Cùng một nghịch cảnh, hai số phận khác nhau, chỉ bởi hơn kém một chữ này

Phật gia giảng rằng mang tấm thân người này tức là chịu khổ. Ngoài nỗi khổ vì sinh, lão, bệnh, tử; lại còn có nỗi khổ chia ly, bất đắc chí, những hàm oan không biết tỏ cùng ai. Trầm trong biển khổ và tự hủy diệt chính mình, hay có thể thăng hoa, như hoa sen vươn tấm thân trong trắng giữa bùn lầy, điều đó phụ thuộc vào cách con người lý giải và đối diện với kiếp nạn. Cùng một nghịch cảnh, hai số phận khác nhau, chỉ bởi hơn kém một chữ này!

1. Câu chuyện thứ nhất

Nàng Vũ Nương, quê ở Nam Xương là người có dung hạnh vẹn toàn. Chồng là Trương Sinh tính tình hay ghen, Vũ Nương sắp đến kì sinh nở thì chồng bị gọi đi lính.

Ở nhà, Vũ Nương sinh con và chăm nom mẹ chồng rất mực chu đáo. Vì nhớ thương con, mẹ chồng nàng ngày càng ốm nặng rồi mất, nàng lo liệu tang lễ cho mẹ chồng chu đáo như với cha mẹ đẻ mình. Để đỡ nhớ chồng, nàng hay đùa với con bằng cách chỉ cái bóng của mình lên vách và nói với con đó là cha Đản.

Từ xa trường trở về, Trương Sinh đau buồn ra thăm mộ mẹ, bế Đản theo. Ra đến đồng, đứa trẻ quấy khóc và bảo Trương không phải là cha Đản, cha Đản đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả. Vì tính ghen tuông mù quáng, Trương Sinh đã đánh mắng Vũ nương rồi đuổi nàng đi, dù cho hàng xóm khuyên ngăn. Không thể thanh minh được, Vũ Nương đã trẫm mình xuống dòng sông Hoàng Giang, để lấy cái chết minh oan cho mình.

Một buổi tối, Đản chỉ vào cái bóng trên tường và nói “Đấy cha Đản lại đến kia kìa”. Trương Sinh ân hận vô cùng, nhưng Vũ Nương đã thành người thiên cổ.

2. Câu chuyện thứ hai

Nàng Thị Kính, con gái nhà họ Mãng ở vùng Cao Ly, là người tài sắc nết na lại hiếu thảo hết lòng. Nàng được gả cho chàng Thiện Sỹ đẹp trai, ham học.

Một đêm, Thiện Sỹ ngồi đọc sách, bỗng thấy mệt mỏi, bèn ngả lưng thiếp ngủ. Thị Kính thương chồng học mệt nên lặng yên cho chồng ngủ. Chợt thấy ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược, sẵn con dao cắt chỉ trong thúng khảo đựng đồ may, nàng liền cầm lên định tỉa sợi râu cho chồng. Bỗng Thiện Sỹ choàng tỉnh, tưởng vợ có bụng hại mình, liền la lên, không chịu nghe vợ giải thích. Ông bà Sùng chạy lại, nghe con trai kể thì tin ngay, khăng khăng cho rằng Thị Kính mưu sát chồng.

Họ lập tức cho mời ông bà họ Mãng sang trách móc và trả lại con. Thị Kính đành cắn răng chịu oan rời nhà họ.

Sau đó, Thị Kính cải trang thành nam nhi và trốn nhà đi tu ở chùa Vân Tự, nay là Chùa Dâu thuộc Bắc Ninh. Nhà chùa đặt pháp danh là Tiểu Kính Tâm. Từ đó Kính Tâm nương náu cửa thiền, lòng vui với Đạo.

Gần chùa Vân có ả Thị Mầu là con gái của một phú ông, vốn tính lẳng lơ đa tình. Cô này lên chùa thấy Tiểu Kính Tâm liền đem lòng si mê. Thị Mầu nhiều lần trêu ghẹo, nhưng Tiểu Kính Tâm trước sau không lay chuyển. Về sau, Thị Mầu cố ý có mang với người đầy tớ của cha mình là chàng Nô, nhưng lại khai với làng là con của Tiểu Kính Tâm.

