5 tăng nhân cùng tu hành, vì sao chỉ có 1 người đắc đạo?

Tương truyền rằng, vào thời nhà Đường có năm vị hòa thượng từng cùng nhau vân du tu hành. Nhưng cuối cùng chỉ có một người tu thành đắc Đạo,...

Bốn người còn lại đều phải chịu tiến nhập vào các nẻo luân hồi, chuyển kiếp tái tu. Trong đó có một người gọi là Chấn hòa thượng do kiếp trước tu hành không đủ, trần duyên chưa đoạn. Sau khi luân hồi đã chuyển sinh đến nước Thục, vị này lại tiếp tục làm một hòa thượng và đến nay đã đoạn dứt được duyên nợ trần ai.  Một người khác gọi là Thần Thượng Nhân, vì tâm nguyện khao khát tu hành từ kiếp trước chưa thực hiện được, nên kiếp này chuyển sinh thành một Pháp sư tiếp tục tu hành. Người thứ ba được gọi là Ngộ pháp sư, vì từng ở trước tượng Phật bằng đá tại Hương Sơn đã buông lời bỡn cợt rằng: “Nếu như không chứng ngộ được lên cõi Phật, thì kiếp sau nhất định sẽ làm một vị quan quyền quý”. Vậy nên, kiếp này đã bước vào con đường quan trường và trở thành Đại tướng quân. 

Người cuối cùng trong số họ, so với vận mệnh của ba người kia thì có sự khác biệt rất lớn. Sau khi chuyển sinh, người này phải sống trong một hoàn cảnh rất thảm thương; thường xuyên phải sống trong cảnh đói rét… cực kỳ thống khổ. Vị này tên là Tề Quân Phòng. Anh ta đã chuyển sinh vào một gia đình bần hàn ở nước Ngô. Mặc dù anh ta rất siêng năng, chăm chỉ học hành nhưng trí nhớ lại rất kém, nên học hành dở dang.

Khi trưởng thành, Tề Quân Phòng sống giữa địa phận ranh giới của hai nước Ngô – Sở. Vì không có tài năng gì, nên anh đành phải dựa vào nghề bán chữ để mưu sinh. Một mặt cũng hy vọng rằng, thông qua việc hành tẩu bôn ba, có thể sẽ được những người quyền quý để mắt đến mà trọng dụng. Hiềm một nỗi, trí mỏng, tài hèn, thơ tác của anh ta thực cũng chẳng có chỗ nào mới lạ, độc đáo. Vì thế thường hay bị những nhà quyền quý cự tuyệt. Tuy nhiên, cũng có khi hi hữu bán được dăm chữ đổi được chút bạc vụn, cũng chỉ đủ cho anh rau cháo qua ngày. Vậy là Tề Quân Phòng phải sống trong một hoàn cảnh rất khó khăn, cái đói, cái lạnh cứ mãi đeo bám anh ngày này qua tháng khác. Nhờ chắt chiu dè sẻn, đôi khi anh cũng dành dụm được chút đỉnh. Nhưng kỳ lạ thay, chỉ cần anh vừa ki cóp được đủ một xâu tiền thì thế nào cũng sinh bệnh. Và chỉ khi anh chi phí thuốc men cho hết đi số tiền dư, thì bệnh mới khỏi. 

Vào thời đầu nguyên niên Đường Hiến Tông trị vì. Tề Quân Phòng đã lưu lạc về phía bờ sông Tiền Đường. Khi ấy đúng vào năm mất mùa đói kém liên miên, đám quan lại hủ bại thừa dịp vơ vét tiền của cất giấu cho riêng mình. Trong số những người mà Tề Quân Phòng quen biết, thì không một ai có thể tiếp đãi anh ta. Trí cùng lực kiệt, họ Tề buộc lòng phải đến cầu cạnh cửa Phật. Anh ta định bụng rằng, sẽ đến gõ cửa chùa Thiên Trúc xin bát cơm chay. Thế nhưng, anh ta vừa mới đi tới cổng phía Tây Cô Sơn Tự thì đã đói lả, toàn thân vô lực không thể tiếp tục bước đi được nữa. Đã vậy, con đường phía trước Quân Phòng phải đối diện là một dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Anh ta cảm thấy vô vọng mà kêu khóc đến lạc giọng, khản tiếng trong nỗi thống khổ cùng cực. 

