Được tôn sùng là bậc “Võ Thánh” nhưng không hiểu từ bao giờ Quan Vân Trường lại trở thành Thần tài được các thương nhân thờ cúng xin lộc. Nhưng câu chuyện đằng sau thật ra lại tiết lộ một khía cạnh khác của đạo đức kinh doanh.
Hán Phong hậu Tống Phong, Vương Minh Phong Đại đế là những cụm từ chỉ Quan Vũ. Quan Vũ rất sớm đã đi theo Lưu Bị lăn lộn khắp nơi, từng bị Tào Tháo bắt sống, cùng với ngựa bạch mã chinh chiến sa trường, cùng với Trương Phi được coi là những tướng lĩnh một mình có thể địch trăm người. Sau trận chiến Xích Bích, Lưu Bị giúp Chu Du công phá Tào Nhân ở Nam Quận, đồng thời lệnh cho Quan Vũ ra phía bắc, để ngăn chặn quân tiếp viện của Tào Tháo. Sau khi Tào Nhân bị đánh bại Quan Vũ được phong là Tương Dương Thái Thú. Sau này, Lưu Bị tiến vào Ích Châu, và Quan Vũ vẫn ở Kinh Châu. Kiến An năm thứ 24, Quan Vũ vây khốn Tương Phàn, Tào Tháo gửi quân tiếp viện đến. Quan Vũ bị bắt, sau đó Tào phái Tử Hoảng đến tiếp viện, Lã Mông của Đông Ngô lại tấn công Kinh Châu, Quan Vũ bị bao vây tứ phía cuối cùng bị đánh bại và bị giết chết.
Sau khi Quan Vũ chết, dần dần được Thần thánh hóa và được nhân dân tôn kính gọi là “Quan Công” còn được gọi là Mỹ Nhiêm công. Trong lịch sử các triều đại có rất nhiều tên gọi qua các triều đại, thời nhà Thanh ông được gọi là “Trung Nghĩa thần Vũ, Linh Hữu Nhân Dũng, Uy Hiểm Quan Thánh đại đế”.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa có một đoạn nói về câu chuyện “Quan Vân Trường treo ấn phong kim”. Sau khi bị Tào Tháo đánh bại ở Từ Châu, Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi ly tán. Lưu Bị một mình đến Hà Bắc nhờ cậy Viên Thiệu. Tào Tháo dùng mưu chiếm lấy Hạ Phì, vây khốn Quan Vũ trên một núi đất, phái Trương Lưu, người có quan hệ thân thiết với Quan Vũ đến khuyên ông ta đầu hàng. Quan Vũ đưa ra ba điều kiện: Một là chỉ đầu hàng Hán Hiến Đế mà không đầu hàng Tào Tháo, hai là hai vị phu nhân của Lưu Bị phải được phụng dưỡng và tôn trọng, ba là khi biết được tung tích của huynh trưởng Lưu Bị sẽ lập tức rời đi. Ba điều kiện này thiếu một cũng không được.
Tào Tháo rất yêu quý người tài, vì thế đã đồng ý với tất cả các yêu cầu của Quan Vũ, Hán Hiến Đế còn bổ nhiệm ông làm Thiên tướng quân. Sau đó, Tào Tháo giao đấu với Viên Thiệu. Khi Tào Tháo gặp thất bại nặng nề trước Viên Thiệu, Quan Vũ muốn lên chiến trường nghênh chiến, nhưng Tào Tháo không muốn dùng Quan Vũ. Ông ta sợ khi Quan Vũ lập được công rồi thì sẽ rời đi. Tuy vậy, tình hình ngày càng trở nên trầm trọng, Tào Tháo đành phải để cho Quan Vũ lên chiến trường. Quan Vũ chặt đầu tướng Nhan Lương của Viên Thiệu, giúp Tào Tháo giải vòng vây, lập được đại công. Khi Tào Tháo lên triều đã dâng biểu và lập Quan Vũ là Hán Thọ Đình Hầu, còn làm riêng cho Quan Vũ một con ấn.
