Những mỹ nhân gây mầm họa loạn nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam - P.1

Những mỹ nhân gây mầm họa loạn nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam - P.1

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, có biết bao mỹ nhân Việt ghi dấu ấn của mình trong những trang sử huy hoàng, trường tồn cùng thời gian. Tuy nhiên, lại cũng có không ít người gây khuynh đảo triều chính, thậm chí khiến cho cả một triều đại phải tiêu vong...

1. Mỵ Châu

Mỵ Châu là một trong những nàng công chúa nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, sau nhiều lần giao tranh với An Dương Vương không thắng được, Triệu Đà bèn dùng kế cầu hòa và được An Dương Vương đồng ý. Nhân cơ hội đó, Triệu Đà cầu hôn Mỵ Châu cho con trai là Trọng Thủy và cho sang Âu Lạc ở rể.

Trong thời gian ở Âu Lạc gửi rể, Trọng Thủy đánh cắp các bí mật quân sự của Âu Lạc. Truyền thuyết kể rằng, Trọng Thủy dỗ Mỵ Châu để nàng dẫn đi xem trộm nỏ thần, rồi ngầm bẻ gãy lẫy nỏ, thay cái khác vào. Sau khi phá được bí mật quân sự của Âu Lạc, Trọng Thủy xin An Dương Vương về thăm cha mẹ.

Trước khi về, Trọng Thủy hỏi Mỵ Châu: “Ân tình vợ chồng không thể quên nhau, nếu lỡ hai nước không hòa, Nam Bắc cách biệt, ta lại tới đây thì làm thế nào mà tìm thấy nhau?”. Mị Châu nói: “Thiếp có cái nệm gấm lông ngỗng, thường mang theo mình, đi đến đâu thì rút lông ngỗng rắc ở chỗ đường rẽ để làm dấu”.

Trọng Thủy trở về nước báo tin cho cha là Triệu Đà. Triệu Đà bèn phát binh đánh Âu Lạc và Trọng Thủy là người cầm quân. Chủ quan vì có nỏ thần, An Dương Vương nghe tin Triệu Đà sang đánh vẫn điềm nhiên đánh cờ. Chỉ đến khi ra trận, biết vũ khí không còn hiệu nghiệm, An Dương Vương đưa Mỵ Châu chạy về phía Nam.

Trọng Thủy theo lời dặn của Mị Châu trước khi chia tay, cứ theo dấu lông ngỗng mà Mị Châu rắc ra đường làm tín hiệu mà đuổi theo. Vua An Dương Vương chạy đến bờ biển cùng đường, gọi rùa thần Kim Quy lên cứu. Rùa thần hiện lên bảo với ông “Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy”. Ông quay lại nhìn thấy lông ngỗng dọc đường bèn hiểu ra, rút gươm chém Mị Châu.

Trước khi bị cha chém, Mị Châu có khấn rằng “Trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa thù nhục này”. Sau khi bị vua cha chém chết, máu Mị Châu chảy loang mặt nước biển, loài trai biển nuốt vào bụng hoá thành hạt minh châu. Trọng Thủy đuổi theo đến nơi, thấy Mị Châu đã chết, thương khóc ôm xác đem về chôn ở Loa Thành. Vì thương nhớ Mị Châu, Trọng Thủy trở lại chỗ Mị Châu tắm gội trang điểm khi trước, cuối cùng nhảy xuống giếng mà chết.

2. Linh Chiếu Thái hậu

Linh Chiếu Thái hậu là con gái trưởng của Phụ Thiên đại vương, mẹ là Thụy Thánh công chúa, con gái của Dự Tông Chính hoàng, bà là chị của Phụng Thánh phu nhân. Tổ phụ của bà là Chân Đăng bảo sở Quan sát sứ họ Lê, có trị sở ở hương Tuế Phong (nay là xã Hương Nộn, huyện Tam Nông), cháu của Ngự Man đại vương Lê Long Đinh, như vậy dòng họ bà là hậu duệ xa của hoàng đế Lê Đại Hành.

Năm 1136, mùa hạ, tháng 4, bà sinh ra Hoàng tử Lý Thiên Tộ, là con trai thứ hai của Lý Thần Tông hoàng đế. Khi trước, Thần Tông đã lập Lý Thiên Lộc làm Hoàng thái tử, nhưng thấy Thiên Lộc là con người hầu, địa vị thấp hèn, trong khi Thiên Tộ sinh chỉ sau Thiên Lộc 4 năm, địa vị bà lúc đó thuộc hàng chánh cung, nên bèn cùng Phụng Thánh phu nhân tìm cách mà xin việc phế lập ngôi Thái tử.

