Bí ẩn Kinh Dịch: Quẻ Thuần Khảm tiết lộ bí quyết của tài phú và trí huệ

Kim sinh Thủy còn mang ý nghĩa là tài phú sẽ sinh ra trí huệ, mà quan hệ này là sinh xuất, là mất đi, nên phải chăng khi mất đi hết tài sản người ta mới có thể đạt đến trí huệ? Thật ra không phải như thế.

Đạo của quẻ Càn là dành cho người quân tử, người cha, người lãnh đạo dùng để cư xử, tề gia và trị quốc. Đạo của quẻ Khôn dành cho phụ nữ để giữ yên gia cang, hạnh phúc vững bền. Còn Đạo của Thủy Khảm, của nước có thể nói là ứng dụng rộng rãi hơn, là Đạo của thành công cho mọi đối tượng, giúp đạt được trí huệ to lớn trong bất kỳ ngành nghề nào. Như Lão Tử đã từng giảng:

“Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật, phù duy bất tranh, cố vô vưu” (Tạm dịch: Nước là tốt nhất, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh giành).

Người nào hiểu được cái Đạo của nước này, chắc chắn sẽ là những người rất thành công và đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp của bản thân.

5- Kim sinh Thủy: Đạo của tài phú và trí huệ, buông bỏ mới đạt cảnh giới cao trong đời

Tài phú là gia sản, tài vật to lớn. Trí huệ là trí tuệ rộng lớn, đạt đến minh triết, hiểu được cơ Trời, qua đó mà xử thế thích hợp để sống yên vui hạnh phúc bền lâu. Hai điều này người ta từ xưa đến nay ai cũng mong muốn có được.

Tuy nhiên, trong lịch sử, ít người có thể đạt được cả tài phú và trí huệ (trí huệ này khác với khái niệm trí thông minh hay mưu trí của người thường). Đa phần đều là kinh doanh thành công một chút thì sẽ vì mê tiền mà khổ não cả đời, đến chết cũng chỉ mong ôm tiền xuống suối vàng. Có người còn vì mưu cầu kiếm tiền mà bị hại. Hầu như không mấy ai vừa có thể có tài phú mà lại đạt được trí huệ làm cho cuộc sống viên mãn.

Nhưng có những người không giống như thế. Họ có thể được coi là ví dụ mẫu mực cho tài phú và trí huệ song hành.

Phương Đông cổ đại thì có Phạm Lãi. Ông xưng là Đào Chu Công với ba lần giàu nhất thiên hạ, cũng ba lần bỏ lại gia sản mà đi. Vì ông làm giàu có Đạo, phú mà có thể Nhân, cho nên được xưng là “Thương thánh”, cũng được coi là “Nho thương chi thuỷ tổ”.

Phương Tây ngày nay thì có Chuck Feeney, tỷ phú vốn là chủ của DFS (Duty Free Shop) toàn cầu. Cả đời ông không mua ô tô riêng, không dùng đồ hiệu, sống trong căn hộ bình thường nhưng lại đã đem hết tám tỷ USD gia sản thành lập quỹ từ thiện.

Vì sao Đào Chu Công có thể trở thành mẫu mực và thủy tổ của giới kinh doanh? Vì sao Chuck Feeney được người đời kính trọng? Vì các ông là người đạt Đạo, hiểu được cái Đạo của kinh doanh. Đạo của kinh doanh cũng bắt nguồn từ cái Đạo của nước, chính là cái nguyên lý Kim sinh Thủy vậy: cho đi và cống hiến, không phải tích lũy tự thân.

Trong vòng ngũ hành tương sinh, Thủy được sinh ra do Kim. Không phải ý nói kim loại nóng chảy mà sinh ra nước như trước nay người ta vẫn lầm tưởng, mà ý nói băng tuyết tan ra sẽ thành nước. Băng tuyết là lạnh nhất (lạnh thuộc Kim) khi tan ra sẽ sinh ra Thủy.

Tiến sĩ Emoto trong cuốn sách “Thông điệp của nước” đã chứng minh điều này rất rõ ràng: khi ông chụp ảnh một tinh thể băng lúc tan ra thành nước, nó tạo thành hình chữ Thủy trong Hán tự.

Trong Kinh Dịch, Kim sinh Thủy còn có nghĩa là nước sinh ra từ Trời, vì Càn Kim tượng trưng cho Trời. Hai Hành này có liên quan mật thiết với nhau và trong vòng ngũ hành tương sinh Kim Thủy cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Kim tượng trưng cho tài phú tiền bạc và Thủy tượng trưng cho trí huệ. Do đó có thể hiểu rằng tài phú và trí huệ ở đời đều là do Trời ban cho mỗi cá nhân, dựa trên phúc đức tự thân, do cách hành xử nhiều đời tích lũy mà quyết định.

Như chúng tôi đã viết trong phần quẻ Thuần Càn trước đây, Càn Kim là tài phú to lớn nên chỉ có thể được cấp cho người có đức lớn tương ứng; vì đức thuộc hành Thổ, mà Thổ thì tương sinh ra Kim. Những người đại đức này sống thuận Thiên đạo, theo tượng của quẻ Càn Vi Thiên, phúc báu bản thân đủ lớn để được Trời trao cho khối tài sản lớn nhường ấy.

Kim sinh Thủy còn mang ý nghĩa là tài phú sẽ sinh ra trí huệ, mà quan hệ này là sinh xuất, là mất đi, nên phải chăng khi mất đi hết tài sản người ta mới có thể đạt đến trí huệ? Thật ra không phải như thế. Ý nghĩa là người có nhiều tài phú nếu vứt bỏ được cái tâm đặt nặng vào tiền bạc, coi tiền muôn bạc vạn không phải điều đáng để tâm nhất trên đời thì mới thật sự đạt đến trí huệ.

Đó là những người sẽ không bất chấp tất cả để kinh doanh kiếm tiền. Dù có rất nhiều tài phú, nhưng tâm họ không đặt vào đó; họ không bị đồng tiền điều khiển mà đồng tiền phải quy phục họ, giúp họ tạo nên sự nghiệp. Họ là những ông chủ thật sự của đồng tiền. Trong số họ, sẽ có những người còn đặt mục tiêu cao thượng hơn, đem tài phú đóng góp vào những mục tiêu cao cả để thay đổi cả thế giới, làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Đó là những người đạt đến cảnh giới cao của người “giàu mà chân chính” được hưởng phúc báu dài lâu, do hiểu được cái Đạo của nước, nguyên tắc Kim sinh Thủy, của sự từ bỏ cái tâm chiếm hữu của cải cho riêng mình.

Tĩnh Thuỷ.

Tin bài liên quan