Sau này, khi biết được tin tức của Lưu Bị, Quan Vũ liền từ biệt Tào Tháo để ra đi. Tào Tháo từ chối tiếp kiến vì thế Quan Vũ đã niêm phong tất cả vàng bạc mà mình được nhận từ trước đến nay cùng con dấu lớn Hán Thọ Đình Hầu, rồi đặt trong sảnh chính và rời đi. Đó là tích “Treo ấn phong kim” nổi tiếng muôn đời. “Treo ấn” có nghĩa rời bỏ chức vụ, từ quan. “Phong kim” là đem tất cả vàng bạc tiền tài niêm phong lại, có ý không muốn tiếp nhận.
Làm ăn kinh doanh, coi trọng nhất là hai chữ thành tín, khi Quan Vũ ở chỗ của Tào Tháo vẫn không quên Lưu Bị, lúc nào cũng chuẩn bị rời đi, đối với Lưu Bị trung thành tuyệt đối. Dù được Tào Tháo thưởng tiền vàng, Quan Vũ vẫn ý thức rằng không nên chấp nhận sự giàu có bất chính. Khi rời đi, ông để lại tất cả tiền vàng và con dấu, hơn nữa việc thả Tào Tháo sau này cũng là đối với Tào Tháo giữ tín nghĩa, tinh thần này rất được tôn sùng trong thương đạo.
Tương truyền, Quan Vũ rất giỏi quản lý tài chính, đặc biệt giỏi về kế toán. Khi còn ở chỗ Tào Tháo, biết rằng bản thân sẽ không ở lại Tào doanh mãi, vì thế khi rời Tào doanh tìm Lưu Bị, vì không muốn để lại những tin đồn không rõ ràng, Quan Vũ ghi chép tất cả những gì Tào Tháo tặng vào một quyển sổ ghi chép với bốn mục chính: Vốn có, thu, xuất, và tồn. Khi ông rời đi đã giao lại quyển sổ ghi chép cho Tào Tháo, rất rõ ràng từng mục có thể nhìn rõ trong nháy mắt. Phương pháp ghi chép rõ ràng mà đơn giản này cũng rất được lưu truyền trong giới thương nhân, được những thương gia đời sau sử dụng rộng rãi và nó cũng được gọi là “Thương dụng bác ký pháp”.
Nhân gian cũng lưu truyền rằng, bàn tính được phát minh bởi Quan Vũ, nhưng điều này mới chỉ là tương truyền chưa có kiểm chứng. Các thương nhân cổ đại đều rất chú ý đến sự an toàn, mà Quan Vũ được gọi là thánh võ. Ông có gương mặt nghiêm túc, đôi mắt có thần, ngón tay nắm chắc Thanh long đao, oai phong lẫm liệt, rất hợp để làm Thần hộ thân. Từ đó dần dần Quan Vũ được thương gia thờ cúng, xin bảo hộ, phát tài, nên ông trở thành vị Thần hộ vệ cho các thương gia, sau này phát triển thành Thần tài của mọi tầng lớp. Có hai loại tượng Quan Công, một loại có lưỡi đao hướng lên trên và loại kia có lưỡi đao hướng xuống dưới. Lưỡi đao hướng lên trên là biểu thị cho lòng trung thành của Quan Công và lưỡi đao hướng xuống dưới biểu thị cho sự giàu có.
Tất nhiên việc đó chỉ là mong mỏi của con người, nhờ Thần thánh chăm sóc mình cũng là một kiểu tư lợi mà thôi. Ý nghĩa ban đầu của việc thờ ông có lẽ là vì sự kính ngưỡng chữ Tín, chữ Nghĩa của một bậc chính nhân quân tử, để nhắc nhở người làm ăn dù bán buôn cũng phải luôn tôn trọng Tín Nghĩa. Về sau này, khi đạo đức nhân loại dần suy đồi, người ta đặt danh lợi lên trên hết, bèn thờ phụng Quan Vũ như Thần tài bảo hộ cho lợi ích làm ăn của mình.
Ngọc Linh.