Dự ngôn là lời tiên tri mà các bậc cao nhân, Thánh giả để lại cho hậu thế. Có người thắc mắc: Đã là tương lai thì sao có thể đoán trước được? Nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu như một quyển sách có thể tiên đoán chính xác sự thay triều đổi đại trước đó cả ngàn năm, thì điều gì sẽ xảy ra?
Có người hồ hởi nâng niu cuốn sách ấy như vật báu, nhưng cũng lại có người tim đập chân run, mất ăn mất ngủ, muốn trừ bỏ cuốn sách đi mới có thể yên tâm. Và đó chính là vận mệnh của cuốn sách tiên tri “Thôi Bối Đồ”.
Hậu thế chỉ biết rằng “Thôi Bối Đồ” là trước tác của Lý Thuần Phong, vì khả năng dự đoán chính xác một cách kỳ lạ nên vào thời Bắc Tống, đã bị Tống Thái Tổ liệt vào sách cấm, nhưng vẫn không ngăn được người người nhà nhà cất giấu sách như cất giấu báu vật. Cuối cùng, triều đình cho đảo lộn trật tự các quẻ tượng rồi lưu truyền trong dân gian, khiến đúng sai lẫn lộn, thật giả bất phân…
Thế nhưng, nguồn gốc sâu xa hơn của “Thôi Bối Đồ” vẫn còn là một ẩn đố lịch sử mà hậu nhân không thể lý giải. Bất ngờ hơn nữa, điều đó còn liên quan đến một nhân vật sống trước thời đại của Lý Thuần Phong những 400 năm, đó là Gia Cát Lượng. Những bí ẩn đằng sau câu chuyện ấy, mãi cho đến gần đây mới được tiết lộ bởi Thánh Duyên, một cao nhân đã từng nhiều năm tu luyện Phật Pháp.
“Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Hơn 1700 năm nay, các bậc đế vương quan tướng, văn nhân mặc khách đều ngợi ca Gia Cát Lượng. Các tiểu thuyết, các vở kịch cận đại đều miêu tả Gia Cát Lượng như một hiện thân của trí tuệ, một Thần nhân giỏi bấm độn tính toán, một tấm gương mẫu mực về đạo đức trung trinh đại nghĩa.
Gia Cát Lượng đã trở thành nhân vật mà người đời sau ai ai cũng biết đến. Những điển cố, thành ngữ, truyền kỳ, ngạn ngữ, hý kịch liên quan đến ông được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, chỉ riêng hý kịch đã có hơn 500 vở.
Chỉ những người không tin dự ngôn mới hạ thấp nó xuống thành “Gia Cát Dự”, hoặc là sau khi sự tình xảy ra rồi mới giải thích được, họ gọi đó là “Mã Hậu Khóa”. Bởi vì ai ai cũng biết rằng, Gia Cát Lượng rất giỏi tính toán, có thể biết trước sự việc sau này.
Gia Cát Lượng có thật sự Thần thánh như vậy không? Ngày nay, những học giả nhấn mạnh về khoa học đều cho rằng Gia Cát Lượng được miêu tả ngày càng Thần thánh hoá.
Họ cho rằng, Gia Cát Lượng trong lịch sử biết xem thiên tượng, điều này không sai, bởi sử sách đều có ghi chứng cứ. Gia Cát Lượng văn phong bay bổng, điều này quả không sai, có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng đã lưu truyền hậu thế. Gia Cát Lượng biết xem quẻ, điều này cũng không sai, nhưng không có gì Thần cả, chỉ là tiểu thuyết và truyền thuyết đã thần thánh hoá ông mà thôi. Tài trí và năng lực của Gia Cát Khổng Minh, ngoài một phần ít ỏi trong sử sách ra còn có rất nhiều điều chưa được ghi chép, mà chỉ được lưu truyền trong dân gian.
“Công lớn chia tam quốc, Danh cao Bát trận đồ. Sông chảy đá chẳng chuyển, Hận không nuốt được Ngô.”
Bài thơ “Bát trận đồ” của Đỗ Phủ đã miêu tả di tích ‘Bát trận đồ’ ở Ngư Phúc Phố năm xưa. Bát trận đồ ở bên sông Trường Giang tại huyện Phụng Tiết, thành phố Trùng Khánh đã được bày ở đó 1700 năm, mãi cho đến năm 1964 thì bị tháo dỡ đi mất. Đó có phải là Bát trận đồ của Gia Cát Lượng không? Hậu thế không một ai biết được.
“Tam quốc diễn nghĩa” viết rằng, Bát trận đồ này đã vây chặt khiến Lục Tốn, Đại đô đốc của ba đạo quân Đông Ngô phải sợ hãi tháo chạy.
