Trước đèn xem truyện Tây minh,
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le.
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước lành dè thân sau.
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Đó là những câu thơ mở đầu truyện “Lục Vân Tiên”, một tuyệt tác thơ Nôm đi vào hồn dân tộc. Như chính cụ Đồ Chiểu đã viết từ đầu, Lục Vân Tiên là thiên truyện thơ khuyến thiện phạt ác, nhắc nhở con người về cương thường đạo nghĩa. Với kết thúc có hậu, Lục Vân Tiên được xem là tiếng lòng của nhân dân về cái Thiện chiến thắng cái ác, ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão. Đặc biệt, truyện Lục Vân Tiên không chỉ là câu chuyện giữa con người với con người như phiên bản điện ảnh thể hiện, mà còn có sự xuất hiện và vai trò bước ngoặt của thế giới Thần Phật, sự hòa quyện tương tác giữa thiên nhiên, động vật và con người. Tiêu biểu có thể kể đến chi tiết Phật bà Quan Âm hiển linh cứu sống Kiều Nguyệt Nga và hai con hổ đón đường tha mẹ con Võ Thể Loan bỏ vào hang ở cuối truyện.
Trong bộ phim “Lục Vân Tiên” năm 2002 với diễn viên Chi Bảo đóng vai chàng trai họ Lục, Kiều Nguyệt Nga được sóng đưa vào bãi; người đưa nàng vào vườn nhà họ Bùi là cụ nô bộc của Bùi gia chứ không phải Quán Âm Bồ Tát; người hiện ra căn dặn nàng cũng không phải là Phật bà Quan Âm mà là người mẹ quá cố của nàng. Ngoài ra, nhân vật “sơn quân” (ông hổ) trên phim cũng hoàn toàn vắng bóng. Ví dụ, trong nguyên tác của Nguyễn Đình Chiểu, cậu bé tiểu đồng trung thành với chủ sau khi bị Trịnh Hâm hãm hại thì được hổ cắn đứt dây trói và cõng ra đường cứu mạng; còn trong phim điện ảnh cậu bé được một nhóm thợ săn tìm thấy và cứu ra. Mẹ con họ Võ cuối phim cũng không phải là bị hổ tha vào hang mà là tự bà mẹ Quỳnh Trang phát điên, đốt nhà, sau đó mẹ con kéo nhau vào hang núi sống, v.v. (1)
Sự cải biên trên vô hình trung khiến trường không gian của tác phẩm bị thu hẹp vào thế giới con người, trong khi nguyên tác truyện Lục Vân Tiên bao hàm mối liên hệ khăng khít giữa con người và thiên nhiên, Thần Phật, với tư tưởng “vạn vật hữu linh” màu nhiệm.
Lục Vân Tiên quê ở huyện Đông Thành, khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ. Nghe tin triều đình mở khoa thi, Vân Tiên từ giã thầy xuống núi đua tài. Trên đường về nhà thăm cha mẹ, gặp bọn cướp Phong Lai đang hoành hành, chàng đã một mình đánh tan bọn cướp, cứu được Kiều Nguyệt Nga. Cảm ân đức ấy, Nguyệt Nga tự nguyện gắn bó suốt đời với Vân Tiên và tự tay vẽ một bức hình chàng giữ luôn bên mình. Còn Vân Tiên tiếp tục cuộc hành trình, gặp và kết bạn với Hớn Minh, một sĩ tử khác.