Năm 1138, tháng 9, Thần Tông hoàng đế bệnh nặng. Bà cùng hai vị phu nhân là Nhật Phụng phu nhân, Phụng Thánh phu nhân đút lót Tham tri chính sự Từ Văn Thông, và dặn rằng: “Nếu có vâng mệnh vua thảo di chiếu thì chớ nên bỏ lời của ba phu nhân”. Văn Thông nhận lời. Khi Thần Tông ốm nặng, sai soạn di chiếu, Văn Thông chần chừ không viết.

Ba phu nhân vào khóc lóc, nói rằng: “Bọn thiếp nghe người xưa lập con nối thì lập con đích chứ không lập con thứ; Thiên Lộc là con nàng hầu yêu, nếu cho nối ngôi thì ả mẫu thân lại sinh lòng ghen ghét tất tiếm lấn, làm hại mẹ con thần thiếp. Như thế chúng thiếp làm thế nào được?”.

Thần Tông hoàng đế cho là phải, xuống chiếu rằng: “Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn Thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương”.

Ngày 26 tháng 9, năm đó, Thần Tông hoàng đế băng hà. Con trai là Thái tử Thiên Tộ kế vị, tức Lý Anh Tông. Cảm Thánh phu nhân được tôn làm Hoàng thái hậu, tôn hiệu là Hiến Chí hoàng thái hậu, ở cung Quảng Từ. Vì vua còn nhỏ (lúc đó mới 2 tuổi) nên bà buông rèm nhiếp chính.

Trên thực tế, mọi việc chính sự gần như do một người tên là Đỗ Anh Vũ quyết định, và mối tình giữa Lê Thái hậu với người này dần rõ ràng. Kể từ năm 1129, Đỗ Anh Vũ 20 tuổi được hầu Thần Tông ở mành trướng, theo dã sử, lúc này Đỗ Anh Vũ và bà đã gặp gỡ và phải lòng nhau.

Lúc ấy, Đỗ Anh Vũ đang ở tuổi tráng niên, ngoại hình đẹp, múa khéo, hát hay và đặc biệt là cặp mắt đong đưa, tràn ngập sức sống. Anh Vũ đã có thê thiếp đàng hoàng nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ. Đỗ Anh Vũ lại rất khéo léo trong việc quyến rũ Thái hậu. Nhưng chuyện tình của hai người không thể giữ kín được mãi. Đỗ Thái hậu và các vợ của Đỗ Anh Vũ có biết nhưng đành im lặng vì mối quan hệ thân thích, nếu để lộ sẽ bị trừng phạt.

Quyền chức trong tay, lại thân thiết với cả hai Thái hậu nên Đỗ Anh Vũ ngày càng tỏ ra kiêu căng trong triều đình. Bởi thế, nhiều người rất bất bình và căm giận. Quan Điện tiền Đô chỉ huy sứ là Vũ Cát Đới cùng với Trí Minh Vương, Phò mã Dương Tự Minh… đã đốc xuất quân sĩ kéo đến kể tội Đỗ Anh Vũ với vua, rồi xông vào bắt giam ông ở hiên Cụ Thánh.

Vua Anh Tông không giết Đỗ Anh Vũ nhưng xử tội, truất làm tá điền ở vùng Cảo Xã, nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Còn Lê Thái hậu thì ngày đêm lo lắng và tìm mọi cách cứu người tình. Bà cho mở nhiều hội lớn để nhân dịp đó vua ân xá cho tội nhân, giúp Đỗ Anh Vũ cũng được dự ân xá. Sau khi Đỗ Anh Vũ thoát tội nhờ những lần ân xá này, bà lại khuyên vua Anh Tông phục chức cho Đỗ Anh Vũ, vua bằng lòng, Anh Vũ trở lại giữ chức Thái úy và được vua trọng dụng hơn trước.

Đến lúc này, Đỗ Anh Vũ có điều kiện để trả thù kẻ đã lập mưu hãm hại mình. Ông tự lập ra đội Đô Phụng Quốc Vệ gồm hơn 100 người khỏe mạnh, thân tín, hễ ai phạm tội thì giao hết cho lính ở đội này bắt đi. Lợi dụng lúc vua tin dùng, Đỗ Anh Vũ tâu rằng “Trước kia bọn Vũ Cát Đới tự tiện đem quân xông vào tận cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sẽ sinh biến, không thể lường trước được”.

