Câu chuyện lịch sử: Ai có thể làm Thần Thành hoàng?

Qua mấy hôm, người nhà họ Đới đưa tin báo tang về quê nhà ở Hồ Châu, mọi người mới phát hiện, ngày Đới tiên sinh tạ thế lại đúng ngay cái đêm người trông coi miếu Thành hoàng nơi này nằm mộng thấy mình tiếp đón Thần Thành hoàng mới...

Thần Thành hoàng là một vị Thần quan trọng được thờ cúng rộng rãi trên nhiều vùng lãnh thổ trong văn hóa truyền thống Trung Hoa và Việt Nam ta. 

Giống như Táo công và Thổ công, Thành hoàng cai quản đình làng và cả một khu vực làng xã, hoặc thành lũy có đường biên, tức là quyền lực lớn hơn Thần Đất, quyết định họa phúc của một làng và thường được thờ ở đình làng. Do vậy hầu hết mỗi làng quê hay thành thị đều lập đình (hoặc đền, miếu) thờ vị Thành hoàng của làng hay thị trấn đó. Có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị.

Tương truyền, Thần Thành hoàng là người khi sống có phẩm hạnh mẫu mực, có công với nước với dân, là người mang đến phúc lành cho làng, xã. Trong lịch sử có những câu chuyện các quan viên thanh liêm chính trực, những người có phẩm đức cao thượng sau khi tạ thế, một số người trong số họ sẽ được thiên thượng phong làm Thành hoàng, hiển linh phù hộ cho địa phương nơi họ cai quản.

Làm quan thanh liêm chính trực, tạ thế được phong Thành hoàng

Tương truyền rằng, những vị quan thanh liêm chính trực sau khi tạ thế, có người sẽ được thiên thượng phong làm Thành hoàng phụ trách bảo hộ một vùng nào đó. 

Dân gian có lưu truyền câu chuyện như sau: Vào thời nhà Thanh, có người tên là Đới Khai Đình, đỗ tiến sĩ vào năm Mậu Thìn thời vua Khang Hy, giữ chức Tri phủ tại Thiệu Vũ (vùng Tây Bắc, tỉnh Phúc Kiến ngày nay). Đới tiên sinh là người bình hòa, lòng dạ ngay thẳng. Trong các mối quan hệ xã giao, ông sống theo chuẩn tắc “quân tử chi giao đạm như thủy”, tính ông không thích khoe khoang, khoác lác. Đới tiên sinh mới đầu giữ chức quan huyện, rồi thăng lên chức Lễ bộ lang, sau giữ chức Thái thú của một quận lớn. Đới tiên sinh cả đời tận tụy cống hiến, chưa từng ỷ thế làm càn. 

Sau khi Đới tiên sinh nhậm chức tại Thiệu Vũ, hầu như không phải chịu cái khổ của bệnh tật. Một ngày nọ, khi Đới tiên sinh đang ngồi trên công đường thẩm vấn phạm nhân, chẳng hiểu sao tay ông lại cầm cây bút lông màu đỏ giơ lên không trung vẽ vẽ vạch vạch như viết lời phán, rồi ông ném cây bút xuống đất, lui vào hậu đường ngồi nghiêm chỉnh. Người nhà thấy phạm nhân vẫn còn đang quỳ ở công đường chờ xét xử mà ông đã rời đi, thì không khỏi băn khoăn khó hiểu. Mọi người đến hỏi thì Đới tiên sinh xua tay nói: “Giải phạm nhân xuống, giao cho Kinh Lịch ty thẩm tra lấy lời khai”, rồi quay sang bảo người phụ tá: “Mau chuẩn bị văn thư chuyển giao, tôi phải đi rồi!”.  

Nói xong, Đới tiên sinh lệnh cho tôi tớ chuẩn bị nước tắm. Tắm gội xong xuôi, ông mặc triều phục, mặt quay về hướng nam, nhắm mắt ngồi ngay ngắn, không nói lời nào. Người nhà thấy dáng vẻ ông như sắp rời đi, liền hoang mang khóc lóc, xin ông để lại di ngôn. Đới tiên sinh lớn tiếng đáp: “Chính trực vô tư!”, xong, không nói thêm gì nữa. Sáng sớm hôm sau, người nhà ông đều phảng phất nghe thấy trên không trung có tiếng xe nghênh đón và tiếng trống nhạc vang lên, mọi người vội chạy sang phòng Đới tiên sinh thì thấy ông đã tạ thế từ lúc nào. 