Sau khi về nhà thăm cha mẹ, Vân Tiên cùng tiểu đồng lên đường đi thi, ghé thăm Võ Công, người đã hứa gả con gái là Võ Thể Loan cho chàng. Từ đây, Vân Tiên có thêm người bạn đồng hành là Vương Tử Trực, tới kinh đô lại gặp Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Thấy Vân Tiên tài cao, Hâm và Kiệm sinh lòng đố kỵ, ghen ghét. Lúc sắp vào trường thi, Vân Tiên nhận được tin mẹ mất, liền bỏ thi trở về quê chịu tang. Dọc đường về, Vân Tiên đau mắt nặng rồi bị mù cả hai mắt, lại bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Nhờ giao long dìu đỡ đưa vào bãi, Vân Tiên được gia đình ông ngư cứu mạng. Sau đó, chàng lại bị cha con Võ Công hãm hại đem bỏ vào hang núi Thương Tòng. Được Du thần và ông Tiều cứu ra, Vân Tiên may mắn gặp lại Hớn Minh (vì trừng trị cậu công tử con quan ỷ thế làm càn mà Hớn Minh phải bỏ thi, sống lẩn tránh trong rừng). Hớn Minh đón Vân Tiên về an dưỡng bệnh. Khoa thi năm ấy Tử Trực đỗ thủ khoa, trở lại nhà họ Võ hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Võ Công ngỏ ý muốn gả Thể Loan, bị Tử Trực cự tuyệt và mắng thẳng vào mặt, Võ Công hổ thẹn quá ốm chết. (2)
Nghe tin Lục Vân Tiên đã chết, Kiều Nguyệt Nga thề sẽ thủ tiết suốt đời.
Nàng rằng: “Khôn xiết nỗi thương,
Khi không gãy cánh giữa đường chẳng hay.
Nay đà loan phụng lẻ bầy,
Nệm nghiêng gối chích phận này đã cam.
Trăm năm thề chẳng lòng phàm,
Sông Ngân đưa bạn Cầu Lam rước người.
Thân con còn đứng giữa trời,
Xin thờ bức tượng trọn đời thời thôi”.
Thái sư đương triều hỏi nàng cho con trai không được, đem lòng thù oán, tâu vua bắt Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua. Thuyền đi tới biên giới, nàng mang theo bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn…
Vắng người có bóng trăng thanh,
Trăm năm xin gởi chút tình lại đây.
Vân Tiên anh hỡi có hay,
Thiếp nguyền một tấm lòng ngay với chàng
…
Nguyệt Nga nhảy xuống giữa vời,
Sóng thần đưa đẩy vào nơi bãi rày.
Bóng trăng vừa khuất ngọn cây,
Nguyệt Nga hồn hãy chơi rày âm cung.
Xiết bao sương tuyết đêm đông,
Mình nằm giữa bãi lạnh lùng ai hay.
Quan Âm thương đấng thảo ngay,
Bèn đem nàng lại bỏ rày vườn hoa.
Dặn rằng: “Nàng hỡi Nguyệt Nga,
Tìm nơi nương náu cho qua tháng ngày.
Đôi ba năm nữa gần đây,
Vợ chồng sao cũng xum vầy một nơi”
Lời thơ cho thấy Kiều Nguyệt Nga nhảy xuống sông và thực sự đã chết (“hồn hãy chơi rày âm cung”), nhưng tấm lòng hiếu thảo, tiết nghĩa của nàng đã cảm động Trời cao, khiến Quán Thế Âm Bồ Tát hiển linh cứu sống, đem nàng vào vườn hoa nhà họ Bùi (“Quan Âm thương đấng thảo ngay, Bèn đem nàng lại bỏ rày vườn hoa”).
Người xưa nói “Phật vô xứ bất tại”, “Trên đầu ba thước có Thần linh”, ý tứ là Thần Phật không đâu không có mặt, chỉ là người trần mắt thịt không nhìn thấy mà thôi. Quán Thế Âm Bồ Tát là đấng đại từ bi cứu khổ cứu nạn, Ngài không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chỉ nhìn nhân tâm. Tấm lòng thơm thảo, tiết hạnh của Kiều Nguyệt Nga đã cảm động đến Bồ Tát, triển hiện ra Thần tích tại nhân gian.
Trong lịch sử, từng có không ít ghi chép người thật việc thật về thế giới quỷ Thần, về nhân quả báo ứng, Thần Phật hiển linh cứu độ người lương thiện. Ví dụ, vào năm Ung Chính thứ 12 triều nhà Thanh, Bồ Tát Vi Đà từng hiển linh báo mộng cho tiểu hòa thượng Tượng Tiên tại vùng Cổ Sơn Phúc Châu nhận gạo cứu đói… Những chuyện như thế được tập hợp trong các cuốn sách khuyến thiện như Duyệt vi thảo đường bút ký; Liễu Phàm tứ huấn; Thái Bình Quảng Ký v.v.
