cầu xin ngài tha thứ”. Bởi vì con gái của vị viên ngoại này đã cùng một chàng thư sinh vụng trộm chung thân, không ngờ lại có con, dưới tình thế cấp bách liền đem sống chết của đứa bé giao cho hòa thượng Đại Hưng. Hôm nay, chàng thư sinh đó đã công thành danh toại, tìm đến đón dâu, cô con gái mới nói ra sự thật. 

Lúc này, hòa thượng Đại Hưng mới mỉm cười nói: “Cho tới bây giờ ta chưa có oán trách mọi người, sao có thể nói tha thứ đây? Đem đứa bé về đi!” Không uất hận hay ủy khuất, sự nhẫn nhịn của hòa thượng Đại Hưng khiến mọi người càng thêm kính trọng. Về sau, hòa thượng Đại Hưng đã viên mãn tọa hóa mà rời đi.

* Nhẫn không phải là nhu nhược

Nhẫn là một loại tu dưỡng và cảnh giới, tuyệt đối không phải là nhu nhược.

Thuở thiếu niên, Hàn Tín thân thể cường tráng, võ nghệ cao cường, vì là người luyện võ nên thường khoác bảo kiếm đi trên đường. Một hôm, có một kẻ vô lại hỏi Hàn Tín: “Ngươi khoác bảo kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Có can đảm thì giết ta đi!” Hàn Tín thầm nghĩ: “Giết hắn là việc quá dễ dàng, nhưng giết người phải đền mạng, hơn nữa cũng không đáng tranh hơn thua với bọn du côn vô lại”. Người kia liền cười to và nói: “Ngươi không dám giết ta, vậy ngươi phải chui háng ta đi nếu không đừng hòng đi qua!” Trong tiếng cười nhạo của cả đám du côn, Hàn Tín bản lĩnh đã thực sự chui qua háng của kẻ vô lại.

Hàn Tín làm như vậy, chẳng những không có ai nói ông là nhu nhược mà nhiều người còn khen rằng ông rất có năng lực nhẫn nại cùng hàm dưỡng. Trong “Lưu Hầu luận”, Tô Thức viết rằng: “Thời xưa, bậc hào kiệt tất nhiên là có chỗ hơn người, người bình thường không thể nhẫn nhịn, thất phu chịu nhục rút kiếm xông lên, động thân mà đánh, đây chưa phải là dũng sĩ. Người đại dũng trong thiên hạ, lâm đại nạn mà không sợ hãi, vô cớ bị sỉ nhục cũng không phẫn nộ. Bởi vì người này có ý chí, khát vọng rất lớn, chí hướng cao xa phi thường”.

* Vô cầu mà nhẫn

Điều cốt lõi mà Nho gia giảng là “Nhân”, “Nhân” và “Nhẫn” là cùng âm. Vậy thì, cái gì là Nhân? Khổng Tử nói: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” (Có thể theo “Lễ” là Nhân). Nếu muốn trở thành một người có “lễ” thì người đó phải thường xuyên ước thúc chính mình từ lời nói đến việc làm, khiến cho hành vi và lời nói phù hợp với yêu cầu của “lễ”. Đây là một việc rất khó. Kỳ thực trên đời này khó thắng nhất ấy là chiến thắng chính mình chứ không phải là người khác.

Con người đều có thất tình lục dục. Thất tình theo Phật giáo là chỉ: Mừng, giận, lo, sợ, yêu, ghét và ham muốn. Thất tình theo Trung y là:  Mừng, giận, lo, nghĩ, buồn, sợ, kinh. Con người khi chìm đắm trong tình, dục, vị kỷ, trước đủ loại cám dỗ và lợi ích thiết thân thì có thể nhẫn được không? Rất nhiều người khi mất đi “danh, lợi, tình” sẽ sản sinh ra một loại cảm giác thống khổ, cảm thấy khó có thể chịu đựng được. Kỳ thực, chỉ cần có thể bỏ đi dục vọng, thì sẽ không có loại cảm giác thống khổ này, Nhẫn lúc đó cũng đã thăng hoa.

Nhẫn là một loại cảnh giới đạt được nhờ không ngừng buông bỏ. Nhẫn trong Đạo gia, nhẫn trong Phật gia, là có thể buông bỏ hết thảy vì chân lý, thậm chí đến sinh tử cũng dám buông bỏ, như kim cương bất động, kiên cố đại nhẫn. Trong lịch sử, Khổng Tử vì thế nhân mà bỏ đi chức vị tể tướng, chu du liệt quốc; Đào Uyên Minh treo ấn từ quan về ở ẩn trên vùng đất cao nguyên; Thái Tông có lực nhẫn nhịn phi thường mà thu phục được danh tướng Ngụy Trưng, khai mở ra triều đại nhà Đường thịnh thế; Nhạc Phi dùng sinh mạng để đổi lấy một chữ “trung”; Câu Tiễn nếm mật nằm gai, cuối cùng có thể rửa nhục phục quốc; Gia Cát Lượng bảy lần bắt, bảy lần thả Mạnh Hoạch, mới khiến cho Mạnh Hoạch thành tâm quy thuận; Lạn Tương Như vì nghĩ cho đất nước mà nhiều lần nhượng bộ không tranh giành, mới có thể khiến Tướng quân Liêm Pha mang roi đến chịu tội; Hàn Tín nhờ có thể chịu nhục chui háng mà sau này có thể giúp nhà Hán có được giang sơn hơn 400 năm... Trong lịch sử nhân loại, mỗi một dấu mốc, sự kiện đều diễn một câu chuyện khắc sâu nội hàm của chữ Nhẫn.

San San biên dịch.

Tin bài liên quan