Có người nói Bát trận đồ của Gia Cát Lượng không có gì là thần kỳ cả, chỉ là một trận đồ bát quái, các học giả hiện đại lại càng coi đó là kiểu dàn trận bình thường. Còn về tài năng quân sự của Gia Cát Lượng, từ xưa đến nay, người ta đều cho là không bằng Tư Mã Ý.
Nhận thức như thế này cũng không trách được hậu nhân, bởi đó đều là di chứng do các ngụy sử tạo ra. Ngụy sử ở đây không phải hoàn toàn là điều giả dối, mà là sự nguỵ trang, thêm bớt của con người nhằm che đậy lịch sử.
Chữ “Ngụy” (僞) gồm chữ Nhân (亻)và chữ Vi (爲), nghĩa là con người làm ra, người đời đã làm ra. Tại sao nói như vậy?
Hãy xem thời Tam Quốc phân tranh hỗn loạn, có ai muốn miêu tả Gia Cát Lượng tích cực không? Cả ba nước Ngụy, Thục, Ngô đều bị triều Tấn diệt, sách “Tam quốc chí” viết vào thời Tấn, cần phải xem trọng thể diện gia tộc hoàng thất Tư Mã, nên đương nhiên là đã có sửa đổi. Do đó, tác giả có phần đề cao Tư Mã Ý mà không dám ngợi ca Gia Cát Lượng.
Trong khi đó sử liệu của nước Ngụy và Ngô thời Tam Quốc, vì để tăng chí khí cho mình, nên một cách tự nhiên cũng không miêu tả nhiều về ánh hào quang của Gia Cát Lượng.
Còn nước Thục, dưới ý chỉ của Lưu Bị đã không đặt ra chức sử quan, bản thân Gia Cát Lượng vốn là người khiêm tốn, xưa nay chưa bao giờ khoe công khoe tài. Do đó, rất nhiều câu chuyện liên quan đến Gia Cát Lượng chỉ có thể tìm thấy trong những truyền thuyết lưu truyền trong dân gian.
“Bát trận đồ”, từ cái tên có thể suy ra là trận đồ bày theo hình dạng bát quái. Đây là cách hiểu của đại đa số chúng ta. Hiện nay rất nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng đề cập đến “Lỗ sâu” (wormhole) và điều gì sẽ xảy ra khi vô ý vượt xuyên qua nó. Ở một vị trí đặc định, theo một quy tắc nhất định bày ra các vật có từ tính, sau đó dùng một loại sóng âm có tần số cố định, người ta có thể nhìn thấy không gian 4 chiều.
Nếu đối ứng như thế, thì Bát trận đồ bề ngoài tuy có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại uy lực vô cùng. Nếu được gia trì nhờ chú ngữ và thần thông của người tu Đạo, chẳng phải trận đồ ấy sẽ khiến sự việc xảy ra trước mắt Lục Tốn và quân đội Đông Ngô biến đổi, ví dụ như không gian dịch chuyển, núi non đường xá không ngừng biến đổi, mốc chỉ đường không cánh mà bay… Giống như “Quỷ đánh tường”, khiến người ta mê mờ lạc lối trong Bát quái trận đồ là điều quá đơn giản.
Còn Bát trận đồ cổ đại ở Ngư Phúc Phố không phải do Gia Cát Lượng thiết lập, mà là các tướng sỹ đất Thục năm xưa căn cứ vào trí nhớ mà phục dựng lại mô hình Bát trận đồ.
Vậy Bát trận đồ chân chính nằm ở đâu? Trước khi Gia Cát Lượng rời Kinh Châu về Thành Đô, trên đường vào đất Thục khi đi qua những ngọn núi lớn, ông đã dựa vào địa hình sông núi mà bày ra trận đồ. Đó chính là hộ Pháp hình con rồng mà Gia Cát Lượng tu luyện được, nằm giữa những đỉnh hiểm trở của dãy núi Tung Sơn trùng điệp. Người đời vẫn gọi Khổng Minh là Ngọa Long (nghĩa là Rồng Nằm), nhưng không mấy ai hiểu được ẩn ý sâu xa đằng sau đạo hiệu ấy. Gia Cát Lượng hữu ý dựng sẵn Bát trận đồ ở đó, đợi đến 10 năm sau khi Lưu Bị binh bại đến đây, chính trận đồ này đã cứu mạng ông.