Trong truyện Lục Vân Tiên, Phật bà Quan Âm một lần nữa lại hiển linh cứu giúp Nguyệt Nga khi nàng bỏ trốn khỏi nhà họ Bùi, tránh bị ép hôn với Bùi Kiệm:
Xảy vừa tới lúc canh ba,
Nguyệt Nga lấy bút đề và câu thơ.
Dán trên vách phấn một tờ,
Vai mang bức tượng một giờ ra đi.
Hai bên bờ bụi rậm rì,
Đêm khuya vắng vẻ gặp khi trăng lờ.
Lạ chừng đường sá bơ vơ,
Có bầy đom đóm sáng nhờ đi theo.
Qua truông rồi lại lên đèo,
Dế kêu dắng dỏi sương gieo lạnh lùng.
Giày sành, đạp sỏi thẳng xông,
Vừa may trời đã vừng đông lố đầu.
Nguyệt Nga đi đặng hồi lâu,
Tìm nơi bàn thạch ngõ hầu nghỉ chân.
Người ngay Trời Phật cũng vâng,
Lão bà chống gậy trong rừng bước ra.
Hỏi rằng: “Nàng phải Nguyệt Nga,
Khá tua gắng gượng về nhà cùng ta.
Khi khuya nằm thấy Phật bà,
Người đà mách bảo nên già tới đây”.
Có thể thấy mỗi bước chân đi của Kiều Nguyệt Nga gập ghềnh trắc trở, nhưng luôn có sự dõi theo, bảo hộ của Phật bà. Các kinh điển của Phật gia và Đạo gia xưa nay đều thuyết minh sự giám sát nghiêm ngặt của Thần minh đối với từng hành vi, lời nói và tâm ý mỗi người. Cuốn sách kinh điển Đạo gia là “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” cũng nêu rõ hồi báo tốt đẹp mà những người hành Thiện có được: “Người thiện lương thì ai ai cũng kính trọng. Trời giúp đỡ họ. Phúc lộc đi theo bên họ. Mọi tà quái tránh xa họ, Thần linh hộ vệ. Mọi việc họ làm đều thành công. Họ có thể hy vọng trở thành Thần Tiên…” Kiều Nguyệt Nga là người con gái nết na, tiết hạnh, vì cảm ân cứu mạng của Vân Tiên, giữ trọn thề ước với chàng mà Nguyệt Nga sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân, thủ tiết suốt đời, cũng chẳng màng vinh hoa phú quý khi cự tuyệt lời cầu hôn của gia đình Thái sư và của Bùi Kiệm. Nhờ tấm lòng thánh thiện đó, Nguyệt Nga hết lần này tới lần khác được Phật bà Quan Âm hiển linh cứu giúp. Đây chính là người thiện lương thì “Mọi tà quái tránh xa họ, Thần linh hộ vệ” mà “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” đề cập tới.
Tương phản với Kiều Nguyệt Nga vị tha, hiếu nghĩa là nhân vật Võ Thể Loan – một người con gái xinh đẹp kiều diễm nhưng đức hạnh có phần khiếm khuyết.
Võ Thể Loan là vị hôn thê được cha mẹ Lục Vân Tiên ước định cho chàng, với người xưa thì một câu hẹn ước đáng giá ngàn vàng, đã là duyên Trời định. Ngày đầu gặp gỡ Vân Tiên, Thể Loan cũng cảm mến dung mạo đường hoàng, tài năng văn võ của vị hôn phu, nàng gửi gắm muôn vàn hy vọng:
Bóng trăng vừa lộ nhành dâu,
Vân Tiên vào tạ giây lâu xuất hành.
Ra đi vừa thuở bình minh,
Thể Loan đứng trước lê đình liễm dung.