Phủ quan của Đới tiên sinh cách quê nhà ông ở Hồ Châu hơn 4000 dặm. Trước khi tin Đới tiên sinh qua đời được truyền đến quê nhà, một hôm, bỗng có người trông coi miếu Thành hoàng đến nhà họ Đới, hỏi dò người trong nhà rằng: “Đới tiên sinh ở nơi nhậm chức vẫn khỏe chứ?”. Người nhà họ Đới thấy hỏi câu kỳ lạ như vậy thì rất lấy làm khó hiểu, bèn gặng hỏi nguyên do. Người trông miếu do dự một lúc, rồi nói rằng: “Đêm qua, tôi nằm mộng thấy nơi này điều đến Thần Thành hoàng mới. Nhìn kỹ hóa ra lại là Đới tri phủ nhà này. Vậy nên hôm nay, tôi mới lo lắng đến đây thăm hỏi tình trạng sức khỏe gần đây của Đới tiên sinh thế nào”.

Qua mấy hôm, người nhà họ Đới đưa tin báo tang về quê nhà ở Hồ Châu, mọi người mới phát hiện, ngày Đới tiên sinh tạ thế lại đúng ngay cái đêm người trông coi miếu Thành hoàng nơi này nằm mộng thấy mình tiếp đón Thần Thành hoàng mới. Đây là sự trùng khớp giữa dương thế và âm gian, hơn nữa còn được nghiệm chứng qua lại giữa hai bên. 

Đới tiên sinh một đời chính trực vô tư, sau khi tạ thế đã trở thành Thần Thành Hoàng bảo vệ quê làng, điều này cũng hoàn toàn hợp lý, không gì phải lấy làm lạ cả. 

Làm người công đạo, tạ thế được phong Thành hoàng

Năm Quý Mùi dưới thời vua Càn Long triều Thanh (năm 1763), miếu Thành hoàng vùng Hợp Phì được xây dựng, vào đêm trước ngày khánh thành đã phát sinh một chuyện kỳ quái. 

Khi ấy đúng vào đêm Từ Thiệu Lão tiên sinh – huyện lệnh Thư Thành, An Huy, đang trên đường trở về sau khi đã xử lý xong công vụ ở Hợp Phì, bỗng từ xa trông thấy một đoàn người ngựa mang theo nghi trượng rất long trọng, từ phía thành Hợp Phì đi ra, trên chiếc đèn lồng lớn có viết mấy chữ trông như ‘Hợp Phì tể’, tức là người chủ quản của Hợp Phì. Từ Thiệu Lão vừa trông thấy, liền nghĩ đây chẳng phải là nghi trượng dành cho quan lớn sao? Ông bèn lệnh cho sai dịch nhanh chóng đuổi kịp để gửi lời chào hỏi.

Sai dịch tuân lệnh, vội vã đuổi theo đoàn nghi trượng trước mặt. Thế nhưng, nhóm người này cứ lúc xa lúc gần, không cách nào đuổi kịp được. Sai dịch đuổi theo được mười mấy dặm thì thấy đội nghi trượng này tiến vào một gia đình nông thôn, rồi không thấy tăm hơi đâu nữa. Thấy quá lạ, sai dịch tức khắc chạy đến nhà thôn dân nọ, chợt nghe thấy tiếng khóc nức nở từ trong nhà vọng ra. Hỏi thăm mới biết ông cụ nhà này vừa mới mất. Người mất họ Vương, năm nay ngoài 70 tuổi, bản tính cương trực, hành xử công minh, là một đại thiện nhân. 

Trước khi qua đời, ông cụ từng có một giấc mộng, sau khi tỉnh lại liền gọi người nhà đến nói: “Trong mơ ta thấy mình đi xuống âm gian, gặp được Diêm Vương. Diêm Vương bảo ta rằng những việc thiện ta làm sớm đã được Trời cao biết đến, hiện dương thọ của ta đã hết, thiên thượng phong cho ta làm Thần Thành hoàng của vùng Hợp Phì này”. Ông cụ nói xong mấy lời này không lâu thì qua đời. Trước khi mất, ông không phải chịu bất cứ bệnh tật gì, ra đi rất bình thản, không một chút thống khổ. 

Sai dịch trở về đem toàn bộ sự việc báo lại cho Từ Thiệu Lão nghe. Khi đó, Từ Thiệu Lão mới biết đoàn người mà mình trông thấy khi nãy không phải là đội nghi trượng của quan lớn ở dương gian, mà là đội nghi trượng đến nghênh đón vị Thần Thành hoàng mới.

Sinh mệnh của con người không phải chỉ có một đời, tất cả những việc thiện – ác mà con người đã làm đều sẽ có nhân quả tương ứng. Những người lương thiện, đạo đức cao thượng sau khi tạ thế, sinh mệnh của họ sẽ có được sự thăng hoa, Vương lão nhân trong câu chuyện này chính là một trường hợp điển hình cho điều này.

Trường Lạc.

Tin bài liên quan