Thầy thuốc có đức hiếu sinh, hành thiện đắc phúc báo

Thầy thuốc có đức hiếu sinh, hành thiện đắc phúc báo

Trong cổ đại có rất nhiều thầy thuốc dân gian được người đời khen ngợi, họ không chỉ có y thuật cao, mà còn là những người trọng đức hành thiện. Về công đức hành thiện cứu người của họ, sách “Thái vi tiên quân công quá cách” đánh giá như sau: Dùng phù pháp châm dược cứu trọng bệnh, một người là mười công; Bệnh nhỏ, một người là năm công; Thuốc chữa khỏi một người, là một công.

Tôn Tư Mạo, một danh y thời Đường, tin rằng nếu một bác sĩ có “tâm cứu khổ, trong u minh tự có nhiều phúc âm”. Tể tướng Lưu Chất, người danh lưu thanh sử, cũng phát hiện: “Y gia hậu duệ, đa hoạch dư khánh, vinh trạc cao khoa, thử thiên đạo quả báo chi nghiệm”. Ý tứ là nói, hậu duệ của nhà hành nghề y được nhiều phúc báo, đỗ đạt cao, đây là quả báo của ông Trời ứng nghiệm. Đồng thời cho rằng trị bệnh cứu người có thể đắc thiện quả, còn có danh y Trương Cảo thời nhà Tống nói rằng, người hành nghề y nếu “dành trọn tâm mình để cứu người, kết nhân duyên, tích phúc đức, trong u minh tự được ban phước”. Đến thời nhà Minh, không ít thầy thuốc dân gian được nhân dân trăm họ đương địa tận mắt chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử khi họ đắc phúc báo vì đã gieo nhân thiện.

* Danh y Tiển Gia Trưng về già lại có con trai nối dõi

Theo “Quảng Đông thông chí”, có một bác sĩ tên là Tiển Gia Trưng ở huyện Nam Hải, được người dân rất ngưỡng mộ. Ông từ bé đã thuộc lòng Tứ Thư Ngũ Kinh, từng dạy chữ cho trẻ em ở các trường tư thục. Sau đó, ông gặp một vị cao nhân siêu phàm, người đã truyền thụ cho ông một số y thuật. Từ đó trở đi, ông chữa bệnh cho mọi người, cứ thuốc vào là bệnh hết. Nhưng ông mỗi ngày chỉ kê một trăm đơn thuốc, không bao giờ quan tâm bản thân kiếm được bao nhiêu tiền.

Kỹ thuật bắt mạch của ông ở địa phương là độc nhất vô nhị, sau khi bắt mạch cho ai đó, ông có thể lập tức chẩn đoán bệnh tình, nguyên nhân gây bệnh và liệu bệnh nhân có thể cứu được hay không. Sáng nào sân nhà ông cũng đầy giày dép. Những người đến gặp ông để chữa bệnh có cả danh môn vọng tộc, cũng có những gia đình bần hàn, nhưng ông đối đãi với mọi người đều nhân từ, không bao giờ xem xét gia cảnh của bệnh nhân, mà tận tâm tận lực chẩn trị cho họ.

Có một vị tướng quân họ Vương mắc phải một căn bệnh lạ, các thầy thuốc khác đều bó tay bất lực, sau khi ông khám bệnh bốc thuốc, chỉ uống một liều thuốc của ông đã khỏi bệnh. Vì vị tướng quân trên đường hành quân phải đi qua một đoạn đường núi, lo lắng bản thân sẽ bị nhiễm chướng khí trong rừng vào người, nên đã mời Tiển Gia Trưng đi cùng. Họ thành công vượt núi, đến được bờ sông, tướng quân vô cùng cảm kích, không những tặng quà hậu hĩnh, mà còn phái người đưa Tiển Gia Trưng về nhà.

Sau đó, Tiển Gia Trưng cảm thấy mình học vấn không đủ, rất hổ thẹn nên đã thu lại tất cả những tấm biển do người khác tặng. Ông đóng cửa xin lỗi khách, không khám bệnh cho ai, chỉ miệt mài học hành, dự định sang năm sẽ tham gia khoa cử.

Tuy nhiên, người đến cầu chữa bệnh vẫn ngày ngày không ngớt, sân nhà ông ngày nào cũng chật kín như nêm cả trong lẫn ngoài. Vài tháng sau, khi ông mở cửa lại chữa trị cho bệnh nhân, mọi người phát hiện y thuật của ông không chỉ không suy giảm, mà trái lại tiến bộ hơn rất nhiều. Nhiều bệnh nhân khen ngợi ông, cho rằng ông là Hoa Đà tại thế, là Biển Thước chuyển sinh. Sau đó, ông đạt thành tích tốt trong khoa cử, được huyện tiến cử theo học tại Thái học.

Tiển Gia Trưng khi đó đã ngoài năm mươi tuổi, nhưng vẫn chưa có con nối dõi. Một đêm nọ, ông nằm mơ thấy Thiên Đế nói với ông: “Bởi vì ngươi thi hành nhân thuật, đã cứu sống rất nhiều người, Thiên thượng sẽ ban cho ngươi những đứa con nối dõi.” Không lâu sau, vợ ông lần lượt sinh cho ông liền mấy đứa con trai. Người dân địa phương đều nói đây là phúc báo mà ông đã tích lũy bao năm qua khi cứu sống nhiều người.

