Có được 3 loại khí phách này, bạn sẽ một đời thuận lợi

“Người có thể gặp may mắn tất có phúc tướng”. Nếu bạn có được 3 loại khí phách này, mọi thứ trong đời sẽ đều tốt đẹp...

Mạnh Tử từng nói: “Khí hạo nhiên là thứ quang minh chính đại nhất, mạnh mẽ vững vàng nhất”. Khi một người có tính khí ngay chính thì những biểu hiện của người đó sẽ tràn đầy khí phách ôn hòa tươi sáng. Vậy thì làm sao người này lại không có phúc khí cho được?

1. Khí chất đoan chính, đôn hậu và cẩn trọng

Một số người có tướng mạo trông có vẻ đàng hoàng nhưng lại không phải là người có khí chất đoan chính, trong tâm chứa đầy mưu kế nham hiểm và không có chút khí chất độ lượng bao dung nào.

Cũng có một số người trông bề ngoài, họ có tướng mạo bình thường nhưng lại biểu hiện ra khí chất đoan chính mạnh mẽ, có lễ tiết, đối nhân xử thế bình ổn và bao dung. Người như vậy ắt hẳn sẽ được giao những trọng trách quan trọng. 

Để làm ông chủ hoặc người lãnh đạo, một người cần phải có được khí chất đoan chính, đôn hậu và cẩn trọng. Có như thế, người đó mới có thể an định bố cục, thận trọng từng bước đi, và gặt hái thành công. 

Là một người đức cao vọng trọng, anh ta sẽ không phô trương lộ liễu mà đối xử với mọi người một cách bình thản, làm việc biết được nặng nhẹ, biết cân nhắc đến đại cục. Người như vậy sao có thể không có phúc khí chứ? 

Ổn trọng và biết nặng nhẹ, cả hai có một điểm chung, đó chính là “hậu trọng” (vừa dày vừa nặng). Mà “hậu trọng” lại có liên quan mật thiết với “Đại địa” (đất rộng). Người xưa từng nói: “Địa thế khôn, quân tử dùng hậu đức tải vật”. Đức dày giống như “Đại địa” mới có thể mang vác vạn vật, thuận theo quy luật tự nhiên, vừa có thể làm lợi cho người vừa đem đến lợi ích cho mình. 

2. Có mực thước, phong thái và cái nhìn sâu rộng

Người có cái nhìn thiển cận thường sẽ hôm nay tính toán chi li, ngày mai vướng mắc chuyện nhà chuyện cửa. Như thế, về cơ bản thì người này chỉ là một người thường, cho dù tứ chi tất bật cũng không làm nên việc gì. Còn người có kiến thức sâu rộng sẽ có ý chí rộng mở, bao dung người khác, còn có thể thuận theo đạo mà hành, cuối cùng đạt được ung dung tự tại, thản đãng tự nhiên. 

Lão Tử từng nói: “Đôn hề kỳ nhược phác, khoáng hề kỳ nhược cốc”, tạm dịch: “Mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt; khoáng đãng như hang núi”.

Đây cũng là một loại biểu hiện của khiêm tốn. Cái đức khiêm tốn ấy cũng chính là một loại khí chất của con người. 

Có khả năng tiếp nhận những đề xuất hữu hiệu đồng thời nghe lọt những lời góp ý của người khác để nhìn ra thiếu sót của mình, ứng xử khiêm cung với mọi người, làm việc cẩn trọng ổn định, không nóng vội hấp tấp, đây chính là người có năng lực nhẫn nhịn rất lớn. 

Đối với những người bình thường, vừa muốn có nhiều tiền lại muốn được hạnh phúc, vậy thì người này cần phải mở rộng tầm nhìn, mở rộng cảnh giới nội tâm, để cho đôi mắt nhìn thế giới được thoáng rộng hơn nữa. 

Ếch ngồi đáy giếng, đôi mắt nó dù mở to cũng chỉ nhìn được một khoảng không hạn hẹp. Còn con đại bàng bay lượn qua non cao nước biếc, thứ nó nhìn thấy là trời đất bao la rộng lớn. 

Do vậy, làm người nên biết nhìn lên và nhìn xuống để biết được vị thế của mình. 

3. Có nguyên tắc và có một tấm lòng nhẫn nại son sắt

Một người có bộ mặt gian trá, làm việc không từ thủ đoạn, người này sẽ không tồn tại được lâu dài. Ngược lại, nếu một người có được tấm lòng nhẫn nại son sắt, làm việc có nguyên tắc thì chắc chắn sẽ đạt được hạnh phúc trong cuộc sống thường nhật.

Trong cuộc sống hiện đại, hầu như mọi người đều quên mất hai từ “nguyên tắc”, và sống như một con rối bị giật dây. 

Dối trá có thể mang lại cho con người những lợi ích nhất thời, nhưng hậu quả lại khiến cả đời người đó phải hoàn trả. “Tấm lòng son” có thể khiến một người gặp thất bại tạm thời nhưng lại có thể mang đến một đời an ổn. 

Tại sao Mạnh Tử lại nói “Tính tình cương trực”? Bởi vì ông biết rằng, tại thế gian con người có tồn tại chính đạo, mà bản thân chính đạo lại là “khí tức” quang minh. Một người nếu như có được tính tình cương trực và tấm lòng nhẫn nại son sắt thì người đó chính là đang dung hợp với đạo. 

Ngày nay, nhiều người không tin vào “thiện lương”, họ nghĩ rằng làm một người lương thiện sẽ dễ bị bắt nạt. Tuy nhiên, trên đời này còn một đạo lý: “người thiện người dối, trời không gạt; kẻ ác ắt có ác nhân diệt”. 

Người tốt có thể bị ức hiếp, nhưng cuối cùng họ sẽ được trời cao bù đắp cho. Còn kẻ bất thiện thì đến cuối cùng sẽ nhận được quả đắng, hết thảy mọi sự trên đời đều có nhân quả. Gieo nhân nào thì gặt quả đó.

San San biên dịch.

Tin bài liên quan