Dân gian có câu: “Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời”. Y tứ là một gia đình dù giàu có đến đâu, cũng không thể có ba đời giàu sang. Một gia đình dù nghèo khó đến mấy cũng không thể nghèo mãi. Tóm lại, trong ‘ba thế hệ’ ắt hẳn là bước ngoặt trong sự phát triển của gia đình. vì sao ‘ba đời’ lại khiến một gia đình có những biến đổi to lớn như vậy?
Đối với gia đình giàu có mà nói: Thế hệ đầu đánh Đông dẹp Bắc, trải qua bao vất vả mới làm nên sự nghiệp, là một thế hệ rất có năng lực. Nhưng đến thế hệ thứ hai thì đã có vấn đề: năng lực của thế hệ này thường kém hơn thế hệ trước, thành ra rất khó để họ có thể gánh vác trách nhiệm kế thừa và phát huy sự nghiệp của tổ tông.
Đến thế hệ thứ ba thì càng yếu kém hơn nữa. Sự phát triển của gia đình cũng đã chạm đáy. Vậy cũng nói nói: “khởi nghiệp đã khó, nhưng giữ vững cơ nghiệp lại còn khó hơn!”.
Vậy còn những gia đình xuất thân nghèo khó thì sao? Thế hệ thứ nhất có thể phải bám rễ ở quê làng, năng lực lại quá yếu kém nên chỉ đảm bảo được ngày ba bữa cho gia đình. Tuy nhiên đến thế hệ thứ hai, không chừng trong gia đình sẽ có một sinh viên đại học; ra khỏi làng quê, và thế hệ thứ ba có thể sẽ định cư ở thành phố lớn. Miễn là mỗi một thế hệ đều có mục tiêu và phương hướng phát triển của mình, cứ thế gia đình sẽ dần dần đi đến thịnh vượng.
Vẫn biết một người có thể làm nên sự nghiệp to lớn hay không, đó là một chuyện, còn anh ta có tầm nhìn dài hạn hay không thì lại là chuyện khác.
Rất nhiều người giàu có đều cảm thấy rằng, chỉ cần ta để lại tài sản kếch xù thì con cháu của ta sẽ có được một cuộc sống sung túc. Chỉ cần chúng biết ăn tiêu tiết kiệm, thì giàu có ba bốn đời cũng không thành vấn đề. Đây chẳng qua chỉ là chút ‘mơ tưởng’ của bản thân mà thôi! Các thế hệ sau này liệu có khái niệm tiết kiệm hay không, điều này rất khó nói trước. Tất cả những gì chúng ta có thể làm chính là làm tốt việc giáo dục gia đình, kiến lập một nếp sống đạo đức tốt đẹp.
Tôi từng quen biết một ông chủ doanh nghiệp. Bản thân ông tuy kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng ông lại yêu cầu con trai mình, sau khi tốt nghiệp đại học thì phải tự mình kiếm tiền trang trải cuộc sống nếu không thì sẽ phải nhịn đói. Con trai ông cũng là một người rất mạnh mẽ. Từ khi còn là sinh viên năm thứ hai đại học, cậu ta đã tự lập và chưa từng ngửa tay xin gia đình một đồng xu nào. Sau khi tốt nghiệp, cậu đi làm được hai năm thì tự lập nghiệp, việc làm ăn cũng rất khá.
Về sau ông chủ doanh nghiệp kia đã nói rằng: “Đứa con trai của tôi, nếu không được rèn giũa, cho dù tôi có để lại cho nó bao nhiêu tài sản thì cuối cùng nó cũng sẽ phung phí hết. Bây giờ, nó đã có thể tự lập, và đứng vững trên đôi chân của mình; có năng lực ‘tăng thu giảm chi’… Sau này, giao lại sản nghiệp cho nó, tôi cũng rất yên tâm”.