Hồi lâu, có một vị tăng nhân, vận y phục người Hồ từ hướng Tây bước tới. Vị tăng nhân ngồi xuống, hướng mặt về phía sông Tiền Đường. Lúc sau, ông quay sang nhìn Tề Quân Phòng, cười nói:

– Pháp sư! Hiện tại ngài đã hiểu được tư vị của một tú tài cô độc vân du ngoài xã hội là như thế nào chưa?

Nghe vậy, Tề Quân Phòng ngước nhìn vị tăng nhân người Hồ, ngạc nhiên đáp: 

– Tư vị vân du đã nếm đủ rồi, nhưng ngài gọi ta là Pháp sư, thì quả thực quá hoang đường rồi!

Lão tăng nhân lại nói: 

– Ngươi lẽ nào không còn nhớ việc truyền giảng Phật Pháp tại chùa Đồng Đức, ở Lạc Dương nữa sao?

Lúc này, Tề Quân Phòng càng tỏ vẻ hoài nghi, mà rằng:

– Tôi năm nay đã 45 tuổi, bấy lâu nay chỉ sinh sống ở tại địa phận Ngô – Sở. Tôi chưa từng vượt qua con sông Tiền Đường này, thì nói gì đến việc tới Lạc Dương kia chứ?

Vị tăng nhân, lại nói:

– Ngươi chắc hẳn là bị cái đói làm cho khổ não, mà đã quên đi bản nguyên sinh mệnh của mình từ tiền kiếp.

Nói đoạn, lão tăng lấy ra từ trong túi áo một quả táo đỏ to bằng đầu nắm tay, rồi nói:

– Đây là quả táo quý, được hái từ đất nước của ta. Ai ăn nó vào thì có thể biết được những sự việc trong quá khứ và tương lai, bao gồm cả những sự việc từ tiền kiếp.

Thấy có đồ ăn, mắt Tề Quân Phòng sáng lên như ngọn đèn. Anh ta lập tức đưa tay đón lấy quả táo từ lão tăng rồi ăn nuốt ngốn ngấu… ăn xong lại vục mặt xuống sông, uống vài ngụm nước cho bõ khát. Ăn xong, cơn buồn ngủ cũng từ đâu kéo đến! Quân Phòng ngáp ngắn, ngáp dài, tiện thể ngả lưng xuống một phiến đá ven sông mà ngủ thiếp đi, chẳng còn biết trời cao đất dày chi nữa.

Sau khi tỉnh lại, Tề Quân Phòng thấy đầu óc hết sức thanh tỉnh. Anh lập tức nhớ ra chuyện cũ, cả việc giảng Pháp ở chùa Đồng Đức ở Lạc Dương năm nào. Tất cả in rõ mồn một trong đầu, như vừa mới xảy ra. Cùng lúc đó, anh ta còn nhớ lại được cả những người đã cùng tu hành với mình khi ấy. Anh nhận ra vị tăng nhân người Hồ trước mặt kia, chính là một trong số những vị hòa thượng đã cùng mình tu hành khi xưa. Tề Quân Phòng không khỏi xúc động, khi gặp lại người quen cũ mà hai dòng lệ tuôn trào trong niềm vui sướng nghẹn ngào không thốt nên lời. Anh cung kính, hành lễ với lão Hồ tăng, và gạn hỏi về tung tích của những người còn lại. Lão tăng điềm tĩnh kể cho anh ta nghe về sự tình của từng người, rồi quay sang nói với Quân Phòng rằng:

– Khi ấy vân thủy năm người, sau khi chuyển kiếp chỉ có ta tu hành đắc Đạo và cũng chỉ có mình ngươi phải chịu làm một kẻ sĩ sống trong cảnh đói, rét mà thôi.

Nghe vậy, Tề Quân Phòng trong tâm vô cùng khổ sở, nghẹn ngào nói: 

– Suốt bốn mươi năm qua, mỗi ngày tôi chỉ có thể ăn một bữa, quần áo chỉ có một kiện bằng vải thô. Những chuyện tầm thường nơi thế gian con người sớm đã đoạn, thực cũng không biết là vì lý do gì mà công đức không thể viên mãn, trái lại đến bây giờ vẫn phải chịu cảnh nguy nan.

Lão tăng nhân thở dài một tiếng, rồi nói:

– Lỗi là, khi xưa ngài làm một người tu hành – Một Pháp sư, đã thuyết giảng không ít dị giáo, khiến cho những người đến nghe thuyết giảng trở nên hoang mang, sinh tâm nghi hoặc. Mặc dù khi ngươi thuyết giảng kinh sách, thanh âm vang dội, ngôn từ hấp dẫn lòng người. Nhưng vì đã bóp méo ý nghĩa chân thực của kinh Phật, làm loạn Phật pháp. Cho nên kết cục không thể tu đắc Chính quả. Ngươi tự mình làm ra những thứ sai lệch, không chính đáng, nên phải chịu báo ứng ở kiếp này.

