Trong u minh có định số: Lý Lãng Dung xuất thân thấp kém, lại được chủ định sinh quý tử

Lý Lãng Dung nhờ sinh con trai mà hiển quý, trải nghiệm kỳ dị này đã thuyết minh: Lịch sử là do Thần an bài, mà sự an bài của Thần thường ngoài nhân ý. Những sự tình mà Thần Phật chủ định, dù bạn cho rằng không thể, thì đến lúc đều sẽ phát sinh.

Lý Lãng Dung (351-400) là mẫu thân của Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu nhà Tấn, được phong hoàng thái hậu. Sau khi Tấn Hiếu Vũ Đế qua đời, bà lại được phong “thái hoàng thái hậu”. Nói về cuộc đời của Lý Lãng Dung, có thể nói là phi thường thần kỳ.

Trước khi Giản Văn Đế Tư Mã Dục làm hoàng đế của nhà Tấn, khi đó ông vẫn còn là Hội Kê Vương, từng có năm người con trai, trong đó ba người chết trẻ, hai người khác chết ở tuổi thanh niên và thiếu niên, không để lại hậu duệ. Thậm chí các thê thiếp của ông đã có thời gian gần 10 năm không mang thai. Vì vậy, Tư Mã Dục phải đối diện với phiền não không có con cháu nối dõi.

Hội Kê Vương Tư Mã Dục ra lệnh cho thầy bói Hỗ Khiêm toán một quẻ, Hỗ Khiêm giải đọc quẻ tượng, nói: “Hậu phòng trung hữu nhất nữ, đương dục nhị quý nam, kì nhất chung thịnh Tấn thất”, ý là: Trong hậu cung có một vị nữ tử, có thể sinh cho ngài hai người con trai tôn quý, trong đó một vị sẽ có thể mang đến vinh quang cho hoàng thất triều đại Tấn.    

Đương thời, sủng thiếp Từ thị (sau này phong là Từ quý nhân) vừa hạ sinh công chúa Tân An. Nàng rất được sủng ái vì phẩm đức tốt, nhưng một năm sau vẫn không có dấu hiệu mang thai như Tư Mã Dục hy vọng. Ít lâu sau, Tư Mã Dục lại thỉnh giáo đạo sĩ Hứa Mại, Hứa Mại nói: Ta là người của sơn thủy, bản thân không có đạo thuật, không thể dự đoán tương lai, Điện hạ nên nghe lời Hỗ Khiêm.

Tư Mã Dục tiếp tục tuyển thêm nhiều thê thiếp, nhưng đáng tiếc là sau vài năm vẫn không có con. Ông bèn tìm một thầy xem tướng số giỏi, trước tiên yêu cầu xem ai trong số các phi tần có thể sinh con trai. Thầy tướng đã xem xét tất cả các ái thiếp của hoàng đế, nhưng nói rằng không ai trong số họ có mệnh sinh con trai. Không còn cách nào khác, ông đành gọi tất cả cung nữ trong cung ra cho thầy tướng xem.

Khi thầy tướng nhìn thấy Lý Lãng Dung, ông nói: “Là kỳ nhân này“, tức là nàng ấy có thể sinh con trai. Lý Lãng Dung vốn xuất thân từ một gia đình “vi tiện”, là con của một gia đình bình dân, dáng người cao và nước da ngăm đen, nên nàng chỉ là một cung nữ bình thường làm việc trong một xưởng dệt. Lý Lãng Dung còn bị gọi một biệt danh khác là “Côn Luân”. Vì núi Côn Luân ở phương bắc, màu sắc đối ứng của phương bắc trong ngũ hành là màu đen, nên biệt danh Côn Luân ám chỉ làn da ngăm đen của nàng.

Đương thời, người ta thường coi làn da trắng mới là đẹp, mà Lý Lãng Dung có làn da ngăm đen, vì vậy việc nàng được hoàng đế sủng ái là điều tuyệt đối không thể. Nhưng thầy tướng nói rằng nàng có thể sinh con trai, vì vậy Tư Mã Dục không còn cách nào khác ngoài việc nạp nàng là thiếp.

Lại nói về Lý Lãng Dung,nàng đã vài lần mơ thấy “lưỡng long quỳ gối, nhật nguyệt nhập thai”, nàng nói với các phi tần khác, và điều đó đã được truyền đến tai Hoàng đế. Sau đó, Lý Lãng Dung quả nhiên sinh hạ Tấn Hiếu Đế và Hội Kê Văn Hiếu Vương, và Dương Trưởng công chúa.

Khi Lý Lãng Dung mang thai với Tấn Hiếu Võ Đế, nàng trong mộng đã nghe Thần nói với mình: Bà sẽ sinh hạ một nam hài, cậu bé cần lấy tự là “Xương Minh”. Quả nhiên khi cậu bé xuất sinh, Mặt Trời mọc lên rực rỡ ở phương Đông vào sáng sớm, bởi vì từ “Diệu” có nghĩa là chiếu sáng rực rỡ, nên cậu bé được đặt tên là “Diệu”, tự là “Xương Minh”. Tấn Hiếu Võ Đế Tư Mã Diệu sau này trở thành quân chủ có quyền lực nhất từ ngày Đông Tấn khai quốc, mà trong thời gian tại vị của mình, ông đã đánh bại nhà tiền Tần trong trận chiến Phì Thủy, quả nhiên ứng nghiệm dự ngôn “kỳ nhất chung thịnh Tấn thất”

Lý Lãng Dung, một người nguyên là vô vọng, đã có thể dựa vào việc sinh quý tử mà đăng ngôi, trải nghiệm kỳ lạ của bà cho thấy, lịch sử là do Thần an bài, và sự an bài của Thần thường bất ngờ, cho dù bạn nghĩ không thể nào, nhưng đến lúc sự tình sẽ phát sinh. Nó cũng nhắn nhủ chúng ta rằng, đừng “trông mặt bắt hình dong”, đánh giá con người qua vẻ bề ngoài, cũng chớ xem thường người xuất thân thấp kém.

Nguồn:
“Tấn Thư ‧ Tập chín ‧ Đế kỉ thứ chín”
“Tấn thư ‧ Tập ba mươi hai ‧ Liệt truyền thứ hai”
“Lưỡng Tấn diễn nghĩa”

Hương Thảo biên dịch.

Tin bài liên quan