Thưa rằng: “Quân tử phó công,
Xin thương bồ liễu chữ tùng ngây thơ.
Tấm lòng thương gió nhớ mưa,
Đường xa ngàn dặm xin đưa một lời.
Ngày nay thánh chúa trị đời,
Nguyền cho linh phụng gặp nơi ngô đồng.
Quản bao chút phận má hồng,
Phòng khuya vò võ đợi trông khôn lường.
Chàng dầu cung quế xuyên dương,
Thiếp xin hai chữ tào khương cho bằng.
Xin đừng tham đó bỏ đăng,
Chơi lê quên lựu chơi trăng quên đèn”.
Những lời dặn dò của Võ Thể Loan mới thiết tha, cảm động biết bao. Tuy nhiên, tình cảm ấy ràng buộc với hy vọng Lục Vân Tiên sẽ công thành danh toại: nào là “Chàng dầu cung quế xuyên dương”; nào là “Nguyền cho linh phụng gặp nơi ngô đồng”… Nói cách khác, Võ Thể Loan “yêu” là yêu cái bản lĩnh của Vân Tiên có thể vinh quy bái tổ; chỉ cần chàng có thể vinh quy bái tổ, thì nàng chẳng quản “phòng khuya vò võ đợi trông”, nguyện làm một người vợ tào khương tiết hạnh.
Lúc bấy giờ, khó có thể nói rằng tình cảm của Võ Thể Loan là giả dối. Có câu: “Trai ham sắc, gái ham tài”, tài và sắc là hai thứ hấp dẫn đối phương, là thứ nhen nhóm tình cảm nam nữ. Thế nhưng, để vợ chồng trọn đời kính mến nhau thì chỉ tài, sắc là không đủ. Bởi thứ tình cảm dựa trên tài và sắc chỉ là cảm thụ cá nhân, có điều kiện, để thỏa mãn ham muốn về danh lợi tình mà thôi. Nếu một ngày kia danh lợi tình không được thoả mãn, thì tình cảm ấy có thể vững vàng nữa không?
Khi Vân Tiên chẳng may bị mù hai mắt, được ngư ông đưa tới nhà Võ Công để gửi gắm, sự việc trở thành một khảo nghiệm cay đắng cho gia đình Võ Thể Loan:
Võ Công không ngớt lòng phiền,
Ân tình, thế lợi khó tuyền đặng vay.
Rõ ràng, Võ Công bị giằng xé giữa một bên là “ân tình” và một bên là “thế lợi”, giữ được ân tình thì lợi ích thiệt hại muôn phần. Bởi không đủ dũng khí giữ gìn đạo nghĩa, nên Võ Công ném quả bóng số phận sang tay con gái:
Dạy Tiên: “Người hãy ngồi đây,
Cho ta trở lại sau này liệu toan”.
Công rằng: “Hỡi mụ Quỳnh Trang,
Dò lòng ái nữ Thể Loan thế nào?
Mặc con toan liệu làm sao,
Vốn không ép vợ lẽ nào ép con”.
Loan rằng: “Gót đỏ như son,
Xưa nay ai nỡ đem chôn xuống bùn.
Ai cho sen muống một bồn,
Ai từng chanh khế sánh phồn lựu lê?
Thà không chót chịu một bề,
Nỡ đem mình ngọc dựa kề thất phu!
Dốc lòng chờ đợi danh nhu,
Rể đâu có rể đui mù thế ni?…”
Hiện thực quá phũ phàng với Võ Thể Loan. Chàng trạng nguyên trong mộng ngày xưa của nàng nay đã trở nên đui mù, không còn hy vọng gì về công danh sự nghiệp. Lấy chàng, nàng sẽ cả đời vất vả. Nàng chịu được không? Không chịu được. Vì không thể chịu khổ, nên nàng đã chọn phản bội lời thề ước.
