Phúc họa của một người diễn biến ra sao, phần lớn do điều này quyết định...

Người xưa từng nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Có thể thấy rằng, một người khi tùy tiện nói ra bất cứ lời lẽ nào cũng sẽ đem đến những sự báo ứng khác biệt...

Lời nói tử tế khích lệ động viên người khác sẽ tích đức cho người nói; ngược lại lời nói ác ý tổn thương người khác sẽ tạo thành “ác báo” cho người nói. Kẻ tung tin đồn thất thiệt, vu khống người khác tưởng chừng mưu kế thành công đạt được mục đích, nhưng sau một thời gian ắt sẽ có “ác báo” lớn hơn đón đợi. Có thơ rằng:

Nhân quả nọ đi đi đến đến
Phúc họa kia đền báo, báo đền
Lời Chân như nước nâng thuyền
Giả gian như bão đảo điên lòng người

[Thơ: Vô danh cư sỹ].

Tôn Tử cũng từng nói: “Lời nói tặng người, quý trọng như châu ngọc; lời nói hại người, sắc bén hơn gươm đao”. Đối với người tu luyện mà nói, tu khẩu cũng là một trong những phương diện tu hành vô cùng quan trọng. Để có thể đạt đến mức không nói dối, không nói ác ngữ, không nói lời bậy bạ: “Gặp chuyện chỉ nghĩ về lỗi lầm của bản thân, tán gẫu không nói về thị phi của người khác”, đó là tu dưỡng cơ bản của đạo làm người:

Gặp cớ sự ấy thời Nhẫn trước
Chuyện đúng sai thua được không ham
Có câu: “Im lặng là vàng”
Thoái lui một bước thênh thang biển trời


Phàm phu nọ sục sôi liều lĩnh
Cao minh kia trầm tĩnh trước sau
“Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”

[Thơ: Vô danh cư sỹ].

Ngôn ngữ là cầu nối giao tiếp giữa người với người, cũng là phương tiện quan trọng giúp chúng ta hiểu biết về thế giới bên ngoài. Nếu muốn nói năng rõ ràng, lôi cuốn, làm người nghe hiểu tường tận, cảm thấy thuận tai dễ nghe thì lời nói ra nhất định phải là lời tử tế xuất phát từ trái tim từ bi hòa ái mới có thể tạo phúc cho chúng sinh, kết được nhiều thiện duyên:

Quân tử nọ trọng đời trọng đức
Tiểu nhân kia hám dục hám tài
Hay câu: “Lấy Thiện đãi người”
Tránh điều tà ác tránh lời thị phi

[Thơ: Vô danh cư sỹ].

Lời nói của con người giống như hoa như ngọc, cũng lại giống như một thanh kiếm sắc bén, có thể tu hành, có thể tích đức; cũng có thể gây suy tổn phúc đức. Cổ nhân có câu: “họa từ miệng mà ra”, cái miệng cũng là nơi dễ dàng tạo nghiệp nhất. Trong thực tế cuộc sống, chúng ta thường gặp những người có cái miệng ăn nói khéo léo nhưng đáng tiếc lại dùng không đúng chỗ, lời nói thì chua ngoa, không chừa đường lui cho người khác. Thường ngày, nếu ai đắc tội với họ, họ sẽ tận dụng triệt để cái tài miệng lưỡi, không tiếc lời chế giễu bêu xấu, nói ra những lời công kích ác độc. Họ có thể đào bới hết những bí mật hay những chuyện riêng tư của người khác từ hàng chục năm trước, khiến cho đối phương mất hết thể diện, tổn thương lòng tự trọng, vô cùng thê thảm… tuy nhiên, những người kém khẩu đức đó lại không hề hay biết rằng, chính họ mới là kẻ đang trong cơn sân si – nóng giận, ích kỉ vô minh – mà tự hủy đi phúc báo của bản thây vậy!

Khi còn tại thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng dẫn năm trăm nhà sư đến Kashna, nơi các phong tục dân gian không thay đổi, để hoằng dương Phật pháp. Để dẫn dắt người có duyên, Mục Kiền Liên là người đầu tiên vào trong thành. Khi tận mắt chứng kiến những hành vi hoang đường của những người dân đất nước này, ông bèn mở lời chỉ ra hành vi dại dột của họ nhất định sẽ phải chịu báo ứng. Những người dân Kashna nghe xong không thể chấp nhận, còn giận dữ đuổi Mục Kiền Liên ra khỏi thành, cuộc hành trình của Mục Kiền Liên kể như thất bại.

Về sau, Đức Phật lại cử Văn Thù Bồ Tát đến Kashna, sau khi Văn Thù Bồ Tát nhập quốc, Ngài không giảng ngay Phật Pháp, mà trước hết khen ngợi người dân trong nước siêng năng, giản dị và nhân hậu. Những lời khuyên nhủ nhẹ nhàng, nhiệt tình khiến người dân Kashna nghe xong vô cùng yêu thích. Cuối cùng họ đều cầm hoa tươi, đồ ngon đến thành tâm cúng bái Phật. Văn Thù Bồ Tát dẫn dắt người dân hướng về phía Phật, thành kính quỳ lạy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lắng nghe tâm pháp Phật Đà.

Chỉ có một tâm hồn rộng lớn mới có thể thể hiện ra phong thái bao dung, và một trái tim vị tha mới có thể phát ra ánh sáng của sự chân thành và nhân ái. Sự vĩnh hằng của bậc giác ngộ chính là từ bi. Bởi vậy, người tu luyện nên dùng trái tim từ bi để nói lời khuyên giải, lấy chữ Thiện xuất ngôn mới có thể kết nối rộng rãi thiện duyên. Nhìn thấy kỹ năng, kiến thức, đạo đức và việc thiện của người khác thì khen ngợi và học hỏi bằng cả tấm lòng chân thành, có thể loại bỏ sự đố kỵ và kiêu ngạo của bản thân, cũng có thể mở rộng tâm trí của mình. Mọi người đều nói lời tử tế thì xã hội mới thực sự quay trở lại trạng thái ổn định hòa bình.

Quỳnh Chi.

Tin bài liên quan