Đối với một gia đình mà nói, thay vì để lại tiền bạc thì tốt hơn hết là truyền lại tinh thần của thế hệ sáng lập cho con cháu. Bời vì, đứa con có tài sản mà không có năng lực thì chỉ là ‘phá gia chi tử’. Cơ nghiệp của gia tộc nếu muốn tiếp diễn phồn thịnh, thì cần phải đặc biệt xem trọng bồi dưỡng kinh nghiệm và sự từng trải cho thế hệ sau.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng, tôi phải làm sao cho con cháu có được một cuộc sống sung túc, và nuông chiều chúng như những cậu ấm cô chiêu. Thật tiếc khi phải nói rằng, phần lớn những đứa trẻ ‘phá gia’ đều do sự ‘cưng chiều quá mức’ của ông bà, cha mẹ mà thành. Những bậc cha mẹ biết nhìn xa trông rộng thật sự sẽ không bao giờ nuông chiều và bao bọc con cái quá mức. Ngược lại còn để chúng tự mình rèn giũa trong khó khăn; hoặc để chúng thử tự đi kiếm tiền, để chúng chịu đựng những khó khăn của cuộc sống. Dù sao cũng phải để các con trải qua một phen bão táp mưa sa của cuộc đời. Một người chưa từng nếm trải cái khổ, thì sẽ không biết đường đời gian truân. Cuộc sống vốn không dễ dàng; chưa từng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thì sẽ không biết quý tiếc mỗi từng đồng tiền mà mình có trong tay.
Chỉ khi con người đã chịu vô số đòn roi của trường đời, họ mới có thể thoát khỏi ảnh hưởng của ‘vùng thoải mái’, và thật sự trở thành một con đại bàng bay vút lên trời cao, chứ không phải một chú chim non chỉ mong tìm được nơi trú ẩn an toàn.
Nếu nói sự rèn luyện và năng lực của con người là mấu chốt cho sự phát triển, thì đức hạnh của cả gia đình chính là nền tảng cho sự phát triển của một gia đình.
Người xưa thường nói: “Đức không xứng với địa vị ắt có tai ương”. Câu nói này không chỉ có tác dụng đối với mỗi cá nhân, mà còn có ý nghĩa đối với gia đình. Một khi bậc trưởng bối đức cao vọng trọng vẫn còn đó, trong nhà cũng có nhiều tài sản, tin chắc rằng gia đình này sẽ phát triển bền vững. Nhưng khi người trưởng bối đức cao vọng trọng này qua đời, con cháu của đời sau không có năng lực, cũng không có đức hạnh, thế thì tài sản của gia đình đó sẽ mang đến tai họa cho chính họ.
Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, khi nhắc đến hai chữ ‘đức hạnh’, không mấy ai thực sự coi trọng và hiểu đúng nghĩa, thậm chí còn cho rằng đó là những điều ‘vô nghĩa’. Nhưng họ đã quên mất một điều rằng, tác dụng thật sự của đức hạnh này là dùng để quy phạm chuẩn tắc hành vi của con người, để người ta không làm ra những chuyện vượt quá giới hạn.
Một người có đức hạnh sẽ không bao giờ làm chuyện ‘xa hoa phóng đãng’. Một người không có đức hạnh dễ ‘ngông cuồng tự phụ’. cuối cùng vận xui tìm đến, dần dần trở nên đen đủi. Vậy cũng nói: ‘Kẻ ngông cuồng ắt gặp tai ương’ đây chính là đạo lý!
Làm người, cần phải trau dồi đức hạnh, không làm những việc trái đạo đức, ấy là chính Đạo!
Giáo sư Tăng Sĩ Cương – Người Đài Loan, nổi tiếng với việc nghiên cứu Kinh Dịch đã nói rằng, phúc trạch tổ tiên để lại sẽ bảo hộ cho con cháu ngày càng tốt hơn.
Chúng ta biết rằng, Tần Thủy Hoàng đã san bằng sáu nước, có công thống nhất Trung Quốc, và trở thành “thiên cổ nhất đế”. Nhưng phần lớn chúng ta đều bỏ qua những nỗ lực của mấy thế hệ trước đó của nước Tần.
Học giả triều Tây Hán – Giả Nghị từng nói: “Đến thời Tần Thủy Hoàng, kỳ thực nước Tần đã phải cố gắng cả sáu thế hệ. Dựa vào cơ nghiệp tích lũy được từ sáu thế hệ trước, cộng thêm hùng tài đại lược của chính Tần Thủy Hoàng, nước Tần cuối cùng đã thống nhất Trung Hoa.
Nghĩa là đối với một gia tộc mà nói thì đạo lý cũng tương tự như vậy. Vận khí của một gia đình không chỉ phụ thuộc vào một thế hệ, cũng không chỉ phụ thuộc vào con cháu đời sau, mà còn phụ thuộc vào phúc trạch của tổ tiên.
Một gia đình có phúc khí thật sự, không đơn thuần chỉ là thế hệ đầu thì làm việc chăm chỉ, còn thế hệ sau thì biếng nhác. Mỗi một thế hệ đều nên cố gắng tu dưỡng phẩm đức, cần lao, mới có thể hơn người một bậc vậy!
Vũ Dương.