Người xưa có câu: “Gió mạnh mới biết cỏ cứng” (Tật phong tri kình thảo), ý tứ rằng trong cuộc sống yên ổn bình hòa thì rất khó phân biệt gian trá và chân thật, kiên định hay hời hợt, mạnh mẽ hay yếu đuối, nhân phẩm cao hay thấp. Chỉ tới khi lâm vào khổ nạn mới có thể hình thành khảo nghiệm đối với tín niệm và khí tiết của một người. Ở đây, Lục Vân Tiên gặp nạn chính là khảo nghiệm đối với Võ Thể Loan và Kiều Nguyệt Nga, hai người con gái có duyên phận với chàng. Có lẽ Võ Thể Loan ngay từ đầu không muốn làm việc xấu, nhưng vì khí tiết không đủ, nên đã lựa chọn con đường dễ dàng hơn. Ngược lại, Kiều Nguyệt Nga khi hay tin Vân Tiên gặp nạn, nàng chỉ nghĩ làm sao vẹn tròn tiết nghĩa, quyết tâm chọn con đường gian khổ để đi.
Nàng rằng: “Làm phận nữ nhi,
Một câu chánh tiết phải ghi vào lòng.
Trăm năm cho vẹn đạo tòng,
Sống sao thác vậy một chồng mà thôi”.
Nên mới nói, muốn trở thành người Thiện trước hết cần có khả năng Nhẫn chịu thống khổ, muốn có thể chịu khổ cần coi nhẹ dục vọng cá nhân. Người như Võ Thể Loan, suy cho cùng vì truy cầu cá nhân quá lớn (mong lấy được chồng hiển đạt, rạng rỡ với đời), nên không thể nhẫn chịu nghịch cảnh, rơi rớt trong khảo nghiệm. Dục vọng cá nhân đã biến nàng trở nên lạnh lùng, độc ác. Tới mức hãm hại Vân Tiên, lại mong kết duyên cùng Vương Tử Trực.
Ngẫm nhân tình thế thái hôm nay, phải chăng làm Nguyệt Nga thì khó mà làm Thể Loan thì dễ lắm rồi? Người ta đã coi việc tính toán lợi ích cá nhân thành điều đương nhiên hợp lý, không có lợi cho bản thân thì anh em, vợ chồng cũng trở mặt với nhau. Những gì là ân nghĩa phu thê đều không quan trọng nữa.
Khổng Tử nói: “Quân tử vì nghĩa, tiểu nhân vì lợi”. Tiểu nhân vì lợi, nên sau này khi Vân Tiên kinh qua kiếp nạn, vinh quy rỡ ràng, mẹ con Võ Thể Loan lại mặt dày tới nơi nhắc về hôn ước cũ. Dù Vân Tiên nhân hậu không nỡ trả thù xưa, thì Trời Đất cũng không bỏ qua cho kẻ ác.
Mẹ con đứng thẹn thùng thay,
Vội vàng cúi lạy, chân rày trở ra.
Trở về chưa kịp tới nhà,
Thấy hai con cọp nhảy ra đón đàng.
Thảy đều bắt mẹ con nàng,
Đem vào lại bỏ trong hang Thương Tòng.
Bốn bề đá lấp bịt bùng,
Mẹ con than khóc không trông ra rồi.
Người xưa tin rằng “Vạn vật hữu linh”, hổ dữ cũng phân biệt thiện – ác. Lão Tử nói: “Người có tu dưỡng đạo đức thì trong sáng, thì sẽ thuần chân nhu hòa như em bé. Côn trùng độc không cắn người ấy, thú dữ không vồ người ấy…” Đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh cũng kể một câu chuyện có thật trong tác phẩm nổi tiếng “Duyệt vi thảo đường bút ký” của ông:
Một con hổ rình nấp trong bụi cỏ. Chẳng mấy chốc, có một người gánh quang gánh đi qua. Con hổ nhảy ra định ăn thịt anh nhưng nó đột nhiên tránh ra và rút lui. Một lát sau lại có một người phụ nữ đi qua, con hổ liền xông ra vồ lấy người này ăn thịt. Thần Hổ nói: “Hổ không ăn thịt người, chỉ ăn thịt cầm thú. Những kẻ bị ăn thịt là cầm thú trong lớp da người. Nói chung, những người lương thiện trên đầu sẽ có hào quang, hổ nhìn thấy liền tránh ra. Những người táng tận lương tri, hào quang sẽ biết mất. Họ so với cầm thú cũng không có gì sai biệt, hổ liền chộp tới ăn thịt.