Kính Tâm không biết biện bạch ra sao để gỡ mối oan này nên đành cam chịu bị đánh đập tàn nhẫn. Sư cụ dù thương xót Kính Tâm nhưng cũng phải để Kính Tâm ra ở mái Tam Quan chứ không được ở trong chùa nữa.

Đủ ngày đủ tháng, Thị Mầu sinh một đứa con trai. Phú ông bắt thị Mầu đem đứa bé trả cho cha là Kính Tâm. Kính Tâm khi ấy đang tụng kinh, thấy tiếng trẻ khóc, nhìn ra thì thấy Thị Mầu đem con bỏ đó rồi đi. Động lòng từ bi, Kính Tâm ra ẵm lấy đứa bé và chăm lo nuôi nấng hết lòng. Thế là từ đó, người ta thấy Kính Tâm bế đứa bé đi xin sữa ở đầu làng cuối xóm, chịu bao nhiêu tiếng cười chê.

Sau 3 năm, đứa bé đã khôn lớn, Phật thấy Kính Tâm đã thực sự vượt qua thử thách, liền chứng cho bà quả vị Bồ Tát. Trước khi nhập niết bàn trở về Thiên quốc, Kính Tâm viết một bức thư để lại. Khi xem thư và khâm liệm thi hài, người ta mới biết rằng Kính Tâm là phụ nữ. Những oan khuất lâu nay của bà được sáng tỏ.

3. Có thể nhẫn chịu thống khổ thì mới cập tới bờ hạnh phúc

Nỗi oan của nàng Vũ Nương và nỗi oan của Thị Kính, có thể nói là một chín một mười. Vũ Nương không chịu nổi tiếng oan mà tự vẫn, còn Thị Kính nhẫn nhục sống tiếp, chịu hết nỗi oan này đến nỗi oan khác, trong khi không ngừng nuôi dưỡng ý chí và lòng từ bi.

Đó là vì, Thị Kính có chữ “Nhẫn” mà người thường không có.

Nhẫn không chỉ là thể hiện ở sự nhượng bộ, mà còn thể hiện ở chỗ khi bị lăng nhục vẫn có thể chịu nhận mà không động tâm. Cấu tạo chữ Nhẫn trong tiếng Trung Quốc (忍) đã biểu đạt được điều này. Bên trên của Nhẫn (忍) là chữ đao (刀) và còn thêm một điểm để biểu thị sự sắc bén của vết đao, bên dưới của Nhẫn (忍) lã chữ Tâm (心).

Dùng một đao sắc bén đâm vào trái tim thì đương nhiên là đau. Người bình thường bị như vậy phải đau đớn quằn quại, lăn qua lăn lại trên mặt đất. Nhưng chữ Tâm ở bên dưới chữ Nhẫn kia vẫn đứng vững yên tĩnh. Biểu hiện không động tâm này chính là hình ảnh lột tả được nội hàm của Nhẫn.

Hàn Tín chịu nhục chui háng, sau này thành đại tướng quân của Lưu Bang. Có thể nhẫn nhục không phải là nhu nhược mà là khí phách, có nhẫn mới làm nên việc lớn.

Thuở nhỏ Hàn Tín chịu nhục chui háng, sau này thành đại tướng quân của Lưu Bang. Có thể nhẫn nhục không phải là nhu nhược mà là khí phách, có nhẫn mới làm nên việc lớn.

Tử Hư Nguyên Quân nói:

Bỏ qua, bỏ qua, bỏ qua, các chủng các dạng tai họa bỗng chốc biến mất; Nhường nhịn, nhường nhịn, nhường nhịn, chủ nợ và kẻ thù từ đó không còn.

Nhẫn chịu thống khổ, tất có hậu phúc.

Thanh Ngọc.

Tin bài liên quan