* Nhậm Nhị Kỳ, bác sĩ nổi tiếng thoát khỏi hỏa hoạn

Theo “Chiết Giang thông chí”, ở Hàng Châu có một nhân vật đại thiện, là một bác sĩ nhi khoa tên là Nhậm Nhị Kỳ, tự là Thụy Am. Ông là hậu duệ của Hàn Kỳ, một danh thần thời Bắc Tống. Vì cụ tổ thượng của ông từng học y dưới sự hướng dẫn của một bậc thánh y nhi khoa họ Nhậm, nên toàn gia đình đều đổi thành họ Nhậm. Y thuật tinh diệu này đã được tương truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến thế hệ của ông, nó dường như càng trở nên thần kỳ hơn.

Khoa nhi ngày xưa được gọi là “khoa câm”, vì trẻ em còn quá nhỏ để có thể nói với bác sĩ về bệnh tật của mình. Là một bác sĩ nhi khoa kỳ tài ở địa phương, Nhậm Nhị Kỳ có lực quan sát đáng kinh ngạc, chỉ cần nghe thấy tiếng khóc của trẻ, liền có thể biết được đứa trẻ có chỗ nào không thoải mái. Ông kê đơn thuốc, đứa trẻ uống vào là khỏi ngay. Ông cũng rất quan tâm đến trẻ con của các gia đình nghèo. Khi điều trị cho chúng, ông không những không thu phí chẩn trị, tạ lễ, mà còn tặng miễn phí những dược liệu cần thiết để điều trị.

Một ngày nọ, một người đàn ông giàu có trong thành phố sai đầy tớ đến mời ông. Khi ông vừa bước đến cửa, phát hiện ngay cạnh người đầy tớ có một người đàn ông. Người này trông rất quẫn bách, như thể có điều gì đó khó nói. Ông bước tới hỏi thăm, thì ra người này sống gần đó, đứa con ở nhà bị bệnh sởi, tình huống rất nguy kịch, muốn đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị. Chỉ là anh ta nhà nghèo, không biết phải ngỏ lời thế nào. Nhậm Nhĩ Kỳ nghe xong liền bảo người đầy tớ về trước, còn ông thì cùng người đàn ông về nhà, không nói một lời. Sau khi chữa trị cho đứa trẻ, ông lại phái người mang thuốc sang cho. Nguyên liệu làm thuốc có nhân sâm đắt tiền, nhưng ông không lấy một xu nào. Mỗi ngày khi ra ngoài đi ngang qua ngôi nhà đó, Nhậm Nhị Kỳ đều vào kiểm tra đứa trẻ cho đến khi nó bình phục hoàn toàn. Gia đình vô cùng biết ơn, nên đã thờ bức chân dung của ông để bày tỏ lòng kính trọng.

Nhậm Nhị Kỳ mất mẹ từ khi còn nhỏ, nhưng ông luôn rất hiếu thảo với mẹ kế. Ông cũng thu xếp hôn sự cho ba cô em gái và một cậu em trai rất chu toàn. Không lâu sau đó, trong thành xảy ra một trận hỏa hoạn. Có người nhìn thấy ngọn lửa bùng lên, hai lần liên tiếp tiến thẳng về phía nhà ông, nhưng lần nào cũng bất ngờ bị một cơn gió ngược thổi tắt rụi. Nhiều ngôi nhà lân cận cũng được cứu khỏi đám cháy nhờ nhà ông chặn hỏa hoạn. Hàng xóm khi biết chuyện đều khen ngợi ông: “Đây là nhờ bác có lòng hiếu thảo, nhân ái, thích làm việc thiện, cứu tế người nghèo mà được phúc báo!” Sau này, hai người con trai của ông cũng thi cử đạt công danh, cũng kế thừa đức hành và y thuật của cha. 

* Quách Dân An, một danh y mà tặc nhân tha mạng

Theo “Sào huyện chí”, ở địa phương có một bác sĩ tên là Quách Dân An, tự là Hoa Đài. Ông từng là tú tài trong huyện, nhưng sau đó ông bắt đầu nghiên cứu sách y học, dần dần có hiểu biết về y thuật. Ông tinh thông thuật mạch, những bài thuốc ông kê đơn công hiệu thần kỳ. Vì danh tiếng vang xa của ông, người dân từ các huyện lân cận lần lượt tìm đến ông để xin thuốc chữa bệnh. Nhưng ông không bao giờ lợi dụng y thuật của mình để kiếm lợi nhuận, ông thường tiếp tế cho người nghèo, đối đãi với bệnh nhân như người thân.

Vào năm Sùng Trinh thứ tám, thổ phỉ nổi lên khắp nơi, huyện Sào cũng bị thổ phỉ cướp bóc. Huyện lệnh phụ trách tuần tra biên phòng và một số sĩ đại phu bị lôi ra chặt đầu để thị uy công chúng, trong đó có Quách Dân An. Khi nhát đao chuẩn bị chém xuống, một tên cướp đột nhiên hét lên: “Hắn đã tám mươi rồi, bắt hắn có ích gì? Giết hắn chỉ phí sức!” Đồng bọn nghe vậy, cảm thấy có đạo lý, bèn không giết ông nữa.

Sau khi trở về nhà, Quách Dân An mới nhớ ra, tên cướp kia chính là một bệnh nhân ông đã gặp trên đường năm ngoái. Người đàn ông này lúc đó không có tiền chữa bệnh, chính Quách Dân An đã đưa thuốc và chữa khỏi bệnh cho gã. Bằng cách này, sự báo đáp của tên cướp kia chẳng phải cũng là một loại thiện báo mà Quách Dân An nhận được vì thiện hành của mình sao?

Hương Thảo biên dịch.

Tin bài liên quan