Người đàn ông vừa rồi, mặc dù vừa hung bạo vừa vô nhân tính, nhưng đồ cướp về lại dùng để giúp đỡ những góa phụ và trẻ mồ côi, giúp họ không phải chịu đói chịu lạnh. Vì vậy hào quang của ông to như viên đạn, hổ không dám ăn.
Người phụ nữ kia bỏ chồng kết hôn với người khác, còn ngược đãi con của vợ cũ anh ta, đánh nó thương tích đầy mình. Cô ta lại trộm tiền của chồng mới đem cho con gái của mình với chồng cũ, mang theo trên người chính là những thỏi bạc kia. Bởi vì những tội ác này, hào quang của cô ta không còn nữa. Hổ thấy cô ta không còn là thân người nên liền ăn thịt…”.
Võ Thể Loan từng nhẫn tâm giết chồng, sau đó quyến rũ người đàn ông khác, những tội ác ấy phải chăng đã khiến hào quang của nàng (tại không gian khác) biến mất, nên hổ mới bỏ nàng vào hang? Quả như lời Vương Tử Trực mắng:
Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi,
Lòng nào mà nỡ buông lời nguyệt hoa.
Hổ hang vậy cũng người ta,
So loài cầm thú vậy mà khác chi?
Truyện Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu đã đi vào tâm hồn dân tộc, hun đúc nên tính cách của người dân Nam Bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung. Với tinh thần “văn dĩ tải Đạo”, số phận ly kỳ hấp dẫn của chàng Lục Vân Tiên mang chở biết bao đạo lý làm người, nhắc nhở chúng ta giữ gìn lòng nhân nghĩa, trung hiếu, tiết hạnh, thuỷ chung.
Trời kia quả báo mấy hồi,
Tiếc công son điểm phấn dồi bấy lâu.
Làm người cho biết nghĩa sâu,
Gặp cơn hoạn nạn cùng nhau cho tròn.
Chớ đừng theo thói mẹ con,
Thác đà mất kiếp tiếng còn bia danh.
Cõi đời là bể khổ, muốn có thể thực sự hưởng phúc thì phải tu tâm dưỡng tính, khổ nạn qua đi rồi mới là hạnh phúc chân chính.
Chuyện Phật bà Quan Âm hiển linh cứu giúp Kiều Nguyệt Nga và hổ đón đường tha mẹ con họ Võ, tuy nhuốm màu cổ tích thần thoại nhưng kỳ thực là điều không xa lạ với con người ngày xưa. Trong truyện Lục Vân Tiên có đoạn thầy trò Vân Tiên bị lang băm, thầy bói, thầy cúng lừa tiền, dẫn tới một số hiểu lầm rằng tác giả lên án thói mê tín dị đoan, phủ định Thần linh. Kỳ thực, tín ngưỡng chân chính vào Thần Phật là điều cụ Nguyễn Đình Chiểu ngợi ca; chỉ những kẻ mạo danh Thần thánh, lợi dụng kiếm tiền mới đáng bị phê phán.
Xã hội hiện đại, con người ngày càng mê tín vào khoa học kỹ thuật, bất tín Thần Phật, tách rời thiên nhiên, dẫn tới không tin nhân quả báo ứng, khi tai hoạ ập đến thì oán Trời trách Đất chứ không biết kiểm kiểm nội tâm mình. Những tác phẩm văn học cổ điển quý báu như “Truyện Lục Vân Tiên” là tấm vé đưa chúng ta trở về đạo đức truyền thống, ngõ hầu khôi phục con đường thiện lành để tìm thấy bản nguyên tốt đẹp của sinh mệnh.
Thanh Ngọc.