Lúc này, Tề Quân Phòng mới ngộ ra căn nguyên vì sao kiếp này phải sống trong cảnh lưu lạc, bán chữ nuôi miệng, không một mái nhà che nắng che mưa, không có phúc phận… Trong lòng anh ta cảm thấy vô cùng hối hận. Bất giác, anh ta quay sang xin lão Hồ tăng xin ông ta mở lòng từ bi, khai cho đường sáng. Lão tăng trầm mặc, đáp:

– Để ra cơ sự như ngày hôm nay, ta cũng không có cách nào. Ta hy vọng rằng, những chuyện của đời trước có thể bày tỏ ra đây, làm lời cảnh tỉnh đối với ngươi. Kể từ nay hãy thành tâm hối cải, may ra còn có cơ hội!

Nói đoạn, lão Tăng lấy ra từ trong túi một thấu kính, hai mặt đều trong suốt, rồi nói với Quân Phòng rằng:

– Nếu như ngươi muốn phân rõ sang hèn, biết được vận mệnh dài ngắn, Phật Pháp hưng thịnh hay suy tàn và con đường mình đi là thịnh hay là suy thì có thể nhìn qua thấu kính này.

Tề Quân Phòng cầm lấy thấu kính quan sát kỹ lưỡng hồi lâu, mới nói lời cảm tạ lão Hồ tăng:

– Xin đa tạ đại sư! Chuyện nhân quả báo ứng và lẽ thịnh suy. Đạo lý này, tôi đều đã minh tỏ.

Vị cao tăng, nghe xong lập tức thu hồi bảo bối. Ông chậm rãi rời đi, được độ mươi bước liền biến mất.

Lại nói về Tề Quân Phòng, kể từ khi được vị cao tăng đắc Đạo chỉ điểm tỉnh ngộ. Ngay trong tối hôm đó, anh ta đã đi đến chùa Linh Ẩn trên đỉnh Phi Phong Lai, thụ giới xuất gia, lấy Pháp hiệu là Kính Không.

Vào những năm dưới thời vua Đường Văn Tông, có một thư sinh tên gọi là Lý Mai đến tu tập tại chùa Thiên Trúc ở Long Môn, Kính Không đã tự mình tới chùa Kính Thiện tại Hương Sơn để thăm hỏi anh ta. Mục đích cũng là để nói cho anh ta biết sự việc của kiếp trước và kiếp này. Ông còn tiết lộ với Lý Mai rằng: 

– Năm nay ta đã 57 tuổi, xuất gia làm hòa thượng mới được mười hai năm. Ta còn phải đi vân du khất thực, tu khổ hạnh trong chín năm nữa. Ngày ta rời đi, thì Phật Pháp cũng đã đến độ suy tàn rồi! Muốn cầu Chính Pháp, Chính Đạo cũng rất khó.

Lý Mai nghe xong, gạn hỏi nguyên do. Nhưng hòa thượng Kính Không chỉ im lặng. Ông cho người đem nghiên bút đến và đề lên bức tường phía Bắc Mậu Kinh mấy dòng chữ như sau:

“Hưng nhất sa, suy hằng sa. Thố nhi thư, khuyển nhi noa. Ngưu hổ tương giao, vong giác nha bảo đàn bất diệt kỳ hoa”. 

Quả nhiên, lời tiên tri đã ứng nghiệm. Hơn mười năm sau, Đường Võ Tông – Vị Hoàng đế thứ XVI của triều đại nhà Đường. Trong năm năm trị vì, Ông ra sức đàn áp tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Còn được gọi là “Hội Xương diệt Phật”. Phật giáo bắt đầu đi vào thời kỳ suy tàn (mạt Pháp).

***

Mới hay! Đối với một người tu hành mà nói: rất hiển nhiên khi một người tu hành đã phát nguyện ra như thế nào, thì sẽ quyết định đến vận mệnh của người đó ở kiếp sau. 

Hãy cùng xem xét thấu đáo câu chuyện kể trên, để thấu tỏ thêm về quy luật ‘Nhân quả báo ứng’ và ‘Lẽ thịnh suy’ của một người. Lại nói về hòa thượng Kính Không, chẳng hay kiếp này ông có đắc Chính Pháp và có tu đắc Chính quả thực sự hay không?

Trường Lạc.

Tin bài liên quan