Bối cảnh lúc ấy là khi Lưu Bị đem quân đi chinh phạt Ngô, bị Lục Tốn đất Giang Đông phóng hoả thiêu doanh trại liên hoàn, Lưu Bị binh bại chạy vào trận đồ mà Gia Cát Lượng đã hữu ý để chúa công đi qua. Đợi đến khi đại quân của Lục Tốn xông vào, Gia Cát Lượng thân ở Thành Đô đã khởi động Bát trận đồ, con rồng lớn cuốn mình, đầu và đuôi cùng xoay vần, vây chặt 10 vạn binh mã của Đông Ngô vào trong. Bát trận đồ không những có thể điều động âm binh tác chiến, mà lợi hại hơn nó còn có thể khống chế tư tưởng của con người: Giữa trời đất âm u mịt mù, binh mã quân Đông Ngô đã tự tàn sát nhau.
Lục Tốn thống lĩnh 10 vạn tinh binh Giang Đông, không đem theo vật tư vũ khí nặng, mà chỉ trang bị gọn nhẹ để đuổi theo Lưu Bị. Nhưng vì tư duy của họ bị khống chế trong Bát trận đồ, nên toàn bộ binh mã cứ thế quay tròn tán loạn, mãi không tìm được đường ra.
Ngày nay, có một số người bẩm sinh đã khai mở thiên mục, nhưng vào thời cổ đại, số người có mắt âm dương cũng không hề nhỏ.
Trong 10 vạn quân của Lục Tốn, rất nhiều người ban ngày nhìn thấy âm binh dị linh, ban đêm nhìn thấy vong hồn quỷ quái, bất cứ ai nhìn thấy cảnh tượng này đều hoảng sợ mất mật.
“Tam quốc diễn nghĩa” kể rằng, nhạc phụ của Gia Cát Lượng đã cứu Lục Tốn ra khỏi trận đồ, nhưng điều này không thực tế, bởi ngoài Gia Cát Lượng ra thì không ai có thể phá giải được Bát trận đồ. Hơn nữa, nhạc phụ của Gia Cát Lượng cũng không có phép thuật thần thông gì.
Còn có thuyết nói rằng, trước Gia Cát Lượng mấy trăm năm, chính tại nơi trận đồ bát quái này đã từng có quỷ thần tu luyện. Tục ngữ nói rồng mạnh chẳng ép rắn đất, tương sinh tương khắc chính là đạo lý, cũng là điều thuận với Thiên ý. Thế là 10 vạn binh mã được quỷ thần dẫn theo đường cũ mà trở về. Gia Cát Lượng biết đây là ý Trời, nên cũng không ngăn cản mà để họ rời đi.
Gia Cát Lượng vốn là cao nhân dịch học thượng thặng. Mỗi lần trước khi xuất binh, ông đều biết rõ thắng thua đã định. Nhưng đối với các cuộc chiến ắt phải thất bại, ông vẫn hết sức mình diễn nghĩa phần “thất bại” đó thuận theo thiên thời, làm một người thất bại đã dốc hết sức mình để làm nổi bật sự huy hoàng của người thành công.
“Xuất quân chưa thắng người đã chết, Anh hùng rơi lệ mãi ngàn năm.”
Hai câu thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ đời Đường đầy ngậm ngùi, ngàn năm còn nhỏ lệ.
Rất nhiều người tu Đạo có thuật “thi giải”, cũng gọi là giả chết. Nghĩa là, họ có thể lấy một vật bất kỳ, như một chiếc giày, một cây gậy trúc chẳng hạn, sau đó dùng Thần thông biến hóa nó thành hình tượng của bản thân mình, bạn bè thân thích cứ ngỡ họ đã chết nên mới đem hình tượng do dậy trúc diễn hóa này đi chôn. Nhưng thừa lúc người thân không để ý, người tu đạo chân chính ấy sẽ lặng lẽ rời đi.
Gia Cát Lượng cũng vậy, ông vốn là bậc tu hành đắc Đạo, sao có thể mắc bệnh mà chết được? Kỳ thực ông hoàn toàn không mắc bệnh ở gò Ngũ Trượng, mà chỉ sắp xếp ổn thỏa mọi thứ cho lần xuất quân Kỳ Sơn cuối cùng, rồi giả chết để hồi sơn quy ẩn.
Từ đó, chốn nhân gian đã mất đi một mưu sỹ có thể hô mưa gọi gió, nhưng nơi tùng bách xanh tươi kia lại có thêm một ẩn sỹ cao Đạo tiếp tục tu hành.
Như vậy Gia Cát Lượng hành sự thuận theo thiên tượng, năm 54 tuổi ông giả chết để thoát thân, sau đó ẩn tích nơi núi sâu rừng già tiếp tục tu luyện 25 năm.
Nam Phương biên dịch.