Vua Anh Tông còn trẻ, chưa hiểu rõ sự thâm hiểm của Đỗ Anh Vũ, cứ y lời tâu mà làm. Hậu quả là vào cuối năm 1150 – tức năm Canh Ngọ, Trí Minh vương bị xuống tước Hầu; Bảo Ninh hầu xuống tước Minh tự; Bảo Thắng hầu xuống tước Phụng chức; Nội thị là bọn Đỗ Ất 5 người bị “cưỡi ngựa gỗ” (một hình phạt thời trung cổ); Hoả đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi cùng 8 người bị chém ở chợ Tây Giai; Điện tiền đô chỉ huy Vũ Đới và 20 người bị chém bêu đầu ở các bến sông; Phò mã lang Dương Tự Minh 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc; những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp. Sử cũ gọi đó là Canh Ngọ cung biến.

3. Nguyễn Thị Lộ

Nguyễn Thị Lộ sinh tại làng Hải Hồ (sau đổi là làng Hải Triều, tục gọi làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Cha bà là Nguyễn Mỗ, làm nghề thầy thuốc. Nhờ tư chất thông minh, lại được cha cho đi học, nên bà sớm thông hiểu các kinh sách và lại biết làm thơ. Ngoài ra, bà còn nổi tiếng là một người con gái rất xinh đẹp.

Sau khi cha đi phu bị quân Minh giết chết, bà cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em. Trong một lần lên kinh thành Thăng Long bán chiếu (làng Hới có nghề dệt chiếu nổi tiếng), Nguyễn Thị Lộ đã gặp Nguyễn Trãi. Thấy cô gái bán chiếu trẻ đẹp, ông đã xướng mấy câu thơ ghẹo, thấy bà đối đáp trôi chảy lại càng thêm yêu. Mến sắc, phục tài, Nguyễn Trãi bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới cô gái ấy (tức Nguyễn Thị Lộ) làm thiếp.

Năm 1433, vua Lê Thái Tổ mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, tức là vua Lê Thái Tông. Nghe tiếng Nguyễn Thị Lộ, nhà vua cho vời bà vào cung để dạy dỗ cung nữ. Sử thần Phan Huy Chú chép: “Khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng về hầu cho làm Lễ nghi học sĩ”.

Ở cương vị này, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được sử thần nhà Lê là Vũ Quỳnh khen: “Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước…”

Theo sử sách ghi chép lại, Thị Lộ là người rất được vua Lê Thái Tông tin dùng, thường xuyên đàm đạo với bà. Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (27 tháng 7 năm 1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh (Hải Dương). Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, là nơi từng ở của mình.

Rời Côn Sơn để về lại Thăng Long, ngày 4 tháng 8 âm lịch nhà vua và đoàn tùy tùng đến Lệ Chi Viên (Gia Bình, Bắc Ninh), trong đó có Nguyễn Thị Lộ. Theo sử cũ, thì nhà vua đã thức đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà. Liền sau đó, bà Lộ bị triều đình (do Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu) sai người bắt giam và tra khảo. Bị kết tội đồng chủ mưu giết vua, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc. Ông và cả ba họ nhà ông bị xử chém vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19 tháng 9 năm 1442).

Thực hư vì sao vua Lê Thái Tông mất, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Có thuyết cho rằng vua bị cảm mà mất, nhưng cũng có thuyết cho rằng chính Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh là người chủ mưu giết vua rồi đổ oan cho nhà Nguyễn Trãi. Nhưng dù vậy, trong đêm đó cũng chỉ có Nguyễn Thị Lộ và người hầu cận bên vua, khó tránh khỏi vạ sát thân. Theo ghi chép của Nguyễn Cẩm Xuyên, “vì chịu không nổi cực hình, Nguyễn Thị Lộ phải khai nhận. Án được thi hành ngay: Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông cho chết”.

Bình luận về vụ án này, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Ngày 16, giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy. Lời bàn: Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó làm thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?”...

Mãi tới hơn 20 năm sau, Nguyễn Trãi mới được vua Lê Thánh Tông ban chiếu minh oan. Nhân cơ hội này, dân làng đã lập miếu thờ bà Nguyễn Thị Lộ, nay thuộc thôn Khuyến Lương, phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Thủy Tiên (tổng hợp).

Tin bài liên quan